Một cách ngắn gọn: người dùng li bia hình thể cong uống bia nhanh hơn (và nhiều hơn) người dùng li bia hình thẳng. Nhưng phương pháp thí nghiệm của họ mới là đáng học.
Tại sao có nghiên cứu này? Lí do là vì uống bia thái quá có hại cho sức
khoẻ. Có lẽ điều này thì không ai phản bác. Nhưng cũng cần mở ngoặc ở đây rằng
uống bia với liều lượng vừa đủ thì có thể có lợi cho sức khoẻ. Tuy không có
định nghĩa chuẩn, nhưng “vừa đủ” ở đây có nghĩa [hay thường được hiểu] là 1 lon
bia hay 1 li bia mỗi ngày. Trong xã hội tự do, không ai có quyền cấm người ta
uống bia, càng không có quyền đo lường xem họ uống bao nhiêu. Do đó, vấn đề đặt
ra là có biện pháp can thiệp gián tiếp nào để hạn chế những người có thói quen
uống bia thái quá.
Để tìm một biện pháp hữu hiệu, cần phải biết yếu tố nào ảnh hưởng đến thói
quen uống bia. Đã từ lâu, giới xã hội học biết rằng lượng bia tiêu thụ có liên
quan đến các yếu tố kinh tế và môi trường. Trong thời kì giá bia tăng thì lượng
tiêu thụ bia giảm. Ở Anh người ta ước tính rằng nếu giá bia tăng 10% thì lượng
bia tiêu thụ giảm khoảng 5%. Ngoài ra, trong môi trường nhậu nhẹt, người ta
uống bia nhiều hơn trong môi trường trịnh trọng hơn như đám cưới. Các nhà
nghiên cứu đặt giả thuyết rằng hình thể li bia cũng có thể ảnh hưởng đến liều
lượng uống bia.
Để kiểm định giả thuyết này, họ tiến hành một thí nghiệm xã hội theo mô
hình giai thừa (factorial design). Họ tuyển 160 tình nguyện viên, và chia thành
8 nhóm, theo đó, họ được yêu cầu uống 6 hoặc 12 oz lager hoặc không có lager,
bằng 2 loại li: loại li có eo, và li thẳng (suông). Dĩ nhiên, hai loại li này
có cùng thể tích. Mỗi nhóm có 20 đối tượng. Tôi hình dung ra thí nghiệm chia
nhóm như sau:
Loại nước uống
|
Li có eo
|
Li thẳng suông (không eo)
|
||
6 oz
|
12 oz
|
6 oz
|
12 oz
|
|
Uống bia lager
|
20
|
20
|
20
|
20
|
Uống bia không có lager
|
20
|
20
|
20
|
20
|
Chú thích: 1 oz bằng 29.57 ml. Do đó, 6 oz = 177 ml; 12 oz = 354 ml
(tức 1 lon bia).
Đối tượng được cho uống bia khoảng 20 phút, trong thời gian 12 giờ trưa đến
6 giờ chiều. Khi đối tượng uống bia thì có máy video thu hình.
Li bia phải (li thẳng) làm cho dân uống bia uống chậm hơn li bên trái
Kết quả cho thấy nhóm uống bia với li có hình eo có tốc độ uống nhanh hơn
so với nhóm uống li thẳng. Thời gian uống hết một li bia có eo là
khoảng 7.5 phút, so với 11 phút của nhóm uống bia với li thẳng. Còn
nhóm uống nước không có lager thì không có sự khác biệt về thời gian uống giữa
hai loại li.
Thời gian uống hết bia (12 oz) hoặc nước ngọt. Thanh màu đen thể hiện nhóm
uống bia với li có eo, thanh màu xám nhạt là nhóm uống với li bia thằng
suông.
Tại sao uống li cong chậm hơn li thẳng? Rất khó có câu trả lời đặc hiệu cho
sự khác biệt này, nhưng các nhà nghiên cứu (tâm lí học) lí giải rằng với li
cong, người uống bia sẽ khó ước tính khi nào là đến nửa li, nên họ phải uống
nhiều hơn để đoán rằng mình đã qua nửa chặn đường li!
Các công ti bia hình như đã biết được bí quyết này. Thật vậy, nhiều công ti
như Stella Artois, Heineken, Guinness, Pilsner, Amstel, Smirnoff,
Carlsberg, Carling và Jameson's whiskey, v.v. đã dùng li bia có vòng eo để chào
hàng bấy lâu nay.
Kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa đến việc kiểm soát lượng tiêu thụ bia.
Nếu các cơ quan chức trách không kiểm soát bằng thuế hay giá cả, thì họ có thể
kiểm soát bằng cách yêu cầu các công ti bia rượu chỉ sản xuất li bia thẳng.
Nhưng ngay cả yêu cầu này cũng khó khả thi vì không có lí do hay luật phát nào
buộc các công ti phải làm như thế. Nhưng ở mức độ cá nhân, nếu muốn giảm liều
lượng bia, chúng ta có thể chọn li thẳng.
Công trình này có ý nghĩa đến Việt Nam. Việt Nam là một trong 25 nước uống
bia nhiều nhất thế giới. Theo điều tra thị trường của Viện Kirin (2011), năm
2009 Việt Nam tiêu thụ 2123 tỉ lít bia, đến năm 2010 con số này là 2441 tỉ lít
(tăng 15%). Với lượng tiêu thụ này, Việt Nam đứng hạng 13 trên thế giới (Trung
Quốc đứng hạng 1). Nếu như nghiên cứu này đúng thì một cách có thể (chỉ “có
thể” thôi) giảm tiêu thụ bia là cho giới uống bia dùng li thẳng.
Tham khảo:
Attwood AS, Scott-Samuel NE, Stothart G, Munafò MR (2012) Glass Shape
Influences Consumption Rate for Alcoholic Beverages. PLoS ONE 7(8): e43007.
doi:10.1371/journal.pone.0043007
Nguyễn Văn Tuấn - nguyenvantuan.net