11/2/13

Một nông dân "siêu nguyên chủng"


Những con người trong dòng chảy phát triển như những tia nắng sớm báo hiệu cho một ngày mới, Con người ngày mới của phát triển bền vững. họ đã chọn một hướng đi, những giá trị đầy hứa hẹn.
Tám Công mà bỏ nghề nông sang làm nghề tấu hài thì cỡ
Hoài Linh cũng phải khó sống đi một chút. Năm nay, quy mô sản xuất của Tám Công giảm xuống, không phải vì kinh tế thiên hạ đang bĩ cực, mà vì "làm nữa đếm tiền không hết, lại nuôi thêm bọn bác sĩ, tội gì!"
Tám Công có vẻ tức tối vì thiếu một chính sách để giúp gia giá trị cây lúa, đem lại cho nông dân nhiều lợi tức hơn. Ảnh: Trung Dũng

Tám Công là một kiểu nông dân rặt, nông dân "siêu nguyên chủng". Làm đủ giàu không thèm làm nữa.
Ông thầy nông miệt vườn
Ba Đực xuất hiện ở nhà Tám Công với khuôn mặt rầu rĩ: "Hổng hiểu sao mấy vụ rồi cứ thất hoài anh Tám ơi. Cứ nghĩ sạ nhanh, không phải giặm vậy mà giặm cực thấy mồ. Đợt này tính qua anh mua mạ và mướn cấy đây". Lão nông ở ấp Vĩnh Hoà nhẩm tính 1m2 lúa sạ mà không được 250 bông lúa, chỉ tính phân bón đầu tư mà cái thất bát nghề lúa đã hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ.
Tám Công cười, nói nửa đùa nửa thật: "Mua giống của tui, mướn tui cấy, vụ này trúng nhớ chia phần nghe anh Ba". Sau 15 phút được tư vấn từ giống đến làm đất, phân bón… khuôn mặt Ba Đực đã giãn ra với nụ cười. Khi viết biên nhận xong, Tám Công lật mặt sau tờ giấy, biên kín những thông tin mình vừa nói theo kiểu hướng dẫn sử dụng rồi dặn dò thêm: "Có gì thì cứ gọi tui, sợ hết tiền nhá máy thì tui gọi lại".
Tiễn khách xong, Tám Công lại cười: "Khó họ tìm đến tui, tui thì cứ lai rai đếm tiền, thế là sướng". Ở xứ Châu Thành, Long An này, Tám Công hốt bạc trong nghề bán mạ, mộng và lúa giống và đội ngũ cấy mướn lên tới hơn trăm người...
Kiểu làm ăn của Tám Công là một điển hình gia giá trị vào hạt lúa, biến nó từ lúa thịt 7.000 đồng/kg thành lúa giống 14.000 đồng/kg. Biến nó thành mạ thì giá càng cao hơn – 25.000 đồng. Biến nó thành mạ được cấy tại ruộng giá lại cao hơn một tầng nữa, mà còn giải quyết được công ăn việc làm cho mấy trăm thợ cấy.
Nói Tám Công là nông dân rặt, vì chấp nhận sản xuất tiểu ngạch, không mở rộng lên thành công ty. Ông cười ha hả nói: "Nhưng mỗi năm tui đều bỏ ra hàng trăm triệu đóng góp cho xã hội. Tui nói giỡn với mấy cha ở xã, cứ hăm lăm triệu một cái bằng khen nghe. Tới nay tiền thì xuất đủ mà xã còn thiếu hai bằng khen…"
Càng rặt hơn nữa là việc săn giống của ông. Thay vì mua giống mới phải trả tiền tác quyền 10 – 20 tỉ đồng, ông chơi "đồ cổ". "Đồ cổ" mà Tám Công đề cập là những giống lúa cũ, từng vang bóng một thời như nếp OM 84, nếp IR 4625, Miền Tây Lúa 110, OM 576… Lúc này, anh nông dân cảm nhận được lợi thế của những mối quan hệ với những nhà khoa học, các viện trường, mà một thời lang bạt anh từng hợp tác. "Tiến sĩ quanh đây đầy, hú một cái là có, nếu tiền bạc sòng phẳng", Tám Công nói. Với giống nếp OM 84, loại nếp đặc sản được biết đến với tên nếp bè, trứng ngỗng, nếp sáp… Tám Công bỏ ra 150 triệu đồng phục tráng và đàng hoàng được đứng tên và sản xuất.
Không có tiền xây xi lô trữ lúa 36 tháng như các công ty lớn, Tám Công đánh du kích, nghĩa là chỉ trữ giống cho sáu tháng. Rồi lại tiếp tục lôi lúa siêu nguyên chủng trong cái kho lạnh mini ra nhân tiếp.
Tám Công tính toán: "Diện tích trồng nếp ở Châu Thành Long An, Châu Thành Tiền Giang, Chợ Gạo khoảng 150.000ha, chỉ cần cung cấp cho khoảng 20% mạ, nếp giống ở mấy chỗ đó là đếm tiền không kịp..."
Tấu hài bán hàng
Tám Công tên thật là Nguyễn Thành Công, từng làm chủ tịch xã. Năm 1999, nghỉ làm quan với "bằng khen một núi mà có ăn được đâu", nhà có 5 công đất cũng chả mong khá lên được, Tám Công quyết chí tìm công việc mới. Lóc cóc đạp xe đạp xuống Cần Thơ, gặp gỡ bao nhiêu người, vậy mà công việc tìm đến anh lại là chân tiếp thị bán hàng.
Thời điểm đó, công ty Yogen Mitsui Vina chuyên về phân bón của Nhật đang muốn đưa một sản phẩm mới vào thị trường. Cái tính nhanh miệng, hài hước và rặt Nam bộ của Tám Công đã kéo được khách hàng và những hợp đồng đầu tiên. Doanh số bán hàng ngày càng tăng và Tám Công được làm tổng đại lý phân bón cho công ty này ở đồng bằng sông Cửu Long. Một số phận tốt hơn nhiều chờ đón Tám Công nếu tiếp tục công việc ấy, vậy mà anh lại quay về với thửa ruộng mảnh vườn…
Số tiền bỏ ra thời điểm ấy là gần 6 triệu đồng gồm in tài liệu, tiền ăn cho một buổi tập huấn không bình thường là nghe Tám Công trình bày kế hoạch làm ăn của mình. Đội cấy thuê, đó là ý tưởng được nêu ra và khiến nhiều người ngần ngại. Bấy giờ, nhà nông vẫn đang thịnh hành sạ lúa vì nhanh.
Cấy đã thành thuật ngữ cổ lỗ sĩ khi trên đồng ruộng đã mang hơi hướm cơ giới hoá. Vậy là thuyết phục, từ những điều có thể kiểm chứng là nạn ốc bươu vàng xơi tái lúa mầm, sạ không đều phải đi giặm; đến những số liệu đánh bật thắc mắc của người nông dân: "Tui nói thiệt bụng, tiêu chuẩn là 1m2 là 350 bông lúa, bà con làm sạ, nếu đếm đủ chừng ấy bông tui thưởng thêm tiền". Rồi nhiều người theo, rồi phương thức sản xuất bắt đầu có sự dịch chuyển từ sạ sang cấy. Rồi những cuộc tập huấn, hướng dẫn đội cấy tổ chức ngày càng nhặt kỳ hơn. "Thấy tui chỉ cách cấy cải tiến, cấy ngửa tay nhanh hơn cấy quẹt họ cứ nghĩ xa lạ lắm nhưng thực tế đã có từ lâu đời, tui chỉ hơn họ là tui đi nhiều, thấy nhiều, đọc nhiều. Kiểu cấy này là tui học ông Lương Định Của".
Hiệu quả thì thấy rõ: nếu cấy quẹt 1 công, bốn người cấy phải mất một ngày, trong khi cấy ngửa tay 1,2 công một người cấy mất một ngày. Để nuôi đội cấy 160 người, chia làm mười nhóm, Tám Công trả cho họ 7 – 10kg gạo/mẫu đất, tiền bảo hiểm tai nạn và tiền công cứ 1m2 là 250 đồng. Còn để nuôi mối quan hệ làm ăn với nông dân, dịch vụ trọn gói ba năm mới đổi giá bởi tất cả chi phí ông đã tính toán kỹ cho từng ấy thời gian. "Nông dân có giàu thì mình mới giàu được, tui nuôi họ bằng chữ tín. Ngoài cung cấp giống và dịch vụ cấy, tui bao tiêu cho họ sản phẩm. Lỡ họ thất quá thì phụ cho họ phân bón. Nếu khi có lãi thì trích ra tặng họ thuốc bảo vệ thực vật, bình xịt. Nuôi họ cũng là nuôi mình. Cũng nhờ sống tình nghĩa nên cứ tới vụ là họ lại gọi tui..."
Gia giá trị
Những công nhân trong đội cấy 
của Tám Công. Ảnh: Trần Việt Đức
Tám Công trở lại với câu chuyện về một hãng mì ăn liền vừa mới gặp ông, đàm phán về dự án làm gạo an toàn, và bảo đảm xuất xứ nguyên liệu.
Nhơn vụ này, Tám Công lại chửi đổng: "Mấy thằng cha hô nông dân trồng lúa 504 là thất sách, có bọn nó ngu thì có".
Chỉ có 504 và Miền Tây Lúa 110 trồng đại trà mới làm bún, bánh tráng, mì được. "Thằng cha hãng mì nghe nói đến Miền Tây Lúa 110 mừng gần chết", Tám Công nổ. Nhưng chuyện "bảo hộ" cho lượng lúa của hãng mì chỉ kiếm được 200 – 300 đồng/kg, làm ông không mấy hứng thú. Nông dân phải được hưởng nhiều hơn. Ông đặt vấn đề: "Một ký mì gói họ bán bao nhiêu, một kí bún bán bao nhiêu, một kí bánh tráng bao nhiêu, mà gạo thì có 11.000 đồng".
Tám Công có vẻ tức tối vì thiếu một chính sách để giúp gia giá trị cây lúa, đem lại cho nông dân nhiều lợi tức hơn. Điều làm Tám Công đau đáu đó là làm sao phát huy hết giá trị của cây lúa: "Chưa xứ nào mang tiền đi đốt cả, ta thì có, rơm rạ đó là tiền". Nói rồi lại nhẩm tính, lúa mình bán nhiều mà không lãi là do không biết làm thương hiệu, không có đầu ra ổn định, vẫn chủ yếu là xuất thô. Rồi quay qua chuyện rơm rạ: "Nhu cầu sử dụng rơm rất cao, cứ tính 28.000 đồng/kg, vậy mà mình đốt hoặc bán với giá rất thấp. Cứ tính mình có 1 triệu mẫu rơm, giá 6 triệu đồng/mẫu rơm, một vụ thu khoảng 120 tỉ đồng, vậy mà mình chưa khai thác hết chuỗi giá trị cây lúa".
Tám Công tiếp tục: "Thời buổi này tiếp cận khoa học kỹ thuật không khó như trước, tiến sĩ nằm kế bên tay, hợp đồng làm ăn cũng nằm kế bên tay, có tận dụng hết giá trị cây lúa thì dân mới thoát nghèo được. Đứng đầu thế giới về xuất khẩu lúa mà dân trồng lúa vẫn nghèo là rất mâu thuẫn". Mong ước của Tám Công là có nhiều người như mình, mướn Nhà nước nấu cơm (nấu cơm điện), mướn Nhà nước quạt (máy lạnh và quạt điện) và đếm tiền. Bởi có như vậy thì sẽ nhiều người góp tay, bỏ tiền túi nâng cấp đường cho ấp xã, làm cầu cho dân, đầu tư đường điện miễn phí cho khu di tích gần nhà...
Trung Dũng - sgtt.vn