10/2/13

Tết năm ấy


Cái đêm giao thừa năm hòa bình đầu tiên - khác với những đêm giao thừa Hà Nội bị tạm chiến, cũng như đêm giao thừa ở Sài Gòn, đêm giao thừa thiết quân luật nằm trong chống không và nòng súng, không một bóng người. Đêm giao thừa giải phóng đầu tiên.

Nhà văn Tô Hoài. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Tết năm ấy tôi có việc đến thành phố cửa bể từ Hải Phòng hay Phúc Kiến đến những đô thị nửa già nửa trẻ sáng bạch neon bên kia biển Đông, ven Ấn Độ hay khuất nẻo quanh Châu Đại Dương bây giờ, Colombo, Rang gun, Giacacta... không có gì xa lạ và mỗi nơi ấy, lịch sử và tâm tư của những dân tộc, cuộc sống Châu Á đã đổi thay từng ngày.
Tôi nghĩ về mỗi chuyến tàu buôn người ngày trước tải lính người Việt sang Tây, phu người Việt đi Tân thế giới đã qua cửa bể này: Bài vè của người ra đi thở than hành trình: Bu mày ơi! Từ ngày a xa đất Hải Phòng... Nửa tháng thì đến Gia-Pa... Bu mày ơi! Và đâu nên nông nỗi...
Bây giờ, không còn thời của bạn rửng mỡ đứng cầu tàu ném tiền xuống nước để xem người bản xứ tranh nhau đánh nhau mò tìm. Người Châu Á đã đứng dậy. Đi xa thì kỷ niệm thường đậm nét hơn.
Ở Hà Nội ta chẳng chú ý đến quang cảnh một cửa hàng, một cơ quan, một nhà máy, một xưởng thủ công vào giờ nghỉ hoặc đổi ca, người người tấp nập ra về. Ở đây chỉ thấy có nam giới đi lúc tầm tan việc là thấm thía những đổi mới ở quê nhà. Phụ nữ đây chưa giải phóng. Chẳng những thế, còn những cô gái điếm quần hồng ống tuýp đi kiếm ăn. Con mắt thâm quầng, chẳng biết vì mốt phải bôi mỡ thế hay tại các cô đã khóc nhiều.
Châu Á bây giờ tối và sáng đương giằng xé dữ dội. Con người đương vượt lên. Cả ở Nhật, ở Mã Lai, người Philippin, người Đài Loan...
Đêm ấy các bạn đưa chúng tôi đến tiệm nhảy Mờ trăng. Tiệm nhảy Mờ trăng ban ngày lút vào những chàu thau, những núi thùng Tô-nô, cũng nhạc nhẽo, bụi bặm như cái cầu tàu và những mái xà lan chen rúc quanh đấy. Phải đợi đêm đến có tiếng nhạc “tắc xình”, dậm dựt thì chốn ăn chơi nọ mới bắt đầu nổi lên. Nhưng cũng phải vào tận nơi mới biết. Bởi vì, quãng cửa sông ấy về đêm thì công nhân khuân vác và thủy thủ, người làm tàu kéo lên, đi trong cơn gió nam thổi lẫn cả những vì sao lấp láy ngoài khơi lạc vào. Họ lên ăn uống suốt đêm, chén xong, quấn mền mỏng, đắp chiếu nằm la liệt mặt đê, sát xuống tận mép nước. Những thuyền đánh cá nước lợ, sóng đưa nhấp nhô vào quanh cái nhà bè sáng đèn.
Trên cảng cửa bể ấy, chỗ nào cũng sầm uất một quang cảnh đua chen sinh sống, cả ở chốn ăn chơi. Cái sàn nhảy giả gạch bằng nilong xanh nhẵn bóng giữa hàng cột ghép trúc. Nếu im đi những tiếng hát nỉ non trên cái phóng thanh người đàn bà trần một bên vai đương cầm tay đứng hát, những tiếng nhạc mà người ta vừa rú vừa gõ cái “bàn tính” Ma-ra-cát – một kiểu nhạc cụ Châu Phi, tất cả cứ rầm rầm xình xịch, xình xịch, lăn lộn quanh người, thì tưởng như tai ta vẫn nghe thầm lặng tiếng sóng mơn man bên lan can. Dưới kia, trong bóng tối chảy quanh đầu sông cửa biển cũng lênh đênh số phận biết mấy cô kiều này.
Ánh đèn diềm hé xuống, cái bè nổi như một con rùa khổng lồ. Chiếc thuyền đánh cá vào ngang mặt tôi. Bác chài da mờ cởi trần, chỉ có chiếc mũ vải trên cái chấm đỏ thuốc lá. Hai đứa bé đắp chiếu mỏng ngủ yên giữa khoang. Đằng lái, người vợ ngồi. Cũng ánh thuốc lá phập phèo thoáng rõ các khăn hoa đỏ quàng ngang hai vai trần. Sông nước và cuộc đời lao lực, thật tự nhiên và tự tin.
Nặn tò he ngày Tết ở công viên Hà Nội. Ảnh: Phương Liệt
Tôi đương cầm chiếc quạt xinh xinh, dải lụa thơm của cô gái nhảy. Nhưng chỗ nhài quạt thì hơi nhờn mồ hôi. Chao ôi, nỗi buồn những lụa là giả dối ấy chẳng phá được cái êm ả cỏn con của vợ chồng nhà chài kia. Nghĩ đến ban ngày ở đây, cái diềm đèn lòng thòng, cái bàn gỗ mốc thếch mà đêm đêm người ta phủ lên một chiếc khăn kim tuyến lóng lánh như một nghìn ông sao đậu xuống để làm đẹp cho cái dàn nhạc, cả nhạc cụ và cổ áo trong của người đánh nhạc. Người đánh nhạc chắc cũng vừa lộng lẫy vừa nhờn mồ hôi lưu cữu như cái nhài quạt nọ.
Cái chỗ ăn chơi, những vết ố, vết hoen trên tường trên lan can. Ở tiệm nhảy Mờ trăng hay tiệm Honolulu, Taketi, những Sen vàng, những Trăng sáng, những bán đảo chi đó, ở bất cứ nơi học đòi ăn chơi nào cũng thảm vậy thôi. Nghĩ thế, xót thương lạ lùng.
- Tên em là gì?
- Hạnh Hòa, anh ạ.
- Hiền quá.
- Còn có đứa hiền hơn nữa kia, anh ạ. Tên nó là Hạnh Hiền.
- Thế thì hiền thật!
Rồi từ lúc ấy, Hạnh Hòa ngồi im. Mãi sau mới khẽ bảo Tết này có còn ở đây thì đến chơi.
- Hạnh Hòa ạ, giờ này Hà Nội đang vui. Tất cả Thủ đô đều ra đường đi quanh hồ Hoàn Kiếm đón năm mới.
Hạnh Hòa tần ngần nói như nhắc lại:
- ... năm mới...
Và thế là mỗi chúng tôi đương náo nức những tâm hồn đất nước đêm 30 ở một góc trời Việt Nam. Chắc Hạnh Hòa đương mơ tưởng về Hải Phòng hay về Sài Gòn, về Hà Nội...
Chúng tôi đi bộ trên một quãng đường áp bóng những cây me gầy, cao, gió đưa lá lăn tăn lấp lánh ánh điện. Chúng tôi nói những chuyện quê nhà. Trong suy nghĩ mỗi người, hình ảnh kỷ niệm lộn xộn, trái ngược với quang cảnh con đường dài đương đi. Ở Hà Nội, ở Hải Phòng bây giờ ngày đông tháng giá ai nấy đụp áo bông hoa, khăn len choàng đầu. Vừa mở cửa sổ, mưa bay đã nhè nhẹ hắt vào.
Hạnh Hòa kể chuyện lúc bé ở cảng: Đêm 30, chị em đi nhặt pháo đem về đốt cho cửa nhà mình cũng có xác pháo. Nhưng sang sáng mồng 1 thì các em chỉ ngồi hé cửa ngó chừng. Những em bé không có quần áo mới, xấu hổ. Và mẹ đã dọa, nên chẳng dám bước ra. Sợ người năm mới đi cầu may, gặp đứa xấu xí thì bị dông cả năm.
Cái tăng-xi-to Sony nho nhỏ tiếng nhạc thong thả từ trời Hà Nội đón giao thừa thoảng đến. Tiếng nhạc ru người Hà Nội chơi xuân. Những người ngồi đây đương nghĩ đến miền Bắc ngào ngạt khói hương. Trong cánh đồng sương tỏa, tiếng chiêng bi li, tiếng trống rộn rã năm mới. Các cụ có màu áo kép lên chùa. Những đội sản xuất đi mừng tuổi nhau. Đồng chí cán bộ người làng đi công tác xa năm nay về ăn tết quê nhà, lên mừng tuổi ủy ban. Nhân dân cả nước đương mở đài đợi giao thừa Hà Nội, và chúng tôi đêm nay, biết đâu, cả những người Việt xa quê, đương ở Phnom-penh hay ở Ghi-nê, ở Nhật, ở Thái hay còn ở Tân Đảo, đêm nay hẳn đương náo nức đón giao thừa ở Hà Nội tới.
Tiếng pháo râm ran từ trong cái đài phát thanh bé nhỏ lúc này đương làm khung cửa sổ thiêng liêng mở cho mình nhìn thấy tổ quốc, có tiếng pháo giao thừa Hà Nội tưng bừng. Bỗng nhiên họ quên cả khách, cứ chụm đầu nghe tiếng pháo đốt từ Hà Nội. Khách lúc ấy không phải chỉ có tụi tôi. Mà cả mấy bà già, mấy chị, cháu bé các nhà bên cạnh lúc ấy cũng sang mừng lễ “quốc khánh” của nước Việt Nam – họ nghĩ thế, vui với các cô.
Tôi nhớ năm trước, tôi đến Căm pu chia, một lần cùng bạn đi thuyền, ghé vào xóm nhà bè Vàm Tấc trên cửa ngõ vào biển Hồ trước bến Kông-pông-chơ-năng. Người xóm chài đó đều quê dưới cầu vọt ngoài Ô Cấp lên biển Hồ trú ngụ đã hàng đời nay. Giữa nơi xa vời sông nước ấy, tôi trông thấy trong nhà bè mấy đứa em nhỏ chụm đầu nghe Đài tiếng nói Việt Nam dạy hát.
Tôi cũng đã thấy nét mặt đỏ nắng mỗi lúc một rạng rỡ lên của ba cụ đã tham gia phong trào nông dân Tiền Hải và khởi nghĩa Yên Bái, bị thực dân Pháp bắt cấm cố chung thân ở đảo Guy-an. Đi đầy hơn 500 người, nay còn sống sót có ba người. Các cụ, ve áo đeo huy hiệu Hồ Chủ tịch, bước xuống sân bay, hai cánh tay giơ lên, đương ôm cả trời đất quê hương vào trong tay mình.
Đêm nay, tôi lại thấy được tình quê. Những cuộc đời tăm tối, ngơ ngác và những tâm hồn sáng trong. Cho đến lúc ấy tôi không còn nhìn Hạnh Hòa như lần đầu tiên đến tiệm nhảy Mờ trăng, nhưng thật tôi cũng chưa thấy được hết những người ấy. Tiếng nhạc xuân đầm ấm trời Hà Nội, tràn đầy căn buồng nhỏ bé. Chúng tôi cũng tưởng như mình đang quây quần uống rượu, ăn bánh mừng xuân cùng Hà Nội. 
Hạnh Hòa hỏi đùa:
- Năm mới đã đến, các bạn chúc em xuất hành hướng nào?
- Hướng bắc, hướng bắc...
Hạnh Hiền kể cho chúng tôi biết Hạnh Hòa đã được tin em trai. Hạnh Hòa mừng lắm. Mấy tháng nay, chị đi làm, em thuê máy khâu, dành dụm. Định sang Giêng ta thì về, định thế.
Tôi phấn khởi, tôi xúc động, rồi đến lượt tôi kể các bạn nghe giao thừa Hà Nội. Cái đêm giao thừa năm hòa bình đầu tiên - khác với những đêm giao thừa Hà Nội bị tạm chiến, cũng như đêm giao thừa ở Sài Gòn, đêm giao thừa thiết quân luật nằm trong chống không và nòng súng, không một bóng người. Đêm giao thừa giải phóng đầu tiên.
Tô Hoài - laodong.com.vn