19/7/13

Biểu tượng sức mạnh công nghiệp Mỹ phá sản

Thành phố Detroit - Biểu tượng một thời cho sức mạnh công nghiệp Mỹ đã phải đối mặt với hàng thập kỷ khó khăn do sự sụt giảm kinh tế.
Ngày 18/7, Detroit đã nộp đơn xin bảo hộ trước các chủ nợ,
trong đó có nhiều viên chức của lĩnh vực công và các quỹ hưu trí.
Trung tâm sản xuất ô tô của thế giới đã trở nên trống rỗng khi cư dân và các doanh nghiệp đều chuyển về vùng ngoại ô. Hiện tại, đã có khoảng 70.000 bất động sản bị bỏ hoang.
Quá trình tái cơ cấu khoản nợ lớn nhất chưa từng có ở Mỹ này có thể sẽ kéo dài trong vài tháng do những vấn đề pháp lý, việc bán tài sản và cắt giảm lợi ích của người lao động và người về hưu.
Detroit không còn xa lạ gì nữa với phá sản khi vào năm 2009, hai công ty lớn nhất của thành phố này là Tập đoàn sản xuất ôtô General Motors (GM) và Chrysler Group đã phải nhờ vào gói cứu trợ 80 tỷ USD của liên bang để thoát khỏi phá sản.
Một góc thành phố Detroit, bang Michigan
Các chuyên gia cho rằng việc nộp đơn xin phá sản lần này của Detroit về cơ bản là khác và nguy hiểm hơn nhiều cho thành phố này khi không có gói cứu trợ tương tự.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Detroit đã tăng gần gấp ba lần kể từ năm 2000 và tăng hơn gấp đôi mức trung bình của cả nước Mỹ.  Thu nhập trung bình của các hộ gia đình ở mức dưới 28.000 USD trong khi mức thu nhập bình quân của các nước Mỹ là 49.000 USD.
Năm 2011, hơn 36% người dân sống trong cảnh nghèo đói. Giá trung bình của một ngôi nhà là 71.000 USD, bằng một nửa so với mức 137.000 USD của cả nước.
Tỷ lệ giết người của Detroit đã ở mức cao nhất trong gần 40 năm qua  trong khi chỉ có 1/3 số xe cấp cứu còn hoạt động. Detroit đang trở thành một trong những thành phố nguy hiểm nhất ở Mỹ.
Kevyn Orr – người đứng đầu cơ quan tình huống khẩn cấp của Detroit cho biết: "Đây là một quyết định khó khăn và đau lòng, nhưng tôi tin rằng không có lựa chọn khả thi nào khác”.

T.Hồng (Theo Infonet/BBC) - baodatviet.vn