3/11/13

Uyển Vy nghĩ và viết về ghen

Nghĩ
Hôm nay đi ăn chè với mấy bạn trong nhóm LQĐ 85-88 ở chè 85 Trần Quang Diệu gần trường Bạch Đằng vì mấy bạn này cũng là "đồng môn" với mình ở Bạch Đằng hơn 30 năm trước. Trong lúc "chè dư nước trà hậu", mọi người có bàn đến chuyện một số phây buc cơ bị vợ cấm không cho chơi phây vì nổi cơn ghen. Thế là mình về "nhà" lục "cơm nguội" quăng lên đây cho mọi người xem cho biết cái sự ghen nó như thế nào.
Viết
Ghen
Bên Hang Cua Hiệu Minh có Bác Xang Hứng rất giỏi về khoản ca dao tục ngữ. Khi bàn về sự ghen, Bác ấy có ngay cái câu này:
Ghen chi, ghen lạ ghen lùng
Mèo rượt đuổi chuột, đụng mùng cũng ghen
Có ông chồng đẹp trai thì Má tôi chắc phải rành cái cảm giác “ghen” này lắm lắm. Bà hay đọc câu này: “Đau đẻ, ngứa ghẻ, hờn ghen”. Cái khoản đầu tiên tôi chưa từng kinh qua, nhưng cái khoản giữa thì tôi rành lắm vì hồi mới giải phóng cái đại dịch ghẻ và chí rận cũng ùa vào từng ngóc ngách của Sài gòn.
Nhà tôi mấy anh chị lớn thì không sao, nhưng lũ nhóc phía dưới thì đứa nào cũng bị dính vụ ghẻ. Mấy con ghẻ trăng trắng nằm lúc nhức ở các kẻ ngón tay ngón chân, đưa tay ra ngoài nắng nhìn thấy rõ lắm. Cảm giác lũ khốn ấy di chuyển trên cơ thể mình nó khó chịu không thể nào tả nổi. Chỉ biết rằng phải mím môi nghiến răng, nghiến lợi, chà vào chỗ bị ngứa. Quần áo thì cứ phải trụng nước sôi, người thì bôi thuốc xanh, tím, đỏ cứ như “bức tranh vân cẩu” vậy. Không có gì “mất thể diện” cho bằng bạn buộc lòng phải đưa tay đánh đàn ở những chốn và vào những khi thật không phải lúc chút nào.
Nói thế có nghĩa là ông nào chưa từng bị ghẻ ngứa thì sẽ không bao giờ có cơ sở để có thể so sánh cái cảm giác khó chịu của ghen tuông với một khái niệm nào tương đương. Tôi đoan chắc rằng tác giả của cái câu: “Đau đẻ, ngứa ghẻ, hờn ghen” ắt hẳn phải là phụ nữ đã sinh con, nếu không thì tác giả đã thay cái khoản đầu tiên bằng một món nào đó phải gây khó chịu cho cả hai phái như nhau.
Thôi thì mấy ông cũng nên lấy làm mừng vì tối đa trong đời mấy ông cũng chỉ có thể phải chịu hai cái khoản sau mà thôi. Không phải cái gì nhiều cũng tốt.

Ba Cang