23/12/13

Thằng “Bùm”

Ba Cang:
Đọc tựa đề Thằng “Bùm” đã thấy lạ, đi vào cốt truyện thấy lạ hơn. Bạn cứ đọc đi, ngay khúc dạo đầu của truyện sẽ thấy ngay mà.

Này nhé, khi biết tin người đã chết, tác giả -người kể chuyện cho biết cảm xúc của mình: “Mừng cho anh!”, một câu gần với dạng cảm thán, rất ngắn – chỉ có 3 từ cùng 1 dấu chấm than, lại đơn độc một mình một dòng giữa khối chữ mênh mông. Mừng cho sự chết của một con người? Thế thì phải đọc tiếp rồi.
Có hoàn cảnh nào tương tự hoặc cực khổ hơn mẹ con nhà Trừng? Cái khổ ở đây cả về vật chất, tinh thần và sức khỏe. Cái khổ của người xuất thân chưa từng khổ, cái khổ cứ kéo dài âm ỉ. Rất may còn có những người hàng xóm tốt bụng.  
Từ nhỏ đến bây giờ, tôi mới được đọc văn miêu tả về “chim”. Tục mà không tục. Tả chân là chân thật. Rất sinh động và xúc động.
“Quỷ thật”, càng đọc càng hấp dẫn. Người đọc như tôi bị lôi cuốn bởi giọng văn chân thật đó, như tác giả tự nhận với cốt truyện mình kể. Xuất xứ của cái tên Thằng “Bùm” và sau đó là cả một chuỗi thời gian cay đắng của sự tồn tại và phát triển cái “vũ khí đặc biệt” của Thằng “Bùm”. Cái vũ khí này được miêu tả vừa hài vừa bi, mà bi thì nhiều hơn.
Đoạn kết buồn, nhưng có lẽ là dấu lặng dành cho sự nghĩ suy.
Có một số chỗ của truyện tôi thấy băn khoăn. Viết “Trường Hoàn Kiếm nằm dưới chân nhà thờ Lớn”, dễ làm cho người đọc chưa từng đặt chân tới đây có thể sẽ hình dung khu vực này như là quả đồi. Từ “Hanoi” viết sai chính tả liên tục. Mới nhìn thấy nhân vật mà người đọc đã biết đôi chân của cậu là “hậu quả của căn bệnh sốt bại liệt”. Dùng từ “xinh đẹp” khi kể về “đứa con trai đầu lòng của họ ra đời” liệu có phù hợp không? Câu “Hôm ấy Trừng tròn hai tuổi.” lại cho xuống dòng thì không logic theo mạch văn. Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông (bây giờ là  Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông) nằm trên đất Hạ Đình, quận Thanh Xuân, chứ không phải Hà Đông. Chỉ có từng ấy chỗ, tạm gọi là hạt sạn, nhỏ thôi.
Cuối cùng và tóm lại, một cây bút nghiệp dư mà viết được như thế này quả là đáng đọc.
Chúc mừng Xang Hứng và xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một truyện ngắn của ông đăng trên blog Hiệu Minh.
22-23/12/2013

Ba Cang tái bút:
Chiều hôm qua, chủ nhật, vào Hiệu Minh blog và đọc một mạch truyện này, rồi viết luôn lời còm, được nửa chừng phải đi công việc.
Sáng nay, ngồi nhà, tranh thủ chuẩn bị cho đợt đi công tác mới, lại hứng khởi viết tiếp lời còm.

Xang Hứng: Thằng “Bùm”
Lần đầu tiên trong đời, khi nghe cái tin anh “Bùm” chết, ngoài cảm giác trống rỗng xót thương như mỗi khi được tin ai đó từ trần, một thứ cảm xúc lớn hơn tất cả đã đến với tôi:
Mừng cho anh !
Bùm chẳng phải người quen hay kẻ thù mà chỉ như một hình ảnh, một ký ức thoáng qua về những con người tôi đã từng gặp trong hơn năm chục năm sống trên cõi đời nhiều màu sắc, nhiều mùi vị và lắm biến cố này.
Trường Hoàn Kiếm nằm dưới chân nhà thờ Lớn. Khi Mỹ tuyên bố tạm ngưng ném bom Hanoi, trường đã mở cửa trở lại. Chúng tôi từ những nơi sơ tán lại trở về, cùng nhau đi học. Dạo ấy các lớp được sắp xếp theo nguyên tắc: những học sinh nào ở gần nhà nhau sẽ học chung lớp. Buổi sáng khi đi học cũng như buổi trưa lúc tan học, cả lớp sẽ xếp hàng hai từ nhà đến trường và ngược lại. Lộ trình của lớp chúng tôi bao giờ cũng đi qua Ngõ Huyện.
Phố Ngõ Huyện ngày nay. Nguồn ảnh: Internet.

Còn đang ở trong tình trạng chiến tranh nên lúc này Hanoi vẫn khoác trên mình một màu xám xịt, chưa sầm uất, ồn ào, lòe loẹt như bây giờ. Khắp các con phố, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm vì chủ nhân của chúng còn bận tham gia “Sản xuất và sẵn sàng chiến đấu”.
Đặc biệt cuối Ngõ Huyện có một căn nhà nhỏ với cánh cửa luôn mở toang.
Trong bóng tối nhớp nháp, âm u của căn phòng lụp xụp, chúng tôi nhìn thấy một thân hình chẳng ra người cũng chẳng phải ngợm ngồi thu lu, chân bị buộc vào tường bằng một sợi dây thừng to tướng. Cái thân hình quặt quẹo đó chỉ cử động, trở nên hoạt bát khi nghe thằng dẫn đầu lớp tôi cất tiếng gọi: “Bùm ơi”.
Trên môi nở nụ cười méo xệch; hai cẳng chân tong teo, hậu quả của căn bệnh sốt bại liệt bắt đầu nhúc nhích. Chống một tay xuống sàn nhà, tay còn lại nhanh nhẹn thò vào trong chiếc quần đùi rộng thùng thình mà không ai có thể nhận ra nó đã từng có màu gì, anh ta lôi ra một vật mà thoạt nhìn tôi không biết đó chính là “con chim” của anh.
Nheo một mắt, tay cầm cái chim to như quả chuối, loang lổ đất cát chĩa vào chúng tôi. Vẩy mạnh chim, từ cái miệng vẫn cười méo mó kia phát ra một âm thanh lớn, trầm:
“Bù… ù mmm”.
Bọn con trai cười ngả nghiêng khoái chí, con gái hai tay che mặt thẹn thùng xấu hổ. Chúng kêu ré lên như lũ lợn bị chọc tiết rồi chạy thục mạng trong những tiếng “Bùm – bùm” hệt tiếng đại bác bắn theo.
Anh có cái tên thật kêu: Đinh Công Trừng. Kết quả của tình yêu giữa người thợ in có tay nghề cao của một nhà xuất bản danh tiếng Hanoi và cô thiếu nữ xinh đẹp quê ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Cảm mến chàng trai Hanoi nghèo nhưng có chí, cô thiếu nữ con nhà địa chủ vùng chiêm trũng đã theo người yêu lên Hanoi, cùng chàng chia sẻ ngọt bùi, thiếu thốn tại chốn đô thành ồn ào náo nhiệt. Một năm sau ngày cưới, đứa con trai đầu lòng của họ ra đời tại nhà bảo sanh Đặng Vũ Lạc: cân nặng 4kg2, xinh đẹp, khỏe mạnh.
Nhưng “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Khi Trừng chỉ mới gần hai tuổi, đám mây đen của cuộc “Cải cách ruộng đất” đã bao trùm lên toàn bộ làng mạc xóm thôn miền Bắc. Những cuộc đấu tố, thanh trừng diễn ra ác liệt. Cả gia đình bên ngoại Trừng bị tòa án di động của xã mang ra xét xử từ những ngày đầu cuộc cải cách. Chàng trai nghèo Hanoi không chịu đấu tố gia đình nhà vợ, không chịu chỉ mặt gọi bố vợ là thằng, thà chết vẫn không tố mẹ và vợ mình bóc lột dân nghèo.
Với tội “ngoan cố, bao che cho bọn địa chủ cường hào ác bá, không biết ăn năn hối cải để nhận sự khoan hồng của chính phủ”, cái gia đình hạnh phúc, nề nếp, có trên có dưới kia sau phiên tòa “công khai minh bạch” và bản án “đanh thép” của những ông bà “bần cố nông”, với sự chủ trì của những con quỷ mặt người dạ thú nay chỉ còn sót lại mẹ con Trừng. Cái tên anh đã ám vào số phận gia đình anh !
Tận mắt nhìn những người thân bị nã vào ngực, vào đầu những viên đạn oan nghiệt, mẹ Trừng ôm con khóc ngất. Câm nín trong nỗi sợ hãi sợ tột cùng, chú bé chỉ còn biết bấu chặt vai mẹ, chết lặng.
Hôm ấy Trừng tròn hai tuổi.
Hai mẹ con sống nhờ vào tình thương của những người dân trong làng. Chôn cất chồng và cha xong, bà mẹ trẻ bế con chạy trốn khỏi cái nơi cô đã từng được sống những năm tháng hạnh phúc bên cha mẹ chăm chỉ, hiền lành mẫu mực và hết lòng thương yêu gia đình, giúp đỡ chòm xóm. Một thân một mình, bà ẵm con nhỏ lên Hanoi.
Căn nhà chật hẹp của hai vợ chồng ở Ngõ Huyện trở thành chốn nương thân cuối cùng của họ. Từ một cô thôn nữ chỉ biết cả ngày quanh quẩn trong nhà lo cho chồng con, bà đã phải nghiến răng xén đi mái tóc óng ả, cắt cụt những bộ áo dài màu sắc tươi tắn, nhuộm tất cả thành màu xám rồi gửi đứa con còn nhỏ cho hàng xóm, bà xin vào làm công nhân tại nhà máy “Bóng đèn-phích nước”, Hà Đông.
Chú bé Trừng lớn lên trong nghèo khó: thiếu sữa thì thay bằng nước cơm loãng, bệnh tật thì phó mặc cho Trời vì lương và tiền bán máu của mẹ chú chỉ đủ trang trải cho những nhu cầu thiết yếu.
Năm 1958, miền Bắc bị dịch sốt bại liệt hoành hành. Nhà nghèo nên chẳng đào đâu ra Vaccine. Sau một tuần sốt cao li bì, từ một đứa trẻ lành lặn, nay Trừng đã thành ra cậu bé tật nguyền. Cặp giò vốn dĩ khỏe mạnh, nhanh nhẹn đã teo tóp quặt quẹo chỉ còn to bằng cổ tay, không thể tự đứng lên. Điều tệ hại nhất là chú mất luôn khả năng nói. Cái miệng xinh xắn hôm qua nay chỉ phát ra những âm thanh ú ớ, chẳng còn nhận ra là tiếng của con người.
Nhân dịp có đoàn bác sỹ từ thiện từ các nước “XHCN anh em” sang thăm khám bệnh, Trừng được chiếu cố xếp hàng đầu. Sau khi nghe kết luận của các bác sỹ, mẹ Trừng chết lặng. Họ bảo: đứa trẻ không những bị di chứng của bệnh sốt bại liệt mà thứ gây ảnh hưởng nặng nề nhất cho nó là cú sốc tinh thần, nó phải tận mắt chứng kiến cảnh kinh hoàng khi ông ngoại và bố mình bị giết bằng cặp mắt và tâm hồn trẻ thơ non nớt.
Gạt nước mắt bế con ra về, bà mẹ đành xin nghỉ làm công nhân tại nhà máy để ở nhà chăm sóc con. Ngày ngày đi chợ sớm rồi gánh trên vai vài nải chuối, mớ rau, bà đi quanh những con phố Hanoi từ sáng đến khuya rao bán hàng mong kiếm vài hào bạc mang về nuôi đứa con tật nguyền.
Năm 1965, một hôm khi hai mẹ con bà đang ngồi thu lu trong góc nhà, ôm nhau run rẩy giữa tiếng bom rền của những đợt máy bay Mỹ oanh tạc Thủ đô Hanoi, xen lẫn tiếng chân rầm rập của các lực lượng tự vệ khu phố chạy qua. Cậu bé Trừng giật nảy mình lên khi cặp mắt lờ đờ của cậu nhìn thấy bóng những người trong bộ trang phục mũ cối, quần áo xanh màu Ô-liu xuất hiện. Sau một thời gian rất lâu, người mẹ bỗng nhận ra nụ cười đã nở trên đôi môi khô héo của con bà.
Chống một tay xuống sàn nhà, tay còn lại nhanh nhẹn thò vào trong cái quần đùi rộng thùng thình của mình, Trừng móc con chim lúc ấy hãy còn bé tí xíu ra. Chĩa chim vào đoàn quân trước ngõ, cậu nheo mắt ngắm nghía cẩn thận, rồi từ cái miệng câm lặng bấy lâu phát ra những tràng tiếng: “Bùm, bùm, bùm…”.
Cái tên “thằng Bùm” có từ dạo ấy.
Tai họa, nỗi đau quá lớn không quật ngã nổi bà mẹ xấu số. Càng thương con, càng đau khổ, bà càng can đảm. Quẳng gánh hàng rong đi, bà ghi tên theo học lớp y tá. Cầm tờ giấy chứng nhận trong tay, bà xin được một chân hộ lý tại bệnh viện Radium (nay là bệnh viện K. 43, Quán Sứ-Hà Nội).
Những người hàng xóm tốt bụng đã chung vai gánh vác nỗi bất hạnh của gia đình bà. Những khi bà trực, họ thay nhau tắm rửa, dọn vệ sinh cho Bùm. Ngày hai bữa, họ mang cơm cho Bùm ăn và kiểm tra xem cái dây thừng thay cho sợi xích buộc cậu vào góc nhà có còn chắc không.
Năm 12 tuổi, chúng tôi đã cao khoảng 1,60m. Lúc ấy, chắc Bùm khoảng 15-16 tuổi nhưng bệnh tật đã làm một chàng trai lẽ ra đang ở cái tuổi sung mãn nhất trở nên xấu xí, yếu ớt. Thân hình tàn tật, tiều tụy vì thiếu ăn trở nên một đống nom rất kỳ quái: dưới cái đầu to bất thường là cái cổ cò gắn trên đôi vai gầy guộc, xương sườn xương sống lòi hết ra. Hai cẳng chân mềm oặt đu đưa như hai cọng bún thò ra từ chiếc quần đùi màu cháo lòng.
Duy chỉ có một thứ mà chẳng có hoàn cảnh khó khăn nào, chẳng có bất hạnh thiếu thốn nào, chẳng có bản án của một cuộc đấu tố tàn bạo nào có thể ngăn cản được sự phát triển tự nhiên của nó: con Chim của cậu.
Bây giờ mà ví thì tôi sẽ chọn xúc xích Mỹ để so sánh. Lúc bấy giờ chúng tôi chẳng biết mặt mũi cây xúc xích ra sao nên đành ví với một loại củ quả gần gũi nhất: Hệt như một củ khoai lang vĩ đại.
Cái hủ tục bó chân của phụ nữ thời phong kiến Trung Quốc cũng có lý do của nó. Phàm là vật gì cũng vậy, cứ bóp nghẹt chỗ này thì dứt khoát nó sẽ phình ra và phát triển ở chỗ khác thôi.
Có nhẽ chim của Bùm to và dài gấp sáu lần chim chúng tôi. Không dám tả kỹ kẻo các bà các cô truyền thống, mô phạm lại kết án là tục. Nhưng không phải nói ngoa chứ nó đúng y như vậy.
Thiên tai, bệnh tật và cả con người đã tước đi của đứa trẻ bất hạnh là Bùm tất cả, nhưng ông Giời vốn công bằng lại đền bù cho anh một “cây súng”, không phải súng lục đâu nhé mà là một khẩu đại bác. Để anh bắn, không “bắn” như những con người tầm thường với những dục vọng thấp hèn, nhưng để bắn những đứa đã đầy đọa mình, đầy đọa gia đình mình. Dù “khẩu đại bác” ấy chẳng hề giết được ai vì nó làm gì có đạn, tiếng nổ đanh thép của nó cũng phải nhờ đến sự hỗ trợ bởi âm thanh phát ra từ cái mồm còn khỏe mạnh.
Từ trong thế giới tăm tối, nhầy nhụa, tù túng của mình, Bùm bắn liên tục không ngưng nghỉ. Bùm bắn những kẻ đã hành hạ, đã trêu chọc, giễu cợt anh. Những lúc không có mục tiêu nào trong tầm ngắm, Bùm bắn chỉ thiên.
Ngoảnh mặt lại, thời gian đã qua đi hàng chục năm, cảnh vật và con người thay đổi đến chóng mặt. Từ những đứa bé con ngây ngô, ngốc nghếch hồn nhiên, nay lũ chúng tôi đã trở thành những ông bà lão già ốm yếu, vô tích sự, thất bại. Sợ hết thảy, chán hết thảy, không còn cả niềm tin.
Thân xác thì còn tạm dùng được, nhưng nó cũng trở nên tàn tật khi niềm tin đã mất hoặc nếu còn chút ít thì cũng đang hấp hối. Thời gian cũng đủ để nhớ về một thời trai trẻ với những khát vọng lớn lao, đẹp đẽ, chưa thành.
Và có lẽ chính Bùm, người đàn ông tàn tật về thể xác kia mới thật sự là người Chiến Thắng, người Tự Do, người đã từng có những giây phút hạnh phúc về tinh thần khi anh dám và được nắm trong tay của chính mình thứ vũ khí vô địch: Quyền Hành Động, để rồi hiên ngang nhằm thẳng kẻ thù, anh trút lên đầu chúng, Trừng trị bọn gian ác bằng những tràng đạn hủy diệt trong tiếng gầm vang giận dữ:
“Bùm – Bùm – Bùm…” !

Xang Hứng. 12-2013.