16/1/14

Phố cổ Hà nội trong Mắt Người Sài gòn

(Người Sài Gòn) - Tôi thường đi công tác đột xuất ở Hà nội. Nếu không phải đi cùng với khách hàng hoặc sếp, tôi thường chọn ở những khách sạn nhỏ trong khu Phố cổ để ở. Chỗ ở đôi khi không thoải mái lắm, nhưng được cái hay là rất thuận tiện để đi lang thang khám phá phố phường Hà nội những lúc
đã xong công việc. Khách sạn nằm trên Phố Mã Mây, ngay ngã ba Hàng Chĩnh. Quẹo trái sẽ ra Hàng Buồm, rẽ phải sẽ ra Hàng Bạc, Hàng Bè vừa đi vừa hỏi thì sẽ đến Bờ Hồ. Dọc đường đi, tôi thấy có những thứ Hà nội có mà Sài gòn không có.
Trước hết, Hà nội có Hồ Hoàn kiếm nằm ngay khu trung tâm thành phố, liền kề với Khu phố cổ. Nói về tháp rùa giữa hồ hoặc chiếc cầu Thê húc sơn màu đỏ dẫn vào Đền Ngọc Sơn  trên hồ thì ai cũng biết cả rồi, báo đài nói hoài. Tôi chỉ muốn nói đến cảm giác của người phương xa sau khi thoát ra khỏi những con phố đông đúc chật hẹp với những rãnh nước lộ thiên liền gặp một khoảng không rộng mở với hồ nước xanh ngắt và cây cối ven bờ rợp bóng mát.
Tôi thường có cảm giác mình vừa được phóng thích khỏi nơi giam hãm cầm tù khi vừa thoát ra từ một con phố nhỏ băng vội qua đường để đến bờ hồ, nơi có những bóng cây tuyệt đẹp, ngả rạp cành lá la đà sát mặt nước. Hồ Hoàn kiếm như một đối trọng giúp khách bộ hành lấy lại cân bằng sau khi phải chịu đựng những nhốn nháo, ồn ào, hối hả của những con phố xung quanh.
Hà nội còn có những con đê bao bọc xung quanh. Từ khách sạn tôi ở, cứ thẳng tiến Phố Hàng Chĩnh, chỉ khoảng chừng 200m là ra đến Đê. Đê ngày nay chẳng còn đóng vai trò ngăn không cho nước vào Hà nội nữa. Khi đưa tôi từ Hà nội ra sân bay bằng đường đê, một cậu tài xế taxi cho tôi biết từ khi có những thủy điện  lớn như Sông Đà và Hòa Bình thì Hà nội không còn ngập nữa vì những hồ này đã giúp điều tiết nước.
Con đường cậu đang đưa tôi đi đây chính là thân một con đê, ngày xưa  được đắp bằng đất, nay họ san phẳng làm đường. Bây giờ đê là hai lớp tường bê tông cao thấp cách xa nhau khoảng 30cm, ở giữa người ta đổ đất trồng cây. Cách đây vài năm, để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Thành phố Hà nội đã cho khảm những mảnh sứ nhỏ lên hai bức tường đê này để làm công trình con đường gốm sứ dọc đê Sông Hồng. Có những đoạn hình ảnh rất đẹp, nhưng nhìn về tổng thể thì mạch tranh không liền lạc và chẳng ăn khớp với nhau về màu sắc. Đặc biệt là công trình này xuống cấp quá mau, chỉ sau vài năm mà gốm đã bong tróc nhiều và có những đoạn đê sặc mùi…nước tiểu.
Quay trở lại khu Phố cổ, lần nào ra Hà nội, tôi cũng đều ghé các tiệm sách cũ ở Hàng Buồm, Hàng bè. Nói là tiệm sách cũ, nhưng thực ra người bán sách thường chia mặt bằng với một công ty du lịch nào đó bằng cách trưng dụng một mảng tường và gắn giá sách lên đó. Nguồn sách chủ yếu là từ khách Tây Ba lô đem theo để đọc. Đọc xong, họ bán hoặc để lại cho đỡ khỏi mang về cho nặng túi. Ở Sài gòn cũng có rất nhiều tiệm sách cũ tập trung trên một số tuyến đường nhất định, nhưng không nằm trong khu trung tâm thế này. Vì thế cảm giác đi lựa sách giữa hàng hàng lớp lớp các bức tường sách cũ phủ bụi không thoải mái như ở đây.
Tôi mê đọc tiểu thuyết tiếng Anh, nên mỗi lần ra đây lựa sách thường mất ít nhất một tiếng đồng hồ. Thường thì tôi lựa sách theo tên tác giả. Cảm giác kiếm ra được cuốn sách mình muốn tìm thật khó tả, cứ lâng lâng và muốn khoe với ai đó về “kho báu” vừa phát hiện. Có lần tôi tìm được cuốn Prince Joe của Suzanne Brockmann nói về mấy thần tượng SEALS, thiệt là mừng hết lớn. Có điều sau này sách ở các tiệm này bán mắc quá, chắc tôi lại ta về ta tắm ao ta thôi!
Cũng trên Phố Hàng Bè này, tôi bắt gặp hình ảnh hay hay của người khắc dấu gỗ. Lần đầu tiên gặp tiệm này, tôi đứng cả buổi xem cậu chủ tiệm làm việc. Cậu có rất nhiều những khúc gỗ nhỏ đã tiện sẵn mặt con dấu vuông, tròn, chữ nhật, v.v… Khi không có khách, cậu cứ tỉ mẩn dùng mũi dao sắc ấn sâu vào thớ gỗ để chạm, khắc con dấu thành những hình nhất định. Thường thì đó là hình 12 con giáp hay những hình ảnh làng quê Việt nam như mục đồng thổi sáo trên lưng trâu bên lũy tre. Khi khách chọn mẫu, cậu sẽ khắc tên khách lên phần gỗ nổi còn chừa lại. Tôi cũng đã thửa cho mình một con dấu có hình con gâu gâu và tên tôi để ịn lên sách, nhưng rồi tự nhiên cứ thấy tiếc cuốn sách, chẳng đóng dấu lên cuốn sách mới bao giờ. Khi sếp cũ rời VN sang Mỹ làm việc, tôi tặng ông con dấu mục đồng cưỡi trâu. Ông thích lắm, hỉ hả bảo tao tuổi trâu và có nhiều kỷ niệm với trâu VN nên cái này hợp với tao.
Có một cửa tiệm mà tôi chỉ có thể gặp ở Hà nội mà thôi, đó là tiệm tranh cổ động cũ. Theo tôi, đa phần các tranh này có nét vẽ không đẹp và kém sinh động, màu sắc thì thiên về đỏ và vàng. Các câu chữ kèm trên đó thì đúng theo dạng cổ động, tuyên truyền nên thường mắc lỗi thường thấy của các câu khẩu hiệu là nặng phần hô hào, đôi khi ngô nghê khó hiểu và rất chung chung, có thể được hiểu theo nhiều nghĩa. Tôi bắt gặp một bức tranh cổ động các thanh niên nam nữ trong bộ đồng phục màu xanh cỏ và mũ tai bèo với dòng chữ: “Phấn khởi tiến lên, giành thắng lợi to lớn hơn nữa”. Tiến lên đâu? To lớn hơn cái gì? Cắt rời bức tranh ra khỏi hoàn cảnh ra đời thì trả lời cho câu hỏi này là…biết chết liền! Tôi nghe nói thường chỉ có khách ngoài quốc mua loại tranh này, tôi đồ rằng họ mua chúng vì giá trị lịch sử nhiều hơn là giá trị nghệ thuật.
Hà nội còn thú vị với những gánh hàng rong. Sau này những chiếc xe đạp xuất hiện, giúp đôi vai của các bà, các chị đỡ phải oằn xuống vì đôi quang gánh. Dẫu thế, tôi vẫn nhớ và thích hình ảnh người phụ nữ với đòn gánh trên vai, hai đầu trĩu xuống với gánh chồng một đầu, gánh con một đầu, nhưng đôi tay vẫn vung vẫy dịu nhĩu đánh nhịp theo bước chân. Cô khách Singapore đi chung, níu vội tay tôi chỉ vào chiếc xe chở hoa tươi, miệng bảo: “Mễi hòa”. Tôi đoán cô muốn nói mỹ hoa tức là hoa đẹp, ừ thì hoa đẹp thiệt. Nào lys, nào hồng, nào cúc tươi xinh rực rỡ trong tiết trời Hà nội mát lạnh, được cắm trong những thùng nước đặt trên chiếc thúng tre to ngự ở yên sau của xe đạp.
Những người nước ngoài tôi đã gặp, đặc biệt là người Phương Tây, thường bảo tôi rằng họ thích Hà nội vì nơi ấy có nét riêng và đặc sắc. Càng ra Hà nội nhiều, tôi càng hiểu tại sao họ nói vậy. Hà nội có nhiều kiến trúc Pháp còn sót lại, Hà nội có bốn mùa và Hà nội có cái…lộn xộn, bát nháo rất riêng của mình. Mấy người Singapore đi với tôi ra Hà nội vào đầu năm 2014 thì bảo Hà nội rất hay và giống Singapore….của thập niên 60 thế kỷ trước!
Thế đấy, đây là lý do vì sao những người bạn Hà nội tinh ý của tôi thường không vội mừng khi có ai đó khen Hà nội có nét riêng. Họ khen và tới để tìm những gì họ đã từng trải qua trong quá khứ hoặc chưa từng thấy trong xã hội nơi họ đã phát triển lên một tầm cao nhất định nào đó, còn bảo họ có muốn gắn bó dài lâu với nơi ấy hay không lại là một chuyện khác.
Riêng tôi, tôi thường bắt gặp mình trong tâm trạng hồ hởi mỗi lúc chuẩn bị hành lý và trái cây Miền Nam mang ra Hà nội làm quà trước mỗi chuyến đi công tác. Rồi tôi lại thấy mình vội vội vàng vàng mua sấu, ô mai và mang vác quà Bắc là đào, là mận, là cốm, v,v… của bạn bè Hà nội để mang trở vào Sài gòn. Tôi thấy Hà nội như dễ thương hơn kể từ khi tôi biết chấp nhận sự khác biệt.

Saigones-SUV - uyenvysaigon70.wordpress.com