26/2/14

Biểu tình khắp thế giới: Thủ phạm là giới trung lưu?

Trong nhiều tháng nay, các cuộc biểu tình khắp nơi trên thế giới đồng loạt nổ ra phản đối chính phủ vì không đáp ứng được các yêu cầu dân chủ và yêu cầu phải thay thế bằng một chính quyền mới.

Bất ổn trên toàn cầu
Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Thái Lan, Venezuela, Malaysia và Campuchia là những quốc gia đang bị rơi vào bế tắc chính trị bởi các cuộc biểu tình chống chính phủ. Hầu hết tại các quốc gia này, những người biểu tình đang cố gắng lật đổ tổng thống hoặc thủ tướng của họ vì cho rằng các nhà lãnh đạo đã bị mua chuộc, độc tài và không đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của người dân. Những người xuống đường đều mong chờ có được một nền dân chủ thực sự chứ không phải là nền độc tài núp bóng dân chủ.
Diễn biến biểu tình ở Ukraine đã chuyển sang một hướng mới và chưa có hứa hẹn nào về một tương lai bình yên cho người dân nơi đây. Ảnh: Cảnh sát lập hàng rào chặn người biểu tình tại Quảng trường Độc lập hôm 19/2/2014.
Các cuộc biểu tình được xem là “chiến thắng kinh tế” và là sự trả thù của các tầng lớp xã hội vì thành phần tham gia bao gồm hầu hết mọi loại người trong xã hội. Tuy nhiên, hầu hết trong số họ đều thuộc tầng lớp trung lưu, và nó khiến cho các cuộc biểu tình rộng lớn hơn mức các nhà quan sát có thể hình dung. Vì vậy, có thể xem động lực của các cuộc biểu tình đang diễn ra trên khắp thế giới chính là mong muốn thúc đẩy thay đổi dân chủ của tầng lớp trung lưu.
Cụ thể, các cuộc bầu cử chính phủ ở một số quốc gia như Thái Lan, Ukraine và Venezuela không có đầy đủ tính dân chủ như các quốc gia khác trên thế giới. Họ không có các cơ quan giám sát phi chính phủ, thường bị buộc tội sắp xếp hệ thống chính trị, sử dụng tiền mua phiếu bầu, chỉ đạo phương tiện truyền thông và xã hội dân sự.
Nhà lãnh đạo Yingluck Shinawatra của Thái Lan hay Viktor Yanukoych của Ukraine bị buộc tội sử dụng thuật hùng biện và các chính sách dân túy trong những lời hứa hẹn lúc tranh cử. Họ đã hứa sẽ làm giảm đói nghèo để giành chiến thắng. Chính sự thỏa hiệp dễ dãi với lời hứa của các chính trị gia, bỏ qua tính dân chủ đã làm cho sự dân chủ tại những quốc gia này bị xói mòn, đổ thêm dầu vào các cuộc khủng hoảng bạo lực.
Tại thủ đô Thái Lan, mặc dù bị chiếm đóng nhiều tháng qua, tình hình trở nên tồi tệ và đặc biệt căng thẳng trong hai tuần trở lại đây khi chính phủ cố gắng dẹp đoàn biểu tình đang cố thủ tại các khu vực xung quanh văn phòng làm việc của nhà nước. Các cuộc đụng độ đã xảy ra, hơn 20 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương ở Bangkok.
Gần như cùng một lúc, cuộc biểu tình ở Ukraine và Venezuela đều lên đến đỉnh điểm cao trào. Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tiêu cực ở Kiev đã biến thủ đô Ukraine trở thành chảo lửa và một cuộc chiến chóng váng xảy ra khiến 77 người thiệt mạng. Tại Caracas, phe chống chính phủ cũng đã chiến đấu với lực lượng an ninh trong suốt gần 3 tuần qua, làm ít nhất 4 nhà lãnh đạo phe đối lập thiệt mạng và lãnh đạo biểu tình Leopoldo Lopez bị bắt giam.
Tại sao biểu tình bùng nổ thành bạo lực?
Tại sao các cuộc biểu tình lại bùng nổ thành bạo lực khi mà những người biểu tình ở Thái Lan đã tổ chức chống lại chính phủ trong nhiều tháng qua, thậm chí là trong nhiều năm qua? Đối với một số quốc gia, chính phủ của họ nhận được sự ủng hộ từ các lực lượng quốc tế quan trọng khiến họ cảm thấy yên tâm hơn trong việc đàn áp biểu tình.
Máu bắt đầu đổ ở Thái Lan.
Trong trường hợp ở Ukraine, chính phủ nhận được sự hỗ trợ từ Nga. Ở Thái Lan và Malaysia, Mỹ tỏ thái độ sẵn lòng tương trợ cho quá trình dân chủ. Như ở Thái Lan, trước đây, chính phủ chủ yếu để những người biểu tình chiếm đóng cơ quan các Bộ, các doanh nghiệp và nút giao thông trọng điểm. Hiện nay, cảnh sát đã yêu cầu các chỉ huy cấp cao để có biện pháp tích cực hơn, mạnh tay hơn và những biện pháp đó đang được thực hiện triệt để.
Đối với những người biểu tình, số ít những người theo chủ nghĩa cực đoan ngày càng trở nên cứng rắn hơn trong lập trường của mình. Nhiều ngày trôi qua, số lượng những người tham gia biểu tình ít đi nhưng tính chất bạo lực lại gia tăng mạnh mẽ. Những người biểu tình cố thủ trong các trại của họ và sẵn sàng làm tất cả để đạt được mục đích.
Ở Ukraine, tính cực đoan đã lên đến đỉnh điểm khi những người biểu tình quyết chiến đấu đến cùng với cảnh sát chống bạo động với bom xăng, gạch đá và gậy gộc. Ở Thái Lan, các cuộc biểu tình đã giảm số lượng người tham gia đáng kể từ đầu tháng Hai, nhưng những người còn lại đã được trang bị súng ống, lựu đạn từ trong bóng tối để quyết tâm chống lại cảnh sát. Một số thành phần chống chính phủ Thái Lan cho rằng nếu họ gây ra đổ máu ở Bangkok, quân đội buộc sẽ phải tham gia, kéo dài thêm lịch sử lâu dài của các cuộc đảo chính ở nước này.
Ở Malaysia và Campuchia cho đến nay, biểu tình chủ yếu vẫn là bất bạo động. Các phe đối lập vẫn đang cố gắng thay đổi dần dần lợi thế thông qua các hệ thống chính trị. Tuy nhiên, với đầu óc lãnh đạo dày dặn, lâu năm và có sức ảnh hưởng lâu đời, sẽ khó có thể thay đổi trật tự chính trị tại các quốc gia này.
Ngược lại, ở Venezuela, sau cái chết của cố Tổng thống Hugo Chavez, quá trình thay đổi bây giờ mới thực sự bắt đầu. Ông Chavez là người duy nhất có sức mạnh đủ lớn để dùng uy tín và các chính sách dân túy kìm hãm sự phát triển của phe đối lập. Người kế nhiệm ông, Tổng thống Nicolas Maduro, là một bản sao nghèo nàn của nhà tư lệnh Chavez, hiện đang mất dần sự ủng hộ không chỉ của tầng lớp trung lưu mà còn của những người nghèo.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều tiềm năng sẽ vấp phải một kịch bản tương tự Ukraine. Thủ tướng Reccip Tayep Erdogan đã có hơn một thập kỷ cầm quyền, quyền hạn tích lũy được rất lớn, các tổ chức dân chủ và văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh được tính nhanh nhạy và linh động. Tuy nhiên, ông Erdogan hiện khó có thể duy trì được quyền lực bởi tự ông không thể bầu mình làm tổng thống như đã kỳ vọng.
Giải quyết xung đột dân chủ ra sao?
Vị trí Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế cũng cung cấp một sự thúc đẩy đối với việc giải quyết vấn đề thông qua hòa bình và dân chủ. Mặc dù Liên minh châu Âu đã nhiều lần trì hoãn xem xét sự gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn gia nhập EU với mong muốn phát huy các chuẩn mực dân chủ. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thành bất đắc dĩ nếu từ bỏ hiện trạng như là mô hình của một nền dân chủ thành công trong thế giới Hồi giáo.
Ukraina cũng phải đối mặt với áp lực đáng kể để giải quyết cuộc khủng hoảng quốc tế của mình thông qua các phương tiện dân chủ. Mặc dù chính phủ đã giành được sự ủng hộ của lãnh đạo Nga Vladimir Putin, e rằng nền kinh tế bấp bênh của Nga khó có thể cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ đủ mạnh như Liên minh châu Âu. Sự hỗ trợ của EU sẽ đi kèm với yêu cầu duy trì các tiêu chuẩn dân chủ, trong đó họ sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt Ukraine với các chuyển biến bạo lực tuần vừa qua.
Thái Lan sẽ là quốc gia gặp nhiều vấn đề nan giải nhất. Không giống như ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ukraine, các cuộc biểu tình đang dần suy yếu đi. Ở Thái Lan, chu kỳ của cuộc biểu tình bạo lực đã diễn ra trong suốt gần một thập kỷ. Thái Lan cũng ít bị ảnh hưởng bởi những áp lực từ bên ngoài cho quá trình dân chủ hóa. Không giống như EU, Hiệp hội các nước Đông Nam Á không gây áp lực buộc các thành viên để duy trì các chuẩn mực của nền dân chủ.
Cả chính phủ và người biểu tình ở Thái Lan đã loại trừ mọi khả năng thỏa hiệp, vấn đề trở nên cực đoan hơn nhiều so với những người biểu tình ở các quốc gia khác. Những lời lẽ không thỏa hiệp đã làm cho các bên ở Thái Lan hầu như không thể ôn hòa khi ngồi xuống và nói chuyện. Có nhiều khả năng, khủng hoảng Thái Lan chỉ có thể được giải quyết sau khi trải qua các cuộc bạo lực đường phố đẫm máu, thậm chí là một cuộc đảo chính.
Phan Sương - infonet.vn