5/5/14

Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất trong năm 2014?

(sggp)- Nhiều đầu báo kinh tế - tài chính uy tín trên thế giới, trong đó có tờ Financial Times đã dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) để dự đoán rằng trong năm nay, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất thế giới.

Trước đây, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trước năm 2030 nếu xét GDP tính theo tỷ giá hối đoái trên thị trường. Gần đây, cách tính này bị cho là có sự biến động mạnh và không phản ánh hết giá trị thực của hàng hóa dịch vụ.
Thay vào đó, WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đề xuất cách tính theo phương pháp sức mua ngang giá (PPP). Tính theo cách này, Chương trình cạnh tranh quốc tế (ICP) do WB thực hiện đã kết luận rằng, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang bị Trung Quốc bám sát.
Dự đoán kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 24% kể từ năm 2011 đến 2014 trong khi Mỹ chỉ tăng trưởng 7,6%, IMF cho rằng Trung Quốc có khả năng vượt Mỹ trong năm nay. Dữ liệu từ ICP cho thấy, đến năm 2011, GDP tính theo phương pháp PPP của Trung Quốc đã tăng 43% so với năm 2005 để bằng 87% của Mỹ. Nếu thực tế xảy ra đúng như dự đoán thì lần đầu tiên kể từ khi đoạt vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới từ Anh vào năm 1872, Mỹ sẽ phải nhường danh hiệu trên cho một quốc gia khác. 
Wall Street Journal (WSJ) có bài: “Kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ: Là vậy, nhưng không phải vậy” để phân tích hiện tượng trên. Theo WSJ, nếu điểm yếu của cách tính GDP theo tỷ giá hối đoái là phức tạp và không ổn định thì cách tính mới cũng có những điểm cần lưu ý.
Tác giả Tom Wright chỉ ra rằng, tính GDP theo PPP áp dụng tính giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ được tạo ra bên trong một quốc gia trong một năm cho trước được chia theo dân số trung bình của cùng năm đó. Vậy làm sao người Trung Quốc mua những hàng hóa từ nước ngoài mà lại không sử dụng tỷ giá hối đoái để quy ra? Tác giả nhấn mạnh, việc sử dụng GDP từ trước đến nay đã có tiêu chí riêng. Việc xét theo PPP tình huống này chỉ là cách để so sánh cục bộ, nó không thể hiện được quá trình giao thương quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Để xét sự vững mạnh của nền kinh tế một quốc gia, dựa vào GDP là chưa đủ. GDP không tính đến kinh tế ngầm, kinh tế phi tiền tệ như kinh tế trao đổi, giá trị của thời gian nghỉ ngơi và ô nhiễm môi trường, không tính đến sự hài hòa trong phát triển. Khi một nhà máy sản xuất làm tăng GDP nhưng gây ô nhiễm nặng, cần đầu tư để cải tạo lại môi trường thì công việc này sau đó cũng lại làm tăng GDP thêm lần nữa.
Trung Quốc có dân số là 1,3 tỷ người. Phần lớn người dân ở khu vực miền Đông Trung Quốc được hưởng thụ mức sống cao, còn ở phía Tây luôn trong tình trạng thiếu thốn. Thu nhập bình quân đầu người nếu so sánh với Mỹ hay Nhật Bản thì Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách rất xa nếu không muốn nói là Trung Quốc còn nghèo. Thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc hiện xếp thứ 99 trong khi Mỹ ở vị trí thứ 12. Đó là lý do vì sao Trung Quốc không có mặt trong nhóm G7 (các quốc gia có nền công nghiệp phát triển hàng đầu) dù nước này đã vượt qua Nhật Bản từ năm 2010.
Thế nhưng dù thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Mỹ hay Nhật, dù cách tính quy mô nền kinh tế theo phương pháp mới và việc nhận định Trung Quốc sẽ giành “ngôi đầu bảng” trong năm nay chưa đủ sức thuyết phục thì có một thực tế rõ ràng nền kinh tế Trung Quốc đang tăng tốc rất nhanh và bám sát theo sau lưng Mỹ.

NHƯ QUỲNH - sggp.org.vn