17/7/14

Ông dế mèn – Thêm những nét chấm phá

(Ba Cang)- Nhà văn Tô Hoài bình dị, dễ gần và dí dỏm. Đó là một trong các nhận xét của nhiều người về tính cách của cụ. Mấy ngày buồn đau chuẩn bị tang lễ vĩnh biệt cụ, sau bữa cơm cụ bà thường kể chuyện vui về cụ ông. Cụ bảo chỉ
kể chuyện vui, không muốn không khí gia đình trong mấy ngày này quá u buồn.

Nhà văn Tô Hoài và vợ - Ảnh: Nguyễn Đình Toán 
Thuở thiếu niên
Cụ bà kể một chuyện vui thời thiếu niên cụ ông đi học trường Thụy Khuê, Hà Nội. Suốt 7 năm học “thằng Sen” – mọi người trong nhà gọi thế, đi bộ từ nhà ở Xóm 3, làng Nghĩa Đô, mang theo cơm nắm, cua mặn. Câu chuyện xảy ra thuở cậu Sen khoảng 12-13 tuổi.
Cậu Sen có người dì ruột, sau này hay được gọi là bà Năm Sơn, lúc đó chưa lấy chồng. Cậu không chỉ đọc hộ thư người yêu của dì, rồi viết thư trả lời hộ dì, mà còn mô li phê nữa, tức là bịa thêm, làm cho các bức thư thêm lâm ly, thống thiết. Đầu thư bao giờ cậu cũng phịa thêm cụm từ “Ái nương”. Bà dì chữ nghĩa không có, thật thà như đếm, nên tin cậu cháu sái cổ. Bà dì tin cháu đã đành, người yêu của dì – anh giáo Lâm, cũng khoái khi đọc các thư cậu viết thay cho dì. Mỗi lần cậu cháu viết thư hộ cho mình, bà dì lại dúi cho 1 xu hoặc 2 xu. Còn người yêu của dì chắc phải có quà thường xuyên “lót tay” cho cậu. Có lẽ cái phong cách lãng mạn, dí dỏm của nhà văn Tô Hoài khởi phát từ thời kỳ này chăng?
Có lần bà dì bị đánh ghen. Người đánh ghen, là một cô gái tuy trẻ nhưng chua ngoa, ghen tức vì dám yêu anh giáo Lâm, đã đuổi đánh bà khiển cậu cháu phải đẩy bà lên tàu điện để cứu dì.
Tàu điện Hà Nội những năm xưa. Ảnh minh họa: Internet.
Đấy chỉ là một trong nhiều kỷ niệm với nhà văn, nên các con bà Năm Sơn rất quý “anh Hoài”.
Người đâu mà tính dễ dãi…, ngồi đâu cũng viết được…
Cụ bà kể, cụ ông có tính thương người. Một hôm, thời còn cơ chế bao cấp, có cháu nhỏ nhà hàng xóm, phố Đoàn Nhữ Hài, sang hỏi vay tiền ông để trả tiền điện hay tiền gì đó, mà bố mẹ cháu vắng nhà. Bà về ông kể lại chuyện đó, rằng đã cho vay 10 đồng. Bà rên rỉ, thế là mất toi 10 đồng rồi. Thực tế quả đúng như vậy, đứa con nhà hàng xóm biết tính ông dễ dãi nên đã nói dối ông để vay tiền.
Hồi ông được giải của Hội nhà văn Á Phi với tác phẩm Miền Tây, ông tặng luôn tại chỗ cho Quỹ ủng hộ đồng bào miền Nam Việt Nam. Sau này, khi ông về nước, biết chuyện đó, nhà văn Kim Lân kêu lên, cái thằng này không nghĩ gì đến vợ con ở nhà.
Đang đà kể, cụ bà còn kể thêm, ông Kim Lân rất khen cái năng lực viết của nhà văn Tô Hoài, tới mức nói vui, phóng đại: cái thằng ngồi chuồng xí cũng viết được.
Nhà văn Tô Hoài bên bàn làm việc. Ở giữa bàn là một con dế mèn bằng gỗ do anh con rể thứ hai mua tặng. Ảnh minh họa: Internet.
Chuyện uống rượu, uống bia
Chuyện bia rượu của nhà văn Tô Hoài thì nhiều bạn văn của cụ đã viết. Tôi chỉ kể thêm về chuyện cụ uống bia hơi Henniger ở Nghĩa Tân, Hà Nội, thời cụ còn khỏe. Những năm đó cụ chưa có chắt, nên mọi người thường gọi là ông. Ông khen bia này đậm, uống lạnh mới thấy ngon, như thực tế là vậy. Những cuộc vui liên hoan gia đình cuối tuần tại nhà ở Nghĩa Tân, các con mua bia hơi về, ông uống vui cùng các con và ngồi tủm tỉm cười nghe 3 ông con rể trêu chọc nhau. Những năm ông còn khỏe, có khi ông làm một hơi hết cốc bia luôn. Ông uống vang cũng vậy. Rượu vang rót ra ly, ông uống chầm chậm, hoặc từ từ cho hết cốc, hoặc tạm ngắt thành hai mạch uống cho đến hết. Uống bia hoặc rượu vang như vậy ông thấy mới đã, mới ngon.
Mấy năm gần đây, tuổi cao sức yếu, họa hoằn cụ mới uống và tự giác giảm “phong độ” uống. Cụ bà và các con gái nhiều khi muốn can cụ, chỉ được uống ít, nhưng cụ kệ, cứ uống theo sở thích và giữ cách uống của mình. Khi vui, cụ tỉnh bơ như không, giơ cốc, giơ ly ra là mọi người lại phải rót tiếp cho cụ.
Cụ ông và cụ bà nhắm chút rượu vang cùng với vài lát chả. Ảnh: Ba Cang.

Cụ ông trầm ngâm nghe cụ bà nói chuyện. Ảnh: Ba Cang.
Ở “Chuyện bia” trong “Chuyện cũ Hà Nội”, nhà văn Tô Hoài kể:
“Ở chỗ gốc bia, theo định nghĩa và chia loại, bia không phải rượu, không phải rượu bia, mà bia là nước giải khát có độ rượu. Là nước giải khát nên nguồn gốc bia không nâng cốc bia và cụng cốc bia chúc mừng trong tiệc. Mình trịnh trọng thế, người ta cũng nể làm theo thôi. Uống bia một hai cốc, thường uống một hơi – vì là nước giải khát mà,…”
“Hà Nội với bia đã không còn lạ lẫm. Thật bình thường, cũng không bình thường. Bởi vì nhiều người uống bia say như uống rượu. Một hai cốc không sao, nhưng người ta nốc đến hàng chục vại rồi la cà lai rai nhậu nhẹt bét nhè cả tối. Tây cũng phải kinh.
Cũng vẫn có người uống bia kiểu cũ theo lề lối giải khát. Tôi cũng uống bia lối cổ ấy. Tạt vào quán gọi vại bia, hay tay bưng cốc từ từ làm một hơi. Uống đứng rồi đi ngay.”
Thêm một nén nhang thắp trong ngày tang lễ nhà văn Tô Hoài 17/7/2014.
Ba Cang
17/7/2014