24/10/14

CHUYỆN DẠY VĂN VÀ HỌC VĂN Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

(Ba Cang)- Hồi học cấp 3 ở nơi sơ tán, tôi được học văn mà thầy dạy là một nhà giáo người Hà Nội. Thầy lên lớp giảng bài rất say sưa, nhất là khi thầy giới thiệu các bài văn, bài thơ minh họa. Học sinh há hốc mồm nghe. Thầy có nhiều tài lẻ
về văn thể lắm. Thầy tổ chức các buổi ngoại khóa về thể dục thể thao, về ca hát, và cả tập xiếc nữa. Không phải chỉ tập suông đâu, mà là biểu diễn, thi đấu, không chỉ ở cấp trường, mà còn ở cấp huyện, cấp tỉnh. Thành tích giật giải nọ, giải kia không phải là ít. Thầy lấy chuyện ngoại khóa minh họa thêm cho buổi học chính khóa, nên học sinh rất thích học thầy. Thầy cùng một số thầy cô khác luyện được một số cây bút có hạng viết cho báo tường của trường của lớp, trong đó có anh bạn thân cùng lớp từng đoạt giải ba thi văn miền Bắc. Sau này thầy viết văn, viết báo là chính và đã là hội viên Hội nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội.
Kể chuyện riêng của thầy trò tôi như vậy, để muốn nói rằng, muốn học sinh ham học môn văn thì phải có thầy yêu văn, biết viết văn và biết cách truyền cảm hứng yêu văn.
Khoảng 20 năm gần đây, tôi có nhiều dịp trực tiếp tham gia tuyển dụng nhân sự cho cơ quan. Yêu cầu ứng viên phải có trình độ từ đại học trở lên. Ấy vậy mà nhiều cô cậu viết và chuẩn bị hồ sơ xin việc lôm côm lắm. Càng về sau này, viết lách càng tệ. Thậm chí có người đỗ thạc sỹ rồi mà soạn văn bản với câu chữ vẫn lủng ca lủng củng. Rõ ràng việc dạy và học văn là có vấn đề từ thời học phổ thông, còn ở cấp đại học có lẽ chẳng ai quan tâm nữa.
Thiển nghĩ, triết lý dạy và học văn phải được xác định chuẩn xác yêu cầu đối với đề cương, chương trình môn văn từ lớp 1 cho đến lớp 12, thậm chí cả ở cấp đại học. Yêu cầu phải thiết thực với từng độ tuổi học sinh. Có lẽ khi còn ngồi ở trường cao đẳng hay đại học sư phạm, các giáo sinh phải hiểu và được thực hành tốt các yêu cầu này.
Tôi kể thêm chuyện vui ngoài lề một chút, có thật ở Việt Nam ta, như là một ví dụ về học sinh lớp mẫu giáo lớn hồn nhiên khi “tập học văn”. Có chàng “sinh viên đại học nói ngọng” tự nhiên hứng lên tả cô giáo mình như sau: “Mắt cô như mắt lợn, tai cô như tai chó, chân cô như chân gà”. Cô giáo nghe xong chỉ biết cười gượng. Tôi tìm hiểu, té ra là cu cậu vận dụng sáng tạo các từ ngữ mà phụ huynh cu cậu hay dùng. Đó là sự hồn nhiên thái quá của cu cậu. May mà cô giáo là bạn tương đối thân của phụ huynh, không thì cu cậu đã… bị xơi đòn rồi.
Nếu gặp lại cu cậu, tôi sẽ “giúp” cháu sửa lại cho… vui hơn:
Cô giáo ơi cô giáo
Mũi cô như quả táo
Mắt cô như bi ve
Chân cô như cây que
Tay cô như ngọn roi
Miệng cô như cái còi
Cháu yêu cô lắm ạ.

He he.

Ảnh minh họa bài trên FB Ba Cang 24/10/2014. Nguồn ảnh: Internet.