12/11/14

NGƯỜI VIỆT VÀ CĂN BỆNH "CUỒNG MIỄN PHÍ" ĐÁNG XẤU HỔ?

(Ba Cang)- “Phải chăng thói tư duy tiểu nông và tâm lý bầy đàn vẫn còn chi phối suy nghĩ người Việt nên đại đa số vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được "ăn miễn phí, chơi miễn phí" mặc cho sự
thật là những sự việc như trên đang ngày càng làm xấu đi hình ảnh của chính chúng ta?”.
Đó là đoạn kết của bài báo có tên như trên (nhưng không có dấu hỏi), làm tôi sững người vì tác giả và Ban biên tập trang báo đã quá chủ quan khi nhận định như vậy khi nói về hiện tượng người dân ào ào đi chơi Khu du lịch Đại Nam ở tỉnh Bình Dương trong mấy ngày qua.
Thông báo trên website
của Khu DL Đại Nam
Tôi có thể nói ngay rằng, người nào nói “người Việt đại đa số vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được "ăn miễn phí, chơi miễn phí", có lẽ người đó không phải là… người ở mặt đất. Kẻ đó lại còn chụp mũ rằng họ “làm xấu đi hình ảnh của chính chúng ta”.

1. Trên mảnh đất chữ S này, số đông người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa và cả với dân nghèo thành thị hãy còn nghèo lắm. Họ đâu có đủ tiền để thường xuyên, thậm chí có người, có gia đình còn chưa một lần được đặt chân đến nhưng khu vui chơi dễ ngốn những đồng tiền còm cõi của họ. Cứ nhìn vào bữa cơm hàng ngày của họ, nơi sống của họ, sẽ biết đời sống của họ như thế nào. Những khi có bán hàng giảm giá, là cơ hội để họ có thể mua được thứ họ cần dùng. Đồ đó có thể là lạc mốt, là hàng thùng, là hàng “xé cơn hen” (second hand). Họ sẵn sàng đi đi lại để lựa chọn, thậm chí xô đẩy nhau (xin lỗi, có thể do thói quen xếp hàng đã bị mất dần) để mua được những thứ hàng mà người nhiều tiền không thèm mua, thậm chí không thèm ngó tới.
Đối tượng thứ hai là sinh viên hay thanh niên có thu nhập thấp. Trừ số ít trong học sinh, sinh viên là con nhà giầu, là những bạn có khả năng làm thêm tốt nên có tiền tiêu xài thoải mái, còn số đông họ phải chắt bóp, dè xẻn chi tiêu. Thanh niên đi làm nhưng có thu nhập thấp, nếu đã có gia đình riêng, còn phải chắt bóp, dè xẻn chi tiêu hơn. Các bạn son rỗi còn có nhu cầu chính đáng là đi chơi theo nhóm bạn, hay là mong muốn được rủ người yêu đi chơi để thể hiện sự chăm sóc mặc dù túi tiền có giới hạn.  
Đối tượng thứ ba đáng được ưu tiên nhất là các cháu nhỏ, tuổi học sinh phổ thông, tuổi mẫu giáo, nhà trẻ. Đã bao lần các cháu được nhà trường tổ chức, chưa kể các cha mẹ nghèo tự đưa con đến đó chơi (Khu du lịch Đại Nam hoặc nơi khác tương tự)?
Ảnh: website Khu DL Đại Nam

2. Ở một vài nước mà tôi từng đến, các cơ sở bán lẻ thường thực hiện khuyến mại, hạ giá, thậm chí đại hạ giá theo mùa mua sắm hoặc theo ngày lễ, ngày hội. Số người đi shoping mới đông làm sao. Thật nực cười nếu nhìn cảnh đó mà phang một câu “làm xấu đi hình ảnh của chính chúng ta”, thì có lẽ sẽ bị “người cười” chứ không thể khác.
Với người mua hàng, mua dịch vụ, họ sẽ hể hả khi mua được thứ mà họ cần, họ thích dù chỉ ở mức nhu cầu tối thiểu. Với người bán hàng, người làm dịch vụ, là dịp có thêm việc làm hoặc tăng giờ làm, có nghĩa là có lương hoặc có tiền làm thêm, có tiền thưởng mà họ mong đợi. Với nhà kinh doanh, thông thường, khi doanh thu hợp pháp, hợp lý tăng đột biến, thì lợi nhuận cũng tăng đột biến, đồng thời số tiền nộp thuế cũng tăng đột biến theo. Đó chẳng phải là những điều có lợi cho quốc kế dân sinh?

3. Các “anh hùng bàn phím” thời nay, xin hãy thận trọng mồm miệng hoặc chữ nghĩa. Rổ đá trên mạng chưa là gì cả. Cái trách nhiệm, cái danh dự, cái uy tín của người viết mới là quan trọng. Người dân đi chơi đông khi có cơ hội không mất tiền vé vào cửa, được chơi tự do một số trò, gây cảnh đường xá kẹt xe, mà đổ lỗi cho dân à? Với cảnh rác bừa bãi cũng vậy thôi; không có hoặc không có đủ thùng rác thì vứt rác vào đâu. Chính quyền các cấp đâu trong vai trò đảm bảo trật tự xã hội khi nhu cầu giải trí lành mạnh của cộng đồng đột biến tăng cao như đối với sự kiện ở khu du lịch Đại Nam (có cả trách nhiệm của đơn vị này)? Cần phải nghĩ đến dân nghèo và thương dân nghèo mà lo chu toàn cho nhu cầu của dân. Nói to tát hơn, như nước Việt ta có thành ngữ “Đẩy/chèo thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Vậy chớ nói tầm bậy tầm bạ với dân.
Ba Cang
10/11/2014
Bài đã đăng trên FB Ba Cang ngày 11/11/2014