6/7/15

Cảm nhận đọc Đảo Hoang của Tô Hoài - Phần 1: Lời dẫn - Kỳ 1: Lý do dẫn dắt

(Ba Cang)- KỲ 1

CẢM NHẬN ĐỌC ĐẢO HOANG CỦA TÔ HOÀI
(Bài viết nhân ngày giỗ đầu của nhà văn Tô Hoài, mồng 10 tháng 6 năm Ất Mùi 2015)

PHẦN 1 - LỜI DẪN
Cảm nhận đọc Đảo Hoang của Tô Hoài - Phần 1: Lời dẫn - Kỳ 1: Lý do dẫn dắt

Nhà văn Tô Hoài – tác giả của gần 200 đầu sách văn học, trong đó có Dế mèn phiêu lưu ký, tác phẩm làm say sưa bao thế hệ thiếu nhi, đã về với tiên tổ nhằm ngày mười tháng sáu năm Giáp Ngọ (tức ngày 06/7/2014), thọ 95 tuổi. Hôm nay đã cận kề ngày giỗ đầu (theo âm lịch) của Cụ. Người viết loạt bài Cảm nhận đọc Đảo Hoang của Tô Hoài xin được kính thắp một nén nhang tưởng nhớ tới Cụ.

Khoảng trung tuần tháng 7 năm 2014, sau thời gian tang lễ nhà văn Tô Hoài, tôi tình cờ ngang qua và ghé hiệu sách của NXB Kim Đồng cạnh hồ Thuyền Quang, Hà Nội. Bắt gặp một số tác phẩm của nhà văn Tô Hoài trên kệ sách, trong đó có cuốn Đảo Hoang của NXB này tái bản lần thứ 9 in năm 2011, thế là tôi mua liền. Một số trong đó tôi giữ lại, một số khác các cháu xin tôi đã cho.

Bìa Đảo Hoang, NXB Kim Đồng, tái bản lần thứ 9, năm 2011. Ảnh chụp lại: Ba Cang

Lúc đó, không bận lắm, tôi đọc gần như một mạch hết mấy ấn phẩm vừa mua. Đọc lại thì đúng hơn, nhưng với sự hiểu biết của tôi về chữ nghĩa, nhận thức về xã hội đương nhiên đã được nâng lên rất nhiều so với lúc đọc lần đầu các tác phẩm đó ở lứa tuổi thiếu nhi cách đây trên dưới năm mươi năm.

Không hiểu sao tôi đọc nghiền ngẫm Đảo Hoang kỹ hơn các cuốn khác. Ngoại trừ Dế mèn phưu lưu ký, có thể cuốn này là một trong nhiều ấn phẩm của nhà văn Tô Hoài lúc đó tôi mới có dịp đọc lại. Và cũng có thể chính những dòng đầu tiên của tiểu thuyết này đã cuốn hút tôi.
“Bi... li... bi... li...
Tiếng chiêng âm vào núi, dội lại; tiếng trống từ mặt nước vang lên. Ông trăng ngoài rằm thảnh thơi tỏa ánh sáng nhạt xuống, như mỗi chiều ai chợt nhớ, lại thấy ông trăng trở lại chơi nhởn trong lùm cây và trên con đường cát mịn ngoài ngõ”.[1]
Rồi “Tiếng chiêng... bi... ly... bi... ly... cùng tiếng người hí, người reo xôn xao suốt đêm trên bờ sông”.[2]
Lại nữa, “Bi... li... bi... li...   Bùng... bi...
Những cây muỗm lùn đội đầu một mâm hoa như đơm xôi đương vào giữa cuộc tiến hương tiến hoa. Hoa cau, hoa móng rồng tỏa thơm dìu dịu khắp. Kinh đô rung động náo nức trong tiếng chiêng, tiếng cồng, tiếng trống thúc giục. Những cuộc thổi cơm thi, những đám vật của các cõi về đua tài”.[3]

Những âm thanh vang động đó, cảnh trăng rằm, cảnh tả cây muỗm, hoa cau, hoa móng rồng… cùng với sinh hoạt lễ hội thi thổi cơm, đấu vật đã cuốn hút tôi.

Trong tôi nảy ra ý định, có thể viết gì đó về Đảo Hoang và tác giả. Tôi lặng lẽ bắt tay chuẩn bị và viết bài này từ cảm xúc của như một bạn đọc có tí máu viết lách không chuyên.

Tôi đã đọc bài “Tiểu thuyết Đảo Hoang của Tô Hoài” của nhà phê bình văn học cự phách Phan Cự Đệ viết năm 1976. Tôi nhất trí với đa phần nội dung đã viết đó. Tôi cũng có tham khảo lời bình của Chu Huy với truyện Sự tích quả dưa hấu[4].

Tôi cứ suy nghĩ, rồi sàng lọc và cuối cùng cũng tìm ra được nội dung cần viết, cố gắng sao cho không trùng lặp hoặc trùng lặp ít thôi với người khác đã viết trước mình, nhất là không được phép đạo văn của người khác. Vậy viết thế nào?

Phần 1 bài bình văn này xoay quanh lý do cầm bút như thể không đừng được và ý định viết.

Phần 2 với ý đồ tóm tắt câu chuyện dài 307 trang giấy in[5]. Từ một truyền thuyết với nội dung chỉ khoảng chục dòng (như là sườn truyện), Tô Hoài đã chuyển thể thành tiểu thuyết nhiều trang đến như vậy. Tác phẩm này có cốt truyện mạch lạc, liên tục, cái kết có hậu, có một loạt các nhân vật điển hình của truyện, có các bức tranh miêu tả cuộc sống con người và thiên nhiên rất phong phú và sinh động. Do đó, việc tóm tắt câu chuyện của Đảo Hoang chỉ nhằm giúp các bạn đọc có nhu cầu đọc tóm tắt sẽ dễ hình dung và nhớ những điểm cốt lõi của truyện. Phần tóm tắt câu chuyện được chia chi tiết thành 21 mục và thành 4 kỳ đăng (trong tổng thể 7 kỳ). Xen kẽ nhau trong từng mục là lời bình và các đoạn trích dẫn từ Đảo Hoang. Phần chân trang có thể có các chú thích, chỉ dẫn cần thiết, nhằm giúp người đọc rõ hơn hoặc tiện tra cứu.

Phần 3 với 2 kỳ đăng sẽ nêu cảm nhận về bút pháp (từ ngữ Tô Hoài, kỹ năng viết và nghệ thuật miêu tả), về các trải nghiệm của nghề, về tính thời sự của Đảo Hoang qua lời bình không chuyên.

Để nội dung lời bình đỡ dài, người viết bài này có thêm các phụ lục, nhằm làm sáng rõ hơn sự cẩn trọng của nhà văn Tô Hoài khi viết tiểu thuyết huyền sử, hoặc về tài năng sử dụng từ ngữ, miêu tả cảnh vật, miêu tả tâm trạng con người một cách “rất Tô Hoài”, một pho từ điển như đã được bạn nghề và bạn đọc công nhận từ sinh thời của nhà văn.

Xin mời đón đọc
Cảm nhận đọc Đảo Hoang của Tô Hoài- Phần 2: Cốt truyện ly kỳ và hấp dẫn- Kỳ 2: Mai An Tiêm chỉ huy khẩn hoang và trị thủy vùng Bãi Lở.

Ba Cang

[1] Đảo Hoang, NXB Kim Đồng, tái bản lần thứ 9, năm 2011, trang 7. (sau đây viết tắt là Đảo Hoang)
[2] Đảo Hoang, trang 8
[3] Đảo Hoang, trang 15.
[5] Đảo Hoang.