Lê Thị Thiên
Thủy (sinh năm 1989, thôn Tân Định, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh
Quảng Trị) đã xuất sắc vượt qua hàng nghìn hồ sơ xét tuyển trên toàn thế giới
để giành suất học bổng Toán học toàn phần tại trường Đại học hàng đầu nước Ý, Padova.
Trước đó, Thủy vừa mới hoàn thành
chương trình học bổng thạc sỹ Toán học ở Trường Đại học Tổng hợp Belarus.
Được biết, Trường Đại học Padova có gần 40 khoa nhưng chỉ
có 15 chỉ tiêu học bổng. Ngành Toán học ứng dụng của Thủy chỉ có 1 chỉ tiêu.
Làm sao để Thủy có thể vượt qua hàng ngàn hồ sơ ứng tiến ấy để được chọn lựa
trúng tuyển?
Trong những ngày trước khi đi du học,
Thiên Thủy vẫn tranh thủ phụ giúp gia đình.
“Nhà đại học nhưng nghèo nhất thôn”
Những ngày này, bà con chòm xóm trong làng Tân Định kéo
nhau về chia vui và chúc mừng Thủy và gia đình.
Ông Phạm Văn Kiên - Chủ tịch UBND xã Triệu Long bày tỏ
niềm vui mừng cho biết: "Thời gian trôi đi nhanh quá. Hồi bé Thủy học cấp
3 vẫn thấy cháu nó chăn bò vừa cầm cuốn sách học. Giờ cháu mới du học thạc sỹ
nước ngoài về lại tiếp tục nhận được học bổng tiến sỹ là mừng
lắm rồi".
Ông Hoàng Văn Hậu, đại diện Hội khuyến
học huyện Triệu Phong,
đến chia vui và động viên Thiên Thủy trước ngày lên
đường đi du học.
Bà con chòm xóm cho biết, gia đình ông Giáo nghèo nhưng
có truyền thống hiếu học tiêu biểu của huyện. Vợ chồng ông Giáo tuy gia cảnh
nghèo khó nhưng đều cố gắng nuôi 4 đứa con học ĐH, CĐ cả.
Hai vợ chồng ông Giáo năm nay ngoài 60 tuổi, tóc đã đổi
màu cả đời tảo tần vất nuôi con ăn học. Giờ trong gia đình vẫn còn vay nợ ngân
hàng chính sách, người quen ngót 100 triệu đồng - tiền ngày xưa vay cho con đi
học. Nghèo thì nghèo đó nhưng ông bà không để con nào phải bỏ học. Nghèo đến
nỗi đến cái nhà mái tôn lụp xụp, tạm bợ ông bà cũng chẳng có tiền sửa sang lại đều
nhờ Hội Khuyến học tỉnh tặng cách đây 3 năm.
Từ đứa con cả đến cậu con út, đứa nào cũng theo nhau học
Đại học nên gia cảnh càng khánh kiệt. Nhưng ông bảo đứa nào học được, thích học
thì cho học tới cùng, bán cả nhà đi cũng cho học. Thiếu tiền ông đi vay khắp
nơi, chỗ nào nhà nước cho vay là ông vay. Hàng xóm cũng rứa. Ông bảo cứ vay chỗ
này đập chỗ kia cho con cái theo học.
Niềm hạnh phúc hiển hiện rõ trên khuôn mặt ông bà, khi
giờ đây các con cái ông đều đã tốt nghiệp ĐH và có công ăn việc làm. Giờ còn
mỗi cậu út đang theo học cao đẳng năm thứ 2.
Thiên Thủy chụp ảnh cùng bố mẹ và chị.
Mục tiêu rõ ràng
Suốt 12 năm đèn sách, Thủy liên tục đạt danh hiệu học
sinh giỏi. Năm lớp 12 khi ấy Thủy đang học lớp chọn Toán của trường THPT thị xã
Quảng Trị đã đạt giải Ba môn Toán toàn tỉnh. Trong lúc ngồi trên ghế nhà
trường, Thủy đã có những định hướng cho tương lai. Thủy xác định mình sẽ đi du
học ở nước ngoài. Thủy tự tin lực học của mình và mua cuốn cẩm nang tuyển sinh
để tìm hiểu các trường đại học. Thủy thấy Trường ĐH Sư phạm Huế có ngành Toán,
có hệ cử nhân chất lượng cao, thường ai giỏi được đi du học ở nước ngoài.
Từ suy nghĩ ấy, năm 2007, Thủy thi đậu và là thủ khoa ĐH
Sư phạm Huế (28 điểm), á khoa ĐH Y khoa Huế (29,5 điểm). Do điều kiện kinh tế
gia đình không cho phép, Thủy lựa chọn ngành Sư phạm Toán học và đã chọn lọc
vào lớp chất lượng cao của trường. Với số điểm đầu vào cao "ngất
ngưởng" cộng với thành tích học tập đáng nể, Thủy đã được lựa chọn đi du
học Thạc sỹ toàn phần tại ĐH Tổng học Belarus ngành Toán học ứng dụng.
Bước chân đến một đất nước mới, cảm xúc đầu tiên của Thủy
là lo lắng và bỡ ngỡ. Môi trường mới, bạn bè mới và những chương trình học mới.
Thủy được ở trong ký túc xá với những người bạn ngoại quốc nên khả năng ngoại
ngữ của Thủy tiến bộ nhanh chóng. "Mấy tháng đầu tiên mình học đuổi theo
các bạn sinh viên bản xứ rất là mệt nhưng rồi mọi thứ đi vào quỹ đạo ổn định.
Mình bắt đầu có những bức phá", Thủy kể lại.
Đến năm học cuối cùng, Thủy bắt đầu tự học tiếng Anh bởi
Thủy nghĩ thời đại này nếu không có tiếng Anh thì sẽ thành lạc hậu và Thủy muốn
học cao hơn nữa ở một đất nước khác.
Cũng như những người khác, chúng tôi tò mò không biết là
làm sao cô cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm Huế này có thể sắp xếp thời gian để
vừa đạt thành tích xuất sắc trên lớp, tham gia nghiên cứu khoa học và còn học
cả Anh văn. Thế nhưng câu trả lời của Thủy rất đơn giản là phải có mục tiêu.
Thủy bật mí, suốt những năm học cấp 3 đi thi đại học do
hoàn cảnh gia đình nghèo Thủy không đi học thêm mà toàn tự học ở nhà. Bố mẹ cho
đồng tiền nào là Thủy lấy tiền mua sách tự học. Cũng giống như cách Thủy học
tiếng Anh đa phần học trên mạng qua các giáo trình nước ngoài và kết bạn nói
chuyện với mọi người.
Nhờ sự nỗ lực và chuẩn bị từ trước nên kết quả học tập
cũng như trình độ Anh văn của Thủy đều đạt kết quả cao nhất. Kết thúc chương
trình thạc sĩ bên Belarus, Thủy đạt số điểm đứng đầu khóa học, luận văn của
thạc sỹ của Thủy được đánh giá xuất sắc. Cùng với kết quả đó cộng với bằng anh
văn quốc tế do tự học, Thủy đã tự tin nộp hồ sơ ứng tuyển vào ngành Toán
ứng dụng của Trường ĐH Padova, Ý.
Ông Lê Văn Giáo (ba Thủy) vẫn còn hồi hộp nhớ lại ngày
con thông báo trúng tuyển: “Tôi không dám tin vào lời con nói. Tôi quá hạnh
phúc, quá tự hào về con. Mới đầu nghe con nói đã lọt qua vòng 1 chọn 50 người,
tiếp đó vài ngày còn 10 người. Sau đó, là 1 người. Thế là tôi tin chắc 90% con
đã đỗ”.
Thiên Thủy chụp ảnh chung cùng với thầy
Hiệu trưởng
Trường Đại học Tổng hợp Belarus trong ngày lễ tốt nghiệp.
Nhận được thông báo trúng tuyển, Thủy vui vẻ nói: “Thú
thật Thủy cũng không bất ngờ với thành quả đó bởi để đạt được điều đó là cả một
quá trình chuẩn bị lâu dài của Thủy. Từ trước khi thi đại học, Thủy tính tới
trường đại học nào có cơ hội cho mình đi du học nước ngoài. Rồi đến khi đi du
học Thạc sỹ bên Belarus bằng tiếng Nga, Thủy tính phải học học làm sao có kết
quả cao nhất cộng với trình độ tiếng Anh tự học để tiếp tục học lên cao và
thành quả bây giờ là suất học bổng tiến sỹ Toán học ứng dụng toàn phần bên Ý”.
Vợ ông Giáo, bà Ngô Thị Hài vừa mừng cho con nhưng cũng
không giấu nổi nỗi buồn, thương con biền biệt 3 năm trời học bên xứ người, nay
về quê chưa ăn được cái Tết đã phải lên đường đi học tiếp.
Nghe những lời từ trong ruột gan của bố mẹ, Thủy nghẹn
ngào cầm đôi bàn tay mẹ mà nói: "Thời gian trôi nhanh lắm, mẹ à. Sau 3 năm
nữa, con sẽ hoàn thành chương trình học bên đó, sẽ mang những gì đã được học về
làm giàu cho quê hương".
Nguyễn Tuấn - dantri.com.vn