Xin được nói luôn cho rõ: Trường “chữ nhỏ” là trường đại học, còn trường “chữ to” là trường tiểu học.
Ngày 12/1 hàng năm là Ngày thiếu nhi của Thái Lan. Năm nay Chính phủ Thái cũng đã có chỉ đạo toàn quốc lên chương trình mừng
ngày hội này của các em cho chu đáo.
Nhà nước chi từ ngân sách quốc gia không biết bao nhiêu, nhưng quà tài trợ của xã hội dành cho các em vào đợt này thì nhiều lắm.ngày hội này của các em cho chu đáo.
Tôi may mắn, ngày hôm qua 11/1, được theo chân Đoàn đại biểu Trường đại học Kasem Bundit (KBU), một trường tư ở Bangkok, tới trao quà “Tết thiếu nhi” tại Trường tiểu học Chùa Bưng Bua ở quận Lat Krabang, cũng ở Bangkok. Bưng Bua, tạm dịch là Đầm Sen. Trường ngay cạnh chùa và có lẽ, trước đây có nhiều sen, khu vực này là vùng ngoại ô mà.
Đoàn đại biểu KBU chụp ảnh chung với đại diện lãnh đạo
Trường tiểu học Chùa Bưng Bùa và các em trên sân khấu ngoài trời.
Quà cho các cháu thì giản dị thôi: bánh các loại, sữa, bóng da, đồ chơi, dụng cụ học tập, v.v… Bánh, sữa, bóng thì để tại chỗ dành phát phần thưởng ngay “tại trận”. Mấy thứ khác, nhà trường cất, sẽ phát sau cho các cháu.
Địa điểm tập kết quà và phát quà.
Khi chúng tôi đến, các cháu đang tập trung ở giữa sân để nghe nhà trường phố biến chương trình ngày hội. Tổng số học sinh khoảng 600, được chia thành 4 đội lớn theo trang phục và màu sắc: đội đỏ, đội xanh, đội vàng và đội hồng.
Nhìn trang phục và các thứ khác như cờ, khẩu hiệu, trống, độ ngũ phụ huynh-cố vấn đã thấy sự chuẩn bị là chu đáo rồi.
Đội đỏ
Đội xanh
Đội vàng
Đội hồng
Đội hình chuyên trách về nghi thức...
… trong đó có vài “tay kèn trống” của Trường,
khai mạc tổng phần tiết mục của các em.
Đầu tiên là tiết mục bắt buộc thể hiện tài năng của từng đội: lĩnh xướng viên của đội cất giọng, cả đội hòa theo theo nhịp trống. Nôm na kiểu như ở VN, đoàn đi biểu tình, tuần hành, một người hô cả đám hô theo, nhưng ở đây lại là đặc trưng rất Thái, các em vừa múa, vừa hát, vừa hò theo nhịp, cả hét đồng thanh nữa mới ngộ chứ.
Trên sân khấu có 2 cô giáo trung niên làm
nhiệm vụ MC, nói liên tục từ đầu đến lúc kết thúc lễ hội.
Mỗi đội cử trên dưới 20 em, trang phục đồng bộ và lần lượt biểu diễn ở dưới sân. Các em còn lại, đông hơn, làm nhiệm vụ “ầm ĩ viên”.
Mỗi đội đều có vài tay trống như 2 ảnh trên.
Phần thứ hai, hoàn toàn thư giãn. Các em chơi các trò: Nhảy dẫm bóng bay (cho lớp nhỏ), Chạy về đích (cho lớp nhỏ), Chuyền lăn bóng bàn theo lòng máng (cho lớp lớn), Đẩy quả chanh bằng chai nước (cho lớp lớn), Kéo co (cho lớp lớn, cho lớp nhỏ). Xen kẽ có cả tiết mục của các phụ huynh cũng tham gia nhảy múa hoạt náo viên và kéo co. Rất tiếc rất nhiều hoạt vui, cảnh hay mà tôi không chụp được, do máy ảnh bị sự cố.
Dẫm mãi mà bóng chưa nổ!
Sắp về đích mà bị ngã. Đừng lo, em tự vùng dậy để chạy tiếp về đích nha.
Cùng nghiêng để bóng nhựa lăn về rổ nha.
Phát quà ngay sau mỗi phần biểu diễn hoặc thi đấu.
Thua, thắng đều được quà như nhau nha.
Giờ giải lao các em được ăn bữa cơm trưa chất lượng như thường lệ. Phòng ăn kiêm phòng sinh hoạt chung, khá to, với 3 dãy bàn dài kê sát nhau, bên trái là sân khấu, bên phải là nhà bếp. Trên khay cơm, tôi thấy có: cơm hoặc mỳ xào, 1-2 “tỏi gà”, nộm Thái, một món gì nữa mà tôi không nhớ, 2 quả quýt, một chai nước uống loại nhỏ. Ăn xong, các em tự dọn và đem khay đi rửa. Có thùng để trút đồ ăn thừa. Có 2 bể rửa, bể có xà phòng và bể nước sạch. Mỗi bể có 4 khoang, các vòi nước cứ chảy đều trong lúc các em rửa lần lượt theo từng khoang. Tiếp theo là giá phơi cất khay và thìa dĩa. Quy trình tự phục vụ của học sinh tiểu học ở nhà ăn là như vậy.
Phụ huynh, nhà tài trợ tham gia
làm nộm Thái cho các em dùng bữa trưa.
Tôi thấy có cái rất hay trong sự ăn uống của người Thái. Cứ thấy đoi đói, khan khát là ăn, là uống. Ăn uống tự nhiên, ngồi hay đứng chỗ nào cũng được. Ăn lắt nhắt, suốt cả buổi, tự nhiên “hơn cả người Hà Nội”. Con ăn không hết thì mẹ ăn nốt, thậm chí lấy thêm để ăn cho no luôn. Một tư duy rất thiết thực, phụ huynh chắc dạ mới đủ sức khỏe và sự nhanh nhẹn để phục vụ được con em suốt cả buổi. Hèn gì, nhìn chung đa số, người Thái thời nay to, khỏe và… mập cũng không ít. Người Việt Nam mình lại hơi hơi… khác.
Cái hay thứ hai, các nhà tài trợ đăng ký trước, bao nhiêu quà cũng OK và mời các vị cứ tự phục vụ các cháu: tự phát quà, tự điều cả một xe tải chuyên dụng kem đến phát, tự lo các món bánh cho các cháu ăn, tự ép mía cho các cháu uống, v.v...
Một cái hay nữa là đầu buổi lễ, cuối buổi lễ đều có nghi thức trao phần thưởng.
Phát phần thưởng vào đầu buổi lễ.
Sau đây là một số hình minh họa khác:
Em là một huyệt náo viên của đội.
Đội chúng em sẽ thắng đó nha.
Giúp đỡ người lớn chuyển quà.
Kèn ai kêu to hơn?
Ứ, em thích chơi ở sân với các anh chị, hổng thích chơi một mình.
Vai trò hoạt náo viên-phụ huynh cũng quan trọng lắm.
Các vị phụ huynh khác đứng, ngồi xem các cháu biểu diễn.
Nhiều vị mặc áo có màu sắc như màu của đội của con em mình.
Họat náo viên mải ngắm nhau và ham làm điệu chụp ảnh.
Các “phóng viên” là phụ huynh, là nhà tài trợ,
tổng cộng phải đến vài chục “tay máy”.
Bài và ảnh: An Bường