Câu hát gió đưa
không biết tự khi nào trên mảnh đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm… Chỉ biết khi
tôi lớn lên đã nghe điệu hố hụi hò khoan chập chờn chảy trôi trên sóng lúa.
Một pha hát ghẹo nam nữ trong bài chòi
ở Hội làng Túy Loan.
Người làng tôi
ai cũng biết hát, cỡ “nghệ sĩ chân đất” cấp làng xã thì vài ba người nhưng kiểu
hát đôi câu làm vốn thì kể cả ngày không hết. Ngày ấy người nổi tiếng cả thanh
lẫn sắc ở làng tôi là cô Năm Chửng. Đám gặt, đám cấy nào có mặt cô là xôm tụ
hẳn lên như một buổi trình diễn văn nghệ. Cô hát hay đến nỗi người ta phải
ngừng liềm hố hợi hò khoan… phụ họa.
Dường như mùa
xuân 1975 không chỉ giải phóng đất nước mà còn giải phóng cả những câu hát hò
khoan được chôn chặt trong lớp bụi thời gian. Người ta hồ hởi hát lúc làm
đồng, lúc hội họp đoàn thể, lúc giao lưu văn nghệ ở địa phương. Tôi còn nhớ
ngày ấy các đoàn thể sinh hoạt mạnh lắm. Cứ tối đến là cả xóm râm ran rủ nhau
đi họp. Cả mảnh sân rộng của cơ quan thôn thành nơi hội họp của cả làng. Vui
nhất bao giờ cũng là cuộc họp của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... Sau phần họp bao
giờ cũng là phần hát hò khoan cho đến tận lúc trăng lên. Hai Hội bỗng chốc
thành hai phe hát đố, hát xạo, hát nhân nghĩa…
Những lúc như
thế cô Năm Chửng thường chinh phục mọi người bằng giọng ca trong trẻo, lối đối
đáp thông minh không chê vào đâu được: Trai mô thanh bằng trai Phong
Lệ/ Gái mô diễm lệ bằng gái Quang Châu/ Gặp nhau đây giữa chốn đông người/ Muốn
gầy nhân nghĩa rủ bạn vàng hò chung… Hố khoan hố hợi… là hò khoan!
Một đêm hát hò
khoan như một thi đàn xướng họa của những người nông dân chân đất. Hò khoan là
điệu hát “kiến tại” nên người hát ngoài cái vốn tích lũy trong quá trình ca hát
còn phải sáng dạ, ứng biến tức thì. Có sống cùng những đêm hát hò khoan mới
thấy được tài thông minh độc đáo và dễ thương của giới bình dân xứ Quảng. Khi
bên kia dứt câu hát, thính giả hò phụ Hố khoan hợi là hò khoan… thì
chậm lắm là một hai phút, bên này phải hát trả lời. Thường thì người ta lợi
dụng câu hò khoan hố hợi ấy để kéo dài thời gian suy nghĩ tìm ý… Nếu mà bí
không đối đáp kịp thì đành bỏ cuộc ra về.
Chính vì hát hò
khoan không có thời gian “chết” nên vô cùng kịch tính và hấp dẫn. Đêm càng
khuya câu hát càng chơi vơi đắm đuối. Như lúc đêm hát đang mặn nồng nhưng cô
gái lại muốn về bèn cất lời: Mưa sa ướt áo em rồi…/ Kiếm nơi có lửa em
ngồi em hơ… Chàng trai níu giữ bằng tiếng lòng da diết: Lửa
đâu ngoài bụi ngoài bờ/ Lửa lòng anh đó em hơ thì vào…
Có một điều kỳ
lạ là những câu ca tình tứ thì ít ai nhớ mấy nhưng những câu hát xạo, hát ghẹo
tinh tướng thì trở thành giai thoại thách thức cùng thời gian. Đêm hò khoan bắt
đầu bằng hát chào, hát nhân nghĩa rồi mới đến hát xạo, hát đố… Đây cũng chính
là giai đoạn cao trào của đêm hát. Chất thông minh, dí dỏm của người hát không
chỉ thể hiện qua cách đối đáp lượm liền mà còn ở cách chơi chữ, nói lái, đố tục
giảng thanh… một cách tài tình, độc đáo! Như câu hát nghịch ngợm của cô
gái làng tôi chòng ghẹo các anh bộ đội về đóng quân giúp dân làm thủy lợi trong
những năm sau giải phóng, giờ trở thành câu chuyện kể trong lúc thảnh thơi đồng
áng: Trên đời em chẳng yêu ai/ Yêu anh bộ đội có hai quả mìn… Không
phải tay vừa, anh lính bèn cất giọng hò sang sảng: Quả mìn nào kể chi em? Anh
còn súng ngắn lại thêm lựu đạn chày? Ba năm nghĩa vụ ngắn thay/ Anh cuốc, anh
xới, anh cày cùng em…
Những câu hát
hò khoan bóng bẩy, mê say lòng người ấy đã từng được hồi sinh sau những năm
giải phóng giờ đây dần dần vùi lấp trong lãng quên. Đó không chỉ là số phận của
hò khoan xứ Quảng mà là tình trạng chung của âm nhạc, dân ca truyền thống Việt
Nam. Ngày còn là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế, chúng tôi đã có mười
ngày để đi thực tế tại huyện Điện Bàn khi học môn Văn học dân gian… Mười ngày
là quá ít so với kho tàng ca dao, dân ca xứ Quảng nhưng đã để lại trong lòng
mỗi sinh viên chúng tôi một tình yêu đắm say về mảnh đất “rượu Hồng Đào”.
Mấy năm gần
đây, thị xã Hội An như là một điểm đến để du khách gần xa tìm về câu hò nhân
nghĩa qua đêm Bài chòi lấp lánh vẻ đẹp xưa. Tôi cũng đã được thưởng thức một
đêm hội hò khoan hoành tráng trên sông Vĩnh Điện vào dịp kỷ niệm 35 năm ngày
giải phóng quê hương. Bao nhiêu năm trôi qua, những “nghệ sĩ chân đất” ngày xưa
từng bỏ bùa, bỏ ngãi trong câu hát hò khoan đã không còn nữa nhưng ít ra giờ
đây vẫn còn nhiều người luôn đau đáu đi tìm câu hát bỏ quên: Bà già đi
chợ nhà quê/ Bỏ quên câu hát phải đi tìm hoài… (thơ Lê Giang).
NHƯ HẠNH - baodanang.vn