5/10/13

VÕ NGUYÊN GIÁP - NIỀM TỰ HÀO VĨ ĐẠI DÂN TỘC VIỆT NAM

Blog BA CANG Xin được gởi lời chia buồn sâu sắc nhất tới anh Võ Hồng Nam và gia quyến Đại tướng. Bài viết gấp rút này của BA CANG trong ngày 5/10 xin được là một nén nhang để tưởng nhớ tới Đại tướng – một niềm tự hào vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cầu chúc linh hồn Đại tướng sớm siêu thoát và an nghỉ giấc nghìn thu nơi miền cực lạc.

Những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho.
Gia cảnh cha mẹ ông thuộc diện nghèo trong làng, quanh năm phải vay nợ nặng lãi của các nhà giàu.
Thuở tuổi còn rất nhỏ của Võ Nguyên Giáp, nề nếp gia phong đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời và sự nghiệp chính trị sau này của cậu. Cha ông khuyên dạy con: "Chữ Nho là chữ của Thánh hiền, là nho sinh, các con không được nghịch ngợm, dẫm đạp lên sách vở chữ Nho". Hai anh em cậu cùng các bạn đồng môn được cha dạy: Tạm thiện tự, Ngũ thiên tự và Ấu học tân thư. Mẹ kể cho cậu nghe về tướng quân Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương. Cha nói về phong trào đánh Pháp qua bài vè “Thất thủ kinh đô” đầy cảm động.
Học xong lớp 3 cậu học tiếp ở thị xã Đồng Hới, xa nhà trên 20 cây số. Cậu được học thầy giáo Đào Duy Anh. Hai năm học ở tiểu học Đồng Hới, hàng tháng cậu luôn đứng đầu lớp. Tại kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học, cậu đỗ đầu toàn tỉnh.
Năm 1925, Võ Nguyên Giáp đỗ thứ hai (sau Nguyễn Thúc Hào) vào trường Quốc học Huế. Hai năm sau, cậu bị đuổi học cùng với Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều), Phan Bôi sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa. Anh về quê và được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng. Rồi cậu vào làm việc ở Huế, tại nhà xuất bản Quan hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập và ở báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng.
Mùa hè năm 1928, Võ Nguyên Giáp trở lại Huế, bước vào đời của một chiến sĩ cách mạng. Anh làm việc ở Quan Hải Tùng thư, một nhà xuất bản do Tổng bộ Tân Việt chủ trương, sáng lập viên là Đào Duy Anh. Tại đây Võ Nguyên Giáp có điều kiện tiếp xúc với những học thuyết kinh tế, xã hội, dân tộc, cách mạng. Đặc biệt là cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” và tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria) do Nguyễn Ái Quốc viết từ Pháp gửi về.
Đầu tháng 10/1930, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị giam ở Nhà lao Thừa phủ (Huế), cùng với người yêu là Nguyễn Thị Quang Thái (về sau là người vợ đầu tiên của Đại tướng), em trai là Võ Thuần Nho và các giáo sư Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng... Năm 1940, chị bị giặc Pháp bắt giam và chết ngay trong ngục tù.
Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế Đỏ của Pháp, Võ Nguyên Giáp được trả tự do nhưng lại bị Công sứ Pháp tại Huế không cho ở lại Huế. Anh ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut và đỗ. Anh nhận bằng cử nhân luật năm 1937 (Licence en Droit).
Từ 1936 đến 1939, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Anh tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng.
Tháng 5/1939, Võ Nguyên Giáp nhận dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội do Hoàng Minh Giám làm Giám đốc nhà trường.
Ngày 3/5/1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Hồ Chí Minh.
Năm 1940, Võ Nguyên Giáp gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD)  và bắt đầu các hoạt động của mình trong Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, một tổ chức chống phát-xít và đấu tranh cho độc lập của Việt Nam. Năm 1941 đúng dịp tết Nguyên đán Tân Tỵ, anh cùng Hồ Chí Minh trở về Cao Bằng.
Ngày 22/12/1944, theo hướng dẫn của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, là tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN).
Ngày 25/12/1944, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội quân này lập chiến công đầu tiên là tập kích diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần.
Ngày 14/8/1945, Võ Nguyên Giáp trở thành uỷ viên BCH Trung ương ĐCS Đông Dương, sau đó là ủy viên Thường vụ Trung ương, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Bộ trưởng (nay gọi là Thứ trưởng) Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời (từ ngày 28/8 đến hết năm 1945) và là Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia  Dân quân tự vệ.
Trong Chính phủ Liên hiệp, Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (cho đến tháng 7/1947 và từ tháng 7/1948 trở đi).
Cũng trong năm 1946, anh kết hôn với Đặng Bích Hà (con gái giáo sư Đặng Thai Mai).
Võ Nguyên Giáp là đại biểu quốc hội khóa đầu tiên và liên tiếp 6 kỳ sau.
Võ Nguyên Giáp thụ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28/5/1948 trở thành Đại tướng đầu tiên của QĐNDVN khi mới 37 tuổi.
Năm 1954, Võ Nguyên Giáp được trao cho toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ và đã đại thắng. Trước khi ra trận, Hồ Chí Minh đã dặn dò: "Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn".
Từ năm 1954 đến năm 1956, Võ Nguyên Giáp chủ trương đấu tranh hòa bình, yêu cầu Việt Nam Cộng hòa thực hiện Hiệp định Geneve vì một Việt Nam thống nhất, không chia rẽ về tình cảm và chính trị.
Năm 1959, Võ Nguyên Giáp ra quyết định thành lập Đoàn 559 mở đường mòn dọc dãy Trường Sơn.
Năm 1964, Võ Nguyên Giáp đã bí mật cử Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn vào chiến trường Đông Nam Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam đánh lớn tại Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Đồng Xoài... tạo chuyển biến chiến trường và thành lập các Sư đoàn 1, 2, 3, 5, 7, 9 nổi tiếng.
Năm 1965, cử Hoàng Minh Thảo, người học trò của Võ Nguyên Giáp ở trường Thăng Long được cử vào Mặt trận Tây Nguyên làm Phó Tư lệnh rồi Tư lệnh Mặt trận B3.
Năm 1968, Võ Nguyên Giáp có tham gia lập kế hoạch tổng tiến công Mậu Thân, song khi nó diễn ra thì ông đang ở nước ngoài trị bệnh.
Năm 1972, chỉ đạo đại thắng tại Chiến dịch Đường 9 Nam Lào.
Cuối năm 1972, Võ Nguyên Giáp đã bố trí lực lượng đánh trả cuộc tập kích đường không của Không lực Mỹ suốt 12 ngày đêm. Thất bại trong chiến dịch này buộc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris với những điều khoản nhân nhượng mà chính họ trước đó đã từ chối.
Năm 1974, Đại tướng đi thăm bộ đội Trường Sơn trên đường mòn Hồ Chí Minh và kiểm tra sự chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy dự kiến vào mùa Xuân 1975.
Năm 1975, Võ Nguyên Giáp có một loạt các quyết định cực kỳ quan trọng: Chọn địa bàn Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược; Đánh đòn "điểm huyệt" tại Buôn Mê Thuột. Ra lệnh giải phóng Đà Nẵng trong 3 ngày. Quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn. Mệnh lệnh nổi tiếng nhất của ông chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh là "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng".
Trong một thời gian ngắn từ tháng 7/1960 đến tháng 1/1963 ông kiêm thêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước.
Ngày 7/2/1980, ông thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng vẫn tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị (đến năm 1982) và Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật. Năm 1983 ông kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch.
Năm 1991, ông thôi chức ủy viên Trung ương, Phó Thủ tướng, nghỉ hưu ở tuổi 80.
Thời gian cuối đời, tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng ông vẫn quan tâm và có một số hoạt động chính trị: Viết báo yêu cầu kiểm định và báo cáo Đại hội Đảng Cộng sản X về Vụ PMU18; 
Gặp gỡ và khuyến khích doanh nhân làm xuất khâu nông sản; Gửi thư trong đó bày tỏ sự phản đối chủ trương xây dựng Nhà Quốc hội ở khu di tích 18 Hoàng Diệu; Viết báo về thực trạng và kiến nghị 6 vấn đề "cơ bản và cấp bách" nhằm triển khai có kết quả công cuộc đổi mới nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam hiện nay; Góp ý về Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, không dưới 3 lần, yêu cầu dừng dự án này, vì lý do an ninh quốc gia và vấn đề môi trường.
Ông qua đời tại Viện quân y 108, Hà Nội vào 18h09 phút ngày 4/10/2013, nơi ông nằm điều trị từ năm 2009.
Võ Nguyên Giáp – Một thiên tài quân sự
Ông Giáp đã xây dựng QĐNDVN từ 34 người vào tháng 12/1944 thành một đội quân với hơn một triệu người năm 1975. Ông đã chỉ huy quân đội thắng lợi trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.
Với hơn 50 năm tham gia hoạt động chính trị, trong đó có 30 năm là Tổng tư lệnh Quân đội, ông có uy tín lớn trong Đảng Cộng sản Việt Nam và trong QĐNDVN. Thông tin chính thống gần đây cho biết: "Tất cả các ý kiến của anh Văn đều được Bộ Chính trị tiếp thu và tán thành trong suốt thời kỳ chiến tranh".
Thượng tướng Trần Văn Trà đã từng gọi Đại tướng Võ Nguyễn Giáp là "tư lệnh của tư lệnh, chính uỷ của chính uỷ".
Thượng tướng Giáo sư Hoàng Minh Thảo khi được hỏi về trình độ đánh trận của các tướng lĩnh Việt Nam đã trả lời: Tất nhiên đầu tiên là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thứ hai là tướng Lê Trọng Tấn. Thứ ba là tướng Hoàng Văn Thái và thứ tư là tướng Nguyễn Hữu An”.
Với quân đội, ông thực sự là tấm gương sáng cho các thế hệ tướng lĩnh về đạo đức, sự chuẩn mực, tài cầm quân, nghệ thuật chiến đấu, chiến thắng. Ông là hình ảnh rực sáng, là tượng đài sừng sững trong lòng cán bộ, chiến sĩ, những người đào hào trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những người đã xẻ dọc Trường Sơn, đào địa đạo Củ Chi đánh Mỹ. Nhiều tờ báo của ĐCS, của Quân đội, cũng như của công chúng và các kênh truyền hình trong nhiều năm nay đã luôn nhắc đến ông như là một thiên tài quân sự kiệt xuất của người Việt.
Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutuzov, Jukov..., những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”. (Ducan Townson, sách Những vị tướng lừng danh).

Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”. (Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ (xuất bản năm 1993).
Ông đã từng trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế: Nghệ thuật quân sự của chúng tôi, là lấy tinh thần chế ngự vật chất, lấy yếu chế ngự mạnh, lấy thô sơ chế ngự hiện đại. Chúng tôi đánh bại quân đội đế quốc hiện đại bằng tinh thần yêu nước của nhân dân cùng với chủ nghĩa anh hùng Cách mạng”. Chúng tôi trả lời là từ “lo sợ” không có trong tư duy quân sự của chúng tôi, bởi vì với chúng tôi, không có gì quý hơn độc lập tự do, chúng tôi quyết đánh Mỹ và chúng tôi luôn tin tưởng là sẽ thắng”.

Nếu như tiêu chí chọn tướng của Hồ Chủ tịch là "Đánh thắng Đại tướng được phong Đại tướng" thì suốt cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lần lượt đọ sức và đánh thắng 10 đại tướng của Pháp và Mỹ, chưa kể đến nhiều viên đại tướng của chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Các tướng lĩnh Mỹ khi nhắc đến ông vẫn thường gọi ông là "Đại tướng 5 sao", William Westmoreland gọi ông là "Tướng huyền thoại" (Legendary Giap)...

Ông được nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà quân sự trên thế giới đánh giá là “Một thống soái vĩ đại”, “Một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại”. Ông là một trong số ít các nhân vật trở thành huyền thoại ngay cả khi đang còn tại thế.
Trong tác phẩm “Võ Nguyên Giáp - Con người và huyền thoại” (Võ Nguyên Giáp - Man and Myth, New York, F.P.Publishers, 1962), nhà báo - nhà sử học Bernard Fall đã đánh giá rất xác đáng: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp Võ Nguyên Giáp”.
BBạn bè năm châu bốn biển khi nhắc đến tên Võ Nguyên Giáp đều bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc, các dân tộc châu Phi và Mỹ La-tinh tin rằng chiến thắng Điện Biên Phủ do ông chỉ huy là khởi nguồn cho nền độc lập hôm nay của họ.
Võ Nguyên Giáp – Một nhà khoa học uy tín
Ở chuyên ngành nào thuộc phạm vi mình phụ trách, Võ Nguyên Giáp cũng đều có những ý kiến xác đáng, thấu tình đạt lý. Với ngành sử học, ông góp rất nhiều chính kiến rất cơ bản. Ông cho rằng môn sử-địa giúp ích rất lớn về nâng cao tri thức, lòng yêu nước và trách nhiệm với xã hội. Và ông đặt câu hỏi: "Mình đã nhiều lần đi trao giải cho các học sinh thi giỏi Toán, Vật lý nhưng sao không thấy có giải của môn sử-địa? Cần nghiên cứu vấn đề này kể cả trong cách dạy và học, cùng với nhiều hình thức sinh động khác". 
Về giáo dục và đào tạo, ông thường tâm sự với các vị lãnh đạo ngành, các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên rằng: "Giáo dục và đào tạo không chỉ có sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài... mà còn có sứ mệnh tạo ra những định hướng giá trị về văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ và tinh thần có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội, bởi vì giáo dục và đào tạo là mục đích của cuộc sống, vì con người và vì cuộc sống...
Năm 1977, trên cương vị Phó thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất một chiến lược về khoa học biển và kinh tế miền biển rất ấn tượng. Nói chuyện với các nhà khoa học, ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải nhanh chóng khắc phục sự lạc hậu trong hiểu biết về biển cả, để góp phần thúc đẩy việc khai thác tốt hơn những nguồn lợi mà biển cả sẽ đem lại cho đất nước ta”.
Ông đã chỉ ra những vấn đề vượt thời gian: “Việc khai thác dầu khí ngoài biển Việt Nam đã là chuyện trước mắt. Việc sử dụng năng lượng thủy triều ở bờ biển nước ta cũng phải đặt ra rồi. Độ chênh lệch của thủy triều nước ta chứa đựng một tiềm năng quan trọng về năng lượng là rất quý. Có thể có những kiểu máy điện thủy triều được không? Các đồng chí vật lý biển phải trả lời vấn đề này, ngành cơ khí phải đi trước một bước”…
“Ngành sinh học biển phải đi sâu, thúc đẩy phương hướng kinh tế này. Cần phải từ đặc điểm của từng vùng biển có những điều kiện vật lý như nhiệt độ, độ mặn, ánh sáng chiếu xuống như thế nào, rồi áp suất sóng, thủy động lực, dòng chảy như thế nào, để kết luận xem những vùng nào nuôi được loại cá nào là thích hợp nhất”…
Từ năm 1977, ông đã có những chỉ đạo chiến lược rất sâu sắc: Kinh tế vùng biển phải từ đất liền mà phát triển ra biển và các hải đảo. Đưa dân ra làm kinh tế biển đảo, vừa cải thiện được đời sống của dân, vừa có lực lượng để thực hiện quốc phòng toàn dân, để giữ vững chủ quyền biển, đảo.
Các tác phẩm chính
1.  Vấn đề dân cày (đồng tác giả với Trường Chinh), 1938;
2.  Đội quân giải phóng, 1950
3.  Từ nhân dân mà ra, 1964;
4.  Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, 1964;
5.  Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng, 1970;
6.  Những năm tháng không thể nào quên, 1970
7.  Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân, 1972;
8.  Những chặng đường lịch sử (gồm 2 tác phẩm đã in trước đó là Từ nhân dân mà ra và Những năm tháng không thể nào quên), 1977;
9.  Chiến đấu trong vòng vây, 1995;
10.    Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, 1979;
11.    Đường tới Điện Biên Phủ;
12.    Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử;
13.    Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng, 2000.
Võ Nguyên Giáp – Một phong cách làm mẫu mực
Đại tá Nguyễn Huyên, người trợ lý đã gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp gần 40 năm cho biết: Đại tướng nghiêm túc trong công việc nhưng không cứng nhắc đâu. Anh (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) còn hay đùa dí dỏm nữa. Ví dụ như khi đang tập trung làm việc tôi có việc cần xin anh nghỉ 10 phút thì anh bảo: “Cho cậu nghỉ hẳn 11 phút luôn!”. Đại tướng luôn thích trung thực, thẳng thắn. Anh hay dặn: “Cái gì thấy đúng thì cứ giữ ý kiến.” Đại tướng luôn lắng nghe ý kiến của mọi người, dù ý kiến đó có thể ông chưa đồng tình. Chính vì thế khi anh đến các địa phương, các ngành ở đâu có có vấn đề gì người ta cũng muốn nói với anh. Có lẽ nhờ vậy mà anh có điều kiện để phân tích tình hình một cách khách quan, toàn diện, hiểu được thực chất và tìm ra giải pháp thuận lòng người. Đại tướng là người luôn làm chủ tình hình, luôn chủ động, không bao giờ bị động, biết làm việc gì, nêu ý kiến gì, lúc nào cho đạt hiệu quả. Anh cũng là người giữ ý kiến của mình mà không gây mất đoàn kết, lại có phương pháp đấu tranh phù hợp để cuối cùng thực hiện được ý kiến đúng đắn đó và được mọi người đồng tình.
Võ Nguyên Giáp – Một tượng đài sống trong lòng dân
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được tặng thưởng các huân chương: 1 Huân chương Sao Vàng (1992); 2 Huân chương Hồ Chí Minh; 2 Huân chương Quân công hạng nhất; 6 Huân chương Chiến thắng hạng nhất.
Đại tướng là người luôn hết lòng vì nước, vì dân, hiểu dân, thương dân và thương lính: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”.
Quân đội Nhân dân Việt Nam ở cả miền Bắc và miền Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, có tinh thần quyết chiến rất cao, thông minh và sáng tạo. Còn vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình”.
Trong thời gian gần đây, tại các lễ hội, mít tinh, giải thi đấu thể thao lớn nhỏ trong nhà, ngoài trời, nhiều nam nữ thanh niên đã mang ảnh chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra vẫy cổ động. Điều này cho thấy, ông không chỉ là thần tượng của thế hệ kháng chiến chống giặc ngoại xâm trước đây mà còn là hình ảnh lẫm liệt trong lòng giới trẻ, thanh niên, trí thức ngày hôm nay. Thế hệ trẻ nhìn nhận lịch sử và ngưỡng mộ ông một cách tự nguyện và chân thành nhất.
Người viết bài này nhớ lại câu thơ Bút Tre đã góp phần giúp thời cấp 3 phổ thông của mình học thuộc sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ trong sách giáo khoa sử khô khan:
Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về…

An Bường tổng hợp

Nguồn tham khảo: vi.wikipedia.org; dantri.com.vn; vnexpress.net; thethaovanhoa.vn.