Hôm qua tôi mới
chỉ kịp còm trên FB. Tự nhủ hôm nay tranh thủ viết sớm dăm chữ chơi
chơi về bài viết về Tết của lão Tập tiên sinh để đăng trên blog nhà.
Vậy mà bây giờ mới rảnh.
Tôi đồng tình với
bạn Saigonene-SUV là cái lão Tập này tốt tính, nhưng xin thêm là còn
tốt tình nữa, vì lão được nhiều chị
em yêu mến quá.
Mời các bạn đọc
bài viết đó của lão mà tôi copy lại từ blog Người Sài Gòn của bạn
Saigonese-SUV (hay Uyen Vy Nguyen trên FB). Tiêu đề mới CHUYỆN TẾT Ở ẤP
5 ở blog BA CANG do tôi đặt lại. Các
bạn đọc thêm các lời còm của bạn đọc trên FB, để hiểu thêm về lão.
Xóm nhỏ Đón Tết
Lão Tập tiên sinh. Ảnh: FB CongBinh Tran |
Lão là người tôi quý nhất bên Hang Cua Hieuminh vì Lão rất tốt
tính và nhiệt tình với bạn bè dù chỉ quen biết nhau qua mạng ảo. Tên cúng cơm
của Lão là Trần Công Bình, nhưng vì Lão lấy nick là TC Bình nên bị mọi người
gọi Lão là Tập Cận Bình hay Lão Tập cho gọn. Lão hành nghề y ở Long Thành nên
được ông bạn vàng Xang Hứng trong Hang Cua đặt thêm cho biệt danh là Lang Bình.
Hai Lão bào chế đủ thứ thuộc kỳ cục để chữa bệnh cho một bệnh nhân đặc biệt là
một Bác Bồ Câu. Lão có lối kể chuyện bịa như thật và chuyện thật như…đời, làm
người đọc bồi hồi vì bắt gặp mình ở đâu đó trong câu chuyện của Lão. Hôm nay
tiễn Ông Táo về trời, tôi lôi bài Lão viết về cái Tết nơi xóm nhỏ về “nhà” mình
để được hưởng không khí Xuân.
Sáng hôm nay, 23 tháng chạp, đang online thì nhận tin nhắn của
ông bạn già: “Lão Tập không lo phụ vợ cúng ông Táo, ở đó mà fb”. Thôi rồi! Lão
này lại làm mình nhớ tới món táo tầu mình hay ăn vụng trong siêu thuốc bắc của
mẹ khi xưa.
Gì chứ ngày cúng ông Táo thì chả cần ai nhắc mình vẫn nhớ. Chả
là mấy bà hàng xóm của mình đã í ới nói chuyện ông Táo ngay từ sáng
sớm. Xóm mình (bây giờ là ấp 5, ấp nhỏ nhất trong xã) hầu hết là người Nam
đã cư ngụ tại đây khá lâu đời. Có một số là con cháu những người phu cao su
công tra (contrat) xưa nhưng họ sống như người Nam, chả còn có vẻ gì là Bắc Kỳ
cũ. Xóm này trước 30/4/75 được gọi là xóm Sài Gòn, cách biệt với khu “dưới
làng” tức khu Hà Nội một con suối. Gọi là xóm Sài Gòn vì khi đó cả ấp là vùng
xôi đậu. Xóm Sài Gòn hồi đó có đồn lính, có văn phòng của chủ sở cao su và là
nơi cư ngụ của chủ Tây, các thày chú, thư ký, tài xế…nên sinh hoạt có phần “ăn
chơi”, khác với khu Hà Nội (do các chú Ba trong rừng kiểm soát) là nơi ở của
công nhân cạo mủ.
Nói về xóm mình cũng có khối chuyện để kể nhưng kể về cách ăn
Tết trước.
Ngay từ 20 tháng Chạp, các bà nội trợ đã rộn ràng chuẩn bị đón Tết. Nào củ cải,
cà rốt, đu đủ xanh, kiệu… phơi lổn nhổn ngoài đường. Người Nam thường làm dưa
món để ăn với bánh tét. Dưa món gồm cả hành củ, kiệu, đu đủ xanh, cà rốt, đậu
phộng rang được ngâm trong nước mắm. Chị T kế bên nhà mình làm dưa món rất
ngon. Năm nào bà xã đảm đang (!) của mình cũng nhờ làm một hũ dưa món. Con dâu
ngoan của mình thế nào cũng bắt chước ăn ké một hũ kẻo thua sút mẹ chồng.
Ngày 23 cúng ông Táo, thường mâm cúng cũng đơn sơ gồm trái
cây, bánh mứt, bộ đồ cho ông Táo, nhang đèn. Cá chép người cúng người không,
nói chung là không bắt buộc. Chả biết sao, hình như ở ngoài Bắc, cá chép là
không thể thiếu?
Rộn ràng nhất là những ngày giáp tết, mấy bà
nội trợ đảm đang lo gói bánh tét. Mình chả biết gói cả bánh chưng lẫn bánh tét
nhưng nghĩ là bánh tét dễ gói hơn nhiều, chả có ai phải dùng khuôn cả. Mình
không thích ăn bánh tét. Có ăn chăng là khi mẹ của sếp mình gói bánh tét nhân
hạt điều thì mình nhắn xin 1 cái ăn chơi gọi là. Trong xóm có một cô gói bánh
tét chuyên nghiệp, bất kỳ lúc nào cũng có thể đặt gói, bảo đảm như ý.
Nói về tài muối kiệu, muối hành, làm dưa món thì mấy bà người
Nam là số một. Mình từng ăn mấy loại này của các bà Bắc, Trung và Huế nhưng, bà
nào chửi mình chịu, phải công nhận mấy bà Nam là khéo nhất.
Tối 30 Tết ở trong xóm vui lắm. Chỗ này nấu bánh, chỗ kia dỡ
bánh…Các bà nội trợ tíu tít chưng mâm ngũ quả, nhang đèn và chuẩn bị các món ăn
để tối cúng giao thừa. Mấy ông trong hội nhậu có khi đã la đà, sàng xê tìm
chỗ…cầu may ở nhà… bác thằng bần. Mấy cháu choai choai trong xóm trước đó đã
làm một góc vui xuân.
Cây mai giả đã chuẩn bị xong, đèn trang trí đã nhấp nháy, dàn
karaoke đã sẵn sàng. Chả cứ choai choai, thiếu nhi, mấy ông bà lão già cũng cướp
micro hát tá lả. Hát hay không bằng hay hát, có thể là cặp song ca choai
choai-phụ lão, cô ở giá cùng anh độc thân…nói chung là ai cũng vô tư thoải mái.
Trong và sau khi hát là nhậu, ai uống được cứ uống, ai không uống phá mồi. Đồ
nhậu thì ai có gì góp nấy, đủ món hầm bà lằng. Bọn choai choai thường chờ đến
giao thừa là kéo nhau đi dọc xóm gõ thùng gõ thảng thay pháo. Ngày tết, ai cũng
vui vẻ, chả ai lấy thế làm phiền.
Gần đến giao thừa, các cụ sếp gia đình thường bị triệu về cúng
giao thừa để tạ ơn trời đất và mời ông bà về ăn Tết. Mâm cúng lúc này rất nhiều
món nhưng có mấy món không thể thiếu là khổ qua nhồi thịt hầm, thịt kho tàu,
dưa giá, bánh tét. Từ giờ phút cúng giao thừa là ông bà đã ở trong nhà ăn Tết
cùng con cháu. Mọi việc từ nói năng, cư xử phải cẩn trọng như có ông bà hiện
diện. Ngày hai bữa con cháu ham chơi bỏ ăn thì tùy nhưng phải có mâm cỗ cúng
ông bà đàng hoàng. Đến tối mùng ba thì làm cỗ cúng đưa ông bà về, có đốt vàng
mã cho ông bà làm lộ phí và tiêu xài.
Về tục xông nhà xóm mình hình như người ta để ý nhưng cũng
không cho là quan trọng lắm. Ai xông nhà mà năm đó làm ăn suông sẻ là may mắn
của gia chủ, chả có gì để mà sắp đặt hay kiêng cữ. Có năm nhà chị T cả đám chơi
giỡn ầm ầm. Gia chủ cứ cúng giao thừa, trẻ con người lớn cứ ra vô nườm nượp,
biết ai xông nhà…chết liền. Gia chủ cũng vui vẻ, hớn hở như không.
Về vụ lì xì, người Bắc thường chỉ lì xì cho trẻ khi đến nhà
chúc tết đàng hoàng. Nhưng ở xóm mình, trẻ con đi trong xóm gặp người lớn lì xì
cho là thường. Nhất là khi các cụ đang xin xỉn, lại mới ăn bài chẳng hạn, vài
chục là chuyện quá nhỏ. Lão Tập chả say bao giờ nhưng khi rủng rỉnh là lì xì
búa xua. Con nít mà, cho nó mừng, mau lớn.
Sống ở xóm này hơn 20 năm, mình thấy thật dễ sống. Mọi người
đối xử chan hòa, chân tình. Có nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi biết lão
Tập, rất nhiều lần lười không thèm đi mấy bước chân về nhà mà ghé vào nhà hàng
xóm dõng dạc kêu: Chủ quán đâu, cho tô cơm. He he, nếu còn cơm nguội, thế
nào cũng kiếm được một tô. Có gì ăn nấy, ăn mày đòi xôi gấc sao được.
——–
Bài của Lão Tập viết khơi khơi không có phần kết. Ngồi chỉnh
trang bề ngoài cho cái status trên FB thành entry trên blog, phải đọc đi đọc
lại bài này tôi phát hiện ra Lão Tập nhắc đến cái nhà Chị T hàng xóm hơi nhiều,
kỳ này thì Lão chết với bà vợ đảm đang của Lão
Saigonese-SUV (uyenvysaigon70.wordpress.com)