(BizLIVE)- Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra trong máu của người phụ nữ từng
được ghi nhận là người già nhất thế giới có những cấu trúc lạ giúp bà có thể
sống thọ hơn những người khác.
Bà Hendrikje Van Andel-Schipper.
Khi bà Hendrikje Van
Andel-Schipper hiến tặng cơ thể của bà cho khoa học, có lẽ bà cũng không ngờ
được rằng đó lại là một món quà thực sự đặc biệt đối với các nhà khoa học
nghiên cứu tuổi thọ.
Bà qua đời ở tuổi 115, độ tuổi đã
giúp bà được ghi tên trong sách kỷ lục Guinness cho kỷ lục người sống thọ nhất
thế giới. Với việc hiến tặng cơ thể sau khi chết cho một nhóm các nhà nghiên
cứu Hà Lan, bà đã giúp tạo nên bước đột phá làm sáng tỏ một số lý do tại sao
lại có một vài người sống lâu hơn những người khác.
Trong năm 2010, nhóm các nhà khoa
học do TS. Henne Holstege tại Trung tâm Y khoa Đại học VU (Amsterdam, Hà Lan)
đứng đầu đã phân tích bộ gen của bà Andel-Schipper với hy vọng sẽ phát hiện ra
điều gì đó tiết lộ các bí mật về tuổi thọ thông qua bộ gen của bà.
Trong nghiên cứu mới nhất của
nhóm Holstege, được xuất bản trên tạp chí Genome Research, các nhà nghiên cứu
đã công bố việc tìm thấy đột biến gen trong máu của Andel-Schipper.
Nghiên cứu chỉ ra rằng: khi tế
bào gốc phân chia, chúng tạo ra các loại tế bào máu khác nhau, giống như các tế
bào máu trắng. Nhưng các đơn vị đó cũng có thể gây đột biến. Và họ muốn xác
định xem các đột biến có thể xảy ra trong các tế bào máu trắng khỏe mạnh theo
thời gian hay không và nếu có thì nó sẽ tác động như thế nào đến sức khỏe.
Họ phát hiện ra rằng, mặc dù bà Andel-Schipper
có một lối sống khá lành mạnh, vẫn có hàng trăm đột biến di truyền trong tế bào
của bà, điều đó khiến cho các nhà khoa học tò mò. Vì vậy, các nhà nghiên cứu
quyết định khám phá nơi khởi nguồn của các tế bào máu trắng và đã xem xét các
tế bào gốc của bà Andel-Schipper.
Các nhà khoa học ước tính rằng
hầu hết mọi người từ khi sinh ra đã có khoảng 20.000 tế bào gốc, trong đó,
khoảng 1.300 được coi là "hoạt động". Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu
đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy trong máu của bà Andel-Schipper chỉ có hai tế
bào gốc hoạt động tại thời điểm bà chết.
"Lúc đầu, tôi không thể tin
rằng đó là sự thật. Tôi nghĩ rằng nó là do sơ suất kỹ thuật. Thật khó để tin
rằng người này vẫn có thể sống chỉ với hai tế bào gốc", TS. Holstege nói.
Các nhà nghiên cứu sau đó đã xem
xét chiều dài của các telomere trên các tế bào máu Andel-Schipper và phát hiện
ra chúng rất ngắn so với tất cả các cơ quan khác của bà. Khi các tế bào già đi,
telomere của họ cũng ngắn đi. Qua đó, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng có thể có
một giới hạn về số lượng các đơn vị tế bào gốc và tại một điểm nào đó, chúng
bắt đầu chết đi khiến các bộ phận kiệt sức.
Có thể việc tế bào gốc kiệt sức
là nguyên nhân dẫn đến cái chết của bà Andel-Schipper đồng thời, nó cũng có thể
là nguyên nhân gây ra tử vong ở nhiều người người lớn tuổi khác. Tuy nhiên, các
nhà nghiên cứu cho rằng cần nghiên cứu thêm để để khẳng định tính chính xác của
điều này.
Nếu điều này được chứng minh, nó
càng làm sáng tỏ tác động lớn của nó đối với quá trình lão hóa. Như vậy, nếu có
một giới hạn cho tuổi thọ của các tế bào gốc, cũng là một giới hạn cho cuộc
sống con người. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể bổ sung các tế bào gốc?
Lão hóa là một hiện tượng khó
giải thích với không ít nhà nghiên cứu, và thậm chí cả các doanh nghiệp như
Google cũng đang có kế hoạch khởi động một công ty gọi là Calico để tập trung
vào giải quyết các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là kéo dài tuổi thọ của con người.
Chi tiết về kế hoạch này không
được tiết lộ, nhưng đó có thể là bằng chứng cho thấy mong muốn hiểu biết
nhiều hơn về quá trình lão hóa đã vượt xa các phòng thí nghiệm.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của
tiến sĩ Holstege vẫn đang tìm kiếm câu trả lời từ bộ gen của bà Andel-Schipper.
Tiến sĩ Holstege hy vọng thông qua kết quả nghiên cứu bộ gen của bà
Andel-Schipper, nhóm của ông sẽ tìm ra một số yếu tố chống lại căn bệnh
Alzheimer, vì mặc dù tuổi tác của bà Andel-Schipper đã cao nhưng không có bất
kỳ dấu hiệu nào của chứng mất trí.
Đ.T (theo Time) - bizlive.vn