7/7/14

Vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài – những lời chia buồn ngày 06/7/2014

(Ba Cang)- Từ chập tối 06/7, tờ báo điện tử zing.vn hình như đưa tin sớm nhất:
“Trên trang cá nhân của nhà văn Phạm Xuân Nguyên (FBer Nguyen Pham Xuan – ghi chú của 3CANG), nhiều người bàng hoàng khi biết tin nhà văn Tô Hoài - tác giả của truyện Dế mèn phiêu lưu
ký, Vợ chồng A Phủ,... qua đời ở tuổi 95.”

“Nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xác nhận, Tô Hoài tạ thế vào lúc 11h35 phút trưa ngày 6/7 tại Hà Nội. Hội Nhà văn và Thành ủy Hà Nội sẽ cùng gia đình lo hậu sự.”

Thời đại Internet, thời đại a-còng (@) có khác, tốc độ đưa tin trên các báo điện tử và các mạng xã hội là cực nhanh.
Tính đến gần 12 giờ đêm 06/7, các tờ báo điện tử như zing.vn, vanvn.net, vnexpress.net, nguoiduatin.vn, phunutoday.vn, kenh14.vn, thanhnien.com.vn,… đã có các bài viết tóm tắt về thân thế và sự nghiệp của nhà văn Tô Hoài. Với các FBer, số lượng stutus và bình luận lên tới 283.

BBC cho biết:
”Tin ông qua đời chỉ trong vài giờ đồng hồ thu hút hơn nửa triệu người xem trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt, với hàng chục ngàn người bấm nút Likes, hàng ngàn người tham gia bình luận và hơn một ngàn người bấm nút Shares.”

Thật cảm động khi FBer Tra Doan viết rằng:
“Đêm nay, những chú dế quanh nhà mình vẫn kêu như thường lệ nhưng tiếng kêu của chúng nghe ai oán và sầu bi. Chắc chúng đã biết nhà văn Tô Hoài, người đã sinh ra cậu Dế Mèn tinh nghịch, đáng yêu đại diện cho dòng họ nhà dế hiên ngang xuất hiện trong văn học Việt đã qua đời.”
“Nếu không nhà văn Tô Hoài thì người ta chỉ cảm nhận về loài dế mèn như mấy hình ảnh sau.” (vì khuôn khổ bài viết, chỉ xin trích 1 trong 4 ảnh)


FBer, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn luôn coi Tô Hoài như người thầy của mình: "Quả thật, được cùng làm việc với nhà văn Hà Nội giản dị, hóm hỉnh, say mê làm việc như Tô Hoài là một may mắn của mình. Nhà văn đã dậy mình rất nhiều, ví dụ: "Làm báo như người làm xiếc trên dây, phải thật vũng vàng trước chông chênh dư luận" - "Muốn viết văn thì điều cần nhất là chi tiết. Mà chi tiết chỉ có trong đời sống"...”

FBer, nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết: “Sau hàng ngàn trang sách ông tận hiến chữ và trí cho nhiều thế hệ, giờ ông lại tiếp tục là "chú dế mèn" phiêu lưu vào cõi cực lạc. Có một Hà Nội trong lòng độc giả: Tô Hoài.”

FBer, nhà báo Chu Thị Thơm viết: “Hình ảnh cuối cùng của nhà văn Tô Hoài và người bạn đời yêu quý của ông mà đồng nghiệp nhìn thấy ngày 19/12/2012, nhân Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hội NVVN. Lúc này ông đã rất yếu, phải có người đi kèm. Nhưng trên gương mặt của tác giả Dế mèn phiêu lưu ký, nụ cười vẫn tỏa sáng, nhân hậu,thân thiết và đầy yêu thương.”

Trên trang của FBer, dịch giả Đoàn Tử Huyến, có các lời bình như sau:

FBer, nhà văn Ngo Thao: "Người cuối cùng của một thế hệ vàng trong văn chương Việt đã ra đi. Chia buồn với gia đình Ông và tự chia buồn với mình với tư cách một người chăm đọc.”

FBer, dịch giả Ho Bat Khuat: "Hình như người cầm bút đích thực phải như vậy: Sống lặng lẽ, ra đi lặng lẽ, chỉ có tác phẩm là gây bão tố trên văn đàn. "Dế Mèn" của ông đã phiêu lưu, mạo hiểm đến tận "Chiều Chiều". Ông đã im lặng ra đi, có lẽ chúng ta cũng không cần nói nhiều nữa, nên đọc ông thêm lần nữa.”

FBer Fuchsia Art: "Nên bắt chước Dế Mèn đi phiêu lưu, càng đi càng thấy mình vẫn đứng lại, ngày mai lại tiếp tục lên đường... dù bằng ngòi bút”.

FBer, nhà báo Dung Do: "Dế mèn là tác phẩm vĩ đại nhất của nhà văn Tô Hoài. Mà sao lại quá giản dị. Và được viết từ thời mới cầm bút. Chuyện đời cũng oái ăm.”

FBer, bác sỹ Đông Hữu Đoàn: "Nếu không có nhà văn TÔ HOÀI thì sự thật về cải cách ruộng đất sẽ bị quyên lãng,nhà văn đã tái hiện lại một cách sinh động qua tác phẩm truyện BA NGƯỜI KHÁC xin vĩnh biệt và tri ân người, những tác phẩm của ÔNG sẽ còn mải với thời gian...”

FBer, mỹ thuật giaĐỗ Bảo Nguyễn: Với "Dế Mèn" viết trước Cách mạng, tác giả trở thành người theo "chủ nghĩa xét lại " đầu tiên của Việt Nam và trước cả Nga Xô ! Tôi cúi đầu tưởng nhớ Ông - một đại diện đỉnh cao cho những con người "thấp cổ bé họng" trong xã hội !”

FBer, dịch giả, kỹ sư Pham Nguyen Truong dẫn lại đoạn thơ tả chân dung: ”chân dung mà nhà văn Xuân Sách đã vẽ cho nhà văn Tô Hoài ngày nào:
Dế mèn lưu lạc mười năm
Để o chuột phải ôm cầm thuyền ai
Miền tây sen đã tàn phai
Trăng thề một mảnh mọc ngoài đảo hoang...”


FBer, nhà báo của Đài Tiếng nói nước Nga - Nguyễn Thị Kim Hiền dẫn truyện: "Tôi sống độc lập từ thủa bé. ấy là tục lệ lâu đời trong họ nhà dế chúng tôi. Vả lại, mẹ thường bảo chúng tôi rằng: "Phải như thế để các con biết kiếm ăn một mình cho quen đi. Con cái mà cứ nhong nhong ăn bám vào bố mẹ thì chỉ sinh ra tính ỷ lại, xấu lắm, rồi ra đời không làm nên trò trống gì đâu."

Một FBer ở Hải Phòng, bạn đọc Hải Nguyễn Xuân: ”Lứa bọn em đứa nào cũng mê mẩn truyện này. Tất cả nhân vật được nhân cách hoá một cách sống động.” 

Trang điện tử của Đài BBC tiếng Việt, sau tin nhanh nhà văn Tô Hoài là câu hỏi gợi ý bạn có kỷ niệm gì với các tác phẩm của ông không?

Tờ phunutoday.vn giật tít thật cảm động: ”Nhà văn Tô Hoài qua đời: Cát bụi... thôi còn vướng chân ai”

Một trích đoạn từ bài viết của nguoiduatin.vn để tạm dừng bài viết này:
”Đánh giá về sự nghiệp của nhà văn Tô Hoài, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: "Tô Hoài là một nhà văn lớn của Văn học Việt Nam hiện đại, người có 95 năm tuổi đời nhưng đã dành hơn 70 năm đóng góp cho văn học. Ông là nhà văn chuyên nghiệp, bền bỉ sáng tác và có khối lượng tác phẩm đồ sộ. Ông cũng nổi tiếng từ rất sớm với tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký. Văn chương của ông hướng về những con người, số phận, cuộc đời lấm láp, đời thường. Ông ra đi vì tuổi trời nhưng văn chương của ông vẫn còn nguyên giá trị. Tôi tin rằng 'chú Dế Mèn' cùng mảng viết tự truyện của ông sẽ được tìm đọc mãi".”

Xin được thắp một nén nhang tưởng nhớ đến Ông – nhà văn Tô Hoài và cầu chúc linh hồn Ông sớm siêu thoát, an nghỉ nơi miền cực lạc!

Ba Cang
07/7/2014