29/11/14

Nga đang bị bủa vây, còn ai hơn Tổng thống Putin lúc này?

(Một Thế Giới)- Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn nhà nước Nga Itar – Tass cách đây gần một tuần, Tổng thống Putin đã để ngỏ
khả năng ông có thể tiếp tục tái tranh cử vào năm 2018, khi nhiệm kỳ 6 năm hiện tại kết thúc. 
Đây được xem là một câu trả lời mang nhiều hàm ý, nó cũng có thể là động thái xoa dịu phe đối lập trước sự căng thẳng trong mối quan hệ về chính trị và kinh tế giữa Nga và phương Tây vốn khiến Nga gặp khá nhiều khó khăn; nhưng nó cũng chỉ ra một thực tế rằng: còn ai có thể xứng đáng hơn Tổng thống Putin trong việc lèo lái con thuyền nước Nga trong sóng gió ở thời điểm hiện tại.
Một thực tế là, dù vẫn có được tỷ lệ ủng hộ cao từ phía người dân sau các động thái cương quyết và cứng rắn như sáp nhập bán đảo Crimea và quốc hữu hóa các doanh nghiệp quan trọng nhất bán đảo, Tổng thống Putin cũng đang phải đối mặt với sức ép từ phía đối lập. 
Những căng thẳng không có dấu hiệu dừng lại trong quan hệ chính trị và kinh tế với phương Tây đang khiến Nga lâm vào một giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đồng rúp mất giá với tốc độ chóng mặt, lạm phát tăng cao, hàng hóa ngày càng khan hiếm do các lệnh trừng phạt, người dân Nga đang cảm thấy rõ hơn bao giờ hết những khó khăn trong cuộc sống mà họ phải đối mặt. Phe đối lập ở Nga dĩ nhiên đã không bỏ qua cơ hội để gây sức ép lên chính phủ của Tổng thống Putin.
Và hội nghị các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới nhóm họp tại Vienna ngày 27.11 vừa qua lại tiếp tục giáng thêm một đòn mạnh vào nước Nga. Quyết định không giảm sản lượng để vực dậy giá dầu của OPEC đã khiến cho những hy vọng cuối cùng về một sự tháo gỡ khó khăn từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga tan vỡ. 
Ngay sau quyết định của OPEC, giá trị đồng rup đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng euro, và gần chạm mức đáy so với đồng USD trong lịch sử. Xác suất cho một cuộc suy thoái kinh tế trong 12 tháng của năm 2015 của Nga đã lên tới 75% và tốc độ tăng trưởng của năm 2015 của Nga được dự báo sẽ là 0%.
Nhìn vào tình trạng hiện tại của nước Nga, bất cứ ai cũng không khỏi cảm thấy nản lòng. Lạm phát quý tư năm nay đã lên tới 9% và ước tính sẽ lên tới 9,3% trong ba tháng đầu năm 2015. Ngân hàng trung ương Nga ngoài việc tăng lãi suất để ghìm bớt lạm phát cũng không còn tiếp tục bơm USD để trợ giá đồng rup khi mà quỹ dự trữ ngoại hối của Nga đã giảm tới 90 tỉ USD từ đầu năm. 
Dễ hiểu khi phe đối lập ở Nga đang nắm lấy tình hình khó khăn hiện tại để gây sức ép lên Tổng thống Putin khi đưa ra những yêu cầu cải thiện tình hình, và gián tiếp đặt vấn đề về tương lai của đương kim tổng thống Nga lên bàn cân.
Phe đối lập cũng như các nước phương Tây đang hy vọng tình hình khó khăn do lệnh trừng phạt về kinh tế và giá dầu giảm có thể khiến người đứng đầu điện Kremlin bớt cứng rắn trong các vấn đề về Ukraina và Crimea để đổi lấy sự nhượng bộ. 
Nhưng thực tế là, nước Nga đang ở trong một vị thế không có nhiều lựa chọn và ông Putin đang làm những gì tốt nhất có thể ở thời điểm hiện tại. Bất cứ một sự thay đổi nào với chiếc ghế của điện Kremlin cũng không thể đảo ngược tình hình mà nước Nga đang phải đối mặt.
Vấn đề vì thế trở thành, ai có thể làm tốt hơn Putin ở thời điểm hiện tại. Việc quay sang tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc và đẩy mạnh hợp tác với các đối tác truyền thống của Putin đã đáp ứng được những đòi hỏi nhanh chóng có được giải pháp để tháo gỡ tình hình. 
Trong không gian hành động hạn hẹp, Tổng thống Putin đã chọn giải pháp được giới chuyên gia cho là hợp lý nhất, với một tốc độ triển khai chóng mặt. Việc giảm bớt căng thẳng với phương Tây là điều cần thiết, nhưng nếu hy vọng việc đó có thể tháo gỡ toàn bộ khó khăn mà Nga đang gặp phải là điều khó có thể xảy ra.
Thực tế là, Putin vẫn đang chứng tỏ ông là người duy nhất có đủ khả năng và phẩm chất để lèo lái con thuyền nước Nga ở thời điểm hiện tại hơn bất cứ ai. Giới chuyên gia cho rằng không có nhiều lãnh đạo cao cấp Nga ở thời điểm hiện tại có đủ bản lĩnh và cương quyết để đưa ra và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn hơn ông Putin. Trừ khi Nga chấp nhận rời bỏ Crimea, một điều gần như không thể xảy ra, còn không thì việc tiếp tục bị bao vây kinh tế là điều gần như không thể tránh khỏi.
Giới chuyên gia cho rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraina và việc Nga sáp nhập Crimea là sự kiện mấu chốt quan trọng nhất đã định hình cho đường lối mà nước Nga sẽ phải đi trong ít nhất là 10 năm tới, đó là sự xung đột không thể tránh khỏi với phương Tây, dù với mức độ nhiều hay ít. Trong bối cảnh đó, việc tìm kiếm và thực hiện những giải pháp đáp ứng với tình hình đó là điều bắt buộc, và ít nhất ở thời điểm hiện tại, khó ai có thể xứng đáng hơn ông Putin ở cương vị đó.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg, Itar-Tass) - motthegioi.vn