(motthegioi)- “Phong
tỏa kinh tế Nga là nước đi sai lầm của phương Tây?” Đó không phải là một lời
nói cứng từ phía người Nga, mà là
câu hỏi đang được giới chuyên gia và phân
tích phương Tây đặt ra sau động thái quay trở lại chính sách trợ giá đồng Rup
của chính phủ Nga ngày 1/12 vừa qua.
Khi mà cả thế giới
tưởng rằng Nga đã chính thức buông xuôi với việc để thả nổi giá đồng Rup trong
3 tuần cuối tháng 11 thì động thái bơm tiền trợ giá đồng Rup lại chứng tỏ Nga
vẫn chưa hề kiệt sức. Đã nhiều tháng trôi qua kể từ khi các lệnh trừng phạt
kinh tế được ban hành, kinh tế Nga đã suy giảm nhưng có vẻ như chưa có dấu hiệu
sụp đổ. Vậy các lệnh trừng phạt có phải là một sai lầm?
Nga không thả nổi
đồng Rup
Ai cũng hiểu, các
lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây là để trả đũa việc Nga sáp nhập Crimea
và không có động thái phản đối quân ly khai ở miền đông Ukraina. Thông qua việc
tạo ra những khó khăn về kinh tế, phương Tây muốn điện Kremlin bớt cứng rắn về
vấn đề Crimea và quân ly khai ở miền đông Ukraina để đổi lấy những sự hỗ trợ về
kinh tế và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế vốn đang gây khó khăn cho kinh tế
Nga và đời sống người dân Nga. Nhưng sau vài tháng, có vẻ như đó là những tính
toán sai lầm.
Thực tế là những diễn
biến của kinh tế Nga sau khi lệnh trừng phạt được ban hành đã đi theo đúng
hướng mà phương Tây dự đoán. Các doanh nghiệp phương Tây thoái vốn, lượng USD
lưu thông giảm sút khiến đồng Rup mất giá chóng mặt, giá cả hàng nhập khẩu lên
cao ngất. Nhưng những ảnh hưởng đó, vẫn chưa chạm đến được cốt lõi của vấn đề.
Đời sống của đại đa số dân Nga vốn thuộc tầng lớp trung lưu không bị ảnh hưởng
nhiều, đồng Rup mất giá nhưng lượng hàng nhập khẩu cũng bị chính phủ Nga hạn
chế và thay vào đó là hàng trong nước sản xuất nên lạm phát cũng không ảnh
hưởng nhiều.
Một thăm dò dư luận
được thực hiện tuần trước cho thấy 50% người Nga được hỏi cho rằng cuộc sống
của họ hoàn toàn không bị ảnh hưởng, và 31% nói rằng khó khăn phát sinh không
đáng kể. Khả năng sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp Nga đang khiến khó
khăn chủ yếu của người dân Nga chỉ là không thể dùng hàng ngoại do sự khan hiếm
và giá quá cao, và buộc phải dùng hàng nội với giá cả phải chăng.
Những tính toán về sự
suy yếu của kinh tế Nga sẽ tác động đến cuộc sống người dân nhằm làm giảm sự
ủng hộ với chính phủ của Tổng thống Putin và tạo cơ hội cho các nhóm đối lập
chỉ trích chính phủ của phương Tây thông qua các lệnh trừng phạt có vẻ như đã
không thành.
Nguyên nhân chủ yếu
để giải thích cho tình trạng đó, theo một đồng sự giấu tên của Tổng thống
Putin, rằng phương Tây đã sai lầm khi không nhận thức đúng về người Nga. Ít có
dân tộc nào có khả năng chịu đựng sự bao vây và cô lập tốt hơn Nga, người Nga
đã trải qua cuộc bao vây Leningrad của quân Đức trong thế chiến trong hơn 2 năm
trong một tình cảnh gần như không thể thì cuộc bao vây kinh tế hiện nay có là
gì.
Trong nhận thức của
người Nga, việc phản ứng và đáp trả những áp lực đến từ bên ngoài quan trọng
hơn một số khó khăn về vật chất. “Đó là tác động của lòng yêu nước”, ông Alexei
Grazhdankin, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Levada cho biết.
Phương Tây cũng đánh
giá sai về những đặc điểm và động thái của Tổng thống Putin. Các nước phương
Tây hy vọng rằng những khó khăn mà lệnh trừng phạt gây ra cho kinh tế và đời
sống người dân Nga sẽ khiến người đứng đầu điện Kremlin bớt cứng rắn nếu muốn
duy trì sự ủng hộ trong nước. Nhưng trên thực tế những khó khăn mà lệnh trừng
phạt gây ra càng khiến tỷ lệ ủng hộ ông Putin của người dân Nga cao hơn.
“Phương Tây đã sai
trong cách nhìn nhận về Tổng thống Putin, họ nghĩ rằng ông Putin là thương nhân
và tiền là thứ quan trọng nhất với ông ấy”, ông Evgeniy Minchenko, người đứng
đầu viện chính trị quốc tế Moscow cho biết. Đúng là những khó khăn hiện tại mà
kinh tế Nga đang gặp phải có thể trở thành sức ép với người lãnh đạo cao nhất ở
bất cứ quốc gia nào khác, ngoài Nga.
Giới chuyên gia đang
cho rằng, chính phủ Nga sau giai đoạn trợ giá liên tục đồng Rup đã nhận ra rằng
họ chẳng việc gì phải tiếp tục một khi điều kiện cuộc sống trong nước của người
Nga không thay đổi nhiều. Chính phủ Nga chỉ tiếp tục trợ giá đồng Rup để tránh
cho đồng tiền quốc gia sụt giá quá nhiều so với USD hay Euro để tránh những tổn
thất sau này khi quan hệ kinh tế giữa các bên được hồi phục. Việc không cần
theo đuổi chính sách trợ giá đồng Rup một cách liên tục, cộng với việc đẩy mạnh
hợp tác thương mại với các đối tác, khiến Nga đang rủng rỉnh tiền để tự do
triển khai các hoạt động theo ý muốn.
Trong bối cảnh đó,
việc duy trì các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, theo một số chuyên
gia, chỉ còn mang ý nghĩa hình thức để chống lại việc Nga sáp nhập Crimea và
rắc rối ở miền đông Ukraina mà thôi. Tất nhiên nó sẽ không sớm chấm dứt vì ý
nghĩa mang tính bắt buộc của mình, nhưng để kỳ vọng trở thành sức ép lên Tổng
thống Putin thì không có nhiều cơ hội. Thực tế nếu lệnh trừng phạt tiếp tục,
thì bên chịu thiệt hại về kinh tế và các tác động xã hội tiêu cực sẽ là chính
phương Tây chứ không phải Nga.
Nhàn
Đàm (theo Bloomberg) - motthegioi.vn