24/6/15

Vĩnh biệt GS Trần Văn Khê - cây đại thụ lĩnh vực văn hóa và âm nhạc truyền thống của VN và thế giới!

(Ba Cang)- GS Trần Văn Khê đã ra đi lúc 2 giờ 55' hôm nay, 24/6/2015 (giờ Sửu, ngày 9/5 năm Ất Mùi) tại bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP HCM, thọ 94 tuổi.

Tôi chỉ biết đến GS khi hình ảnh của GS xuất hiện lần đầu trên truyền hình VN cách đây đã nhiều năm. Từ đó cho đến sau này, mỗi khi có chương trình của GS, tôi lại dán mắt, há hốc mồm nghe-xem GS giới thiệu, biểu diễn âm nhạc cổ truyền VN. Tôi quá khâm phục GS ở trình độ uyên thâm về chuyên môn. Tôi quá thích thú cách giáo sư nói và minh họa, thật hấp dẫn và dễ hiểu.
Trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống, biết đến bao giờ mới lại có một bậc kỳ tài như vậy.
Xin được kính thắp một nén nhang tưởng nhớ đến GS, cầu chúc linh hồn GS sớm siêu thoát về cõi vĩnh hằng.
Ba Cang
24/6/2015
Mời xem bài viết của nhà báo Hoài Hương

THÀNH TÂM CHIA BUỒN SÂU SẮC CÙNG GIA ĐÌNH NHẠC SĨ VÀ NỀN ÂM NHẠC VIỆT NAM.
GIÁO SƯ- TIẾN SĨ NHẠC SĨ TRẦN VĂN KHÊ ĐÃ TỪ TRẦN. 
Theo thông tin của gia đình Giáo sư cho biết: Lễ nhập quan vào 10 giờ ngày 26/6/2015 và Lễ viếng chính thức bắt đầu từ 12 giờ trưa ngày thứ Sáu 26/6- sáng thứ Hai 29/6/2015, sau đó làm Lễ hỏa táng.
Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê qua đời vào 2 giờ 55' ngày 24/6/2015( giờ Sửu ngày 9/5 năm Ất Mùi) tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP HCM. Trước đó, ông trở bệnh nặng vào ngày 27/5 vì suy tim, viêm phổi nặng, thận hư. Ông bị suy hô hấp khiến không thể tự thở và tim bị rối loạn nhịp chậm. Giáo sư được các bác sĩ đặt nội khí quản cho thở máy và tiến hành đặt máy tạo nhịp tim từ khoảng một tháng nay.
Theo đúng bản di nguyện do Giáo sư lập ra vào ngày 5/6, thi hài ông được quàn tại tư gia đường Huỳnh Đình Hai, Bình Thạnh. Tang lễ của ông cũng diễn ra ở ngôi nhà này.
Theo di nguyện của Giáo sư, khi ông qua đời, con trai trưởng của ông là Giáo sư Trần Quang Hải sẽ là chủ tang. Tuy vậy, do Giáo sư Hải đang ở Pháp, chưa trở về kịp, một tiểu ban tang lễ được lập ra gồm những người thân thiết của ông như: nhà văn - nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, ông Trần Bá Thùy (chồng của nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương), nhà báo Nguyễn Thế Thanh, bà Tôn Nữ Thị Ninh... Ngoài ra, có các thành viên trong gia đình, môn sinh và bạn bè cùng chung lo hậu sự cho giáo sư.
Ông mất khi chỉ còn đúng một tháng nữa là ngày sinh nhật mừng thọ 94 tuổi. Giáo sư Khê sinh ngày 24/7/1921.
Giáo sư muốn tang lễ thực hiện theo nghi thức Phật giáo. Thượng tọa Thích Lệ Trang là người chủ tế cho các nghi thức. Sau thời gian quàn tại tư gia để bạn bè, môn sinh và khán giả đến tưởng nhớ ông lần cuối, Giáo sư Trần Văn Khê sẽ được hỏa táng. Di nguyện, tro cốt của Giáo sư được đặt dưới bàn thờ ông bà ở tư gia đường Huỳnh Đình Hai. "Nếu vì một lý do gì không cho để hũ tro ở tư gia của tôi được thì các con tôi cùng ban tang lễ quyết định nơi nào lưu trữ thuận tiện nhất", Giáo sư bày tỏ mong ước cuối đời.
Tại tang lễ, sẽ có một ban nhạc đờn ca tài tử gồm những người bạn thân và môn sinh của ông hòa tấu một buổi đặc biệt. Về khoản tiền phúng điếu cho tang lễ, giáo sư bày tỏ mong muốn dùng số tiền này lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng mang tên ông để hàng năm trao cho người được giải về nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Giáo sư Trần Văn Khê đã nhận nhiều giải thưởng quốc tế về đĩa hát và hoạt động nghiên cứu, quảng bá âm nhạc dân tộc. Các giải thưởng ông đạt được:
- Năm 1949: Giải thưởng nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan Thanh niên Budapest.
- Năm 1975: Tiến sĩ âm nhạc danh dự (Docteur en musique, honoris causa) của Đại học Ottawa (Canada).
- Năm 1981: Giải thưởng âm nhạc của UNESCO ở Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (Prix UNESCO - CIM de la Musique).
- Năm 1991: Huy chương về Nghệ thuật và Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp (Officier de l'Ordre des Arts et des Lettres, Ministère de la Culture et de l'Information du Gouvernement français).
- Năm 1993: được cử vào Hàn lâm viện châu Âu về Khoa học, Văn chương, Nghệ thuật; viện sĩ thông tấn.
- Năm 1995: Giải thưởng quốc tế về Dân tộc nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật).
- Năm 1998: Huy chương Vì Văn hóa Dân tộc của Bộ Văn hóa Việt Nam.
- Năm 1999: Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch Trần Đức Lương trao. Cũng trong năm này ông được Đại học Moncton (Canada) trao bằng Tiến sĩ danh dự nhờ học vị và công trình nghiên cứu về âm nhạc học.
- Năm 2011: Giáo sư Khê được trao giải thưởng "Thành tựu trọn đời trong âm nhạc" do Ủy ban kết nghĩa Việt - Mỹ của hai thành phố San Francisco và TP HCM trao tặng. Cùng năm này ông được trao Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu.
- Năm 2005: Giải thưởng Đào Tấn do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trao tặng.
- Năm 2013: Ủy ban Nhân Dân TP HCM trao tặng Huy hiệu TP HCM cho Giáo sư Khê.
Ông là thành viên danh dự suốt đời của hội đồng Quốc tế âm nhạc thuộc UNESCO.




 Hoài Hương