(nhandan)- Vừa qua, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức Lễ tưởng niệm một năm ngày mất của một trong những đại thụ văn chương nước nhà: nhà văn Tô Hoài. Với cuộc đời hưởng dương hơn chín mươi năm, minh
mẫn cho đến những ngày cuối cùng, lại cầm bút từ năm mười bảy, mười tám tuổi, với bút lực năng động và dồi dào, Tô Hoài đã để lại một gia tài văn chương đồ sộ, trong đó có chân dung các bạn văn.
Nhà văn Nguyễn Tuân.
Đọc ông, có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống, về phong tục, tập quán của nhiều vùng đất trong đó nổi bật nhất là vùng ngoại ô Hà Nội, quê ông. Đặc biệt, trong hơn một thập niên cuối thế kỷ 20, bạn đọc bừng ngộ trước một đặc sắc mới của Tô Hoài khi ông cho ra đời Cát bụi chân ai và Chiều chiều. Ông đã làm sống lại một thời chưa xa với một số gương mặt văn sĩ thân quen và về bản thân ông, cả phần dương bản và phần âm bản, qua đó là đời sống xã hội của một thời kỳ đầy biến động.
Việc Tô Hoài chọn Nguyễn Tuân làm nhân vật trung tâm của Cát bụi chân ailà một lựa chọn thấu tình đạt lý. Nguyễn Tuân là một nhà văn nổi danh từ trước cách mạng, với văn cách độc đáo. Ông cũng là người quyết liệt trong việc lột xác để hòa mình với cách mạng, với cuộc sống mới, cho nên qua mỗi thời kỳ kháng chiến ông đều có tác phẩm hay. Là nhà văn từng giữ cương vị cao trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn, Nguyễn Tuân cũng là người có uy trong giới văn nghệ. Đặc biệt ông là người sống rất có cá tính mà nói như họa sĩ Nguyễn Sáng là thuộc diện không coi ai ra gì! Có nhiều người rất thích, rất quý văn tài của ông nhưng cũng lại rất sợ ở ông cái tính khủng khiểng, kiêu ngạo và không ít khi ác khẩu. Tô Hoài quen Nguyễn Tuân từ trước, hiểu và biết về ông nhiều, bao phen cùng sống, cùng làm việc, cùng đi thực tế với nhau, tuy cá tính hai người chưa hẳn đã giống nhau. Chọn Nguyễn Tuân như một tâm điểm cho hồi ký, Tô Hoài muốn thể hiện sự hợp nhất của những tính cách vốn rất khác nhau về hoàn cảnh, sở trường, lối sống cùng hoạt động dưới mái nhà văn nghệ cách mạng, về sức mạnh tiềm ẩn có trong mỗi con người để vượt qua rào cản khách quan và chủ quan khi cùng hướng đến mục đích cao nhất.
Nguyễn Tuân xuất hiện bao giờ cũng là nhân vật gây ấn tượng, không chỉ lúc về già với cái ba toong cầm tay trong những bước đi chậm rãi, với mái tóc bạc phất phơ và cái mũi cà chua. Văn hóa ăn mặc của Nguyễn Tuân bao giờ cũng có sự khác người. Trong hồi ký Tô Hoài, ngày còn trẻ, ông đã "khăn lượt vố, áo gấm trần, tay chống dọc chiếc quạt thước thay ba-toong, chân bít tất bận giày mõm nhái Gia Định". Trong bữa tiệc tiếp khách, "Nguyễn Tuân thường đứng một mình... đứng phía trong phòng tiệc - mà chỉ có khách thạo uống mới khám phá ra góc thân ái ấy. Những năm bao cấp khó khăn nhưng Nguyễn Tuân không mặn mà với tiệc tùng. Ông không ăn đồ đun lại, dù ngon, mà chỉ ăn gói muối lạc mang theo - như lần tổ làm phim Vợ chồng A Phủmổ bò chiêu đãi; ăn phở chỉ độc món phở chín và không dùng gia vị -cốt để thưởng thức vị ngọt của nước xương. Ông là người rất ý thức về bữa ăn gia đình: đi ăn tiệc đâu cũng chỉ ăn lấy lệ rồi về ăn cơm vợ nấu. Hút thuốc, uống rượu với Nguyễn Tuân cũng được Tô Hoài thể hiện như là một sinh hoạt tao nhã, từ cách uống, cách cầm tuýp, cách hút, đến cách mời. Là người khá nổi tiếng ăn chơi, nhưng ông cũng là người rất yêu và có nghĩa với vợ. Tô Hoài cho biết: yêu ghét ai, Nguyễn Tuân tỏ ngay thái độ. Ông ghét thói hợm hĩnh - như lần "đuổi" họa sĩ Nguyễn Sáng ra khỏi nhà vào sáng mồng ba Tết vì ông ấy "không coi ai ra gì, ai cũng không bằng mình" dù ông rất mến Nguyễn Sáng; hoặc gặp người ghét giơ tay bắt, ông cũng không chìa tay ra. Nhiều người từng truyền nhau câu nói của Nguyễn Tuân "bao giờ tôi chết thì nhớ chôn theo tôi một thằng phê bình để ở dưới ấy trao đổi cho đỡ buồn". Tuy nhiên, ông vẫn biết nhìn ra và chấp nhận ở người khác mình, như với chính Tô Hoài. Có năm Nguyễn Tuân chán không nhìn mặt ông nhưng "lâu lâu không được tào lao vài ba câu lại thấy văng vắng"...
Nguyễn Tuân có thú xê dịch khác người. Thích là đi, dù đi vào thời điểm nào. Như một lần ông lặn lội sang Hương Cảng, tiếng là đóng phim nhưng chỉ xuất hiện mấy giây trước ống kính, dù lúc bấy giờ đã năm hết Tết đến. Như một lần ông cùng người bạn tên Thiệp sang Tháilan, vừa đặt chân đến nơi đã bị bắt, rồi bị giam, bị giải về như một tù nhân. Máu xê dịch ấy, được thỏa chí khi hòa bình lập lại, ông đi khắp nơi, từ Lũng Cú, đến giới tuyến Vĩnh Linh, đi Sa Pa, Sông Đà, vào trại giam giặc lái Mỹ, đi khắp Hà Nội để quan sát... Đến đâu ông cũng phát hiện ra những đặc sắc của miền đất đó, những đặc sắc mà người không tinh tế, không giàu cảm quan thì không thể thấy, cũng như không có tài năng thì không thể hiện ra được như người đọc cảm nhận từ những trang ký, những tùy bút tuyệt hay. Về văn chương, ngay từ trước cách mạng, có người mê Nguyễn Tuân như điếu đổ từng chữ, có người mới chỉ lướt qua một đoạn đã không chịu nổi cái giọng khụng khiệng, khệnh khạng. Nhưng ai biết vượt qua được cảm giác đó, sẽ thấy được một Nguyễn Tuân nghệ sĩ đích thực, tài hoa, suốt đời đi tìm cái đẹp. Với những câu chuyện mà Tô Hoài biết, quan sát được, cả những điều ông nghĩ, những thư từ trao đổi giữa hai người, Tô Hoài cho chúng ta biết hơn về Nguyễn Tuân - một tính cách mà đằng sau cái "lạ" là một bản lĩnh văn hóa trong làng văn thời bấy giờ... Nguyễn Tuân đã chấp nhận và dung hòa khi tận dụng được điều kiện mà cơ chế ưu tiên cho văn nghệ sĩ để thể hiện năng lực, sở trường của một người thích đi, thích khám phá, có tài nắm bắt được cái hồn cốt, chiếm lĩnh được đối tượng của mình. Ông là một người văn hóa, yêu nước. Điều đó không chỉ thể hiện qua những trang văn đẹp mà còn cả trong hoạt động văn nghệ, hoạt động cách mạng của ông. Những cuộc phỏng vấn phi công trong trại giam càng khẳng định điều này. Và những người làm quản lý cấp trên cũng vậy: tôn trọng tài năng nhưng cũng biết chấp nhận cá tính của Nguyễn Tuân, tạo điều kiện cho ông đi cả trong và ngoài nước, để ông đóng góp vào văn học cách mạng. Nên mới tồn tại một cá tính sáng tạo như vậy trong số những người điều hành hoạt động của Hội Nhà văn.
Toàn bộ những gì Tô Hoài viết về Nguyễn Tuân đã cho thấy được con người đầy bản lĩnh Nguyễn Tuân và cách ứng xử của nhân cách ấy với bạn bè, nghề viết và cơ chế xã hội.
TÔN PHƯƠNG LAN
Ba Cang:
Bài này đăng trên báo Nhân dân cách đây gần một tháng. Cảm ơn tác giả Tôn Phương Lan. Cảm ơn bạn Tien Ds đã chia sẻ bài này trên FB.