24/11/12

Tấu Hài để cười hay để khóc ?


Nhìn biểu đồ đường khúc khuỷu miêu tả sự lên xuống của thị trường sân khấu hay phim hài, mới hay đoạn cuối của đồ thị đang có nguy cơ xuống dốc sau mươi năm rầm rộ thăng tiến. Phải chăng khán giả quay lưng hay vì các nghệ sĩ đã cảm thấy uể oải?
Hoặc vì nét duyên kia đã tàn phai làm cho cuộc giao lưu giữa những nụ cười đứt gánh? Sân khấu đìu hiu. Vì sao thế?

1.
Nếu nhìn qua về số lượng nhóm diễn hài sau mươi năm, từ 40 đơn vị tăng lên tới con số xấp xỉ 100 tại TPHCM thì hẳn ai cũng ngỡ như sân khấu hài phát triển hùng mạnh lắm. Thực ra, điều này tỉ lệ nghịch với biểu đồ về chất lượng chuyên môn mà khán giả đã hình dung. Nghệ sĩ hài quen thuộc Anh Vũ cũng thổ lộ một cách thất vọng rằng, hài bây giờ ế ẩm lắm, và rằng chỉ còn vài tụ điểm là hoạt động đều đặn mà thôi. Nếu trước kia anh và các nghệ sĩ như Hoàng Sơn, Minh Béo, Trung Dân, Thúy Nga… chạy sô không hết việc, thì vài năm trở lại đây, ai nấy đều chỉ tham gia mỗi tuần một suất. May ra cộng tác được vài tụ điểm. Bản thân Anh Vũ cũng chỉ diễn một lèo, chạy 3 tụ điểm là hết việc; tiền cát sê cũng chỉ để tiêu vặt chứ không rủng rỉnh như xưa. Chính vì điều này mà số người diễn có tài thật sự cũng khó bon chen trong hàng trăm nghệ sĩ rởm, kể cả khi đến với các tụ điểm trong thành phố hay xuống địa phương phục vụ bà con. 
Nhiều nghệ sĩ kêu, hiện không có mấy kịch bản hay, nhất là kịch bản hài, nên để gây cười cho khán giả quả là khó khăn. Nhiều nhóm hay đoàn diễn hài đều lấy tiết mục cũ để diễn kiếm ăn, nhưng cách làm này cũng không cứu vãn được sự đổ vỡ khi các kịch bản mới trở nên bế tắc. Nhất là hiện tượng ai cũng có thể đứng ra lập nhóm hài, nhà nhà diễn hài, tạo nên sự xô bồ và khủng hoảng tiết mục.
Đội ngũ tác giả ít ỏi, nhưng lại sinh ra nhiều cây bút nghiệp dư, tự biên tự diễn nên các nhóm hài giẫm chân nhau về cách diễn lẫn nội dung. Điều này chứng minh rất rõ: Ngay cả trong Hội diễn Liên hoan sân khấu hài chuyên nghiệp diễn ra ở Quảng Ninh cuối năm 2011, nổi lên hiện tượng trùng lặp khá nhiều tiết mục về Thị Nở và Chí Phèo hay Mẹ Đốp, Xã trưởng. Tình trạng đáng buồn này, chính nghệ sĩ trẻ Thu Trang, một người được mệnh danh là "Nữ quái của tiếng cười" cũng than thở: "Sẽ chết đói vì các tụ điểm hài dẹp hết rồi". Còn nghệ sĩ gạo cội Trung Dân tâm sự rằng, mỗi tuần anh chỉ diễn được một đêm đã là may.
Tình trạng hài nhạt và nhàm này còn thể hiện khá nhiều và liên tục trên các kênh truyền hình ở cả hai miền Nam, Bắc. Theo cách tính của đạo diễn Đỗ Thanh Hải - ông bầu của chương trình "Gặp nhau cuối tuần" (VTV3) - trước đây chẳng hạn: Mỗi năm phải làm 52 chương trình, vậy phải có trong tay khoảng 300 kịch bản để chọn, thì lấy đâu ra có chất lượng. Gắng lắm chương trình kéo dài tới dăm, bảy năm cũng đứt gánh, dừng hẳn một thời gian. Nghỉ xả hơi vài năm, nhà Đài cho ra chương trình "Thư giãn cuối tuần" thay thế, nhưng cũng chỉ được một dạo nổi lên với tiết mục "Hỏi xoáy đáp xoay" do Tiến Dũng và Xuân Bắc diễn xuất. Nhưng rồi sau khi Tiến Dũng bỏ cuộc chơi vì thấy "hết vị", giờ đây mọi chuyện đã trở nên gượng gạo với sự lắp ghép khiên cưỡng và khập khiễng giữa các tiết mục hài của hai miền. Người xem không còn đón chờ "Thư giãn cuối tuần" vì sự lờ nhờ, gượng gạo hiện nay.
Hơn nữa, mọi chuyện càng trở nên nhàm chán, không phải chỉ ở nội dung kịch bản, mà còn ở những gương mặt nghệ sĩ quá quen thuộc, với cách diễn giống nhau ở mọi vai, và xuất hiện ở mọi kênh truyền hình.  Ai cũng rõ, cho dù không ít nghệ sĩ có tài như Hồng Vân, Minh Nhí, Trấn Thành, Hoài Linh, Hạnh Thúy, Anh Vũ, Hoàng Sơn… ở Tp HCM; hay các gương mặt quen thuộc ở Hà Nội như Công Lý, Quang Thắng, Vân Dung, Chí Trung, Quang Tèo, Văn Hiệp… nhưng với các kịch bản yếu kém như hiện nay, thì họ có cố diễn làm sao cho đỡ vô duyên là may. Thường ra, với không ít tiết mục, chính họ cũng không dám xem lại mình đã diễn vai như thế nào nữa. Bởi lẽ vai không ra vai, chỉ là những tình huống, khó có thể lấy được tiếng cười của người xem.
Bên cạnh đó, còn nhiều chương trình hài khác như "Xả xì choét", "Cười từ nhà ra phố", "Vui bốn phương, cười tám hướng", "Gặp nhau để cười"… dù cố gắng đến mấy cũng vẫn những gương mặt quen thuộc đến "tã", đến "nhầu" rồi thì không cứu vớt nổi tình trạng khán giả buộc phải nuốt "cục tức" mỗi lần bật kênh hài. Nhất là mấy năm gần đây, nhiều tiết mục cố đem chiêu trò giễu nhại, phóng đại những khuyết tật hay cách ăn nói của người nhà quê để gây cười quá lố bịch. Nghệ sĩ hài Chí Trung đã có lần bộc bạch rằng, hài trên truyền hình là hài xem miễn phí, hài "mậu dịch", ngay cả người thực hiện cũng chỉ cho là "chuyện thoáng qua", nên làm đơn giản, sơ sài… Do đó những gì khán giả được thưởng thức quả là không chịu nổi. 
2.
Tình trạng hài nhảm và nhạt còn lan cả sang các nhà làm phim, cho dù họ bỏ cả đống tiền ra làm quảng cáo, tuyên truyền, nói hay và "tự sướng" với những lời rêu rao khen hay đến nức nở. Hóa ra khán giả bị lừa. Hẳn nhiều khán giả còn nhớ đến trường hợp bộ phim truyền hình "Những người độc thân vui vẻ", một kịch bản của nước ngoài đã bị dừng giữa chừng cách đây ít năm, vì sự phản ứng của khán giả và sự lên tiếng của giới truyền thông. Đây là một bộ phim yếu kém về diễn xuất, đuối sức trong khâu dàn dựng, cho dù các diễn viên đều là những tên tuổi khá quen thuộc.
Sau đó là hàng loạt phim hài ra đời, kể cả phim nhựa lẫn phim truyền hình như: "Gia sư nữ quái", "Công chúa Teen và ngũ hổ tướng", "Em hiền như ma sơ", "Hoán đổi thân xác", "Cảm hứng hoàn hảo"… Đặc biệt mới đây, sự xuất hiện của hai cuốn phim nhựa "Hello cô Ba" và "Nàng Men chàng Bóng" đã đóng góp thêm cho sự xuống dốc của dòng phim hài nhảm và nhạt này.
Chắc khán giả chẳng thể quên, trong phim "Hello cô Ba" xuất hiện cảnh Tư Lặn (Hoài Linh đóng) nhìn cô Lành tắm, nhưng không ngờ bị ngã xuống giếng. Thế rồi từ đó, Tư Lặn có tài tiên đoán trước mọi việc và trở thành cô Ba bói toán; và cứ thế câu chuyện được kéo dài với tất cả các màn tấu hài ghép lại để diễn một cách cẩu thả, với những tình huống dở khóc dở cười. Sau khi trình chiếu, phim bị dư luận khán giả lên án như một thảm họa cho làng phim nước nhà về mọi khía cạnh. Vậy mà chẳng bao lâu sau, lại thêm bộ phim "Nàng Men chàng Bóng", khai thác chuyện về giới đồng tính được công chiếu, càng gây thêm sự nhiễu loạn cho người xem, cũng bởi sự lắp ghép rời rạc những màn hài kịch ngẫu nhiên và nhạt nhẽo.
Với mục đích siêu lợi nhuận, các nhà làm phim kiểu này chỉ cần tập hợp một số nghệ sĩ hài ăn khách và lắp ghép cho có chuyện để diễn, miễn là gây cười. Sau đó là đưa vào công nghệ PR. Các phim đều được quảng bá liên tục và nhấn mạnh những hình ảnh gây tò mò cho người xem, với các gương mặt hài xuất hiện trên phim như Hoài Linh, Tấn Beo, Hiếu Hiền, Ngô Kiến Huy, Đinh Ngọc Diệp, Phi Nhung, Việt Anh… Phim nào họ cũng gom các nghệ sĩ hài ăn khách của sân khấu thị trường vào một nồi lẩu thập cẩm, đủ trò gây cười để câu khách. Có thể họ tự hào vì doanh thu, nhưng xem ra theo đuổi dòng phim giải trí rẻ tiền như vậy, họ đã có tội trong việc đem những hoàn cảnh trớ trêu của con người ra để làm trò cười và góp phần làm lệch lạc thẩm mỹ nghệ thuật cho một số khán giả dễ tính.
3. Vậy là khoảng vài ba năm nay, sân khấu hài ở những thành phố lớn đều có sự khủng hoảng và bế tắc trước sự đòi hỏi đổi mới của người xem. Hiện tượng người xem quay lưng là một minh chứng. Sân khấu hài không còn sáng đèn đêm đêm, không phải bởi ảnh hưởng của sự khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu, mà chính là ở chất lượng ngày càng yếu kém, thiếu sự sáng tạo, đổi mới từ sàn diễn của các nghệ sĩ. Thật đáng buồn, khi có nghệ sĩ còn thách thức dư luận bằng những lý sự cùn rằng, nếu không thích thì đừng bật kênh xem nữa; còn nếu xem thì chớ kêu. Họ tuyên ngôn: "Bằng mọi cách làm cho khán giả cười, thế thôi". Tất nhiên khán giả không bao giờ chấp nhận thái độ phản ứng như vậy. Và sân khấu hài đã phải trả giá bởi hệ lụy đó.
Bài: Chung Tử - lethieunhoncom.blogspot.com
Ảnh minh họa: Internet.