22/12/12

Phái yếu trên chính trường mạnh quá ta!


“Công chúa” tuổi Rồng thành nữ tổng thống
Tin mới nhất hai ngày nay: ngày 19/9 bất chấp thời tiết mùa đông giá buốt (-10oC), tỷ lệ cử tri đi bầu khắp nước này rất cao, hơn cả tỷ lệ của hai kỳ bầu cử tổng thống trước đây.
Tuy chưa được Hội đồng bầu cử Quốc gia tuyên bố chính thức, nhưng với 94% số phiếu được kiểm, bà Park Geun Hye, 60 tuổi, thủ lĩnh đảng Thế giới Mới (Saenuri) - đảng bảo thủ đang cầm quyền, đã chiếm được 51.66% trong khi đối thủ Moon Jae-in của đảng Dân chủ Thống nhất (DUP) - đảng đối lập, chỉ có 47.91%. Theo hãng tin Yonhap, ông Moon Jae-in đã chính thức xác nhận chiến thắng của bà Park Geun Hye và bà đã đắc cử Tổng thống thứ 18 của Hàn Quốc.
Văn phòng Tổng thống đương nhiệm Lee Myung Park đã chúc mừng chiến thắng của bà Park Geun-hye, trong khi ông Moon Jae In cũng đã nhanh chóng thừa nhận thất bại. "Ai cũng đã nỗ lực hết sức nhưng tôi thiếu khả năng. Tôi chấp nhận kết quả cuộc bầu cử", đối thủ của bà Park thừa nhận tại cuộc họp báo ở Seoul tối qua.
Bà Park Geun-hye làm nên lịch sử Hàn Quốc khi
 trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước này. Ảnh: AFP
Gần cuối năm Rồng, nữ nghị sỹ tuổi Rồng này, với 15 năm làm việc trên cương vị nhà lập pháp tại Quốc hội, đã giành được vinh quang trên chính trường, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của xứ sở Kim Chi.
Trước hàng ngàn người dân tập trung tại Quảng trường Gwanghwamun, trung tâm thủ đô Seoul, bà Park Geun-hye nói: "Chiến thắng này dành cho người dân Hàn Quốc”, “Đây là chiến thắng giành cho những người muốn vượt qua khủng hoảng và phục hồi nền kinh tế. Tôi sẽ mở đầu một kỉ nguyên của sự hạnh phúc của đất nước chúng ta", "Tôi sẽ là một tổng thống hoàn thành mọi cam kết đã hứa với người dân".
Bà Park Geun-hye cúi đầu cảm ơn người ủng hộ mình tại Seoul 
Xuất thân từ gia đình danh giá
Bà Park Geun-hye sinh năm 1952, là người lớn nhất trong số ba anh chị em. Bà sống tại Dinh tổng thống, thường được gọi là Nhà Xanh, từ năm 1964 sau khi cha bà nắm quyền từ cuộc đảo chính quân sự năm 1961. Vị tổng thống quân sự được ca ngợi vì thành tựu phát triển kinh tế và nền công nghiệp nhanh chóng từ đống đổ nát sau chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953, nhưng cũng bị lên án vì việc đàn áp những người đòi dân chủ.
Tướng Park Chung-hee (phải) có công đem lại
 thịnh vượng nhưng cũng đàn áp người chống đối
Theo đường lối thân Mỹ, ông Park gửi trên 300 nghìn quân Đại Hàn, đặc biệt là binh đoàn Bạch Mã khét tiếng, sang Nam Việt Nam, giúp Hoa Kỳ chống các lực lượng cộng sản trong thập niên 1960.
Bà Park học đại học tại Đại học Sogang năm 1970, chuyên ngành kỹ thuật điện tử, một ngành khá ít phụ nữ thời bấy giờ theo học.
Sau khi tốt nghiệp, bà đến Pháp năm 1974 để tiếp tục sự nghiệp học hành nhưng đã nhanh chóng về nước tháng 8 năm đó khi mẹ của bà, bà Yook Young-su, thiệt mạng trong vụ ám sát nhằm vào cha bà. Vụ ám sát do một người Nhật gốc Triều Tiên ủng hộ Bình Nhưỡng thực hiện. Trong cuốn tự truyện, bà Park mô tả cái chết của mẹ như một cú sốc, một cơn gió lạnh thổi vào trái tim bà.
Bà Park (ngoài cùng bên trái) cùng cha, cố tổng thống Park Chung-hee (thứ ba từ trái),
đón tiếp tổng thống Mỹ Jimmy Carter và phu nhân tại Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap
5 năm sau đó bà Park là người phụ nữ được chú ý nhất trong gia đình tổng thống. Đến năm 1979, cha của bà bị ám sát bởi chính nhân viên tình báo của mình.
Bà Park lui về hậu trường 18 năm sau đó, khoảng thời gian mà bà nói phải chịu đựng sự phản bội của nhiều trợ lý cũ của cha mình. Bà cũng dùng nhiều thời gian để đọc sách về triết học và lịch sử, thăm nhiều danh thắng văn hóa trên khắp cả nước để mở rộng tầm hiểu biết.
Chính trường là “chiến trường”
Đến năm 1997 bà Park Geun-hye mới quay trở lại với chính trị khi gia nhập đảng Đại Dân tộc (GNP), tiền thân của đảng Saenuri, và ủng hộ chiến dịch tranh cử của ứng cử viên tổng thống Lee Hoi-chang. Tháng 4/1997, bà giành một ghế nghị sĩ tại quê hương mình ở Daegu và có những bước thăng tiến nhanh chóng trong đảng.
Sau khi yêu cầu cải cách chính trị của bà bị đảng bác bỏ năm 2001, bà Park rút khỏi đảng và thành lập một đảng mới. Trong khoản thời gian đó, tháng 5/2002, bà tới thăm Triều Tiên và có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-il.
Sau đó bà Park lại gia nhập GNP sau khi nhiều yêu cầu cải cách của bà được đáp ứng và tiếp tục chứng minh khả năng lãnh đạo của mình với hàng loạt các chiến thắng ở quốc hội, khiến bà được gọi là "nữ hoàng của các cuộc bầu cử".
Được biết đến như một chính trị gia nguyên tắc và đáng tin cậy, bà đã có những hành động để chứng tỏ điều đó, giành được sự ủng hộ của các cử tri. Với 15 năm làm việc trên cương vị nhà lập pháp tại Quốc hội, bà Park đạt được nhiều thành tựu trên chính trường ví dụ như việc xây dựng thành phố miền trung Sejong, công trình mà chính quyền của Tổng thống Lee Myung-bak muốn trì hoãn.
Bà Park năm nay 60 tuổi nhưng chưa từng kết hôn và cũng không có con. Thực tế này đã giúp bà lấy được lòng ở một bộ phận không nhỏ cử tri, những người đã chán ngán với những bê bối tham nhũng liên quan đến các gia đình tổng thống. Tuy nhiên, điều này cũng được cho là rào cản khi một số người cho rằng nữ Tổng thống tương lai sẽ không hiểu hết được nỗi lo “cơm áo, gạo tiền” của các gia đình Hàn Quốc.
Thái độ của quốc tế
Tổng thống Mỹ Obama cũng đã gửi điện mừng đến tân Tổng thống của Hàn Quốc. "Tôi muốn tăng cường hợp tác rộng rãi giữ 2 nước về các vấn đề song phương cũng như quốc tế. Mỹ - Hàn là liên minh quan trọng trong gìn giữ hòa bình và an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương", CNN trích dẫn nội dung bức điện.
Thủ tướng Nhật Bản đã gửi điện mừng đến Tổng thống đắc cử Hàn Quốc. Nhật Bản cho rằng, hai nước chia sẻ nhiều vấn đề chung và hy vọng xây dựng một mối quan hệ toàn diện với Hàn Quốc, bất chấp hai bên đang gặp trục trặc do vấn đề tranh chấp quần đảo Dokdo mà Nhật bản gọi là Takeshima.
Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh mong muốn tăng cường quan hệ với Hàn Quốc và hy vọng quan hệ liên Triều sẽ được cải thiện.
Hôm nay (20/12), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi điện mừng nhân dịp bà Park Geun-hye đắc cử Tổng thống Hàn Quốc.
Kỳ vọng mới với nữ tổng thống
Bà Park Geun-hye, con gái lớn của cố tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee sẽ trở lại Nhà Xanh sau 33 năm, lần này với tư cách là nữ tổng thống.
Việc Hàn Quốc có nữ tổng thống đầu tiên đánh dấu một sự thay đổi lớn về nhận thức trong xã hội Hàn Quốc vốn vẫn nặng về quan điểm trọng nam hơn nữ. Mới đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp Hàn Quốc thứ 108 trong số 135 quốc gia về bình đẳng giới.
Bà Park Geun-hye cho biết một số định hướng trong hoạt động của Chính phủ của bà: Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể đạt được trên cơ sở nỗ lực chung của hai phía; Sẽ duy trì chính sách mở cửa để cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng; Nối lại hoạt động viện trợ nhân đạo, tái tổ chức hoạt động đoàn tụ các gia đình ly tán; Tăng cường trao đổi thương mại liên Triều, trong đó có kế hoạch mở rộng khu công nghiệp chung Kaesong.
Về chính sách đối ngoại, trong các quan hệ song phương, Hàn Quốc tiếp tục coi trọng thúc đẩy quan hệ với bốn nước lớn là Mỹ, Nhật, Trung, Nga. Hàn Quốc coi quan hệ đồng minh Hàn- Mỹ là trụ cột chính của chính sách đối ngoại. Hàn – Mỹ liên tiếp phối hợp tổ chức tập trận chung và hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế.
"Tôi hi vọng Tổng thống mới có thể thực hiện được mong muốn của người dân và đặt lợi ích đất nước lên trước lợi ích đảng của bà", một cử tri Hàn Quốc nói.
Nữ Tổng thống đắc cử giữa vòng vây ăn mừng chiến thắng của những người ủng hộ.
Bà Park cam kết sẽ chỉ nghĩ về hạnh phúc của nhân dân. Bây giờ, người dân Hàn Quốc đã trao cho bà cơ hội đó, với hy vọng rằng bà sẽ thực hiện "đoàn kết dân tộc" như bà đã hứa và hàn gắn những trái tim bị tổn thương trong quá khứ.
Dự kiến, bà Park Geun-hye sẽ nhậm chức vào 25/2/2013.

An Bường
(Nguồn tham khảo:
danviet.vn, vtc.vn, vnexpress.net, dantri.com.vn, nguoiduatin.vn, vtv.vn, bbc.co.uk, voatiengviet.com, Yonhap, Xinhua, AP)