Người thành phố đôi khi ở sát nách mà chẳng biết nhưng khi chúng tôi đến khu khu phố 3, đường Võ Văn Ngân (P. Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP. HCM) hỏi nhà chị Nửa thì rất nhiều người chỉ giùm. Họ cho biết, ban ngày chị Nửa vừa tất bật bán hàng nước vừa chạy xe ôm trong một con ngỏ nhỏ đối diện cổng trường Đại học sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Khi tìm đến, trước mặt tôi là một một người phụ nữ trung tuổi có nụ cười thường trực trên môi nhưng đôi mắt vẫn ánh lên nỗi buồn khó tả.
Dù cuộc sống còn nhiều vất vả và mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo
nhưng
lúc nào nụ cười cũng thường trực trên khuôn mặt của chị Nửa.
Tình thương con chiến thắng cả cái chết
Lúc đầu chị Nửa hơi ngạc nhiên khi bỗng đâu có người lại đến hỏi về cuộc
đời mình-một cuộc đời giông bão mà từ lâu chị phải tự cắn răng mang vác. Năm
1990 chị lập gia đình với một người làm thợ hồ. Vì không có trình độ, nghề
nghiệp nên chị chỉ biết tranh thủ chạy để phụ thêm cho chồng. Cũng năm đó chị
sinh cháu trai đầu lòng. Sau khi sinh con chị nghỉ chạy chợ ở nhà làm nội trợ,
chăm con. Đúng lúc đó, một thử thách thực sự đã treo trước ngôi nhà của hai vợ
chồng dù nghèo nhưng hạnh phúc. Chuyện là, gia đình nhà chồng bỗng có kế hoạch
chuyển sang Mỹ sinh sống, nhờ có sự bảo lãnh của người thân bên đó. Nhưng điều
trớ trêu, sự bảo lãnh đó cũng chỉ đủ những thành viên trong gia đình nhà chồng,
mẹ con chị không có suất. Chồng chị rơi vào hoàn cảnh "bên tình bên
hiếu" nhưng cuối cùng anh đã quyết định ở lại. Trước quyết định của chồng
chị vui ra mặt và tin tưởng từ nay sẽ không có điều gì có thể khiến gia đình
phải chia lìa nhau.
Vậy nhưng, như người đời vẫn thường nói "ở đời ai học hết chữ
ngờ", người chồng sau đó lại dứt tình với mẹ con chị chỉ vì một người phụ
nữ khác. Ngày ra tòa, chị mang theo đứa con trai chưa đầy 2 tuổi và bụng bầu
đứa thứ hai. Chị đã đứng dậy trình bày một cách mạch lạc và tự tin hứa có đủ
điều kiện và sức khoẻ để nuôi hai đứa trẻ. Có lẽ, chính nhờ thái độ dứt khoát
đó nên toà đã đồng ý cho chị nuôi con mà không cần sự trợ giúp của chồng. Kể
đến đây, chị Nửa tự nhiên thở dài rồi nói: "Ngày ấy tôi nói cứng thế tại
toà có lẽ cũng một phần do uất ức với chồng. Ra khỏi cổng toà tôi thực sự hoang
mang vì trong tay chẳng có gì, tiền bạc không, nghề nghiệp cũng không nốt mà
thân mình thì vừa con nhỏ vừa bụng mang dạ chửa".
Sau khi li dị, chị dắt đứa con trai 2 tuổi về nhà mẹ đẻ ở nhờ rồi vác bụng
bầu đi…chạy xe ôm. Nhớ lại thời gian đó, chị tâm sự: "Phụ nữ chạy xe ôm
tuy hơi lạ nhưng đó là việc tôi duy nhất khi đó tôi nghĩ ra vừa kiếm được tiền,
vừa dễ làm. Mà đến nước đó rồi thì mình phải liều thôi". Hàng ngày chị
ngồi đợi khách ở cổng trường Đại học sư phạm kỹ thuật TP. HCM. "Những năm
2000, nghề xe ôm chưa có mấy người làm, đàn bà con gái thì càng không có, mới
bắt đầu chạy tôi phải lấy khẩu trang bịt kín mặt cho đỡ xấu hổ và cũng để…
khách không phát hiện được. Vì chưa quen nên tôi không dám mời khách, may có
mấy anh đồng nghiệp nam biết hoàn cảnh nên thương và bắt khách dùm cho", chị
Nửa kể lại.
Gắn bó với nghề xe ôm cũng giúp cho ba mẹ con chị có cuộc sống tằn tiện
nhưng ông trời vẫn tiếp tục thử thách chị thêm một lần nữa. Năm 2005, chị như
chết điếng khi đi khám được bác sĩ cho biết bị ung thư tử cung giai đoạn 1 nên
phải nhập viện Ung bướu TP.HCM điều trị gấp. Làm xe ôm nuôi hai đứa con thì
tiền kiếm hôm nay ngày mai hết nên chị nhập viện mà không một đồng dính túi.
Nằm quằn quại chống lại cơn đau trên giường bệnh, thấy hai đứa con khóc vì vừa
thương mẹ vừa sợ khiến chị cũng oà khóc theo. Không có tiền, cực chẳng đã chị
sai thằng cả xuống nơi những tổ chức từ thiện phát cháo cho bệnh nhân nghèo để
xin. Hôm đầu thằng cả cầm tô không quay về mếu máo nói người ta không tin nên
không cho…
Nghĩ đã hết cách, sợ không qua khỏi nên chị gọi cả hai đứa con đến đầu
giường dặn dò. Chứng kiến cảnh đó những bệnh nhân cùng phòng và người nhà của
họ mới biết chuyện. Câu chuyện cảm động của chị cứ từ người này truyền đến
người khác… Các nhà hảo tâm đã tìm đến và trang trải mọi chi phí giúp chị phẫu
thuật. Có một chút hi vọng, chị quyết tâm sống để nuôi con ăn học nên người.
Của hồi môn của người mẹ nghèo
Phẫu thuật xong, chưa thực sự phục hồi sức khoẻ nhưng chị vẫn phải xin về
nhà bởi đã qua giai đoạn thâp tử nhất sinh, các nhà hảo tâm thưa dần nên chị
lại không còn đồng nào dính túi. Chưa đủ sức để chạy xe ôm chị vay mượn tiền
mua một chiếc máy xay sinh tố, bê thêm mấy chiếc ghế ra ngồi đầu hẻm kiếm thêm
đồng để con không phải nghỉ học. Nhiều người biết chuyện thương tình nên cũng
đi ra đi vào uống cốc nước cho chị. Từ chỗ chỉ bán sinh tố, có vốn chị mua thêm
một ít đồ để hình thành chiếc quán nước nhỏ. Và cho đến khi khoẻ lại, chị vừa
bán nước vừa chạy xe ôm như xưa.
Trong con hẻm ấy nhiều người đã quen với hình ảnh một phụ nữ phụ nữ trung
niên có dáng xốc vác, luôn chân luôn tay trong quán nước, đôi khi lại cúi rạp
người vì căn bệnh cũ chưa dứt hẳn. Vậy mà khi có khách gọi "xem ôm
ơi" là chị lại tất bật nhờ người trông quán rồi chạy ra lấy chiếc xe Dream
tàu cũ ríc, co giò đạp cần khởi động… sẵn sàng. Nhiều người thắc mắc khi thấy
chị là phận nữ nhưng làm nghề xe ôm nên hỏi: "Chồng đâu mà đi chạy xe ôm
thế này em?" Chị đã có một câu trả lời sẵn: "Số phận đưa đẩy nên phải
làm thôi" cho vừa lòng khách.
Bán quán nước, chạy xe ôm nuôi hai đứa con sống qua ngày đã khó nên mọi
người hết sức ngạc nhiên khi chị quyết định cho con theo học trường quốc tế.
Chi Nửa kể: "Từ khi ôm bụng bầu đi làm xe ôm tôi đã hứa với chính mình dù
có nhịn đói thì vẫn phải cho con ăn học tới nơi tới chốn. Đời tôi không có tài
sản gì để lại cho con thì phải cho con được cái chữ. Tôi không học nhiều, đàn
bà con gái phải đi làm xe ôm nên tôi càng quyết tâm cho con học hành". Bù
lại, hai đứa con của chị rất hiểu hoàn cảnh và thương mẹ nên ngoan ngoãn, học
hành chăm chỉ. Đó chính là nguồn động viên lớn nhất giúp chị vui sống, chống
chọi lại căn bệnh ung thu ngày ngày tần tảo kiếm tiền.
Ngày thằng Hải, đứa con trai đầu tốt nghiệp phổ thông chuẩn bị thi vào đại
học chị vừa mừng vừa lo. Biết con muốn theo học ngành Quản trị Kinh doanh thuộc
Chương trình Đào tạo Cử nhân Quốc tế của Đại học Sunderland (Anh) tại Việt Nam
nhưng không dám nói ra thì chị phân vân lắm. Chị có thể hi sinh mọi thứ vì
tương lai của con nhưng khoản tiền học phí 20 triệu đồng/ tháng không phải là
chuyện đùa. Đem chuyện kể với mấy người bạn thì họ nói: "Tôi muốn con đi
học mà nó không chịu, đằng này con chị muốn được học thì sao lại phân vân
chứ…?". Từ đó, chị quyết định cho con trai theo học tại trường này dù phải
vay mượn, chạy vạy đủ nơi.
Từ ngày con theo học tại trường quốc tế, chị Nửa bỗng nổi tiếng, đi đâu họ
cũng bàn tán và và khâm phục người mẹ chạy xe ôm, bán nước mà dám đầu tư tất cả
cho tương lai của con. Sau khi con trai vào học trường quốc tế, hai năm sau đến
lượt cô con gái cũng thi đỗ và theo học ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn
trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ. Khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ chị than thở,
vẫn giữ nụ cười trên môi vừa để chào khách vừa để các con yên lòng. Chị tâm sự:
"Căn bệnh ung thu của tôi cũng không biết tái phát lúc nào… Tôi không có
tài sản gì để lại cho con ngoài việc cố hết sức để cho chúng ăn học nên
người".
Hứa Phương - giadinh.net.vn