13/8/13

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 4: “Người rừng” ung thư Trần Ngọc Lâm làm việc để chết và nhân duyên học được các bài thuốc tự chữa cho mình

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 4, 5, 6, 7, 8: Chuyện kể nhiều kỳ về “người rừng” ung thư Trần Ngọc Lâm
(Giới thiệu và trích dẫn từ loạt bài của nhà báo Phạm Ngọc Dương)

Cách nay 8 năm, rất tình cờ, trong một chuyến leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, tôi được nghe chuyện về một vị đạo sĩ kỳ lạ đang tu hành khổ hạnh và sống chung với căn bệnh ung thư phổi bằng những bài thuốc bí truyền. 
Ông thoắt ẩn, thoắt hiện trên những mỏm đá cao nhất của dãy Hoàng Liên Sơn kỳ vĩ. Người dân Sapa chỉ biết vậy, còn ông sống ở cánh rừng nào, mỏm núi nào, thì không ai tường tận. Mái tóc sương gió, bộ râu quai nón, ông đeo chiếc balô, xỏ đôi giày vải bộ đội, đội mũ tai bèo lúp xúp. Ông đi hết cánh rừng này đến cánh rừng khác để tìm thuốc, chăm sóc, gieo trồng cây thuốc quý nhằm cứu tính mạng mình và những người khác. 
Ông chính là “người rừng” Trần Ngọc Lâm. Hộ khẩu thường trú của ông ở TP. Lào Cai, nhưng đã có 7 năm sống cùng thú hoang trên độ cao 2.900m của dãy Hoàng Liên Sơn, cách “nóc nhà Đông Dương” chỉ còn 2 tiếng cuốc bộ.
Hình ảnh "người rừng" Trần Ngọc Lâm cách đây 10 năm do khách du lịch chụp 

Kỳ 4: “Người rừng” ung thư Trần Ngọc Lâm làm việc để chết và nhân duyên học được các bài thuốc tự chữa cho mình

'Người rừng' đỉnh Fansipan đánh bại ung thư thế nào?
Nếu chết như vậy vừa không có ý nghĩa lại làm khổ vợ con. Thôi! quãng đời còn lại làm gì được cho vợ con thì cố mà làm.
'Người rừng' đỉnh Fansipan đánh bại ung thư thế nào?

Làm việc để chết
Ông Trần Ngọc Lâm sinh năm 1952 trong một gia đình đông anh em. Năm 1972 vào bộ đội, đi chiến trường B, từng vào sinh ra tử trong rất nhiều trận đánh khốc liệt.
Đất nước giải phóng, ông về làm lái xe và sửa chữa ô tô ở đội xe của bưu điện tỉnh Hoàng Liên Sơn (năm 1991 đã tách ra và tái lập các tỉnh Lào Cai, Yên Bái - chú thích của An Bường). 
Năm 1989, ông có triệu chứng bệnh tật, thường xuyên ho rất nặng, thậm chí ho cả ra máu, cơ thể sa sút rất nhanh. Đi khám ở đâu bác sĩ cũng bảo bị bệnh lao. Chữa trị suốt 2 năm trời, song bệnh tình chỉ càng nặng thêm.
Đến năm 1991, cơ thể kiệt quệ, chỉ còn bộ xương được bọc da, không đứng dậy nổi nữa. Ông đến khám và nằm điều trị ở Bệnh viện quân đội 103 do bị ung thư phổi. Nhưng ông trốn bệnh viện về Lào Cai. Ông giấu bệnh tật của mình, không nói cho ai biết và làm việc cật lực để mong mất nhiều sức, chết nhanh hơn.
Ông làm việc trong một xưởng sửa chữa ô tô. Những lúc đau quá, ông ra sức quay máy để quên cơn đau, để được chết nhanh. Vận động quá sức, khiến máu ộc cả ra mồm, mũi. Ông cắn tấm khăn nhịn đau để làm việc. Có ngày cơn đau dữ dội, ông nghiến nát mấy cái khăn. 
Những lúc gara ô tô không có việc, ông sang Trung Quốc làm cửu vạn bốc vác thuê. Ông làm việc quần quật suốt ngày đêm, được đồng nào lại gửi về cho vợ nuôi 3 người con. Ông không dùng đồng tiền kiếm được để bồi bổ, ăn uống, mua thuốc.
Càng ngày, sức khỏe ông Lâm càng suy kiệt. Không muốn vợ con nhìn thấy mình, nên ông lên tận Sín Tẻn (Mường Khương) sửa chữa ô tô cho cả người Việt Nam lẫn người Trung Quốc. 
Ông cứ nhằm lúc nào cơn đau đến là lao vào làm việc quần quật. Càng đau ông càng làm việc hăng hái hơn. 
Có lần, cơn đau quật ngã ông. Anh em lao động khiêng về cho vợ con ở Lào Cai để đem đi chôn. Nhưng rồi, ông vẫn sống lay sống lắt. Nhiều đêm, vợ thương chồng mà nước mắt ròng ròng. Bà phải nhấc chân ông lên trời, chúc đầu ông xuống đất cho dễ thở. 
Trần huyết chiến
Khu vực nơi ông làm việc bên Trung Quốc có một băng giang hồ do Lìu Cắm Xìn cầm đầu. Băng này chủ yếu chỉ bóc lột đám lao động người Việt mà thôi. Anh em lao động ở khu vực này đều phải nộp tiền "bảo kê" đều đặn cho chúng hàng tháng, nhưng không những chúng không bảo vệ được gì mà thỉnh thoảng lại còn cướp thêm của anh em.
Một đêm, có tên đầu trâu mặt ngựa đập cửa gọi ông Lâm ra. Hắn đề nghị phải "nộp thuế" 30% thu nhập hàng tháng. Ông Lâm chửi cho tên này một trận rồi đóng cửa không tiếp. Tên này hậm hực bỏ đi. Rồi sau đó là trận huyết chiến xảy ra.
Ba thằng cao to lực lưỡng vác kiếm vọt lên nhằm thẳng đầu ông Lâm chém tới tấp. Ông Lâm tung võ thời lính đặc công, chỉ trong chớp mắt cả 3 tên đều văng mất kiếm. Thằng gãy xương quai xanh, thằng trẹo cánh tay, thằng gãy xương sườn. Thằng gục tại chỗ, thằng bò lê bò càng, kiếm một đằng, người một nẻo.
Lìu Cắm Xìn nhanh như chớp vồ chiếc xà beng phóng thẳng vào mạng sườn ông Lâm. Cú phóng đó làm ông gãy xương sườn. Hắn đã nắm được những đòn hiểm của ông Lâm nên biết cách né tránh. 
Quần nhau một hồi, hắn khoe sức mạnh bằng cách nhấc bổng ông Lâm lên trời và lấy đà ném thẳng xuống đất. Ai cũng tưởng ông Lâm không vỡ đầu cũng gãy sống lưng, nhưng ông lại thấy đây là dịp may hiếm có để hạ đo ván Cắm Xìn. Nhanh như chớp, một tay ông bóp vào quai hàm, một tay nắm chặt tóc hắn ném ra xa. Lìu Cắm Xìn ngã lăn quay đơ, máu ộc ra miệng. Mọi người đều tin rằng Cắm Xìn đã chết.
Ông Lâm biết xương sườn chỉ cần nắn vào sẽ tự liền nên ông tự nắn xương cho mình rồi vào nhà một người bạn tên là Tấn ở Mường Khương nằm cố định suốt một tháng trời trên giường. 
Sau trận đánh thập tử nhất sinh với ông Lâm, Lìu Cắm Xìn phải ngồi xe lăn cả đời. Cả 3 thằng bị đánh gãy xương quai xanh cũng ốm yếu vàng vọt, không còn sử dụng được võ nghệ nữa. 
Cảm phục khí khái anh hùng của ông Lâm, Lìu Cắm Xìn đã mời ông sang gặp lại và xin nhận ông làm anh. 
Nhân duyên gặp được thầy giỏi, thuốc quý
Trong dịp gặp lại Lìu Cắm Xìn kể trên, ông đã tình cờ gặp Vàng Lù Pao - con trai của một thiếu tướng quân y, rất giàu có. Vàng Lù Pao có một đội xe mấy chục cái, toàn loại siêu trường siêu trọng chở hàng trên con đường xuyên Á, từ Trung Quốc lên Tây Tạng, rẽ qua các nước Trung Đông và châu Âu, rồi lại lấy hàng ở những nước đó chở về miền Nam Trung Quốc. Pao mời ông Lâm làm công việc giám sát đội xe và sửa chữa cho đoàn xe khi gặp sự cố. Ngoài việc nuôi ăn uống, ngủ nghỉ, Pao trả lương cho ông 3.000 tệ/tháng, một mức lương rất cao hồi đó. Đoàn lái xe có 50 người, với 16 quốc tịch, tuy nhiên, chỉ có ông mới được ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu với Vàng Lù Pao.
Trong một lần dừng chân dọc đường, ông cùng Pao đi tản bộ và tình cờ gặp một vị thiền sư Tây Tạng. Khi nghe giới thiệu về các pháp thuật lạ đời của vị pháp sư này, ông Lâm rất tò mò và xin được kiểm chứng. Ông Lâm cầm viên gạch đập rất nhẹ vào đầu vị thiền sư, nhưng ông cảm giác có một luồng xung lực mạnh đẩy hòn gạch ra ngoài. Ông thử lại mấy lần và đều có cảm giác ấy. Biết rằng vị thiền sư này có công năng đặc dị nên ông Lâm đập mạnh tay hơn. Ông có cảm giác viên gạch nung đỏ rất cứng chưa chạm đầu vị thiền sư đã vỡ vụn. Vị thiền sư cũng như vùng đất Tây Tạng đều vô cùng huyền bí.
Sau lúc đó, vị thiền sư đã bảo với ông Lâm: "Tôi xin báo với thí chủ rằng thí chủ sắp chết. Bệnh của thí chủ sẽ không thể chữa khỏi được, nhưng nếu theo tôi chữa trị sẽ sống được lâu hơn". Nghĩ đến khả năng đặc dị của vị thiền sư này, ông Lâm cũng tin lời nói đó là thật nên xin Vàng Lù Pao cho đi theo vị thiền sư.
Trên lưng dãy núi Hymalaya có mấy cái hang đá là nơi các nhà sư ngồi tu thiền, bệnh nhân mắc bệnh nan y nằm la liệt. 
Vị thiền sư này có pháp danh là Uy-ri-ang-kha-đa. Hàng ngày, ông cùng những sư sãi khác lên núi lấy thuốc về chữa trị cho các bệnh nhân. Bệnh nhân được hướng dẫn cách thiền, luyện khí công, niệm Phật. Bệnh nhân chỉ có mỗi việc ngồi thiền, ăn và ngủ. Đến giờ có người mang thuốc cho uống mà lại miễn phí hoàn toàn. 
Vị thiền sư rất khâm phục người Việt Nam, vì Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng anh dũng đã đánh thắng cả quân Mông Cổ. Trong khi đó, tổ tiên ông núi cao, rừng thẳm, rộng lớn mênh mông mà không cản nổi bước chân của Thành Cát Tư Hãn.
Vị thiền sư Uy-ri-ang-kha-đa cho ông Lâm đi theo học nghề thuốc sau khi đã bắt ông hứa không tiết lộ bí quyết với ai. Vị thiền sư này giữ bí quyết không phải để làm lợi cho mình mà nếu nói ra, người ta sẽ lên núi nhổ sạch cây thuốc khiến những cây thuốc quý sẽ tuyệt chủng. 
Ông Lâm được chứng kiến vô vàn loại kỳ hoa dị thảo mọc lẫn trong rừng, trong kẽ đá lẫn với mây gió ở độ cao 5.000 mét, quanh năm lạnh độ âm. Theo vị thiền sư thì những kỳ hoa dị thảo này chỉ sống ở trên những đỉnh núi rất cao, do đó, trên thế giới không đâu có. Trong số cây thuốc chữa bệnh của ông thì có 7 vị mà người Tạng gọi là mỹ nhân thang, là thuốc giải độc, làm đẹp cơ thể mà giới võ lâm Tây Tạng cổ xưa hay dùng. Bài thuốc này có rất nhiều tác dụng như tăng cường sức khỏe, tái tạo tế bào, giảm đau, giải độc cực mạnh.
Ông Lâm đã được vị thiền sư Tây Tạng chỉ cho nhiều cây thuốc quý 

Cứ điều trị như vậy, dù ăn uống kham khổ, song chỉ mấy tháng sau, cơ thể tiều tụy, chỉ có độ 47kg của ông Lâm đã tăng lên 52kg, sức khỏe hồi phục gần như người thường. Ông Lâm không thấy biểu hiện khó thở, tức ngực nữa.
Sau 4 tháng ở trên núi Hymalaya, theo hẹn ông lại tiếp tục làm với Vàng Lù Pao.
Bao tải thuốc mà vị thiền sư huyền bí ở Tây Tạng gửi tặng đã mang lại cho ông Lâm sức khỏe như người thường khiến ông làm việc quần quật thêm được mấy năm trời nữa. 
Hết thuốc và tái nguy cơ chờ chết
Đầu năm 1998, Hà Khẩu mở cửa thông thương, Lào Cai phát triển mạnh mẽ nên ông xin Vàng Lù Pao cho nghỉ việc về quê tự gây dựng sự nghiệp, gần gũi chăm sóc vợ con. Ngoài việc trả lương hậu hĩnh, Vàng Lù Pao còn mua tặng ông Lâm chiếc xe tải nhẹ, rồi làm mọi thủ tục, mang tận về Việt Nam cho ông, giúp ông có cần câu kiếm sống. 
Ông cùng người em trai mở xưởng sửa chữa ô tô, chuyên chở vật liệu thuê và ăn nên làm ra.
Tuy nhiên, chỉ đến cuối năm, hết thuốc, căn bệnh ung thư phổi lại tái phát rất nặng. Ông ho cả ra một vốc tay máu. Những cơn đau xé ngực theo từng nhịp thở và cơ thể nhanh chóng sút đi còn 40kg.
 (còn nữa)

An Bường
Nguồn tham khảo:
Loạt bài về người rừng “ung thư” Trần Ngọc Lâm của nhà báo Phạm Ngọc Dương đăng cuối năm 2012 trên VTC điện tử.

Xem thêm:

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 1: Gia đình “người rừng” Hà Thị Dinh ở Thanh Hóa

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 2: Người đẹp Kăn Đân vào rừng ở ẩn

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 3: Kỳ tích sinh tồn cha con “người rừng” ở Quảng Ngãi