14/8/13

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 5: “Người rừng” ung thư Trần Ngọc Lâm lên đỉnh Fansipan để chết, đã phát hiện, bảo vệ và nhân rộng các cây thuốc quý

Kỳ 5: “Người rừng” ung thư Trần Ngọc Lâm lên đỉnh Fansipan để chết, đã phát hiện, bảo vệ và nhân rộng các cây thuốc quý
Lên đỉnh Fansipan để chết
Sợ vợ con phải đau khổ khi chứng kiến cái chết từ từ của ông, hoặc khiêng ông xuống Hà Nội chữa trị một cách vô nghĩa, 

ông đã có một quyết định kỳ cục, đó là trèo lên đỉnh Fansipan (Phan Xi Păng) tu thiền và chờ chết một cách lặng lẽ trên đó.
Cuối năm 1998 ông bắt đầu leo núi với đầy đủ chăn màn, quần áo, dao phát, lương thực. Khỏi phải nói cái cảnh bệnh tật ốm yếu, đi đã khó, leo núi còn khổ đến nhường nào. Khi đó, ông như người sắp chết, cứ bò lê bò lết từng bước một. Khi nào mệt thì quấn áo mưa ngủ, tỉnh dậy lại bò. 
Hình ảnh gầy còm của ông Trần Ngọc Lâm hồi mới lên đỉnh Fansipan 
Trong quá trình leo núi, ông gặp một thợ săn người Mông. Gã thợ săn này cứ luôn mồm bảo ông điên ông dở, nhưng lại vác hộ ông ối thứ. Ông Lâm dặn đi dặn lại anh ta rằng, khi nào ông chết, nhờ anh ta chôn giúp thật sâu, kẻo lợn rừng bới lên ăn xác thì tủi lắm. 
Trên đỉnh Fansipan ông tìm được một cái hang làm nơi sinh sống và tu thiền suốt mấy năm trời. Đó là cái hang đá nông choèn, chỉ đủ cho một người nằm. Ông Lâm phải dựng một cái mái lá để che mưa khỏi hắt vào trong hang. 
Tại hang đá này, ông đã chống chọi sinh tử với căn bệnh ung thư qua bao mùa băng giá. Khi dưới đồng bằng trời nóng như đổ lửa thì trên đỉnh Fansipan chỉ 4-5 độ C. Còn mùa đông thì lúc nào cũng âm độ, nước đóng băng, tuyết phủ trắng trời.
Ông Lâm cởi trần ngồi thiền trong hang đá trên độ cao 2.900m, với cái lạnh âm độ 
“Ta sống được rồi”
Trong cuộc leo núi đi tìm cái chết này, điều kỳ diệu đã xảy ra. Khi đến độ cao 2.900m, ông Lâm thấy rất nhiều loại cây thuốc mà ông từng sử dụng ở Tây Tạng. Hóa ra, ở độ cao gần tương đương, thì hệ sinh thái tương đối giống nhau. Ông reo lên sung sướng: "Ta sống được rồi!". 
Ông nhổ bất cứ cây nào thấy quen quen, na ná cây thuốc bên Tây Tạng mà ngày xưa vị thiền sư chỉ cho, rồi nhai sống luôn cả hoa, lá, thân, rễ.
Cây thuốc quý có hoa 2 màu tuyệt đẹp mà các nhà dược học Việt Nam chưa biết đến, được ông Lâm đặt tên là Quỳnh Linh 
Hàng ngày, ông Lâm mặc phong phanh trong giá lạnh để cái lạnh không cho khối u phát triển. Ông ngồi vắt chéo chân, hai tay đặt lên đầu gối, hít vào thở ra từ từ để điều hòa chân khí, hòa mình với thiên nhiên, vũ trụ.
Ông Lâm bảo, phương pháp thiền của các thiền sư Tây Tạng vô cùng huyền bí. Các thiền sư nói với ông rằng, bộ não con người tuy nhỏ, nhưng lại tiêu tốn mức năng lượng rất lớn. Do đó, nên giữ cho bộ não thanh thản, hoạt động ở mức độ thấp nhất. Toàn bộ năng lượng dành để bảo vệ cơ thể. Chính vì thế, mỗi ngày, ông chỉ ăn 1 bát cơm vào bữa trưa, uống một cốc nước thuốc, song ông có thể đi liên miên trong rừng không cần nghỉ và cũng không thấy mệt.
Giữ cho bộ não luôn thanh thản, thư giãn đặc biệt quan trọng với người mắc bệnh ung thư. Theo ông Lâm, những người mắc ung thư mà đau khổ, dằn vặt, luyến tiếc, suy nghĩ nhiều, thì sẽ chết rất nhanh. Còn những người vui vẻ, thanh thản, sẵn sàng đón nhận cái chết, không chút luyến tiếc, đau đớn, thì có thể sống được rất lâu.
Giờ đây, tuy khối u đã nằm im trong phổi, không phát triển nữa, nhưng cứ rỗi lúc nào, ông Lâm lại ngồi thiền. chỉ mặc chiếc áo bộ đội phong phanh, hoặc cởi trần ngồi thiền. Ông ngồi như tượng mấy giờ liền, tuyết phủ trắng mái tóc pha sương.
Nếu những người mắc ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, tu thiền theo phương pháp của các thiền sư Tây Tạng cũng là cách trị bệnh hiệu quả.
Ông Lâm là người phát hiện ra cây giảo cổ lam và chỉ dẫn cho các nhà nghiên cứu ở Việt Nam. Người Tây Tạng gọi cây này là giảo thiền kê. 
Cỏ kim tuyến (hay cỏ nhung, cỏ kim cương)
Trong số hàng chục cây thuốc quý cùng loài với cây thuốc trị ung thư trên dãy Hymalaya, thì đáng chú ý nhất là loài cỏ mà sau này người Sapa gọi là cỏ nhung, còn vùng Tây Nguyên gọi là cỏ kim cương. 
Cỏ nhung trong rừng Hoàng Liên Sơn với những chiếc lá óng ánh màu kim tuyến 
Khi đó, ở Việt Nam chẳng ai biết loại cỏ này, cũng không có trong sách, nên ông tự đặt tên cho nó là cỏ kim tuyến.
Ông Lâm bảo rằng, loài cỏ này là một vị thuốc cực quý, quan trọng thứ nhì trong bài thuốc chữa ung thư mà ông sử dụng để cứu mình. Trong khi các thương lái Trung Quốc thu mua với giá bạc triệu cho một kg cỏ kim tuyến tươi, thì một số nhà dược học của ta vẫn khẳng định trên báo chí rằng loài cỏ này có giá trị rất thấp, chỉ sánh ngang… lá lốt.
Người Trung Quốc thuê đồng bào H’Mông nhổ loại cỏ này. Đồng bào H’Mông như loài dê núi, luồn rừng cả ngày không biết mệt. Không đầy một năm, cỏ nhung trong đại ngàn Hoàng Liên bị nhổ sạch. 
Nhìn những chuyến xe chở cỏ nhung ùn ùn sang bên kia biên giới, ông Lâm buồn muốn rơi nước mắt. Thương lái mua cỏ nhung của đồng bào với giá 50 ngàn đồng và họ bán với giá 5 triệu đồng, thậm chí là 10 triệu đồng một kg tươi ở nước họ, hoặc bán sang Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản. Nếu là cỏ nhung sấy khô thì có giá cả trăm triệu đồng một kg.
Hai năm trước, cỏ nhung, còn gọi là kim cương bỗng sốt xình xịch ở Tây Nguyên, cũng là bởi người Trung Quốc phát hiện một số vùng núi cao ở Tây Nguyên có loài cỏ này. Tuy nhiên, cỏ nhung trong Tây Nguyên rẻ vì chất lượng không bằng ở Hoàng Liên Sơn. Loài cỏ này phải mọc ở độ cao trên 2.800m mới có giá trị dược liệu cao nhất.
Cỏ nhung có một tác dụng thần kỳ mà người Việt không biết, đó là có khả năng tái tạo tế bào, đặc biệt là tái tạo tế bào gan. Với tác dụng này, cỏ nhung thực sự là thần dược, cỏ trường sinh, quý hơn vàng ròng. Ông Lâm cung cấp thông tin giá trị của cỏ nhung, để mong rằng, chính quyền ra sức bảo vệ loài cỏ cực quý này, trước khi chúng bị nhổ sạch khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Thiết trúc nhân sâm (hay khoai lang núi, thằn lằn núi)
Hồi ông Trần Ngọc Lâm lên đỉnh Fansipan sống trong hang, ông bất ngờ khi phát hiện có rất nhiều thiết trúc nhân sâm ở độ cao từ 2.500m trở lên trên núi Hoàng Liên Sơn.
Loài sâm trúc này cũng từng có nhiều ở Tây Tạng, trên độ cao 4.000-5.000m. Các nhà sư Tây Tạng đánh giá nó quý ngang với sâm Triều Tiên. Họ gọi là sâm Hymalaya, còn người Trung Quốc gọi là thiết trúc nhân sâm, hoặc sâm trúc. Tuy nhiên, loài sâm này ở Tây Tạng đã cạn kiệt hoàn toàn do bị khai thác triệt để.
Ông Lâm đã từng đào được một củ sâm 800 tuổi ở độ cao 2.700m trên sườn Fansipan phía Lai Châu. Sở dĩ ông Lâm khẳng định củ sâm này đã 800 tuổi, vì thân nó có đúng 800 đốt. Điều này có nghĩa cây sâm này mọc từ thời Trần.
Bình rượu ngâm một phần củ sâm 800 tuổi của ông Lâm 
Ông Lâm bảo rằng, ông thừa biết giá trị củ sâm đó rất khủng khiếp nếu bán sang Trung Quốc, tuy nhiên, ông đã không làm vậy. Nếu bán nó sang Trung Quốc, người Trung Quốc biết Hoàng Liên Sơn có sâm quý, họ sẽ tìm sang thu mua tận diệt.
Lúc này, ông Lâm mới biết, người Trung Quốc mang củ thiết trúc nhân sâm có thân ngoằn ngoèo như con rắn, mỗi thân có nhiều đốt sang Lào Cai, đến tận các bản người H’Mông và nói rằng muốn thu mua thật nhiều… “khoai lang núi”. Họ bảo với đồng bào rằng cần thu mua những củ “khoai lang núi” này để… ăn chống đói. Thế là, đồng bào ầm ầm vào rừng Hoàng Liên Sơn, đào bới không biết bao nhiêu “khoai lang núi”, hết tấn nọ đến tấn kia, bán cho người ta. Nhìn cảnh ấy, ông Lâm lòng đau như cắt. Gặp ai ông cũng bảo đây là loài sâm cực quý, chứ không phải “khoai lang núi”, nhưng không ai tin. Đồng bào H’Mông còn cãi rằng, củ này tổ tiên họ gọi là thằn lằn đá, vì thân nó giống con thằn lằn, lại mọc trên đá. Đồng bào H’Mông cũng thường đào củ “thằn lằn đá” nhai sống như khoai, hoặc luộc ăn như thứ lương thực bình thường. Khi leo núi, thấy mệt, họ đào củ “thằn lằn núi”, ngậm miếng nhỏ trong miệng sẽ hết mệt.
Giờ thì loài sâm quý ấy, cùng với hàng chục loại dược liệu cũng đã biến mất khỏi đại ngàn Hoàng Liên Sơn. Giờ đây, người Việt muốn mua củ sâm vài chục năm tuổi, phải bỏ ra cả trăm triệu đồng.
Nấm Phục linh thiên (hay nấm Phục linh thần)
Trong số hàng trăm dược liệu quý như báu vật ở Hoàng Liên Sơn, thì có một loài nấm vô cùng quý hiếm, được người Trung Quốc so sánh với vàng ròng, đó chính là nấm Phục linh thiên. Cây này họ nhà thông, gỗ màu đỏ, vân đẹp hơn cả thủy tùng. Ở Trung Quốc, tại khu du lịch Vân Long, có 1 cây chỉ cỡ hơn 1 người ôm, mà họ rào kín và quảng cáo đã 1.000 năm tuổi, khiến du khách ùn ùn kéo tới chiêm ngưỡng. Loài cây này trên thế giới cũng vô cùng hiếm. Ở Việt Nam chỉ mới phát hiện duy nhất ở Hoàng Liên Sơn, trên độ cao 2.800m và số lượng khoảng 400 cây.
Củ nấm Phục linh thiên 
Các thiền sư Tây Tạng chỉ dùng một lát nhỏ của củ nấm chế vào các vị thuốc điều trị ung thư cho các bệnh nhân nặng. Xưa kia, loài nấm này dùng để cung tiến triều đình và chỉ vua chúa mới được ăn. Nấm Phục linh thiên hầm với chim công làm món ăn bổ dưỡng tuyệt đỉnh cho vua chúa.
Cái tên nấm Phục linh thiên là do ông Lâm tự đặt ra. Ở Việt Nam, các nhà khoa học phát hiện loài nấm rất quý, mọc trong lòng đất, ở rễ cây thông trong Lâm Đồng, gọi là Phục linh thần.
Gốc cây X. khổng lồ cho loài nấm Phục linh thiên 
Một năm, ông Lâm chỉ thu hái được vài củ nấm. Có năm chẳng được củ nào. Ông không hái bán sang Trung Quốc kiếm vàng ròng, mà pha vào thuốc để chữa bệnh cho mình và cho các bệnh nhân khác.
Ông Lâm cho mẩu nấm Phục linh thiên vào bài thuốc điều trị ung thư thì thấy hiệu quả rõ rệt 
Ông Lâm kể rằng, hồi sang Tây Tạng thăm các thiền sư đã từng cứu sống ông, ông tặng các thiền sư ở đây mấy quả nấm Phục linh thiên của Hoàng Liên Sơn. Các vị thiền sư đã chết lặng khi nhận được món quà mà với họ là vô cùng quý hiếm. 
Một vị thiền sư từng chữa bệnh ung thư cho ông Lâm hỏi: “Con lấy thứ quý hiếm này ở đâu ra vậy?”. Ông Lâm trả lời: “Ở Việt Nam con nấu canh ăn hàng ngày”. Vị thiền sư đã tát ông Lâm một cái nổ đom đóm và bảo: “Anh có biết việc anh ăn vô tội vạ như thế đã cướp đi sinh mạng của bao nhiêu người không?”. 
Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về nấm Phục linh thiên, cũng không có nhà dược học nào biết về loài nấm này. Tuy nhiên, theo “người rừng” Trần Ngọc Lâm, qua thực tế sử dụng nhiều năm nay, ông thấy Phục linh thiên có tác dụng ức chế khối u. Khi ông cho thêm vài lát Phục linh thiên vào bài thuốc trị ung thư, ông cảm thấy tác dụng mạnh hơn, dài hơn. Ông cũng đã thử nghiệm trên nhiều bệnh nhân ung thư và thấy kết quả rõ rệt. Với người huyết áp thấp, ốm yếu, suy nhược, thì quả nấm Phục linh thiên có tác dụng kỳ diệu.
Ngũ trảo long
Bài thuốc trị ung thư phổi mà các thiền sư Tây Tạng chỉ cho ông Lâm gồm 7 loại chính, nhưng ông đã đi khắp đại ngàn Hoàng Liên, xuyên dọc biên giới đến tận Mường Tè của đất Lai Châu, sang cả quả núi cao 3.900m cạnh Mường Tè thuộc đất Trung Quốc, nhưng tuyệt nhiên không thấy có một cây ngũ trảo long nào. 
Ngũ trảo long được các thiền sư Tây Tạng đánh giá là thảo dược quý nhất trong bài thuốc trị ung thư phổi. Thiếu cây này, thì tác dụng bài thuốc kém đi nhiều.
Cây thuốc quý trổ hoa rất đẹp trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn 
Ông Trần Ngọc Lâm tìm sang bên kia biên giới gặp Vàng Lù Pao để đi nhờ đoàn xe tải lên Tây Tạng. Cuộc hành trình kéo dài nửa tháng thì đến thị trấn Lahsa.
Ông Lâm đã có kỳ duyên với vùng đất Tây Tạng 
Khi gặp lại thiền sư Uy-ri-ang-kha-đa, người đã cứu ông thoát khỏi căn bệnh ung thư quái ác, thì ông đã ngoài 90 tuổi, sắp đắc đạo. Thiền sư đang chuẩn bị hậu sự, dặn dò đệ tử để vào hang bắt đầu quá trình nhập tịch để được về cõi Phật. 
Một số nhà nghiên cứu cho rằng loài cỏ này có độc, nhưng ông Lâm khẳng định chúng là vị thuốc quý 
Nghe ông Lâm kể chuyện, vị thiền sư này đã giật mình. Ông không ngờ rằng ở đất nước phương Nam nhỏ bé và xa xôi, trong truyền thuyết của người Tây Tạng thì vùng đất ấy “có quả chuối và rất nóng”, lại có những thần dược ở xứ băng giá Tây Tạng. Ông Lâm đã khẩn cầu xin giống cây thuốc ngũ trảo long về trồng ở Việt Nam, nhưng vị thiền sư từ chối. 
Sau một tuần ông Lâm ở trong hang, chạy đôn chạy đáo giúp các thiền sư trị bệnh cho người nghèo, rồi thiền sư Uy-ri-ang-kha-đa cũng đến gặp ông Lâm bảo: "Mai tôi vào hang nhập định rồi, chắc không gặp anh nữa. Tôi quý anh là vì đất nước anh đã đánh thắng quân Mông Cổ. Tôi sẽ cho anh 30 hạt ngũ trảo long, anh đem về gieo trồng, chắc cũng hợp khí hậu và sống được. Anh nên giữ kín những loại cây thuốc này. Nếu anh nói ra thì đất nước anh và khắp vùng Tây Tạng này cũng sẽ bị nhổ hết. Hàng triệu người bệnh đang trông chờ vào cây thuốc này đấy". Ông Lâm quỳ xuống tạ ơn thầy và hứa sẽ không tiết lộ với ai. 
Gieo trồng giữ các giống thuốc quý
Ông Lâm tìm một khoảnh núi rất cao, vách đá dựng đứng, vô cùng hiểm trở, chưa có dấu chân thú và dấu chân người trên dãy Hoàng Liên Sơn rồi gieo 30 hạt ngũ trảo long. Ông dựng lều ngay đó để trông nom. Ông trông chừng từng con côn trùng, không để chúng xơi mất hạt nào. 
Cây thuốc do ông Lâm trồng trong rừng Hoàng Liên 
Suốt 10 năm trời chăm bón, nhân giống rồi vườn ngũ trảo long quý hiếm đã hình thành. Cây ngũ trảo long đã mọc kín mảnh vườn rộng 10m2 trong một khe đá, đủ nguồn thuốc cho ông dùng và cứu được không ít người đang mắc bệnh ung thư quái ác như ông. Trong các chuyến đi rừng, mỗi khi đau chân, chỉ xoa ít rượu ngâm ngũ trảo long vào chỗ đau và uống vài giọt, chỉ vài giây sau, cơn đau tan biến đâu mất. 
Củ thuốc rất quý do ông Lâm phát hiện trên đỉnh Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), ở độ cao 2.400m 
Mấy năm nay, đại ngàn Hoàng Liên Sơn liên tục bốc hỏa. Sợ lửa thiêu rụi vườn thuốc quý, ông Lâm đã nhân giống ra rất nhiều nơi. Ông trèo lên tận đỉnh U Bò ở Trạm Tấu (Yên Bái), Phu Ta Leng (Ngũ Chỉ Sơn), Pu Si Lung (Lai Châu), toàn những ngọn núi cao trên dưới 3.000m để trồng ngũ trảo long. Những vườn thuốc quý này được trồng ở những nơi vô cùng bí mật, phải đi nhiều ngày trời mới đến. Đặc biệt là loài thiết trúc nhân sâm, cũng được ông gieo trồng ở rất nhiều nơi. Ông Lâm bảo rằng: “Chú gieo rắc giống nhân sâm là để mong loài sâm quý và các cây thuốc quý không bị tuyệt chủng ở Việt Nam”.
Sự thất vọng
Cách đây mấy năm, có một vị GS-TS rất nổi tiếng trong ngành dược nước nhà dẫn sinh viên vào rừng Hoàng Liên thực tập và đã gặp ông Lâm khi ông đi lấy thuốc. Nghĩ gặp được vị GS-TS có uy tín, ông Lâm đã dốc lòng tâm sự. Ông đã cung cấp cho vị này vô số loại thảo dược rất quý, chưa có trong từ điển dược học nước nhà. Mặc dù ông Lâm nhớ lời hứa với vị thiền sư Tây Tạng là sẽ không tiết lộ những cây thuốc quý với ai, nhưng nếu cung cấp thông tin để vị GS này nghiên cứu, từ đó có biện pháp bảo tổn thảo dược quý, giúp hàng triệu bệnh nhân nước nhà thì sẽ có ý nghĩa hơn so với lời hứa. Vì thế, ông Lâm đã chỉ cho vị GS này khá nhiều loài thảo dược, trong đó có cây giảo cổ lam, một trong 7 loại thảo dược chính trong bài thuốc trị ung thư. 
Tuy nhiên, trong một đêm trăng thanh vắng, cảnh đẹp miền sơn cước đến xiêu lòng, vị GS khả kính uống hơn quá chén đã nói thẳng: “Tôi sẽ xin dự án trồng cây giảo cổ lam trên này, mục đích là kiếm chút anh em mình chia nhau, chứ bảo tồn với chả bảo tàng, vườn thuốc vườn thiếc làm gì cho mệt. Tôi già rồi, đường sá xa xôi đi làm sao được”. Nghe thế, ông Lâm im bặt, không hé răng một lời nào nữa về các loại cây thuốc quý trên núi Hoàng Liên Sơn.
Nhưng rồi, các công trình này chả đi đến đâu, chả có dự án bảo tồn nào được thực hiện. Hậu quả thì nhãn tiền. Người Trung Quốc phát hiện Hoàng Liên Sơn có các cây thuốc quý, liền thuê đồng bào nhổ tận gốc, trốc tận rễ.
Giảo cổ lam do ông Lâm chỉ cho vị GS nọ 
Không muốn người dân cả nước bị lừa đảo, ông Lâm đã gọi điện cho tôi, đề nghị viết bài vạch mặt vị GS khả kính kia, cùng các doanh nghiệp, đã móc túi không biết bao nhiêu bạc tỉ từ những bệnh nhân ung thư, vốn đã kiệt quệ về tiền bạc.
Theo ông Lâm, giảo cổ lam cũng là vị thuốc quý, nhưng nó không thể trị được ung thư nếu không sử dụng với nhiều loại thảo dược khác nữa. Điều đáng nói, là hiện các doanh nghiệp toàn thu mua giảo cổ lam 3 lá ở vùng núi đá thấp quanh Hòa Bình để bán cho người dân.
Là người hiểu rõ về giảo cổ lam, nên ông Lâm khẳng định giảo cổ lam có tới mười mấy loại. Chỉ có loại 7 lá và 9 lá, uống đắng khủng khiếp là giảo cổ lam thực sự, có tác dụng tốt, còn lại chỉ là họ hàng nhà giảo cổ lam, giá trị dược liệu rất kém.
Đúng như lời ông Lâm, hiện người Trung Quốc đang bán giảo cổ lam do họ nuôi trồng sang Việt Nam với giá rất rẻ, chỉ 30 ngàn đồng/kg khô. Thế là các doanh nghiệp của Việt Nam lại thu mua từ Trung Quốc, đóng gói, chế biến, rồi bán bạc triệu cho người tiêu dùng.
Sau khi mất niềm tin vào một số nhà nghiên cứu, mang danh giáo sư, tiến sĩ, mất niềm tin vào cả một tập đoàn đông nam dược lớn nhất nước, cả thời gian dài, ông Trần Ngọc Lâm không tiết lộ cây thuốc với ai nữa. 
Tuy nhiên, người Trung Quốc càng ngày càng thu mua ráo riết, các loại thảo dược quý trong đại ngàn Hoàng Liên cứ biến mất dần. Vì thế, khát vọng bảo tồn, phát triển các loài thảo dược quý lại âm ỉ trong ông Lâm.
Suốt mấy năm lang bạt kỳ hồ ở Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, dọc dãy Hoàng Liên Sơn rồi ông cũng tìm ra một địa điểm, thích hợp với những loại cây thuốc quý chỉ mọc trên dãy núi Hymalaya và Hoàng Liên Sơn. 
Ông đã tìm được một doanh nghiệp ở Lào Cai để phát triển các loài thuốc quý. Tuy nhiên, suốt 2 năm trời, doanh nghiệp này tổ chức rất nhiều cuộc gặp gỡ “vừa kín vừa hở” với lãnh đạo tỉnh nọ, song vẫn chưa thành công. Các vị lãnh đạo sau chầu nhậu tưng bừng lại bảo: “Đất còn đó, đi đâu mà vội” khiến doanh nghiệp này ngóng mỏi cổ. Ông Lâm vốn là người khảng khái, cương trực, không chấp nhận cảnh luồn cúi, nên không thèm đầu tư trồng thuốc ở tỉnh nọ nữa. 
Pho sách sống và sự day dứt
Bài thuốc trị ung thư của ông Lâm, do các thiền sư Tây Tạng chỉ cho gồm có 7 loại chính, trong đó quý nhất là ngũ trảo long, rồi đến cỏ nhung, giảo thiền kê, giảo cổ lam, bạch hoa xà…
Hồi nghe tin ông Lâm được các thiền sư Tây Tạng chỉ dẫn những cây thuốc quý trị ung thư, tiến sĩ, Thiếu tướng quân y Vương Đức Tài, Chủ nhiệm Trung tâm thuốc Trung y của Trung Quốc đã sang gặp ông Lâm và hứa sẽ tặng bạc tỉ nếu ông kể tên 7 cây thuốc chữa ung thư mà các thiền sư Tây Tạng sử dụng. Tuy nhiên, ông Lâm từ chối thẳng thừng. Một là lời hứa với vị thiền sư vẫn còn ám ảnh ông, hai là nói ra, người Trung Quốc tung tiền thu mua khiến những loại dược liệu quý này nhanh chóng tuyệt chủng không những ở Việt Nam mà còn sạch sẽ cả dãy Hymalaya.
Ông Lâm như một pho sách hoàn toàn mới về các loại dược liệu thần bí không có trong từ điển dược học nước nhà, trong sách của GS. Đỗ Tất Lợi. Theo ông Lâm, những cây thuốc quý mà các thiền sư Tây Tạng chỉ cho ông đều thuộc dạng kỳ hoa dị thảo. Các loại cây thuốc này không có trong từ điển dược học Việt Nam và cũng không nhà dược học nào ở Việt Nam biết đến. Ông Lâm bảo, các nhà dược học Trung Quốc nói rằng: “Người Việt chết trên đống thuốc quý mà không biết”.
Vì nguồn dược liệu quý ngày một hiếm, bị khai thác triệt để, nên ông Lâm vẫn chưa tìm ra cách nào giúp người nghèo chữa bệnh. Hiện tại, nguồn thuốc do ông gieo trồng và khai thác từ thiên nhiên chỉ đủ chữa trị cho rất ít người. Nhiều khi nhường thuốc cho họ, ông uống không đủ, cơn đau thắt ngực lại kéo đến.
Điều ông Lâm trăn trở, là bản thân ông không thể sống được mãi mãi, nhưng lại không tìm được chỗ tin tưởng để chuyển giao những cây thuốc quý, để tìm cách gieo trồng, bảo tồn, cứu chữa người bệnh, làm giàu cho đất nước. Và khi ông mất đi, những loài thảo dược cực quý sẽ lại là cây rừng như triệu năm nay vẫn thế.

(còn nữa)

An Bường
Nguồn tham khảo:
Loạt bài về người rừng “ung thư” Trần Ngọc Lâm của nhà báo Phạm Ngọc Dương đăng cuối năm 2012 trên VTC điện tử.

Xem thêm:

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 1: Gia đình “người rừng” Hà Thị Dinh ở Thanh Hóa

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 2: Người đẹp Kăn Đân vào rừng ở ẩn

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 3: Kỳ tích sinh tồn cha con “người rừng” ở Quảng Ngãi

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 4: “Người rừng” ung thư Trần Ngọc Lâm làm việc để chết và nhân duyên học được các bài thuốc tự chữa cho mình