17/8/13

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 6: “Người rừng” ung thư Trần Ngọc Lâm khôi phục con đường ngắn nhất lên đỉnh Fansipan và tham gia làm phim truyền hình

Ý tưởng 2 phim truyền hình từ một bài hát ru ở xứ xa xôi








Trong chuyến đi lấy thuốc, ông Lâm được chứng kiến cảnh một bà mẹ người Tây Tạng ngồi trên tảng đá bồng con hát ru. Tiếng hát lên cao xuống thấp, vang vọng não nề giữa cảnh núi rừng mênh mông.

                    
Một cảnh ở Guge - một vương quốc cổ ở phía Tây của Tây Tạng. Ảnh minh họa: Internet.
Anh giáo viên được vị thiền sư cho đi cùng, dịch cho ông Lâm nghe nội dung bài hát ru, đại để: "Có một đất nước phía Nam nhỏ bé, nóng lắm và có quả chuối, nhưng đã ba lần đánh thắng quân Nguyên hùng mạnh...". Đây là bài hát ru có từ 700 năm trước mà bà mẹ Tây Tạng nào cũng thuộc lòng. Nghe lời dịch đó, ông Lâm đã khóc nức nở. 
Sau này ngồi tu trên đỉnh Fansipan, nghĩ lại lời ru đó cùng với những kiến thức thu thập được trong quá trình lang bạt ở Trung Quốc, ông đã nghiệm ra rằng: Dòng sông Hồng ở bên Trung Quốc chỉ là những nhánh sông, nhánh suối, nhưng khi về Việt Nam nó mới trở nên hùng vĩ. Và những bộ tộc nhỏ bé, những nền văn minh nhỏ bé, khi di cư xuống phía Nam, bám theo sông Hồng mới tạo thành nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Cũng như cái trống đồng của các bộ tộc nơi thượng nguồn rất thô sơ, dùng để làm tang ma, nhưng khi về Việt Nam nó đã trở nên rất tinh xảo và dùng làm tiếng trống hiệu triệu vạn quân, khiến quân thù khiếp vía. 
Sau nhiều ngày ngẫm nghĩ, ông mang ý tưởng đó gặp lãnh đạo Đài truyền hình Lào Cai và đề nghị họ làm phim như ý tưởng của ông để ca ngợi nền văn minh Sông Hồng. Và bộ phim "Nơi ngọn nguồn sông Hồng" đã ra đời, dài 14 tập gây ấn tượng với khán giả cả nước.
Cũng theo đề xuất của ông, các phóng viên Truyền hình Lào Cai tiếp tục làm bộ phim khám phá mang tên “Địa đàng Hoàng Liên Sơn”.
Ông già Pháp và con đường cũ lên đỉnh
Năm 1999, khi ông Trần Ngọc Lâm đang ngồi thiền trong hang đá thì nghe tiếng xì xồ. Lâu lắm không thấy tiếng người, ông Lâm chui ra khỏi hang, thì gặp hai vợ chồng người Pháp đang nghỉ chân trên tảng đá phía sau hang.
Ông Lâm chào bằng tiếng Pháp, nhưng ông già này lại nói bằng tiếng Việt. Nhiều năm sống ở Việt Nam nên ông nói tiếng Việt rất sõi. Ông giới thiệu tên là Christiane Pasquel Kagheau, 84 tuổi, từng là phó đồn Trạm Tôn, sống nhiều năm ở vùng núi này, cho đến khi quân Pháp thất thủ ở Điện Biên.
Trong những ngày sống cùng ông Lâm giữa rừng, ông già người Pháp đã vẽ lại cho ông Lâm con đường lên đỉnh Fansipan ngắn nhất mà người Pháp mở, qua tấm bản đồ quân sự. Tấm bản đồ quân sự đó ông giữ mấy chục năm nay làm kỷ niệm. Theo như tấm bản đồ, con đường lên đỉnh Fansipan mà người Pháp mở xuất phát từ Núi Xẻ, đi qua suối Vàng, rồi cứ cưỡi dọc sống núi Hoàng Liên Sơn mà đi. Đi theo hướng này sẽ rất gần. Những đoạn dốc đều đã được người Pháp làm bậc thang. 

Con đường này do người Pháp mở từ cả trăm năm trước

Trước khi rời Hoàng Liên Sơn, ông già người Pháp nắm tay ông Lâm dặn dò: “Người Pháp từng cuốc vào vách đá, rồi rải đá, xếp đá làm đường để ngựa thồ hàng lên được tận đỉnh Fansipan. Các cô gái Pháp mặc váy ngắn, đi dép cao gót mà còn đi trong ngày được. Đường này vừa ngắn lại dễ đi nhất. Tôi đã nhiều tuổi, chắc không còn quay lại Việt Nam được nữa. Anh cố tìm lại con đường ấy nhé!”. 
Đổ mồ hôi, sôi nước mắt để khôi phục lại con đường
Sau khi ông già người Pháp về nước, suốt một năm trời ông Lâm lần mò, phát rừng tìm lại con đường xưa. Ông hì hục trong rừng Hoàng Liên Sơn để tìm con đường cũ chỉ với hy vọng sẽ có một lối đi về gần nhất, để ông có thể tranh thủ về thăm vợ con mỗi khi bệnh tình thuyên giảm. 
Và rồi, bằng sự kiên trì của ông, con đường mất tích mấy chục năm nay dưới lớp rễ cây, bụi cỏ, tầng tầng lớp lớp mùn đất, cũng hiện ra với các vách đá, bậc đá còn hiển hiện rõ dấu vết do công sức con người tạo ra.
Sau khi phát hiện con đường này, ông Trần Ngọc Lâm báo cho lãnh đạo huyện Sapa biết. Tuy nhiên, mấy vị lãnh đạo này không tin. Chỉ có mỗi ông Lê Trọng Hùng, ngày đó là Giám đốc Trung tâm du lịch Sapa nửa tin nửa ngờ. Ông Hùng đã đi theo ông Lâm, chụp ảnh tỉ mỉ con đường rồi báo cáo các lãnh đạo huyện để mở tuyến du lịch tuyệt vời này. 
Ông Lê Trọng Hùng (bên phải) là người chứng kiến cảnh ông Lâm tìm ra con đường ngắn nhất lên Fansipan 
Tiếp theo là việc tỉnh Lào Cai đã lập dự án mở đường cho khách du lịch chinh phục Fan. Đích thân một số cán bộ tỉnh, huyện đã gặp gỡ ông Lâm, rồi “đặt hàng” ông phát quang, mở con đường này, để các kỹ sư dựa vào đó thiết kế, xây dựng thêm.
Thế là, suốt 2 năm trời đằng đẵng, ngày nắng cũng như ngày mưa, ngoài những lúc đi tìm thuốc, trồng thuốc, ông Lâm lại hì hụi với dao cuốc, xà beng. 
Trên những sống núi cao, gió lớn quật ngày đêm, cây cỏ chỉ cao đến thắt lưng thì chỉ cần dùng dao phát, dùng cuốc xới tung lên là được. Nhưng ở những khu rừng âm u, khuất gió thì rất tốn công sức, bởi những khu rừng này cây cối cổ thụ to khổng lồ, dây leo mọc chằng chịt. Có những đoạn đường bị rễ cây cổ thụ mọc trùm lên, phải dùng xà beng đào bới, dùng búa bổ cả ngày mới lộ ra những bậc đá. 
Phần lớn con đường nằm trên độ cao từ 2.800m xuống 2.100m đã bị trúc mọc ken dày trùm lên, thân cây nào cây nấy to gần bằng cổ tay. Mở đường xuyên qua rừng trúc vô cùng vất vả. Ông Lâm chặt chém cả ngày, gai trúc xé toạc quần áo, da thịt tứa máu mà chỉ được vài mét đường. 
Nhiều đoạn đường đã bị rễ cây mọc trùm kín 
Ở những đoạn đường này, ông Lâm sáng tạo ra cách mở đường độc đáo. Ông rắc muối dọc con đường đó. Đàn trâu đồng bào thả vào rừng thấy muối nên cứ lần theo để ăn. Đàn trâu đi lại nhiều thì thành đường.
Những đoạn trúc mọc ken dày, ông Lâm chỉ việc rải muối nhiều lần. Trâu đi ăn muối, sẽ tạo thành đường.
Quên luôn tiền công
Sau hai năm trời kiên trì đào bới, phát cây, con đường chinh phục Fansipan từ thời Pháp đã lộ ra nguyên trạng. Tỉnh Lào Cai đã lập dự án tiêu tốn bạc tỉ để… mở đường du lịch thám hiểm lên “nóc nhà Đông Dương” từ con đường do ông Trần Ngọc Lâm tìm ra và phát quang. 
Với con đường mới này, các vận động viên việc chạy lên đỉnh Fansipan chỉ mất 2 giờ đồng hồ. Người có khả năng đi rừng như ông, sáng trèo lên Fan, chiều đã có thể về Sapa. Còn với những người có sức khỏe bình thường, chỉ cần chưa đầy 2 ngày leo núi, đã có thể đặt chân lên “nóc nhà Đông Dương”.
Ngày trước, để lên Fansipan, phải mất 4-5 ngày, nhưng giờ chỉ mất 2 ngày. Vận động viên chỉ chạy 2 tiếng lên đến đỉnh núi. 
Vậy mà, khi con đường hoàn thành, ông Trần Ngọc Lâm bị các vị lãnh đạo bỏ ra ngoài bộ nhớ. Ông lên tỉnh đòi tiền công mở đường, tỉnh chỉ về huyện, về huyện thì lại bảo lên tỉnh. Đòi mấy lần không được, ông Lâm cũng quên luôn. 
Đóng góp của ông Lâm cho con đường du lịch mạo hiểm lên đỉnh Fansipan không những không được ghi nhận, mà cũng kể từ đó, ông bị lãnh đạo Vườn Quốc gia Hoàng Liên đuổi ra khỏi rừng. Ông dựng lều ở đâu, họ bắt gặp là dỡ lều ở đó. Tuy nhiên, mạng sống của ông gắn chặt với đỉnh núi này, nên họ phá lều, ông lại vào hang ở. Sau này, vị lãnh đạo mới lên thay, hiểu hoàn cảnh của ông nên không xua đuổi nữa, ông mới được yên thân.
Giờ đây, thay vì niềm tự hào tìm ra con đường mới, ông Lâm lại thấy hối hận vì đã công bố con đường này. Đường ngắn, dễ đi mở ra chỉ tổ giúp bọn lâm tặc phá rừng nhanh hơn, rồi đồng bào kéo vào sâu trong rừng đốt rừng trồng thảo quả. Một phần rừng Hoàng Liên Sơn bị trọc lơ trọc lốc cũng vì con đường này. 

(còn nữa)

Xem thêm:

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 1: Gia đình “người rừng” Hà Thị Dinh ở Thanh Hóa

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 2: Người đẹp Kăn Đân vào rừng ở ẩn

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 3: Kỳ tích sinh tồn cha con “người rừng” ở Quảng Ngãi

“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 4: “Người rừng” ung thư Trần Ngọc Lâm làm việc để chết và nhân duyên học được các bài thuốc tự chữa cho mình


“Người rừng” Việt Nam thời nay - Kỳ 5: “Người rừng” ung thư Trần Ngọc Lâm lên đỉnh Fansipan để chết, đã phát hiện, bảo vệ và nhân rộng các cây thuốc quý


Nguồn tham khảo:
Loạt bài về người rừng “ung thư” Trần Ngọc Lâm của nhà báo Phạm Ngọc Dương đăng cuối năm 2012 trên VTC điện tử.

An Bường