12/10/13

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP – BẬC SIÊU KỲ TÀI

Gần trưa ngày 5/10, bật máy tính, mới biết tin buồn – Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần vào hồi 18h09 phút ngày hôm trước, khi tôi còn đang trên chuyến bay Hanoi-Bangkok. Đêm đó, ở Bangkok, trời mưa rất to.
Theo như cách tư duy tình cảm và tâm linh của người dân Việt, tôi tự cho là trời ở phía tây cũng khóc thương vì sự ra đi của vị Đại tướng huyền thoại (dù những ngày này ở Thái Lan đang là mùa mưa).
Những ngày đầu mới trở lại Bangkok, rất bận, nhưng tôi không bỏ sót bài viết nào mà tôi đọc được liên quan tới việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Tôi cố gắng tổng hợp và đúc kết những ca ngợi từ trong nước và quốc tế đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó có cả suy nghĩ riêng của cá nhân nữa.
Nhà quân sự bẩm sinh, thiên tài và huyền thoại
Đại tướng sinh năm 1911 trùng với năm người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu tìm đường cứu nước. Đó là ngẫu nhiên hay mệnh trời đã sắp đặt việc kết nối 2 thế hệ thanh niên gánh vác trách nhiệm với non sông đất nước. Tên khai sinh Võ Nguyên Giáp trùng hợp với sứ mệnh lịch sử đã trao cho ông là chỉ huy lực lượng quân đội nhân dân bách chiến bách thắng.
Có bằng cử nhân luật, nhưng anh Giáp lại nhận dạy môn lịch sử ở trường Thăng Long, Hà Nội. Anh dạy rất hay, hấp dẫn học sinh. Anh tự tìm hiểu về Napoleon và say sưa giới thiệu nghệ thuật tác chiến quân sự của vị tướng này với học sinh của mình.
Được lãnh tụ Hồ Chí Minh phát hiện năng lực về quân sự, dù không qua trường lớp quân sự chính quy nào, khi mới 33 tuổi anh đã làm tốt việc lập và chỉ huy quân đội, tiền thân là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 34 người với trang bị vũ khí thô sơ (chỉ như một đội du kích), rồi từng bước phát triển quân đội lớn mạnh và bách chiến bách thắng. Anh được phong hàm đại tướng và trở thành vị đại tướng đầu tiên lúc 37 tuổi và giữ chức Tổng tư lệnh quân đội nhân dân và dân quân tự vệ Việt Nam duy nhất cho đến nay. So sánh trên thế giới, tổng tư lệnh quân đội các nước được phong chức vụ này khi đã được đào tạo bài bản, chính quy về quân sự.
Ảnh: tư liệu

Đại tướng đã từng nói: "Chúng tôi biết là chúng tôi sẽ thắng ngay từ ngày đầu tiên”, hay "Từ 'lo sợ' không có trong tư duy quân sự của chúng tôi".  
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ có tài về chỉ đạo chiến lược quân sự mà còn thành công lớn trong chỉ huy chiến dịch.
Trong những ngày cuối Chiến dịch Hồ Chí Minh của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng đã có bức điện lịch sử gửi các đơn vị tham gia chiến dịch, sáng 7/4/1975: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!"
Ông có phương châm chỉ khi đảm bảo chắc thắng mới tổ chức chiến đấu. Ông là vị tổng tư lệnh duy nhất đánh thắng một loạt khoảng 10 đại tướng của Pháp, Mỹ… trong các cuộc kháng chiến của dân tộc ở thế kỷ trước. So sánh trong lịch sử Việt Nam cũng như thế giới, chưa có một danh tướng nào có được kỳ tích như vậy.
Còn với Napoleon Bonaparte – nhân vật mà anh Giáp hâm mộ, với vị thế Hoàng đế đã chỉ huy để thua ở 2 trận đánh nổi tiếng, góp phần quyết định tới việc sụp đổ sự nghiệp của mình là trận Borodino ở Nga năm 1812, Waterloo năm 1815 trên đất Bỉ ngày nay. Có lẽ Đại tướng đã rút kinh nghiệm những thất bại của vị danh tướng này để áp dụng và làm phong phú thêm lý luận về chiến tranh nhân dân của mình.
Giới quân sự Nga thì so sánh ông như Nguyên soái Giu-cốp của thời chiến tranh chống phát xít Đức.
Nhà sử học Lê Văn Lan đưa ra ý kiến, đại tướng Võ Nguyên Giáp xứng đáng là Thánh Tướng - bậc cao nhất trong 4 bậc danh tướng thời xưa, theo thứ tự từ thấp đến cao là Dũng Tướng, Trí Tướng, Nhân Tướng và Thánh Tướng. Trong lịch sử dân tộc, duy nhất có một danh tướng đã đạt được tới hàng Thánh Tướng, người đó là Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. 
Trước ngày lễ Quốc tang, vào ngày 11/10, người dân cũng đã lập bàn thờ viếng và tôn thờ Đại tướng là Đức Thánh Võ, phối thờ cùng với Đức Thánh Trần Hưng Đạo (ở chùa Cót, Hà Nội). Hai vị Thánh đều có chung điểm tương đồng: giữ vị trí chỉ huy đặc biệt trong chiến tranh giữ nước, với Đức Thánh Trần là Quốc công Tiết chế, với Đức Thánh Võ là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.
Người dân lập bàn thờ Đại tướng tại chùa Cót. Ảnh: Ngọc Thắng
Các đối thủ về quân sự cũng phải khâm phục, xin được bái kiến. Các nhà nghiên cứu quân sự, sử gia, nhà báo quốc tế cũng dành nhiều sự ca ngợi Đại tướng.
Marcel Bigeard, một danh tướng từng tham gia chỉ huy quân đội Pháp tại trận chiến Điện Biên Phủ đã nói: “Tướng Giáp đã chỉ huy quân đội của ông thành công trong hơn 30 năm. Điều này tạo thành một sức mạnh chưa từng có...”.
Các chiến sĩ thi đua trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vui mừng công kênh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại lễ mừng công ngày 13/5/1954. Ảnh tư liệu.
Tướng William Westmoreland, cựu Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam đã từng tuyên bố: “Những phẩm chất làm nên một nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại là khả năng đưa ra quyết định, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung và một trí tuệ hội tụ được những phẩm chất này. Tướng Giáp đã sở hữu tất cả”.
Đại tướng Peter MacDonald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh đánh giá: Tên tuổi Võ Nguyên Giáp gắn liền với các cuộc chiến cứu nước ở Việt Nam và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại, có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có.
Nhà báo kiêm sử gia người Mỹ Stanley Karnow viết: “Tài năng chiến lược của Tướng Giáp đã đặt ông vào ngôi đền của những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại. Sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20... Ông ấy giống như một vị thánh. Không có gì khiến ông phải chấp nhận thất bại.”
Nhà chính trị có uy tín lớn, nhà khoa học, nhà kinh tế tài năng được trọng nể, nhà báo sắc sảo
Ngoài năng lực bẩm sinh của nhà quân sự kiệt xuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là nhà chính trị có uy tín lớn, nhà khoa học, nhà kinh tế tài năng được trọng nể. Thời ông thôi không phụ trách lĩnh vực quân sự, làm Phó thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật, những chỉ đạo của ông về kinh tế biển, về cải cách giáo dục, còn nguyên giá trị đến bây giờ. Với vai trò Chủ tịch danh dự Hội khoa học lịch sử Việt Nam, những gợi ý chuyên môn của ông cũng được đánh giá rất cao và rất được trân trọng. Những bài báo, những sách Đại tướng viết về cách mạng Việt Nam, về Hồ Chủ tịch, về lý luận quân sự Việt Nam, đều được người đọc hoan nghênh và là nguồn trích dẫn phong phú và giá trị. Rõ ràng Võ Nguyên Giáp là vị tướng văn võ song toàn, trên thế giới hiếm có danh tướng nào đạt được như vậy.
Nhà chỉ huy quân sự không chỉ có tài, mà còn có đức
Một trong những khía cạnh thể hiện cái đức của người chỉ huy ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự quan tâm tới binh sỹ, là thương lính. Ông thường yêu cầu các sỹ quan dưới quyền, nên nhớ giành chiến thắng với thương vong thấp nhất.
Con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp - bà Võ Hòa Bình, kể lại cha thường nói với bà: “Hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên mặt trận” trong hồi ức về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại tá Hoàng Minh Phương, nguyên Trợ lý Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đã viết trong một bài báo:
“Có mặt ở Điện Biên Phủ trong những tháng ngày gian khổ đó, nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nhận xét: “Một vị Tổng tư lệnh đồng thời là người chỉ huy chiến dịch mà viết thư gửi chiến sĩ với những lời thân mật như anh em, quả là điều hiếm thấy trong chiến tranh các nước!”.
“Cố Thượng tướng Trần Văn Trà - nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam - nói: “Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy”, “là một Tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”. 
“Xúc động trước tình cảm của người chỉ huy cao nhất của quân đội đối với các liệt sĩ hy sinh trên đỉnh đèo Phu lê Nhích, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn - viết trong hồi ký: “Những giọt nước mắt dành cho những chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trên trọng điểm này của vị Tổng tư lệnh giữa chiều Trường Sơn thật sự thấm đậm tình người, lắng sâu trong tâm khảm chúng tôi, không thể nào quên được!”.
Những khả năng đáng quý, đáng nể khác
Đại tướng có trí thông minh, trí nhớ tốt. Trong cuốn “Ở với người - Ở với đời” của NXB Thời Đại, tháng 12/2011, có đoạn viết:
Trong suốt cuộc gặp mặt, cựu Bộ trưởng McNamara không trình bày nhiều nhưng luôn tỏ ra sốt ruột về thời gian, thỉnh thoảng ông lại ngắt lời Đại tướng với câu xin lỗi lịch sự nhưng không giấu được sự sốt ruột vì muốn giành thêm thời gian để các thành viên của mình trình bày quan điểm. Nhưng thản nhiên và cũng lịch sự, Đại tướng chủ động giành phần lớn thời gian để phát biểu quan điểm của mình. Không giữ được kiên nhẫn, ông McNamara thốt lên: “Thế là ngài lại thắng về thời gian rồi”. Đại tướng lập luận: “Các ngài thua vì chưa hiểu, muốn hiểu nên lắng nghe”. Sau cuộc gặp mặt, tôi gặp Stein Tonnesson, nhà sử học người Na Uy, thành viên duy nhất không có quốc tịch Mỹ của đoàn Mỹ, là tác giả của nhiều tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam. S.Tonnesson bình luận về cuộc gặp mặt giữa hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng: “Lần này, tướng Giáp lại thắng trong một trận chiến về ngôn từ” (une guerre des mots).
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bắt tay Tướng Giáp trong cuộc gặp mặt năm 1995 ở Hà Nội. Ảnh: AFP.
Đại tướng có tính khiêm nhường rất đáng trân trọng. Đáp lại những lời ca tụng của báo chí phương Tây, Đại tướng nói: "Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình".  
Đại tướng có trí nhớ tuyệt vời. Tại một hội nghị ở Thái Nguyên, Đại tướng vẫn nhớ được tên một người phụ nữ, là cán bộ cơ sở, sau 50 năm mới gặp lại.
Năng khiếu về ngoại ngữ của Đại tướng cũng thật tuyệt vời. Thuở nhỏ học ở trường nhà, ở Trường tiểu học Đồng Hới, ở Quốc học Huế, cậu bé Giáp, rồi anh Giáp đã giỏi tiếng Hán, tiếng Pháp và cả tiếng Anh nữa. Thuở tuổi còn trẻ mới ra Việt Bắc, anh Giáp đã sử dụng thành thạo tiếng Tày. Sau này Đại tướng có thời gian học tập kinh nghiệm chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân binh chủng ở Liên Xô (cũ) 6 tháng, có lẽ cũng giỏi tiếng Nga nữa.
Đại tướng có sức lôi cuốn, có khả năng thuyết phục rất cao. Tuy ít nói, nghiêm nghị trong công việc, nhưng Đại tướng luôn thân thiện với cấp dưới và binh lính.
Với tính tình điềm đạm, biết tự kiềm chế tốt, thường xuyên luyện dưỡng sinh, tập thiền, Đại tướng tự cho rằng mình sẽ ra đi vào năm 103 tuổi và thực tế ông đã sống được đến tuổi 103 (25/8/1911 – 04/10/2013), đạt kỷ lục trường thọ đối với danh tướng, danh nhân không chỉ với Việt Nam mà với cả thế giới.
Đại tướng đang tập thiền. Ảnh: Internet.
Đáp lại những lời ca tụng của báo chí phương Tây trong một lần gặp gỡ, Đại tướng nói: "Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình".  
Đại tướng khi đã nghỉ hưu năm 80 tuổi vẫn được bố trí có Văn phòng Đại tướng để tiếp tục làm việc, đóng góp cho đất nước, như hoài bão của ông: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. Nhiều ý kiến đóng góp của ông rất được giới trí thức và người dân đồng tình, coi ông là người dẫn dắt về tinh thần cho quần chúng nhân dân và trí thức. Ông luôn được dân mến dân tin. Những dịp sinh nhật ông, những ngày lễ, Tết, hàng đoàn khách khắp nơi đến nhà ông chúc mừng, chúc phúc ông. Những ngày ông mới mất, trước lễ Quốc tang, đã có hàng chục vạn người dân đổ về nhà riêng Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, cũng như các địa điểm viếng ông ở TP HCM, ở Quảng Bình quê ông, ở khắp các tỉnh thành toàn quốc. Nhiều đoàn thể, cá nhân đã tự động lập bàn thờ tưởng nhớ ông. Ông thực sự là một nhân cách lớn, đã đi vào lòng dân, được dân nhớ, dân tin và dân kính yêu. Ở Việt Nam từ xưa đến nay mới chỉ có Đức vua Trần Nhân tông, nhường ngôi cho con để làm Thái thượng hoàng như truyền thống của Nhà Trần, ông xuất gia tu hành ở Ninh Bình, rồi lên chùa Yên Tử niệm Phật, lập phái thiền Trúc Lâm Yên Tử (ông là tổ thứ nhất của dòng Thiền Việt Nam này) và được tôn thờ là Phật hoàng. Có thể nói, trên thế giới có mấy ai là danh tướng Tổng tư lệnh được dân coi là lãnh tụ tinh thần, được tôn thờ là Thánh như Võ Đại tướng.
Người dân tiễn biệt Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Ảnh: AFP.
Người dân tiễn biệt Đại tướng bằng 103 ngọn nến đang lung linh cháy, cắm bên ngoài 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Ảnh: Internet.

Càng về trưa 12/10 dòng người hướng về Hội trường Thống nhất Dinh Độc lập TP HCM càng dài thêm. Ảnh: An Nhơn.

Người dân đội mưa chờ tới lượt vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại UBND tỉnh Quảng Bình. Ảnh: báo Nghệ An

Đã có nhiều danh hiệu tôn vinh dành cho Đại tướng như Anh Cả của quân đội, Nhà quân sự kiệt xuất, Danh tướng huyền thoại, Thống soái lớn của mọi thời đại, v.v…, rồi các danh hiệu Vị tướng của lòng dân, Người anh hùng dân tộc, Đức Thánh Võ. Người viết bài này thiển nghĩ, Siêu kỳ tài – nhóm từ này có thể góp phần bổ sung vào tập hợp các danh hiệu tôn vinh Đại tướng.
Theo thiển nghĩ của tôi, thời gian tới, đất nước ta sẽ có: Huân chương Võ Nguyên Giáp; Giải thưởng Võ Nguyên Giáp; Bảo tàng Võ Nguyên Giáp; Viện nghiên cứu danh nhân-danh tướng Võ Nguyễn Giáp, không nhất thiết phải do Nhà nước thành lập, mà có thể là viện nghiên cứu tư nhân; Trường đại học mang tên Võ Nguyên Giáp.
Do trình độ hiểu biết có hạn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lại chỉ trong gần 2 ngày chuẩn bị và viết bài này, nên người viết rất mong được người đọc quan tâm chỉ giáo và bổ khuyết.
Kính cẩn xin được thắp một nén nhang bái vọng từ nước ngoài để tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp – bậc siêu kỳ tài của đất nước và thế giới.
Nơi quàn linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Internet.
An Bường
Bangkok, 12/10/2013
Xem thêm bài cùng người viết: