4/1/14

Quốc Hoa Việt Nam ở Cam Bốt và ở chính quốc

Ba Cang: Đọc bài viết về Quốc Hoa trên trang nhà của bạn Uyen Vy Nguyen (hay Saigonese – SUV) tôi thấy tâm đắc. Xin minh họa một vài đoạn:
“Trước Đền, Chùa, Cung điện thì khỏi nói rồi, sen mộc mạc được đựng trong quang gánh do phụ nữ Kh’mer quấn xà rông,
đầu đội khăn rằn, gánh quẩy trên vai, hay trong các giỏ xe đạp. Còn trong các khách sạn, nhà hàng thì sen…không còn là sen nữa, nó được biến hóa thiên hình vạn trạng và đẹp vô cùng.”
“Nghĩ mà thương cho Quốc hoa! Trước và sau khi được chọn thì sen ở Việt Nam vẫn chỉ là sen. Tôi chẳng thấy người ta làm gì để nâng loài hoa này lên cho xứng với tầm Quốc Hoa của Việt Nam. Từ những việc thật đơn giản là thả nhiều sen ở những hồ công cộng cho đến dùng sen nhiều hơn trong việc trang trí các sảnh, đặc biệt là khi đón khách nước ngoài, tôi cũng chẳng thấy ai màng đến làm. Quả thật là khi xem chương trình thời sự trên Tivi, chưa bao giờ tôi nhìn thấy hoa sen được chưng một cách trang trọng trong những buổi đón tiếp các chính khách cao cấp nước ngoài.”
Một cây viết nghiệp dư, với một bài ở dạng vừa chính luận, vừa tạp văn, lại vừa như phóng sự, quả là đáng khâm phục. Không có tầm quan sát rộng và sâu, tức là không có cái nhìn tổng quan như hai đoạn trích ở trên và chi tiết như ở trong bài thì làm sao có được những câu chữ và hình ảnh minh họa đầy nỗi trăn trở và ước vọng cho Quốc Hoa.
Đọc hết cả bài, Ba Cang lại nổi hứng “thơ thẩn” để nói về cảm xúc của mình.

TÌNH TẢ HOA
Tuyệt quá ta!
Tả Quốc Hoa
Tủi Quốc Hoa.
Thưa Người Ta,
Thương Quốc Hoa
Tiếp tả Hoa
Tải tình Ta
Tới với Hoa.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết về Quốc Hoa của tác giả Saigonese – SUV.

3CANG
04/1/2014

Quốc Hoa Việt Nam ở Cam Bốt và ở chính quốc
Dạo gần đây, làm ăn ở Việt Nam khó khăn quá nên tôi hay phải sang Campuchia để cầu thực. Đi làm việc nên lúc nào tôi cũng trong tình trạng đầu tắt mặt tối. Ấy thế mà tôi cũng kịp nhìn thấy Quốc hoa của Việt nam khắp nơi bên xứ Chùa Tháp. Trước Đền, Chùa, Cung điện thì khỏi nói rồi, sen mộc mạc được đựng trong quang gánh do phụ nữ Kh’mer quấn xà rông, đầu đội khăn rằn, gánh quẩy trên vai, hay trong các giỏ xe đạp. Còn trong các khách sạn, nhà hàng thì sen…không còn là sen nữa, nó được biến hóa thiên hình vạn trạng và đẹp vô cùng. Lần đi Siem Reap vào tháng 11/2013, tôi được mãn nhãn ngắm sen ở Thành phố trong rừng già này. 
Đến làm việc ở Khách sạn Borei, tôi thấy sen được chưng ở khắp nơi vì Khách sạn ấy “bắt chước” nước mình cũng chọn loài hoa này làm biểu tượng. Ở đây, họ có nhiều cách thay đổi hình dáng nguyên thủy của hoa sen, làm nó mang dáng vẻ khác hẳn đi. Tôi chỉ còn nhận ra đó là hoa sen khi nhìn thấy cái nhị sen và những hạt gạo sen bao bọc quanh nhị, tỏa hương sen nhè nhẹ. Tôi nghe em tiếp tân bảo chỉ khoảng một phút là họ làm xong một bông sen bằng cách bẻ gập, cánh hoa theo hình tam giác để giấu mép các cánh hoa đi. Bây giờ thì nhìn đóa hoa sen rất lạ, nó trông giông giống hoa nhung tuyết.
Sen trong chậu đất thô trên bàn Tiếp tân
Trong lúc chờ khách xuống Sảnh làm việc, tôi đứng hỏi han em tiếp tân và được biết cứ ba ngày họ lại đổi kiểu cách thay đổi cánh hoa sen một lần, nhưng bao giờ cũng là sen trắng. Thấy tôi mê mẩn với mấy bông “sen mà không phải sen” này, em vớt từ chiếc chậu đất thô trên bàn tiếp tân tặng cho tôi một bông. Thích lắm, nhưng tôi đành từ chối vì chẳng biết cất món quà ấy vào đâu trong lúc làm việc.
Cô gái Kh’mer trong trang phục truyền thống đang biểu diễn đàn dân tộc
Ở các khách sạn Campuchia thường hay có một khu vực dành cho các loại đàn dân tộc, nằm trang trọng ngay trong Đại sảnh. Ở Borei, tôi may mắn đến vào giờ có Cô Nghệ sỹ Kh’mer trong trang phục truyền thống ngồi chơi đàn dân tộc trên chiếc sập gụ. Tôi thích chiếc chậu bạc đựng khoảng chục bông sen trắng đặt giữa hai cây đàn. Bông sen lúc nãy vớt từ chậu đất có vẻ khỏe khoắn như vẫn còn được tiếp xúc với môi trường bùn đất. Còn cái chậu bạc chạm trổ này, vẻ tinh xảo của nó làm cho bông sen như có vẻ sang cả, đài các hẳn lên. Tôi lại bắt gặp mình loay hoay nghĩ cách đem một bông về để bên gối ngủ!
Những “đóa hồng” sen này được chưng trên bàn Tiếp tân của Nhà hàng Nhật trong KS
Khách sạn Sofitel nơi tôi ở thì lại có cách “biến hình” sen theo kiểu khác. Họ gập ngược cánh sen ra sau, thế là bạch liên hay hồng liên chi chi cũng trở thành những bông hồng trắng, bông hồng cánh sen hết. Nếu không nhìn kỹ, thế nào bạn cũng sẽ bảo đó bông hồng. Chỉ có điều có cách can thiệp này, những “đóa hồng” sen này bao giờ cũng ở dạng mãn khai chứ không thể mang hình dáng nụ hay hàm tiếu e ấp được. Vậy thì kỳ quá, bông hồng thì phải từ nụ rồi chúm chím hàm tiếu để rồi mãn khai thì mới đủ một kiếp hồng chứ! Thế là có bẻ cong đi cỡ nào thì sen cũng vẫn là sen, chẳng thể thành hồng được rồi.
“Đóa hồng bạch” bằng sen đơn độc trên bàn sofa ở lobby tầng 2
Cách cắm hoa ơ Sofitel Siem Reap khác Sofitel Phnom Penh ở chỗ họ chưng bông ít lắm. Nhưng hình như chính cái ít ỏi, thưa thớt đó lại làm cho những “nụ hồng” lẻ loi ấy có nét duyên riêng của mình. Rải rác đó đây trong Khách sạn, họ đặt những bộ sofa, trên bàn chỉ vỏn vẹn có mỗi một “bông hồng bạch” sen này nằm trơ trọi trong một bình thủy tinh hình vuông. Mỗi khi đi ngang qua những bộ sofa thế này, tôi chỉ lại muốn sà xuống vừa nghỉ chân vừa ngắm bé bông đơn độc ấy. Thi thoảng, tôi cũng bắt gặp những “độc bình” như thế này nằm trên kệ dưới những bức tranh hoặc tấm kiếng dọc đường đi, nó làm cho tôi có cảm giác mình được chào đón nơi này.
Chỉ ở Nhà hàng này, sen mới vẫn là sen dù “em” đã có thêm cái đài là lạ
Ở Sofitel gần một tuần lễ mà hầu như tôi chẳng được ăn sáng ở Khách sạn lần nào vì sáng nào cũng phải bò dậy từ lúc 4h. Đến hôm cuối, chuyển giao công việc cho người đến thay rồi, tôi mới được thong thả xuống nhà hàng ăn sáng trước khi trả phòng về lại Việt Nam. Đến nơi, tôi chẳng màng gì đến chuyện ăn uống mà lại hý hoáy chụp hình bông sen. Sen ở đây thì nhìn ra dáng sen thật rồi, nhưng em ấy lạ lắm vì họ cũng chẳng để em yên với hình dáng nguyên thủy của mình. Ở đây, họ chỉ bẻ các cánh phía ngoài theo hình tam giác thôi, còn những cánh bên trong vẫn nguyên vẹn như vậy, nên sen vẫn là sen mặc dù có cái đài hoa hơi lạ.
l
Bạch liên hay bạch hồng trong Rest Room Sofite
Tại Sofitel, tôi còn thấy sen ở một chỗ khác nữa, ban đầu tôi ngại không dám đề cập đến vì thấy có vẻ hơi….riêng tư. Lý do là ở cái nơi tưởng như chỉ để “trút bầu tâm sự” đó, người ta cũng đưa cả Quốc hoa của mình vào. Ấy thế mà do biết cách sắp đặt, tôi thấy sen ở Rest Room của Sofitel sao mà đẹp quá. Họ đặt em trong một cái chén sành da lươn nhỏ, có chân hơi cao, gần đó có một chiếc đèn đang đốt tinh dầu xả, tỏa mùi dìu dịu, lan khắp phòng, thốt nhiên tôi nghĩ rằng cái Rest Room sạch sẽ, mát mẻ này cũng là một nơi tránh nắng lý tưởng đây. Chưa hết, bước chân vào trong một gian phòng vệ sinh, tôi ngạc nhiên khi thấy trên tường có một bức tranh màu nước hình hoa súng tim tím vơí nét vẽ thật đơn giản. Thôi chết, tôi ở trong Rest Room lâu quá rồi, phải ra ngoài thôi.
Vài bông sen được cột lại bằng lạt, lăn lóc tự nhiên trên bàn Tiếp tân ở nhà hàng
Ở Khách sạn, người ta chau chuốt cho sen là thế đó, còn ở ngoài hàng quán, nơi công cộng, họ cứ để cho sen được thoải mái là sen, có lẽ vì vậy mà sen như đẹp hơn lên khi nó được là chính mình. Có một tối, tôi cùng hai đồng nghiệp leo lên xe tuk tuk đi ăn tối. Nhà hàng được giới thiệu là tiêu biểu trong các nhà hàng Kh’mer. Chỉ cách khách sạn tôi ở chưa đầy 4km mà cứ như ở vùng ngoại ô vậy. Đường lầy lội, đầy dẫy ổ trâu, có lúc hai anh bạn tôi phải nhảy xuống bùn ngập quá mắt cá để đẩy xe vì bị xa lầy. Hôm đó chúng tôi rất vui vì vì thức ăn rất ngon, hoa sen thì khắp nơi và rất đơn giản cứ như thể vừa được vớt lên từ dưới bùn. Họ để sen thoải mái trong những chiếc lu đất nung rải rác quanh nhà hàng. Đó đây là những bó sen buộc dây lạt đặt trang trọng dưới chân tượng Phật hay vất lăn lóc trên chiếc bàn ngoài cổng.
Có đi đâu rồi thì tôi cũng vẫn phải trở về nhà mình ở Việt Nam, nơi chọn bông sen làm Quốc hoa. Ừ thì một ngày đẹp trời đầu năm 2013, người ta xôn xao lên rằng ta phải có Quốc hoa vì các nước khác đã có. Đợt ấy, ta chọn Quốc hoa cùng một lượt với chọn Quốc tửu thì phải. Sau khi ầm ỉ, ỏm tỏi lên để chọn lựa thì em sen tội tình được chọn.
Mày mò tìm hiểu thì tôi thấy được thông tin này từ Wiki Pedia: “Loại hoa này rất đặc biệt, mặc dù sống ở nơi bùn lầy nhưng vẫn giữ được sự thanh khiết và mùi thơm tinh tế. Hoa sen tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, cao sang và thuần khiết mang tính dân tộc Việt. Tuy nhiên, hoa sen cũng đã được chọn làm quốc hoa và biểu tượng của nhiều quốc gia mang ảnh hưởng tinh thần Phật giáo như là Ấn ĐộSri LankaNhật Bản,Macau và Ai Cập“. Ta lại chậm chân mất rồi.
Nghĩ mà thương cho Quốc hoa! Trước và sau khi được chọn thì sen ở Việt Nam vẫn chỉ là sen. Tôi chẳng thấy người ta làm gì để nâng loài hoa này lên cho xứng với tầm Quốc Hoa của Việt Nam. Từ những việc thật đơn giản là thả  nhiều sen ở những hồ công cộng cho đến dùng sen nhiều hơn trong việc trang trí các sảnh, đặc biệt là khi đón khách nước ngoài, tôi cũng chẳng thấy ai màng đến làm. Quả thật là khi xem chương trình thời sự trên Tivi, chưa bao giờ tôi nhìn thấy hoa sen được chưng một cách trang trọng trong những buổi đón tiếp các chính khách cao cấp nước ngoài.
Đó là chuyện lớn thật lớn, còn chuyện này thì chỉ nhỏ hơn chuyện lớn ấy một xíu xiu thôi. Là chuyện Hãng hàng không Quốc gia Sorry Airline của ta, không phải họ chẳng biết xin lỗi đâu, nên phải gọi tên cúng cơm Vietnam Airline thôi, họ cũng chọn sen vàng làm biểu tượng cho hãng mình. Vậy hãy xem họ làm gì với biểu tượng của họ nhé.
Biểu tượng cũ và mới của Vietnam Airline
Năm 2002, họ thay biểu tượng cũ là hình vẽ cách điệu rất thanh thoát  một cánh cò bay vào vầng trăng rằm trên cái nền trắng tinh của chiếc phi cơ, lý do là biểu tượng chẳng nổi bật. Muốn nổi ư? Ừ thì cho nổi, họ tương ngay một cái bông sen cục mịch màu vàng đất lên trên cái nền xanh dương sậm, kể từ đó, cái đẹp chết!
Hoa giả ở Phi trường Quốc tế Tân Sơn Nhất
Sau vài lần thấy người ta chưng hoa giả ở Sân bay Tân Sơn Nhất thì tôi chẳng thèm để ý xem Phi trường Quốc tế của ta chưng bông ra sao. Nhưng vừa thấy Quốc hoa của mình bên bển (Campuchia) xong, tôi muốn ngó thử xem sen của ta ở đâu trong cái nơi chứa Hãng hàng không Quốc gia, cái Hãng đã trót chọn sen làm biểu tượng. Ngó quanh quất chẳng thấy sen đâu, mãi cho tới khi làm thủ tục check in, tôi mới có thể la lên: “A, đây rồi!”
Sen thật chỉ được chưng vào hai ngày cuối tuần
Suốt một Đảo cân hành lý, làm thủ tục chỉ có một vài quầy chưng hoa sen với dáng vẻ đơn sơ vốn có của nó. Tôi nghe em nhân viên Vietnam Airline bảo: “Thường thì chỉ có cuối tuần là chưng hoa thiệt, còn thì sẽ chưng hoa giả”. Hôm tôi đi là Chủ nhật. Hí hửng là sẽ được chiêm ngưỡng hoa thật, sau khi ký gửi được mớ hành lý, tôi rảo một vòng ngắm Quốc hoa. Ô kìa, chỉ có hai ba bình là hoa thật, còn lại là hoa giả ráo! Thảm thương chưa? Sự thật phũ phàng là sen chỉ là Quốc hoa trên giấy tờ của ta mà thôi.
Sen giả nở tét tè le cũng được chưng xen kẻ với sen thật vào cuối tuần
Nói đi thì cũng phải nói lại, tôi đồ rằng người nào ra quyết định chọn sen làm Quốc hoa Việt Nam hẳn phải yêu sen ghê gớm lắm. Cơ mà, ông bà ta có bảo: “Yêu nhau như thế, bằng mười hại nhau!”. Sen mà được hỏi ý kiến xem có muốn làm Quốc hoa xứ ta hay chăng, hẳn em sẽ nhỏ nhẻ, rụt rè xin thưa: “Dạ, thôi ạ, em xin kiếu, để phần ấy cho cái bông trinh nữ ấy, hình như người ta gọi nó là hoa mắc cỡ thì phải!”
Bài và ảnh: SAIGONESE-SUV 
(uyenvysaigon70.wordpress.com)