(Ba Cang)- Đọc bài “Tái cơ cấu kinh tế đang chệch nguyên tắc thị trường” đăng ngày hôm
nay, 27/9, trên vnexpress.net, tôi có vài cảm nhận nhanh của người như “ếch
ngồi đáy giếng”.
Cụm từ tiếp theo sau tít bài, đập vào đôi mắt chuẩn bị kèm nhèm của tôi là “nguyên
tắc thị trường”. 4 từ này được lặp đi lặp lại 7 lần trong tổng số gần 950 từ
của bài viết. Sợ nhớ sai, tôi vội tra cứu tại Mục III, Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng có ghi
là “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Ngay ở Mục I của Chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 còn khẳng định: “Thể chế kinh tế thị trường
định hướng XHCN tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện”. Trợn mắt, soi mãi cả bài
không có cái đuôi “định hướng XHCN” cho cụm đó như ở các văn kiện trên. Kinh
chưa? Vậy là răng hè? Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu – một diễn đàn kinh tế vĩ mô có
tầm quốc gia, do Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam tổ chức, đã diễn vài năm nay rồi, có phải
chuyện chơi, chuyện bỡn. Hay là “định hướng” đã được bật đèn xanh để chuẩn bị “chuyển
hướng”?
Chủ đề của diễn đàn 2014 là “Tái cơ cấu: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ
bản”. Phải chăng vì là “tái” nên diễn đàn chỉ dám “kỳ vọng”? Và đây là tổng hợp sơ bộ các ý
kiến tại diễn đàn: ”3 mũi nhọn của tái cơ cấu gồm tái cơ cấu đầu tư công, tái
cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, nhưng
cả 3 hướng đều ì ạch”. Cái gì làm cho cả 3 mũi nhọn đều ì ạch nhỉ?
Đề cập đến hướng đi
của quá trình tái cơ cấu, Viện trưởng Thiên cho rằng: ”Nếu đúng hướng rồi mà
kết quả hạn chế thì lỗi là do chưa chịu làm”. Té ra, nguyên nhân chính là do
không tuân thủ ”nguyên tắc thị trường”. Người ta không tuân thủ ”nguyên tắc thị
trường” là phải, vì có thể nó không theo “định hướng XHCN”, nên vì thế mà ì ạch
chăng?
Ông
Trần Đình Thiên. Ảnh: Chí Hiếu
Viện trưởng Cung
nhận định rằng: ”Doanh nghiệp Nhà nước chưa lời ăn lỗ chịu, Chính phủ vẫn đi
vay rồi cho các anh cả này vay lại, tức là chưa buộc họ tiếp cận vốn theo
nguyên tắc thị trường”. Lạ nhỉ, từ xưa đến nay, thần dân nước Việt chỉ biết
rằng, các anh cả đỏ (DN nhà nước), mà bây giờ hoành tráng hơn, oách hơn, người
ta tập trung hơn cho các anh tập đoàn nhà nước được trịnh trọng là ”các quả đấm
thép”. Các anh này đấm đi đâu, đấm thế nào mà vẫn ì ạch nhỉ?
Ông cựu Bộ trưởng
Tuyến nêu quan điểm: ”Quy luật của cơ chế thị trường là cạnh tranh và lợi
nhuận”. Nhưng thực tế Việt Nam là cạnh tranh ”loạn xà bì”, chứ đâu có thèm ”lành
mạnh”. Và cũng đúng với thực tế nữa là các anh có chức sắc, có ”tóc” trong nền
kinh tế, không có lợi nhuận, thậm chí không nhiều, là hổng có làm nha. Đấy nhé,
có cạnh tranh, có lợi nhuận hẳn hoi, mà sao vẫn ì ạch vậy nhỉ?
Các chuyên gia tại
diễn đàn nói rằng thị trường bị ”méo mó”. Méo mó là thế nào nhỉ? Mó vào nên bị
méo à? Chợt nhớ đến bài thơ Quả mít của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
Thân em như quả mít
trên cây
Da nó xù xì múi nó
dày
Quân tử có yêu xin
đóng cọc
Đừng mân mó nữa
nhựa ra tay
(Bản khắc 1914,
theo Thơ nôm Hồ Xuân Hương, NXB Văn học, 2008)
Dù sao diễn đàn này
mới diễn ra ngày đầu tiên. Ngày tiếp theo có ý kiến của các chuyên gia đến từ
các trường đại học không nhỉ?
Mời xem bài Tái
cơ cấu kinh tế đang chệch nguyên tắc thị trường.
Ba Cang
27/9/2014