8/7/15

Cảm nhận đọc Đảo Hoang của Tô Hoài - Phần 2: Cốt truyện ly kỳ và hấp dẫn - Kỳ 3: Vừa được khen thì bị đày ra đảo. Ba nơi cư ngụ đầu tiên. Cơn bão rồng cuốn kinh sợ. Bắt đầu cuộc sống tự lập của cậu bé Mon mới hơn 10 tuổi với hai chú gấu.

(Ba Cang)- KỲ 3

5. Vừa được khen xong thì bị lưu đày

Sau cuộc thi, dân Bãi Lở nức tiếng khắp bàn dân thiên hạ. Riêng An Tiêm được vua khen hết lời, nhất là tài lãnh đạo dân.


”Ngày nay, Bãi Lở có hạt thóc, có cây mía, có con lợn, con trâu, lúc khổ cũng như lúc sướng, chúng tôi đều nhớ lời vua cha, khi ngài là công tử Lang Liêu, còn hàn vi, nghĩ ra cách làm bánh chưng, bánh dày, có nói: “Vật trên trời đất và mọi của quý không gì bằng gạo", cho nên chúng tôi càng cố gắng khéo tay làm đấy thôi. Chỉ có một lòng tin và hai chữ kiên tâm mà Bãi Lở mở mang lên được, nay được cùng các cõi đem sức, đem của mình làm ra, mừng rỡ về hội...” – trích phần trả lời vua của An Tiêm.[1]

Nhà vua nghe An Tiêm kể tình hình các cuộc thi, thì nổi giận ”sai đi bắt ả trùm toán cơm thi cõi Ất và người trưởng lò vật cõi Bính”[2], rồi lệnh chém họ. Các quan ngăn, nhà vua tha, chỉ bắt họ tống giam.

Vua đang vui và sau hội thi muốn thưởng cho An Tiêm, nhưng mưu sỹ xúi trị tội. Vì lẽ gì?

Mưu sĩ tâu vua, An Tiêm có mấy “tội” sau:
1.  Dám đặt tên vùng đất mới là Bãi Lở, “muốn cho đất nước long lở à”.
2.  Dám đắp ba ngôi núi đá đọ với hướng trời, cao hơn cả kinh đô, trong khi thế nước đã có sông Cái, hai núi Tản Viên, Tam Đảo, lại định muốn “vua tôi phải quay mặt chầu về phía ấy à”.
3.  Dám bắt dân hát vè kể công.
4.  Dám để trẻ con tham gia trong hội thi, làm nhục quan.
5.  Dám nói ngông giữa đại tiệc vua ban, “làm người ở đời chỉ có mình làm nên mình, không biết trên dưới có ai”.
6.  Được cả 3 giải hội, càng ngông hơn.[3]

Trong sáu tội kể trên, thì tội thứ năm thường được các truyện viết về Mai An Tiêm và sự tích dưa hấu hay nêu ra nhất, cũng là tội duy nhất bị vua đày ra đảo hoang.

Mưu sĩ tâu tiếp, phải đày nhà An Tiêm ra đảo hoang giữa bể để xem có còn khoác lác và cũng để trừ hậu họa. Nhà vua gật đầu, cả nhà An Tiêm bị bắt giam tù ngục.

Trong gian đoạn cả nhà bị ở tù, An Tiêm luôn kể chuyện thời khai khẩn và trị thủy ở Bãi Lở cho hai con nghe.

Bên ngoài, dân chúng ban đầu xôn xao, xì xầm, sau la ó, khóc lóc để phản đối vụ bắt giam gia đình An Tiêm.

”Bọn mưu sĩ bàn nhau: 

    - Hay là... 

    - Tâu nhà vua cho đày ngay nó đi. 

    - Phải. 

    - Cứ phao tin ngày ấy... ngày ấy... nhà vua cho quan lạc tướng An Tiêm đi nhậm chức ở Cửu Chân”.[4] 

Những nét thâm độc, tàn ác của bọn xiểm nịnh thời nào cũng có.

6. Lên đênh, gặp bão biển và những ngày đầu nơi hoang đảo

Thế rồi vào một sớm tinh sương, đoàn 6 thuyền to lặng lẽ áp giải cả nhà An Tiêm đi đày biệt xứ. Đoàn thuyền này bí mật đi trước 2 ngày, làm dân tình đưa tiễn ngơ ngác. Các cụ già Bãi Lở lo lắng cho chủ tướng của mình, nhận định chuyến đi này lành ít dữ nhiều.  

Có một hoạt cảnh thật cảm động. Một chiếc thuyền nhỏ, đưa một ông già và một người trẻ đuổi theo đoàn thuyền. Đó là hai người dân Bãi Lở quyết gặp bằng được chủ tướng để đưa quà và nói chuyện. Đó là tình nghĩa, là sự chu đáo, thông minh của người dân Bãi Lở với chủ tướng của họ.

Theo mạch chuyện, đoàn thuyền áp tải đang trên sông đổ ra biển. Qua điệu hò trên sông của những người lính áp tải cho thấy họ đang qua vùng Thanh Hóa:
Phách nhất chèo mở mái ra
Phách nhì chân dặm
Phách ba reo hò
Phách tư bớt dặm khoan chèo
Dô ta
Dô tà...[5]
Đây là điệu Hò đường trường[6] nói riêng, Hò sông Mã[7] nói chung của xứ Thanh.

Ra đến biển, sau một tuần trăng[8] nữa thì gặp bão. Bằng tài kể chuyện, An Tiêm đã động viên vợ con vượt qua cơn say sóng biển đầu tiên.

Đoàn thuyền đổ bộ vào một đảo hoang lúc chạng vạng tối. Quan quân đoàn thuyền sợ lại gặp bão, vội vàng thả gia đình An Tiêm lên đảo. Nơi tiếp đất đầu tiên là các mỏm đá cheo leo.

Khi đoàn thuyền vừa rời đảo quay trở lại đất liền thì xuất hiện bão lớn. Đúng là ”gió cạn còn sợ hơn bão nữa” - lời một người lính nói lúc trước[9], nhưng An Tiêm rất bản lĩnh, đã bình tĩnh dìu vợ con trong đêm tối vượt qua nguy hiểm.

7. Chỗ trú ngụ đầu tiên

An Tiêm tìm được và đưa cả nhà trú bên trong một gờ đá. An Tiêm lấy quà là đôi dép cỏ của ông lão Bãi Lở ra xem, thấy giữa hai chiếc giày có một con dao dày. Rồi tìm ra nguồn nước đầu tiên là ở trên cây cọ.

Chiều tối lại trận bão nữa như đêm qua.

”Ngoài kia, trời xuộm vàng rồi đỏ khé, đặc sệt. Cả một vùng suốt từ dưới mặt biển đến chân trời, như vũng máu đỏ lòe. Hốt nhiên, nghe một tiếng hú. Tiếng gió hú đã cất lên, kéo dài thành vạn vạn tiếng từ trong các khe đá ùa ra kêu xé trên đầu. Như trời nứt toác, sắp sập xuống. Hai đứa trẻ ngơ ngác đứng lên”.[10]

8. Chỗ trú ngụ thứ hai

Gia đình An Tiêm đã chuyển qua bên kia ngọn núi, tức qua phía đông, xa hy vọng trở về đất liền.

Ở hang đá, kín gió hơn ở hốc đá lúc trước, nhưng lạnh hơn nhiều. Phải làm vách, làm sàn ngủ bằng tàu lá cọ, thân cây cọ. Đốt lửa hang thì rắn mò đến sửa ấm, mùa đông chúng hiền lành, chỉ nằm im.

Nguồn nước từ cây cọ cạn dần. Nhưng rồi có mưa, nước mưa tụ đọng thành nhiều giếng đá. Vấn đề nước uống đã không còn lo nữa.

9. Đi tìm rừng và chỗ trú ngụ thứ ba – ngôi nhà đầu tiên

Gặp suối, gặp hươu, gặp cây lá ngót, gặp rừng trúc. Mọi người bàn nhau, tìm chỗ làm nhà.

Nhà làm bằng gỗ rừng và đá, liền với thân cây, mái phủ tạm lá dong, như cái tổ chim to.

Tìm được quả trám trắng, rừng vầu, vỏ cây sui, củ mài, có thịt hươu trữ ăn dần. Nguồn sống đã tạm ổn, nhưng buồn vắng, đương nhiên...

”Trong cánh rừng đêm đen thẫm, gió nổi rào rào rồi im. Phút chốc, lại lặng lẽ ghê. Con ve núi thôi kêu từ nãy. Đã khuya lắm. Dần dần, rừng xa rừng gần im phăng phắc. Một tiếng hươu đột ngột giác, nghe bảng lảng thật xa. Rồi lại vắng, vắng thăm thẳm. Vắng ơi là vắng!”.[11]

10. Gia đình ly tán sau cơn hoành hành của rồng cuốn nước

”Một con nước xô lên quá nóc lều rồi những con nước ập xuống...”.[12]
“Cho tới lúc trời tảng sáng ….. Cánh rừng trước mặt đã băng mất. Suốt một dải dài toang ngoảng, ngổn ngang, những tảng đá lớn, không biết từ đâu vật đến, chồng đống những trái núi mới lổn nhổn trên chỗ hôm qua còn rừng”.[13]

Mon bíu vào được cây thang gỗ, bị nước cuốn cả hai đi tận đẩu tận đâu, xa lắm.

An Tiêm ngất đi, tỉnh lại, ngỡ mình chết rồi, chỉ nhìn thấy mỗi con trăn còn sống sót từ trong hang bò ra. An Tiêm quay vào hang tìm vợ con. Quờ tay, túm được chân bé Gái, An Tiêm bế ra cửa hang, rồi vội quay vào hang tìm Nàng Hoa. Không thấy, bởi lẽ đêm qua, Nàng Hoa bị sóng đánh giạt lên một đỉnh đá và ngất đi.

Hai cha con đi tìm tiếp. Phát hiện ra gói mo nang bọc xống áo vướng vào khe đá, phía dưới một “đống đá cao chót vót kỳ quái”. An Tiêm leo lên đỉnh đá, đưa được Nàng Hoa xuống.

”Tối ấy, mọi người uống nước cầm hơi, đợi sáng. An Tiêm đốt mấy đống lửa to. Ngọn lửa bốc cao, bóng rừng cao cao. An Tiêm nghĩ: trông thấy ánh lửa này, Mon còn sống đâu quanh tất biết đường mà về với bố mẹ”.[14] 

 Đó là một sự kiện đau đớn nhất vì gia đình bị ly tán, cũng là một cái nút kịch tính nhưng là đỉnh điểm các sự kiện trong cốt truyện của Đảo Hoang.

11. Chỗ trú ngụ đơn độc đầu tiên của Mon – chú bé mới hơn mười tuổi

Lúc bị rồng nước xô, Mon chỉ kịp bám vào cái cột gỗ có khấc làm thang  của nhà mình, rồi bị nước cuốn đi mãi. Mon ngất đi. Tỉnh lại, Mon không biết đã bị trôi bao xa. Mon khóc nhiều lắm, đến khô cả nước mắt. Mệt, đói và đầy lo lắng, Mon lại thiếp đi suốt đêm.

Sáng dậy, lội quanh bờ biển, đói quá Mon ăn sống nuốt tươi cả ngán, sò, ngao, hầu. Mon thấy người khỏe lại.
Mon nhận ra mình đang ở truồng, vì áo và khố bị sóng đánh tuột không biết từ bao giờ. Mon kiếm được hai tàu dứa khô ở ven bờ bãi biển, làm khố vừa vặn, kiểu khố đuôi lươn.

Rồi Mon tìm được một cái hốc to trên cây thông nhiều vòng ôm làm nơi trú ngụ. Mon tước mo nang lấy ở rừng tre làm bùi nhùi cho đá cuội đánh lửa. Nhớ thời còn ở Bãi Lở có các cụ già mài dao đá, Mon tìm hòn cuội to phẳng bằng cái vồ, mài vạt đi làm con dao đá. Có dao đá, Mon chặt, đẽo hai đốt một, làm ống đựng nước.

Mon quyết định đi tìm bố mẹ và em…
“Lưng Mon để trần, Mon đóng khố đơn bằng xơ dứa. Một vai đeo hai ống tre đựng đầy những con ngán và sò tươi. Một bên đeo ống nước. Tay Mon cầm hai cái lao trúc chọn. Lưng Mon buộc hai con dao đá, một nắm bùi nhùi mo nang và hòn cuội đen để đánh lửa. Thế là Mon đi”.[15]
Nhưng càng đi càng gặp rừng hoang và đá trọc, càng xa, Mon buộc phải quay về chỗ cây thông.

Mấy hôm sau, Mon lại đi, nhưng không tìm được dấu vết để đến được chỗ bố mẹ và em. Không đi được nữa, Mon quay trở về, dựng lều bên gốc cây thông, bắt chước như hồi trước bố làm nhà tựa vào lưng cây nghiến.

Mon biết đẽo những con dao đá sắc, cưa được cả những cây gỗ bổi dựng sáu cái cột sàn to. Mon dùng tre bắc làm sàn, mây và song đan liếp. Cái cột có khấc làm thang mà Mon bám vào lúc bị nước cuốn, nay đem bắc làm thang cho nhà mới.

Mon đào được củ mài, vét được muối đọng trên đá, lấy lá dứa khô làm áo làm chăn đắp. 
Mon cũng biết bắt chước bố, thắt nút dây treo đầu cột để đánh dấu ngày tháng.
Lội suối, Mon phát hiện có cát vàng. Mom biết đãi cát vàng, biết làm dao từ những bọng cát vàng.
“Mon đặt tên suối ấy là suối Sáng. Mon vẫn chắn lá dứa đãi vàng. Mon còn định đánh nhiều dao và làm nhiều thứ bằng vàng. Mon sẽ làm cho cái Gái những chiếc vòng khuyên vàng, làm vòng khuyên vàng cho mẹ nữa, như ở Bãi Lở. Chắc mẹ và em thích lắm. Vàng dẻo dễ đánh, chỉ hơ lửa rồi lấy dao đá rèn, không phải kéo lò”.[16]

Lòng dũng cảm, nghị lực và sự tháo vát của một chú bé hơn mười tuổi, sống đơn độc trong rừng, thật đáng nể.

12. Có bạn mới – hai bé gấu sơ sinh

Một buổi sáng Mon vào rừng tìm nấm, gặp cảnh gấu mẹ bị trăn núc đến chết. Mon thương hai gấu con mới đẻ và đem chúng về lều gốc thông nuôi. “Hai hôm sau, gấu con đã lon ton chơi, chạy trong gốc thông, như hai con chó mới mở mắt. Chẳng bao lâu, gấu con đã lớn phổng thành hai chàng gấu thật sự, đứng cao ngang sườn Mon”. “Mon đi đâu cũng có hai con gấu cùng đi. Mon đặt tên hai thằng là Gấu anh và Gấu em.[17]

Thế là Mon có bạn để nói chuyện, nói oang oang cho bõ những ngày lầm lỳ, lặng thinh. Thế mà gấu hiểu, biết chịu chuyện.
Mon luyện cho 2 anh em gấu biết: hái lá ngót, đi lấy nước bằng ống tre. Nhưng chúng học cũng nhanh lắm. Chúng biết thêm: xuống bờ biển bắt con ngao con sò; biết bới măng tre, măng trúc.
Lại có chuyện trăn đói quật đuôi quăng mình đuổi hổ, làm sập nhà Mon.
Phải làm lại nhà thôi…

13. Chỗ trú ngụ thứ hai của Mon cùng với hai em gấu

Lần này Mon làm nhà cách khác, vẫn ở gốc thông ấy, Mon xếp nền đá cao có cái trụ đá ở giữa, trăn hay hổ cũng không húc đổ được. Bây giờ có hai gấu cùng làm nên không lẻ loi, không mệt nữa. Nhà là một túp lều nhỏ trên cao, có liếp che gió, có bếp là tảng đá phẳng mùa lạnh ủ nóng đến tận sáng. Đặc biệt nữa, khác hẳn nhà bố mẹ, Mon biết dùng hai mảnh tre, úp ngửa ken nhau làm mái nhà chắc, không dột, không tốc.

Mon dạy và cùng chơi với 2 gấu: chơi chồng nụ chồng hoa, đánh vật. Rồi việc gấu tự biết đi lấy mật ong về, làm Mon to mò, Mon đi theo để xem gấu lấy mật ong như thế nào.

Một đoạn 6 trang tả về gấu sinh hoạt cùng với Mon thật là hấp dẫn. Mon đúc kết…
“Qua mùa lạnh ấy, Mon biết thêm tính gấu. Gấu ngoan, nhưng gấu cũng bướng. Gấu có tính có nết riêng. Gấu không phải con vẹt, chỉ biết bắt chước.[18]

Xin mời đón đọc
Cảm nhận đọc Đảo Hoang của Tô Hoài - Phần 2: Cốt truyện ly kỳ và hấp dẫn - Kỳ 4: Dưa hấu – Quà tặng của trời đất. Cha con gặp nhau. Gia đình đoàn tụ.

Ba Cang

Xem thêm






[1] Đảo Hoang, trang 37.
[2] Đảo Hoang, trang 37.
[3] Đảo Hoang, trang 38-39.
[4] Đảo Hoang, trang 46. Theo Lĩnh Nam Chích quái, Cửu Chân là một trong 15 bộ của nước Văn Lang.
[5] Đảo Hoang, trang 54.
[6] Theo Nguyễn Thị Minh Châu, Viện Âm Nhạc Hà Nội, nguồn: http://www.vnstyle.vdc.com.vn/vim/vietnamese/thongtin/bai_HosongMa.htmhttp://tranquanghai.info/p78-nghe-thuat-ho-song-ma-va-su-phuc-sinh.html. Cảm ơn sự trợ giúp xác mình của FBer Còi Dí.
[7] “Điệu Hò sông Mã bằng tiết tấu, nhịp điệu cùng với bản thanh âm của dòng sông Mã đã góp phần làm nên một bề dày về cơ tầng văn hoá và làm nên bản sắc đặc trưng của vùng văn hoá Xứ Thanh”. DƯƠNG VĂN ÚT (Trường Đại học Quảng Nam).
[8] Một tuần trăng = một tháng.
[9] Đảo Hoang, trang 61.
[10] Đảo Hoang, trang 78
[11] Đảo Hoang, trang 113.
[12] Đảo Hoang, trang 117.
[13] Đảo Hoang, trang 118.
[14] Đảo Hoang, trang 124.
[15] Đảo Hoang, trang 135-136.
[16] Đảo Hoang, trang 139.
[17] Đảo Hoang, trang 142.
[18] Đảo Hoang, trang 155.