Sở dĩ người dân và cả một số đại biểu Quốc hội đã rất bức
xúc vì có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trái với VBQPPL trên
nó, gây nhiều thiệt hại cho đất nước, cho nhân dân.
"Dân
có quyền kiện?" - Đấy là nội dung câu hỏi mà vài đại biểu Quốc hội đã chất
vấn ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày
20/8/2013.
Sở
dĩ người dân và cả một số đại biểu Quốc hội đã rất bức xúc vì có quá nhiều văn
bản quy phạm pháp luật như luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định, thông tư...
trái với VBQPPL trên nó, gây nhiều thiệt hại cho đất nước, cho nhân dân. Và
người dân suy nghĩ đơn giản: Họ làm sai luật thì bị phạt thậm chí bị tù, thế cơ
quan nhà nước ban hành VBQPPL trái luật hay hiến pháp sao không bị xử lý và
người dân vì sao không có quyền kiện các cơ quan đó.
Câu trả lời của ông bộ trưởng rất dứt khoát: Người dân không có quyền kiện cơ quan nhà nước ban hành VBQPPL sai ra tòa án! Vì theo ông không có quy định như vậy và các nước khác cũng không đưa việc này ra tòa án.
Trước
sự tấn công của đại biểu Nguyễn Bá Truyền, “thấy luật sai thì dân phải được
kiện”, ông bộ trưởng đã hứa “sau này sửa Luật Tố tụng hành chính thì nghiên cứu
xem người dân có quyền khởi kiện VBQPPL không”. Nhưng ông đã sai khi hứa, còn
đã đúng khi nói dân không có quyền kiện cơ quan nhà nước ban hành VBQPPL sai.
Phải
phân biệt rõ 2 chuyện khác nhau: (1) Dân hoàn toàn có quyền kiện các quyết định
hành chính gây (hay có khả năng gây) thiệt hại cho mình hay cho người khác; và
(2) người dân không có quyền kiện cơ quan nhà nước ban hành VBQPPL sai ra trước
tòa án vì những người làm sai này phải chịu trách nhiệm chính trị chứ không
phải trách nhiệm dân sự hay hình sự.
Để
tránh các VBQPPL trái hiến pháp hay VBQPPL trên nó (như luật trái hiến pháp,
nghị định trái luật hay hiến pháp; thông tư trái nghị định, luật hay hiến pháp)
đã có nhiều quy định khác nhau (cấp trên có thể hủy VBQPPL cấp dưới; Bộ Tư pháp
có thể can thiệp, yêu cầu sửa và hủy thông tư, quy định sai trái của các bộ và
ủy ban nhân dân cấp tỉnh, vân vân). Đáng tiếc từ Quốc hội, đến Chính phủ, Bộ Tư
pháp đã chưa làm tốt việc liên quan này của mình. Chúng ta chưa có tòa án hiến
pháp độc lập để có thể can thiệp mạnh mẽ vào chuyện này (đình chỉ, hủy luật vi
hiến và tất nhiên cả các VBQPPL khác).
Người
dân không có quyền kiện cơ quan nhà nước ban hành VBQPPL sai, nhưng họ phải có
quyền được biết ai hay những ai phải chịu trách nhiệm chính trị về VBQPPL sai
trái đó và đòi quyền phán xử trách nhiệm chính trị đối với họ bằng lá phiếu của
mình. Và báo chí độc lập có vai trò lớn ở đây. Như thế lại phải quay về những
vấn đề cơ bản về các quyền của con người (được thông tin, tự do ngôn luận…) và
vấn đề tổ chức nhà nước (phân quyền tách bạch giữa các nhánh lập pháp, hành
pháp và tư pháp) mà cuộc thảo luận về hiến pháp mới khơi ra một chút và cần
phải tiếp tục, chí ít để cho các đại biểu của nhân dân hiểu đúng hơn.
Nguyễn
Quang A - danviet.vn