Trước hết, dưới góc
nhìn và cảm nhận của một công dân bình thường, tôi xin được có lời cảm ơn trời
đất đã ban hạ cho đất nước Việt Nam một con người đã góp phần làm rạng danh non
sông đất nước Việt Nam.
Đó là Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người đã
đi vào lòng dân mãi mãi với danh thơm Anh hùng dân tộc, Đức Thánh Võ.
Một danh tướng được
người dân và nhà nước tôn vinh anh hùng dân tộc, từ xưa trong lịch sử Việt Nam
không phải là hiếm, nhưng với lịch sử hiện đại thì chưa có ai và đến bây giờ mới
có Võ Nguyên Giáp. Nhưng đó mới là dân tôn vinh, còn phía Đảng CSVN và Nhà nước
hiện nay thể hiện tôn vinh một cách khác. Vậy những ai và với tiêu chuẩn ước định
gì để được tôn vinh là anh hùng dân tộc?
Tại văn bản số 2296/BVHTTDL-MTNATL ngày 21/6/2013, để phục vụ cho việc Quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương và danh nhân anh hùng dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã đưa ra danh sách 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam theo thứ tự thời gian như sau: Quốc tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ (Quang Trung), Chủ tịch Hồ Chí Minh. 14 vị trên đáp ứng được một trong ba tiêu chí: Người khởi xướng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ ngoại xâm, giành độc lập dân tộc; Người đứng đầu một vương triều có đóng góp đặc biệt xuất sắc, lãnh đạo dân tộc giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; Nhà quân sự, chính trị, văn hoá lỗi lạc.
Theo trang mạng mở Wikipedia, Danh sách các anh hùng dân tộc Việt Nam từ thời mở nước đến nay có tới 27 vị, trong đó có 2 vị anh hùng của truyền thuyết là Sơn Tinh và Thánh Gióng, đặc biệt đã có tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nếu chỉ theo tiêu chí thứ ba mà Bộ VHTTDL đưa ra kể trên, thì
người dân tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hoàn toàn xác đáng. Xác đáng vì
Đại tướng đã có công lớn góp phần làm nên những kỳ tích Việt Nam. Xác đáng vì
nhân dân đã bằng cả lời nói và hành động trong những ngày trước và trong Lễ quốc
tang vừa qua để khẳng định sự tôn vinh đó. Người dân, các quân nhân, các nhà
khoa học nói chung và các nhà sử học nói riêng không chỉ tôn vinh Đại tướng Tổng
tư lệnh với danh hiệu anh hùng dân tộc mà còn ở mức cao hơn – Đức Thánh Võ, được
phối thờ cùng Quốc công tiết chế Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
Thời Trần không có Hội nghị Diên hồng, không có chữ “Sát Thát”
xăm trên cánh tay, thì làm sao chúng ta đã có 3 lần thắng quân Nguyên-Mông hùng
mạnh thuộc một đế chế từng chinh phạt từ Á sang Âu?
Thời chống thực dân Pháp, không có đồng thuận “kéo pháo vào,
kéo pháo ra, rồi lại kéo pháo vào”, không có tiếp vận lũ lượt của dân công hỏa
tuyến từ các vùng xuôi, vùng ngược thì làm sao có được “trận Điện Biên chấn động
địa cầu” năm 1954?
Thời chống đế quốc Mỹ, không có sự kết hợp giữa lòng dũng cảm
và trí tuệ của quân sỹ và người dân thì làm sao có được “trận Điện Biên Phủ
trên không” 12 ngày đêm tháng 12/1972 thắng “ngáo ộp B-52”? Nếu không có sự ước
mong thống nhất đến cháy bỏng và sự đổ máu quá nhiều đau đớn, xót xa trong những
năm dài đằng đẵng của đồng bào và quân sỹ cả hai miền Nam Bắc thì làm sao có
“Chiến dịch Hồ Chí Minh – Mùa xuân đại thắng” với hỏa lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo
bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải
phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!" để thu giang sơn về một mối ngày 30/4/1975?
Những năm tháng khổ cực của thời bao cấp, nếu không có sự đồng
thuận bung ra một cách chui lủi của lãnh đạo và bà con nông dân ở tỉnh Vĩnh Phú
với việc “khoán hộ” rồi sau đó mới có “khoán 10” thì làm gì có sức mà đọc nổi
câu ca dao “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”, để rồi
ngày hôm nay mới có sức chắt bóp để đạt được và cố duy trì vị trí xuất khẩu gạo
nhất nhì thế giới.
Thực tế xã hội những ngày này cho thấy, càng thương tiếc quý trọng
Đại tướng bao nhiêu, người dân càng đoàn kết hơn và đồng thuận hơn bấy nhiêu.
Trong Điếu văn
truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đọc sáng
nay 13/10/2013, có đoạn:
“Con người, nhân cách và những cống
hiến to lớn của Đồng chí in đậm trong lòng dân, là vị tướng của nhân dân, mãi
mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc.”
"Tên tuổi của Đồng chí đã được thế
giới vinh danh và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hoà bình ngưỡng mộ, cảm phục.”
Những câu chữ đó thiết tưởng cũng đã đủ để viết hẳn ra cụm từ
“anh hùng dân tộc” vào giờ phút trang nghiệm và lắng đọng nhất của Lễ quốc
tang. Nếu có mấy chữ đó, thật là tuyệt vời, nhưng đỏ mắt, tìm không ra. Tiếc lắm
thay!
Một số ảnh về Lễ truy điệu tại Hà Nội và Lễ an táng Đại tướng
Võ Nguyên Giáp tại Quảng Bình
Tại Hà Nội sáng 13/10
Tại Quảng Bình 13/10
(Nguồn ảnh: VTV, VTC, Zing)
An Bường
13/10/2013
Xem thêm bài cùng người
viết: