14/12/13

Những thành phố nào còn tồn tại trong thế kỷ sau được quyết định từ ngày hôm nay

Mực nước đại dương thế giới đang dâng lên là hậu quả của tình trạng khí hậu thế giới đang ấm dần. Theo báo cáo của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF), kết quả là chỉ đến cuối thế kỷ này, mực nước biển sẽ tăng trung bình lên đến
1mét. Nhiều khu vực trên thế giới sẽ bị nhấn chìm trong nước.
Trong thiên niên kỷ thứ ba, mực nước biển toàn cầu có thể tăng từ 3 đến 5 mét, thậm chí đến 10 mét so với ngày hôm nay. Tất nhiên là những con số dự đoán cho khoảng thời gian dài như vậy chỉ có thể là gần đúng. Nhưng trong khoảng thời gian ngắn sắp tới thì mọi việc rõ ràng hơn. Đến cuối thế kỷ 21, mực nước được đảm bảo sẽ tăng lên 1 mét và giờ đây chẳng còn có thể làm gì được để cứu vãn. Tuy nhiên, nếu xu hướng nóng lên toàn cầu không được chặn lại, đến cuối thế kỷ 22, mực nước đại dương sẽ tăng lên 3 mét. Đây là nguy cơ nghiêm trọng và hoàn toàn phụ thuộc vào các hoạt động của con người, lãnh đạo chương trình khí hậu của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới Nga Alexei Kokorin nhấn mạnh:
Ảnh: © Flickr.com/mag3737/cc-by-nc-sa 3.0   
 “Việc tăng mực nước biển thậm chí đến 10 mét cũng chưa phải là điều kinh khủng đối với nhân loại nói chung. Tuy nhiên trên thế giới có nhiều khu vực, thành phố, các đảo nhỏ, đảo san hô, nơi chỉ cần tăng một mét nước biển thôi là chúng sẽ đơn giản biến mất. Đảo Maldives, thật đáng tiếc, cũng sẽ chấm dứt tồn tại cho dù bây giờ chúng ta có làm gì đi chăng nữa. Một số lượng lớn các thành phố nằm ở khu vực thấp trũng, chủ yếu là ở Đông Nam Á, ví dụ như Calcutta, Bangkok, Thượng Hải, Hồng Kông đặc biệt nhạy cảm với việc nước biển dâng. Chỉ một mét là đã đủ nặng nề với chúng rồi, còn 3 mét thì đơn giản là nạn đại hồng thủy. Đối với thành phố St Petersburg của Nga, mực nước dâng lên một mét không phải là điều đáng sợ, nhưng nếu tăng đến ba mét thì thành phố sẽ phải chi những khoản tiền rất lớn cho việc bảo vệ các cơ sở vật chất”.
Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới tin rằng có thể tránh được những tổn thất lớn nếu như cả thế giới chuyển sang dùng năng lượng “xanh” ngay bây giờ, giảm thiểu việc xả khí thải độc hại vào khí quyển và thực hiện nhiều biện pháp khác để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.
Tuy vậy, không phải tất cả các chuyên gia đều hoàn toàn tin vào việc hoạt động của con người là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu. Không có đủ dữ liệu cho kết luận như trên, chuyên gia hàng đầu của Trung tâm dự báo thời tiết “Phobos” Elena Volosyuk nhận định:
“Đưa ra bàn luận về sự gia tăng nhiệt độ của hành tinh và chỉ dựa trên những dữ liệu thu thập được trong 50 năm qua là không đúng lắm. Vì trong mọi trường hợp, nền nhiệt độ dù gì cũng có những biến đổi ở bất kỳ khoảng thời gian nào: trong ngày, trong chu kỳ hàng năm, vân vân. Nếu xu hướng gia tăng nhiệt độ được quan sát trong thập kỷ qua vẫn tiếp diễn, điều đó sẽ dẫn đến những chuyển dịch rõ ràng của các vùng khí hậu và làm mực nước biển dâng. Nhưng mọi thứ không hoàn toàn đơn giản như vậy. Nhiệt độ không khí cũng có thể tăng do việc tan chảy của các sông băng. Điều này trước hết sẽ làm thay đổi độ mặn của nước, có nghĩa là thay đổi nhiệt độ đóng băng trong các đại dương thế giới. Mà điều đó lại liên quan đến nhiệt độ trên bề mặt trái đất ở quy mô hành tinh”.
Trước đó, tại Hội nghị về biến đổi khí hậu, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã nói rằng thế hệ hiện nay đang hít thở không khí với nồng độ dioxide carbon cao kỷ lục trong khí quyển, và hiện đang nhận thấy tốc độ tan chảy cao nhất của các sông băng. Ông kêu gọi các nước phải quan tâm hơn đến vấn đề môi trường và làm tất cả mọi việc để ngăn chặn nhiệt độ không khí tăng quá hai độ C so với mức phát triển trước thời kỳ công nghiệp hóa.

(vietnamese.ruvr.ru)