13/12/13

Nỗi sợ của đàn bà

Ba Cang: Tôi biết đến “văn Nguyễn Quang Lập” thuở ông còn là Phó tổng của tạp chí Cửa Việt. Biết sơ sơ và đọc sơ sơ, duy chỉ cái chuyện “ngang ngang” của một anh văn sỹ tỉnh lẻ một thời, đã từng “lên bờ xuống bụi” thì tôi nhớ mãi.
Có lẽ cái chất này đã làm nên một cây bút tản văn đình đám hiện nay. Và phải chăng “cái máu lửa NQL” trong tản văn của ông, ngoài cái chất đó ra, còn nhờ có thêm tác dụng của “chất xúc tác độ cồn” mà văn phong đời thường hơn, gần với văn nói hơn, có những câu, chữ văng ra mà ít người dám văng nên hấp dẫn người đọc ngày nay hơn? Đoán mò thôi nha. He he.
Đã lâu lắm rồi tôi chưa đọc bài phê bình văn học nào. Hôm nay, ghé thăm “quê choa”, được biết thêm một năng lực nữa của NQL đối với thể loại khó nhằn này.
Cảm ơn nhà văn NQL, cảm ơn 9 nữ tác giả của ấn phẩm văn học mới in mà tôi chưa được đọc (hi hi). Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
P/S: Nói thêm cho vui. Lúc đầu đọc nhanh tiêu đề “Nỗi sợ của đàn bà” cứ tưởng là “Nỗi sợ đàn bà”, tôi cũng sợ luôn. Ha ha.

Nỗi sợ của đàn bà
Nguyễn quang Lập
NQL: Cuốn sách vừa ra lò, còn nóng hôi hổi. Mình vội vàng giới thiệu với bà con cái tựa mình viết cho cuốn sách này. Sách của đàn bà bao giờ cũng quí, sách của đàn bà Miền Tây lại càng quí. Tản văn Bà ba tím là cuốn sách của chín người đàn bà Miền Tây lận, sợ chưa?! Hi hi
Thế giới mạng thật tuyệt vời, chỉ một vài cú click là ta có thể đến với cả thế giới. Với đàn bà, nhất là đàn bà miền Tây- đàn bà của áo bà ba tím- suốt đời sấp mặt hầu chồng nuôi con thờ ông bà cha mẹ, cuộc sống quẩn quanh từ chóp mũi đến đầu ngón chân cái, buồn vui sướng khổ cũng quẩn quanh từ đáy mắt đến lồng ngực, thì cú click ấy mới kì diệu làm sao!
Những cú click đã giúp họ, những người đàn bà áo bà ba tím này, đến với cả thế giới. Không phải thế giới khám phá- thế giới của chồng con họ; sau nửa đời phiêu bạt họ đến với thế giới tìm về, thế giới lâu ngày đã kết tủa trong ký ức, nhờ những cú click kì diệu kia bỗng bừng sống dậy trong mỗi người.
Cú click từ thuở yahoo 360 chẳng những đưa chín người đàn bà áo tím về với bạn bè cũ người tình xưa, mà còn giúp họ từ chín phương trời của thế giới ảo đến được với nhau trong một thế giới thật. Tản văn Bà Ba Tím là kết quả của cuộc gặp gỡ kì diệu kia, cuộc gặp gỡ xa hơn một đời người gần như một cú click.
Thiếu 1 bà còn ở bên Tây chưa kịp về
Tôi mất một ngày để đọc hết cuốn sách nhưng lại mất đúng chín ngày để nghĩ xem có gì giống nhau của chín người đàn bà kia khi họ đến với nhau và phát hiện ra đó là nỗi sợ của đàn bà, chính xác là nỗi sợ của đàn bà áo bà ba tím.
Trước hết là sợ mất những gì không thể mất, ấy là vị tết, mùi quê, mùa thu, ánh nắng, ngọn gió, dòng sông, … Tất cả vẫn còn đấy và còn mãi nhưng hình như không còn của họ nữa, ấy là nỗi sợ run rẩy của những người đàn bà, chỉ có đàn bà mới có nỗi sợ ấy. Nguyễn  Thị Hải Vân sợ mất đi Nắng bên kia sông, đó là nỗi nhớ thương “ không đong đếm, chưa khi nào thử đong đếm”, đến khi về chiều ở trời Tây có muốn đong đếm cũng không thể. Lâm Minh Trang sợ mất đi Một góc nhỏ Sài Gòn, nơi có những“khuông nhạc Violon tím buồn” cùng với mùa thu tím “Ta đã trót ra đi mà chưa từng chuẩn bị cho cuộc trở về tốt hơn…” Nhung Mc sợ mất Bão miền Nam, sợ mất cả biển nữa, chỉ vì “ thấy biển vẫn là biển của bao giờ mà ta cứ ngỡ mình đã đánh mất..”  Hồ Thị Phương Trinh sợ mất đi Mùa gió chướng quê mình, cái mùa gió có một không hai ở miền Tây, gọi là mùa gió tết- “Có thể có cả khoản tiền để “ra giêng anh cưới em” nữa không chừng.” Anh cưới em rồi, “em” cũng đã thành bà cùng với cả đàn cháu nội ngoại rồi nhưng nỗi sợ mất mùa gió chướng ngày một chất đầy. “ Mùa gió chướng, mùa Tết xem chừng ngày càng nhạt nhòa trong tâm tưởng “người nay”. Có lẽ rồi đây ký ức về mùa gió chướng chỉ còn là hoài niệm trong lòng những người “muôn năm cũ”.
Sợ mất cả những điều ít ai để ý nó có còn hay không cũng là nỗi sợ của đàn bà. Dư Thanh Thúy sợ mất bánh khoai mỡ, sợ mất bánh bò trong, sợ mất cả Cầu Sông Kwai, áo bà ba… Hồ Thị Thùy Diễm sợ mất váng cua kho, cá đồng kho dứa, cháo bồi, cá kho tiêu.v.v  và niềm vui “khi bì bõm lội bùn mò cua bắt ốc, khi ban đêm lọ mọ với ngọn đèn dầu đi chài cá, khi được ăn một bữa ngon với rẹm hoặc tép đất rang, khi ôm cây chuối lội mương cùng bè bạn…”
Trương Ngọc Hạnh sợ mất đi  Vị ngọt hương quê, “Vị ngọt thanh thanh của lớp bánh tráng còn ướt quyện với vị béo của dừa, vị bùi của đậu xanh, vị thơm của đậu phộng rang”, sợ mất những mùa bọn trẻ “bị đòn roi và bị la mắng nhiều nhất” ấy là mùa diều, nỗi lo sợ thảng thốt: “Giờ đây mọi thứ đã trở thành xa vợi”… Đó nỗi lo sợ ngậm ngùi khi biết mình không cách sao trở về với tuổi trẻ.  
Bông ngò om là thứ rau không bao giờ hết ở chợ, “Đi chợ mua khoai, bí, hay đồ nấu canh chua bao giờ người bán cũng cho mớ om, gai nêm không hết”, nào có ai để ý nó còn mất bao giờ đâu. Giờ đầu hai ba thứ tóc lại cố công trồng được “ đám ngò om”. Không trồng thì nhớ. Nhớ lắm. Trồng rồi vẫn nhớ. “Nhiều lúc vẫn thấy nỗi nhớ cồn cào đến lạ. Nhứt là mùa gió bấc.” Đọc đến đây chợt thấy cay sống mũi.
Sợ mất cả những gì đã mất, những gì mình không thể có. Nghiêm túc như Thủy Cúc sợ mất thần công lý hoặc “thần công lý có đấy nhưng đầy bui bặm”; nghịch ngợm như May N sợ mất  thú vui  vừa tắm vừa làm tình. Sợ mất công lý ở ta là nỗi sợ  mất những gì đã mất, những gì mình không thể có. Nhưng   thú vui vừa tắm vừa làm tình buồn thay  nhiều đàn bà đã đánh mất nó từ lâu hoặc suốt đời không thể có.  Đấy quyết không phải là chuyện nhỏ. 
Trong nỗi sợ mất mát này, khi Trần Lâm Tuyền “Cố tình đợi buổi khuya Sài Gòn hầu xem một Sài Gòn khuya có thể yên tĩnh đến độ nào” ta biết chị đang  mỉm cười nghèn nghẹn trước những gì Sài Gòn đã mất và phải mất thêm nữa.  Khi chị lo mất “ngọn đèn đỏ nhấp nháy ở khúc ngoặt đường ray trong một sân ga chấp chới bởi bóng chiều nhập nhọang” ta biết chị đang rưng rưng những gì đã mất thời tuổi yêu thương ngọt lịm. Khi chị luôn phải đối diện với cái lưng  bé nhỏ của con chồng, ta biết chị đang khóc trước mất mát đắng cay “vì cuộc hội ngộ này lẽ ra không nên có.
Nhậu mừng sách ra
Nỗi sợ mất lớn lao nhất đáng sợ nhất là cái chết thì không thấy có ai nhắc tới, cả chín người đàn bà tuyệt không một ai nhắc tới. Phải chăng đàn bà vốn an phận, họ chẳng quan tâm đến những gì có muốn cũng chẳng được, những cái muốn viễn vông chỉ có đàn ông mới háo hức? Không phải, phàm những gì thuộc về con người chẳng xa lạ với đàn bà, cái chính là họ khéo giấu đi, giấu hết mọi người giấu cả bản thân mình. Diễn đạt điều này thật tinh tế, đó là Dư Thanh Thúy. Chị không nói gì đến cái chết, chỉ kể về bà mẹ chồng đã “ hơn tám mươi” của chị: “ Coi cáo phó mẹ hay giựt mình: “Sao chết sớm dữ vậy trời, mới có tám mươi mấy”. Viết được tinh tế đến vậy chắc chỉ có phụ nữ miền Tây, những người đàn bà cơ cực tứ bề với chữ thương, gian lao đủ đường với chữ nghĩa.
Điều giống nhau cuối cùng, cũng là điều duy nhất không ai sợ, là:  Cả chín người đàn bà áo tím không ai quan tâm những gì họ viết ra có phải là văn không. Thì Thủy Cúc đã nói rồi: “Đâu có ai sợ những điều chưa bao giờ biết?”. Có lẽ đó là lý do Tuyển tập Bà Ba Tím ra đời chăng?

(bolapquechoa.blogspot.com)