Ba Cang: Sự kiện quốc tế nổi bật nhất tuần qua
là sự ra đi của Nelson Mandela.
Tôi tự mặc cảm không đủ kiến thức cũng như không đủ quỹ thời gian để tạo tư
liệu, nên không có bài viết nào về ông cho blog của mình.
Hôm nay đọc “Tễu”
thấy bài viết của LS Trần Vũ Hải hay quá, nên vội đưa về trang nhà. Cảm ơn tác
giả LS Trần Vũ Hải và chủ blog TS Nguyễn Xuân Diện. Xin trân trọng giới thiệu
cùng bạn đọc.
Việt Nam nên học tập tinh
thần "Sự thật và hòa giải" của người cộng sản Nelson
Mandela
Ls Trần Vũ Hải
1. Lễ tưởng niệm Nelson
Mandela tại Sân vận động Soccer City Stadium, Soweto, ngoại ô Johannesburg ngày
10/12/2013 đã được truyền đi khắp thế giới. Chúng ta thấy hàng trăm nhà lãnh
đạo trên khắp thế giới trong lễ tưởng niệm này, trong đó có tổng thống Mỹ Obama
và và 3 cựu tổng thống Mỹ, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon, Chủ tịch Cuba Raul
Castro, tổng thống Iran. Trung quốc cử một đại diện cao cấp là Phó Chủ tịch
nước Lý Nguyên Triều, Việt Nam cử một vị mang hàm Bộ trưởng nhưng không ai rõ
tên tuổi. Tất cả các nhà lãnh đạo từ tả sang hữu, từ tư bản đến cộng sản đều ca
ngợi hết lời Mandela, người khổng lồ của lịch sử.
Sáng cùng ngày, ở Việt
Nam, một số trí thức tham gia Diễn đàn xã hội dân sự đã đến
tưởng niệm tại Đại sứ quán Nam Phi tại Hà Nội, mang theo bài thơ của nhà thơ
Bùi Minh Quốc “Mandela”. Sau đó vài giờ, Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng đến
viếng tại đây với lời ghi chú Mandela là lãnh tụ kiệt xuất của các dân tộc bị
áp bức.
2. Rất ngạc nhiên khi
không có báo chí Việt nam nào của Đảng nhắc đến Mandela đã là một người cộng
sản. Trong thông cáo ngày 6/12/2013 của ANC (Đảng cầm quyền Nam Phi hiện nay)
đã khẳng định Mandela không chỉ là nhà lãnh đạo của ANC mà còn là nhà lãnh đạo
của Đảng cộng sản Nam Phi. Khi còn sống, nhiều người khẳng định Mandela là đảng
viên cộng sản, tuy nhiên Mandela không chối bỏ mà cũng không khẳng định điều
đó. Ông từng viết “There will always be those who say that the Communists
were using us, but who is to say that we were not using them?”, tạm dịch “Sẽ
luôn có những người nói rằng những người Cộng sản đã lợi dụng chúng
tôi, nhưngai có thể nói rằng chúng tôi không lợi dụng họ?”
3. Mối tương duyên giữa
Mandela và Đảng cộng sản Nam Phi hình thành từ những năm 50-60 của thế kỷ
trước, Mandale bị truy đuổi theo Đạo luật ngăn chặn cộng sản của chế độ
Apartheid (gần giống như Đạo luật 10-59 của Ngô Đình Diệm). Sau khi cho rằng
đấu tranh bất bạo động không thể thành công, ông đã trở thành nhà lãnh đạo chủ
chốt phái đấu tranh bạo động của ANC. Ông đã liên minh với Đảng cộng sản Nam
Phi để đấu tranh vũ trang, và trở thành nhà lãnh đạo của Đảng cộng sản Nam Phi
nhưng không được Đảng cộng sản Nam Phi công bố. Phe chủ trương bạo động của ANC
đã học tập chiến tranh du kích của những người nổi dậy Algeri chống thực dân
Pháp, những người Algeri này lại học những người cộng sản Việt Nam đã biết cách
thắng thực dân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Suy rộng ra, Mandela có thể
coi là “học trò đấu tranh vũ trang” của Cộng sản Việt Nam. Ông đã bị kết án
chung thân vào năm 1964 vì tội bạo động chống chính quyền Apartheid. Ông cũng
bị Mỹ, Anh quốc liệt vào danh sách những kẻ khủng bố. Hàng mấy chục năm tù,
Mandela đã khiến một số người phương Tây khâm phục đã viết bài hát “Free Nelson
Mandela” và đã trở thành bài hít nhất vào những năm 1980. Phong trào đòi tự do
cho Mandela ở các nước Châu Âu và Mỹ mạnh mẽ như phong trào phản chiến chống Mỹ
can thiệp ở Việt Nam (1960-1970). Phong trào này buộc chế độ Apartheid phải trả
tự do cho Mandela. Sau khi Chris Hani lãnh tụ Đảng cộng sản Nam Phi và ANC bị
ám sát chết và người bạn, đồng nghiệp Olive Tambo- Chủ tịch ANC chết vào năm
1993, Nam Phi rơi vào khủng hoảng trầm trọng, có khả năng xung đột giữa các màu
da, nhà cầm quyền Apartheid và nhân dân Nam Phi nhận ra không ai khác ngoài
Mandela có khả năng hàn gắn các chủng tộc của Nam Phi. Năm 1964, Nelson Mandela
đắc cử tổng thống Nam Phi với 62% số phiếu bầu. Ông làm tổng thống đúng một
nhiệm kỳ 5 năm, đặt cơ sở cho nền dân chủ đa chủng tộc ở Nam Phi, phục hồi và
phát triển nền kinh tế thị trường của Nam Phi. Ông đã lập Ủy ban sự thật và Hòa
giải để khép lại quá khứ. Sau khi thôi không làm Tổng thống, ông còn hoạt động
tích cực 5 năm nữa và chỉ thực sự về hưu vào năm 2004. Lần xuất hiện cuối cùng
trước công chúng của ông là vào 2010 (nhân dịp World Cup được tổ chức tại Nam
Phi, việc đăng cai thành công chủ yếu nhờ vào uy tín và nỗ lực của Mandela).
4. Những điều tạo
nên sự khác biệt giữa Người cộng sản Mandela và các nhà lãnh đạo cộng sản khác.
(i) Mặc dù đã từng lãnh đạo bạo động, nhưng
Mandela trở thành tổng thống sau một cuộc bầu cử dân chủ, hòa bình. Ông chỉ làm
tổng thống một nhiệm kỳ. Trong khi hầu hết các nhà lãnh tụ cộng sản khai quốc
trên thế giới làm lãnh đạo đất nước sau khi lật đổ bằng bạo lực chế độ cũ hoặc
do kết quả của một cuộc chiến, và họ đều lãnh đạo hết đời hoặc cho đến khi bị
thanh trừng.
(ii) Thay vì tìm cách duy trì sự thống trị độc
đảng cho phe mình (ANC hoặc Đảng cộng sản), Mandela đã xây dựng một chế độ dân
chủ đa đảng, các đảng đều có thể cạnh tranh với ANC, kể cả những đảng đối lập
của người da trắng lẫn người da đen. Người ta giải thích có thể do Mandela là
một luật sư, và ông hiểu một nhà nước dân chủ, pháp quyền không thể là một nhà
nước độc đảng. Điều đó chưa chắc đã đúng, vì Phidel Castro trước khi trở thành
lãnh tụ cộng sản Cuba đã là một luật sư tài ba.
(iii) Sau khi nắm quyền, Mandela đã không chủ
trương quốc hữu hóa nền kinh tế như các nước cộng sản hoặc theo khuynh hướng
cánh tả. Có người cho rằng ông đã nghe lời khuyên từ Lý Bằng (nguyên Thủ tướng
Trung quốc, 1987-1998), với kinh nghiệm của Trung Quốc. Ông đã mời những chuyên
gia kinh tế hàng đầu để xây dựng lại nền kinh tế thị trường. Với sự sát sao và
kinh nghiệm của một luật sư, ông đã tham gia hoạch định chính sách kinh tế,
phục hồi và phát triển nền kinh tế Nam Phi từ một đất nước bị thế giới bỏ rơi,
tẩy chay, cấm vận.
(iv) Ông không công khai là đảng viên cộng
sản, vì Đảng cộng sản của ông cũng đã nhận thấy hình mẫu chế độ Xô viết (dưới
sự lãnh đạo của Đảng cộng sản) không còn hấp dẫn cho quần chúng và thế giới, do
sự sụp đổ của Liên xô và Đông Âu vào thời điểm ông được tự do và trở thành
người lãnh đạo Nam Phi.
(v) Sự khác biệt lớn nhất là Mandela đã lập Ủy
ban Sự thật và Hòa giải. Ủy ban này không nhằm mục đích trừng phạt kẻ
thù của ANC và người da đen, mà nhằm làm sáng tỏ sự thật về những tội ác trong
thời kỳ Apartheid, chủ trương hòa giải giữa những người đã theo chủ nghĩa
Apartheid và gây tội ác với những nạn nhân của chủ nghĩa này, bồi thường cho
nạn nhân của tội ác. Những người đã tham gia chế độ Apartheid vẫn được tiếp tục
tham gia đời sống kinh tế chính trị của Nam phi, sau khi họ đã từ bỏ chủ nghĩa
phân biệt chủng tộc. Ủy ban Sự thật và Hòa giải không chỉ tìm sự thật về những
tội ác của chế độ Apartheid và những người da trắng đối với người da đen, mà
còn làm sáng tỏ những hành vi bạo lực quá mức của những thành viên của ANC và
những người da đen (kể cả gây ra đối với người da trắng) trong thời kỳ
Apartheid. Mandela không chỉ là người đấu tranh lật đổ chế độ Apartheid, ông
trở thành người khổng lồ của lịch sử chính vì ông là người
hòa giải vĩ đại. Ông sẵn sàng tha thứ cho những kẻ đã tù đầy ông hàng
chục năm, sống hòa bình với họ, thậm chí tổng thống cuối cùng của chế độ Apartheid
Nam Phi đã trở thành bạn thân của ông. Cái bắt tay giữa hai người đứng đầu của
hai nước thù địch là Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro trong lễ
tang Mandela đã thể hiện các nhà lãnh đạo này đã biết học tập tinh thần hòa
giải của Nelson Mandela.
Tinh thần sự
thật và hòa giải của Nelson Mandela xứng đáng là tấm gương cho
những người cộng sản Việt Nam cũng như những nhà chính trị, những người đấu
tranh khác noi theo.
T.V.H - xuandienhannom.blogspot.com