19/2/14

Bé Chà Là dễ thương quá!

“Chiều đông” – một truyện dài vẫn còn đang ở dạng bản thảo. Độ dày của nó chỉ khoảng 90 trang khổ A4. Câu chuyện mô tả mối tình “đa phương” của một anh kỹ sư người thủ đô, trải dài về thời gian từ năm 1983 đến năm 1996 và về không gian từ Hà Nội đi vào lên đến tận Ban Mê.

Sau đây là một trích đoạn của mục 5, phần II (1983-1984). Nhân vật chính là Thông, kỹ sư kể trên, cùng bạn gái tên Xuân, người Huế, sinh viên năm cuối Đại học Tổng hợp, làm khách đến nhà anh Biêng ăn món bún chả.
Bé Chà Là dễ thương quá!
Một lần tôi đưa Xuân đến chơi nhà anh Biêng, đồng hương với em, nhưng là bạn học thân của tôi ở một khu tập thể cao tầng, thuộc khu vực có thể gọi là một trung tâm mới của Hà Nội.
Vợ chồng anh, sau cuộc “chiến tranh nhà cửa” có phần dai dẳng, chỉ được Sở Nhà đất thành phố và cơ quan cho hưởng nửa căn hộ lắp ghép. Chỉ được chừng ấy do lương còn thấp và số nhân khẩu mới chỉ có ba. May mà ở tầng một, trong kia gọi là tầng trệt, nên ai ở nửa phía sau của căn hộ 24m2 được thêm một phòng mái bằng nho nhỏ, có cửa đi riêng, bậc tam cấp hẳn hoi. Đây là sáng kiến của Hội đồng phân phối nhà của cơ quan với mục đích để tăng thêm số hộ được ở. Từ mảnh sân nhỏ tạo được do nhọc nhằn đổ đất, đổ đá mà sau này bạn tôi “vẩy” thêm thành một cái chái xinh xinh, mái lợp giấy dầu. Khoảnh sân cũng có cổng như ai, tuy chỉ còn đủ chỗ dựng hai cái xe đạp – tài sản chủ lực một thời, theo cách “ngày xách ra, tối xách vào”.

Nhà lắp ghép 5 tầng thời bao cấp ở Hà Nội. Ảnh minh họa: Internet.

Mọi người ở cơ quan và bạn bè của vợ chồng anh cứ nửa nạc, nửa mỡ:
- Sướng nhé, có nhà ba buồng như cấp Thứ trưởng.
Ấy vậy, mỗi lần đến thăm nhà bạn, tôi đều gặp cảnh than phiền của họ.
- Ông thấy không, nhà đã bí rì rì vì không thoáng khí, lại thêm cái nỗi “được” dọn rác và cả những thứ không thể kể ra từ trên các tầng vô tâm thả xuống. Điện thì thôi rồi, cứ phập phù. Bảng điện chung cho cả đơn nguyên lắp ở cầu thang, dây dợ lằng nhằng hơn cả mạng nhện. “Cha chung không ai khóc”, điện cứ “bụp” luôn xoành xạch. Còn nữa, xem này ông. Mấy nhà trên tầng bốn, tầng năm, “vẩy” ra mới khiếp làm sao.
Tôi nhìn lên theo hướng tay bạn chỉ. Những thanh sắt chữ i hoa,  to đùng, gây cảm giác chúng như những dầm cầu lao ra, từ ban công mặt sau, giữ “vai trò hạ tầng cơ sở”, ngự trên đó là những gian phòng được thiết kế đủ kiểu tùy theo khả năng kinh tế của chủ nhân. Nhìn lên đó đúng “ngợp” thật, nơm nớp không biết lúc nào chúng bất ngờ ụp xuống.
- Chưa hết đâu ông Thông ơi. Nói hơi quá, cũng gần như “đem con bỏ chợ”, ai muốn làm gì thì làm. Đến cả cái nhà lắp ghép to lớn như thế này, ông nhé, cứ tha hồ đục đẽo, tha hồ vẩy dài, vẩy ngắn, mà chả thấy ai ngăn cấm. Ông thấy không, tư tưởng “tranh thủ bành trướng” không bị cản trở, đã kích thích các nhà ở hai bên ngõ nhà tôi “thi đua” mở rộng, khiến cho đường ngõ từ ngoài vào cứ nhỏ dần, rồi bẩn và xấu đi trông thấy. Nếu so với ngõ xóm làng quê, có lẽ thua xa. Cũng tại “cha chung không ai khóc” mà.
Hôm chúng tôi đến, sau một cơn mưa, nước dềnh lên từ đầu ngõ đã ba tiếng rồi mà chưa kịp thoát. Chỉ lo cho chiếc “Cá ươn” (1) của tôi, lúc về lại tịt ngóm, không nổ máy được nữa.
Tuy vậy, với tôi vào lúc đó, có được “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” như họ, đã là một ước ao ngoài tầm với. Địa chỉ này còn là nơi nhóm sinh viên tại chức chúng tôi tụ tập, học thì ít, nhậu thì nhiều, kẻ đầu têu số một có lẽ là tôi và anh Biêng gia chủ.
Chúng tôi được vợ chồng anh thết đãi món bún chả, là “món ăn tươi” thông thường của người Hà Nội thời bao cấp. Xuân dành lấy quyền trổ tài quạt chả. Chúng tôi ngồi quạt ở cái sân nho nhỏ như kể ở trên. Được một lúc dáng  chừng mỏi tay, mỏi lưng, em ngồi đã xiêu xiêu vẹo vẹo. Lại còn chảy nước mắt vì bị khói xông. Tôi nói quạt thay, em không chịu. Anh Biêng đưa ra cái quạt 35W được Công đoàn phân phối, hiệu quả ngay trông thấy. Khói đã đỡ nghi ngút. Tiếng mỡ rỏ xuống than hồng kêu xèo xèo. Với “anh” thịt nướng này, kỹ thuật ướp gia vị có lẽ là quan trọng nhất rồi mới đến nước chấm, tôi nghĩ vậy. Mùi thịt nướng thơm lừng quẩn quanh cùng khói, rồi tỏa rộng ra xa, lên cao. Mặt em hồng vì sức nóng lửa than, hay vì có tôi ngồi cạnh? Chúng tôi cười khúc khích, còn hai chủ nhân thì thay nhau tủm ta tủm tỉm. Mấy nhà phía trên mặt áp vào “lồng cọp” (2) nói vọng xuống “thơm quá, thơm quá”, cứ như chưa được ăn món đó bao giờ. Ở khu tập thể, vui thật là vui.
Cơm nước xong xuôi, chúng tôi còn trò chuyện mãi. Xuân ngồi chơi với cháu gái bốn tuổi, con bạn tôi. Hai cô cháu cười đùa không chán.
Lúc về, Xuân rỉ tai tôi:
- Bé Chà Là dễ thương quá. Em thích gia đình như vậy. Họ thật hạnh phúc phải không anh?
Tôi hiểu em muốn nói gì rồi.

Chú thích:

(1) "Cá ươn" - biệt danh của xe máy hiệu Mobilet, màu xanh, của Pháp. Người Hà Nội đặt tên dí dỏm như vậy khi nó đã cũ.
(2) Lồng sắt được lắp đặt thêm ở các tầng nhà lắp ghép có từ thời bao cấp (như hình minh họa).


An Bường
Hà Nội, những ngày cuối năm 1996