15/2/14

Quan hệ giữa Đàng Trong thời các chúa Nguyễn với Vương quốc Xiêm

(XƯA&NAY) - ĐỊA BÀN CƯ TRÚ ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI THÁI LÀ Ở CÁC TỈNH NAM TRUNG HOA THƯỢNG NGUỒN SÔNG MEKONG VÀ SÔNG HỒNG GỒM 6 BỘ LẠC CHÍNH TRONG THƯ TỊCH CỔ TRUNG QUỐC LÀ: MÔNG-TUẤN,
VIỆT-TÍCH, LÃNG-KHUNG, ĐẰNG-ĐẠM, LÃNG-PHI VÀ MÔNG-XÁ. NỬA ĐẦU THẾ KỶ VIII, THỦ LĨNH MÔNG-XÁ ĐÃ CHINH PHỤC CÁC NUỚC LÂN CẬN THÀNH LẬP NÊN NUỚC ĐẠI LÝ HAY NƯỚC NAM CHlẾU, THẦN PHỤC ĐẾ CHẾ ĐƯỜNG. NHƯNG TRUNG QUỐC LẠI DIỄN RA CÁC CUỘC NỘI CHIẾN NÊN ĐẠI LÝ NHÂN CƠ HỘI NÀY BÀNH TRƯỚNG RA VÙNG TÂY NAM TRUNG HOA.
Thế kỷ XIII, Đại Lý xảy ra các vụ biến lớn. Trước hết là quá trình xâm lược của đế chế Mông cổ lật đổ Đại Lý, nhân dân Đại Lý không chấp nhận sống dưới ách thống trị của người Mông cổ nên đã bỏ Nam Trung Hoa chạy về Đông Nam Á lục địa. Có ba con đường Nam tiến của nguời Thái: dọc sông Hồng — hình thành nên người Thái ở Bắc bộ Việt Nam ngày nay; dọc theo sông Mêkông – hình thành nên các bộ tộc Lào, dọc theo sông Chao Phraya hình thành nên vương quốc Xiêm. Có sử gia cho rằng “sự gia tăng dân số của nước Nam Chiếu, những xung đột thường xuyên với người Trung Hoa đã dẫn tới sự di cư”(1). Tuy nhiên, sự tấn công của ngươi Mông cổ mới là động lực chính của các cuộc Nam tiến của người Thái. Các cuộc Nam tiến chứng minh ý chí tự chủ, không khuất phục các đế chế Trung Hoa để tiến tới hình thành chủ nghĩa đại Thái, trên cơ sở chinh phục các quốc gia lân cận gây các cuộc chiến tranh thôn tính lẫn nhau.
Người Thái thể hiện sự hùng mạnh bằng biện pháp quân sự, chinh phục đế chế Khmer năm 1450. Nhưng dưới sự lãnh đạo của vua Preah Srei Reacheathireach Ramathip Dey, người Khmer đã đẩy lùi các cuộc tấn công của người Thái, nhưng ông không thể đoàn kết các thế lực trong nội bộ, cụ thể là không thể đàn áp cuộc nổi loạn của Norei Reachea II. Người Thái đã lợi dụng những bất hòa đó để lôi kéo Norei Reachea II và tiến đánh Chenla. Đến năm 1529, vua Preah Chaoponhea Chant Reachea dờ kinh đô người Khmer về Lovek. Đế chế Khmer sụp đổ. Lý giải sự thất bại của người Khmer trước người Thái một sử gia cho rằng “người Khmer không biết rút những bài học từ những sai lầm trong chiến tranh”(2). Vai trò của người Thái đối với sự phát triển lịch sử khu vực là “sự phát triển của Campuchia bị gián đoạn bởi một cuộc xâm lược từ Ayutthaya năm 1593-1594 dưới triều đại mới có nguồn gốc là người Thái người sau khi giúp người Miến Điện chiến thắng người Khmer (1569). Đặc biệt là điều này không giống như nhận định của nhiều người Trung Quốc”(3).
Như vậy, vương quốc của người Thái đã hình hành như một con hổ mới lớn – sung mãn đối trọng với sự phát triển của vương quốc Đàng Trong, một con hổ già giàu kinh nghiệm, ngoan cuờng và đang thực hiện mộng bá chủ; cùng có một miếng mồi chung là Chenla.
Sự đối đầu căng thẳng giữa Đàng Trong và Xiêm
Hai nước Xiêm và Đàng Trong đối đầu với nhau từ cuộc nội chiến Chenla năm 1658, Ang Em nhờ đến quân chúa Nguyễn đánh với Ang Tong. “Tháng 9, vua nước Chân Lạp (vốn tên là Cao Miên) là Nặc Ông Chân xâm lấn biên thùy. Dinh Trấn Biên báo lên. Chúa sai Phó tướng Trấn Biên là Tôn Thất Yến, Cai đội là Xuân Thắng, Tham mưu là Minh Lộc (2 người đều không rõ họ) đem 3.000 quân đến thành Hưng Phúc (bấy giơ gọi là Mỗi Xuy, nay thuộc huyện Phúc Chính, tỉnh Biên Hòa) đánh phá được, bắt Nặc Ông Chân đưa về. Chúa tha tội cho và sai hộ tống về nước, khiến làm phiên thần, hằng năm nộp cống”(4). Tuy nhiên, cuộc viện binh không phải xuất phát từ hảo tâm. Chúa Nguyễn tìm cách lôi kéo gây ảnh hưởng lên đất Chenla, muốn biến thành thuộc quốc của vương quốc Đàng Trong. Nhưng vương quốc Đàng Trong đã chiếm ưu thế, quân đội của họ giành thắng lợi, phong vương cho vua Chenla.
Đầu thế kỷ XVIII, vương quốc Chenla lại xảy ra tình cảnh nồi da xáo thịt, nội bộ trong triều đình Chenla lại xảy ra các cuộc xung đột giữa hai tập đoàn phong kiến Thommo Réachéa – Nặc Ông Êm. Tai hại hơn, các lực lượng phong kiến lại kéo theo các cường quốc lân cận vào cuộc. Thommo Réachéa cầu viện từ Xiêm. Nặc Ông Êm lại cầu viện vương quốc Đàng Trong. Như vậy, vì lợi ích cá nhân các thủ lĩnh không ngần ngại bán rẻ quyền lợi dân tộc. Trong cuộc xung đột này, người Xiêm coi trọng hơn vương quốc Đàng Trong, vì vương quốc Đàng Trong đã hoàn thành quá trình biến Chenla thành thuộc quốc; trong khi đó, Xiêm vẫn chưa có nhiều quyền lợi trên đất Chenla; tham vọng của họ cũng không dừng lại ở một khu vực nào. Tuy nhiên, cuộc nội chiến Chenla cũng kết thúc, lực lượng được chúa Nguyễn giúp đỡ vẫn chiến thắng. Thommo Réachéa sống lưu vong ở Xiêm. Chờ đợi thời cơ.
Năm 1714, Xiêm lấy danh nghĩa là giúp Thommo Réachéa và Nặc Nguyên đánh Nặc Ông Tha – con Nặc Ông Yêm. Nhưng người Xiêm thất bại. Mấy tháng sau, con của Thommo Réachéa là Nặc Nguyên lại nhờ quân Xiêm đem quân đánh Nặc Ông Tha và đuổi được Nặc Ông Tha sang đất Hà Tiên. Nhưng tham vọng Nặc Nguyên không dừng lại đó, ông tiếp tục thực hiện kế hoạch tiến chiếm lại các vùng bị vương quốc Đàng Trong chiếm.
Năm 1769, chiến tranh giữa Xiêm và Đàng Trong diễn ra trực tiếp. Đại Nam thực lục lý giải nguyên nhân của cuộc chiến đầy màu sắc huyền thoại “Tân Mão, năm thứ 6 (1771), mùa thu, tháng 8, Mạc Thiên Tứ được tin nước Xiêm La kiểm duyệt binh giáp, định ngày đến lấn, bèn chạy hịch xin viện ở Gia Định. Điều khiển Nguyễn Cửu Khôi cho rằng năm trước Hà Tiên đã báo hão tin biên cấp, chỉ làm mệt cho quan quân, nên không cho binh đến cứu. Bấy giờ trong thành Hà Tiên thấy ở phương Nam có 2 cái cầu vồng đỏ mọc giao nhau thành hình chữ thập, dài hơn 30 trượng; lại ở dưới lầu Bắc đế có một cồn cát từ lâu, chợt bị cơn gió cuốn lên lưng chừng trời, làm trong thành mù tối, phút chốt cát ấy tản xuống, đánh đống thành hình chữ thập. Người thức giả cho đó là điềm đến tháng 10 thành sẽ mất.
Mùa đông, tháng 10, vua Xiêm thấy Chiêu Thùy chạy sang Hà Tiên, sợ có mối lo về sau, bèn phái hai vạn quân thủy và bộ, dùng tên giặc [núi] Bạch Mã là Trần Thái làm hướng đạo, vây trấn Hà Tiên. Quân trấn ít ỏi, bám giữ thành cố đánh, chạy hỏa bài cáo cấp với dinh Long Hồ. Quân Xiêm đông giữ núi Tô Châu, dùng đại bác bắn vào thành, thế rất nguy cấp. Đương đêm, kho thuốc súng ở núi Ngũ Hổ phát cháy, trong thành sợ rối. Quân Xiêm từ phía sau thành chặt cửa sấn vào, phóng hỏa đốt doanh”(5).
Nguyên nhân của cuộc chiến này bắt đầu từ mối quan hệ của Xiêm lúc bấy giờ tên là Ayuthaya và Miến Điện dưới vương triều Tongou. Tháng 2-1767, Miến Điện tấn công, bắt được vua Xiêm Ekathat và đặt ách thống trị lên Ayuthaya. Nhưng Miến Điện không thể duy trì nền thống trị lâu, vì bản chất ngoan cường, Xiêm nhanh chóng đẩy người Miến Điện về nước và giành lại độc lập chỉ sau một năm. Người lãnh đạo là Trịnh Quốc Anh, một đại thần trong vương triều Ekathat. Chiến tranh kết thúc thì họ Trịnh lại nuôi âm mưu tiếm luôn vương quyền của người Thái ở vùng đất này. Trịnh Quốc Anh biết hai con của vua Ekathat là Chiêu Xi Xoang và Chiêu Thúy đang còn trốn ở Hà Tiên – thuộc vương quốc Đàng Trong nên gây áp lực buộc Mạc Thiên Tứ giao Chiêu Xi Xoang và Chiêu Thúy nhưng không thành công. Chiến tranh bùng nổ.
Cuộc chiến diễn ra ác liệt “Thiên Tứ thân hành đốc suất binh sở thuộc chống đánh ở các ngõ. Một lát quân dân tan vỡ, thành bị hãm. Cai đội Đức Nghiệp (không rõ họ) kèm Thiên Tứ lên thuyền chạy. Mạc Tử Hoàng, Mạc Tử Thảng, Mạc Tử Duyên ở đạo Châu Đốc cũng đều đem thủy quân phá vòng vây, do đường biển chạy xuống Kiên Giang, rồi qua Trấn Giang dừng lại. Chiêu Khoa (một chức quan) nước Xiêm là Trần Liên đuổi theo đến, vừa gặp Lưu thủ dinh Long Hồ là Tống Phước Hợp đem binh thuyền bản dinh đến cứu, kéo thẳng tới sông Châu Đốc để chống cự. Quân Xiêm rút lui, vào nhầm ngách sông cụt, đại binh [ta] đuổi ập tới, chém được hơn 300 đầu. Trần Liên phải bỏ thuyền, dẫn quân chạy về Hà Tiên, lại bị Cai đội đạo Đông Khẩu là Nguyễn Hữu Nhân đón đánh, quân Xiêm chết quá nửa. Vua Xiêm bền lưu Trấn Liên ở lại giữ Hà Tiên, rồi tự đem quân thẳng sang Chân Lạp… Thế là quân Xiêm đóng giữ phủ Nam Vang, có ý nhòm ngó Phiên Trấn”.
Cuộc chiến gây được sự quan tâm chúa Nguyễn nên cử người vào thăm hỏi “Tháng 11, Nguyễn Cửu Khôi và Nguyễn Thừa Mân gửi giấy mời Thiên Tứ đến dinh để hỏi thăm yên ủi. Thiên Tứ trình bày duyên do thất thủ và dâng thư xin chờ tội. Chúa ban thư rộng miễn, lại cấp thêm lương. Hạ lệnh cho điều khiển quân đưa về đạo Trấn Giang, khiến chiêu dụ dân lưu vong mà tính lại việc đánh giặc.
Tháng 2, chúa cho rằng Điều khiển Gia Định giữ quân không đến cứu viện nên thành Hà Tiên bị hãm, bèn giáng Nguyễn Cửu Khôi làm Cai đội và triệu Nguyễn Thừa Mân về.
Sai Chưởng cơ Nguyễn Cửu Đàm (con Nguyễn Cửu Vân) làm Khâm sai chánh thống suất đốc chiến, Cai bạ dinh Quảng Nam là Trần Phúc Thành làm Khâm sai tham tán, lĩnh 10.000 quân thủy và bộ thuộc hai dinh Bình Khang và Bình Thuận và 20 chiếc thuyền chiến để hành việc điều khiển.
Mùa hạ, tháng 6, Nguyễn Cửu Đàm tiến quân theo đường Tiền Giang, cùng với Cai bạ dinh Long Hồ là Nguyễn Khoa Thuyên lĩnh quan quân đạo Đông Khẩu tiến theo đường Kiên Giang; Lưu thủ Tông Phước Hiệp theo đương Hậu Giang tiến đóng giữ Châu Đốc để tiếp ứng cho hai cánh quân trên. Bấy giờ Cai đội đạo Đông Khẩu là Nguyễn Hữu Nhân ốm, một mình Khoa Thuyên đem 3.000 quân và 50 thuyền, đánh nhau với quân Xiêm không được, lui về đầm Kiên Giang, rồi dùng người Chân Lạp là Nhẫm Lạch (chức quan) Tối (tên người) làm tiên phong, tiến đến Nam Vang đánh phá được quân Xiêm. Vua Xiêm chạy sang Hà Tiên. Nặc Nộn chạy đến Cầu Vọt [Quân ta] bèn thu phục các phủ Nam Vang, La Bích. Nặc Tôn trở về nước. Chân Lạp được dẹp yên. Đàm thu quân về dinh, đắp lũy Tân Hoa kéo dài 15 dặm bao quanh đồn dinh, chắn ngang đường bộ đề phòng bất trắc.
Vua Xiêm đến Hà Tiên, gởi thư cầu hòa với Mạc Thiên Tứ. Thiên Tứ từ chối. Vua Xiêm bèn ủy Trần Liên giữ Hà Tiên, tự mình đem quân đi bắt con trai con gái Thiên Tứ và Chiêu Thúy đem về, rồi giết Chiêu Thúy”(6).
Nhưng một số quan điểm khác lại cho rằng “thừa dịp Trịnh Quôc Anh đi đánh Ligor Mạc Thiên Tứ đem hạm đội 50.000 binh sĩ đổ bộ lên bờ biển Xiêm”. Tuy chưa có thông tin cụ thể về vấn đề này nhưng theo quan điểm này thì tôi cho rằng Mạc Thiên Tứ có thể trúng kế dụ địch của Trịnh Quốc Anh. Bởi vì thực tế ít ai có thể chịu đựng được với cả 2 mặt trận cùng lúc. Kết quả đến năm 1771, Mạc Thiên Tứ rút tàn binh hơn 10.000 người về nước.
Nhưng có quan điểm khác cho rằng tháng 10-1771, Trịnh Anh Quốc đem thuyền sang vây đánh Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ chống không nổi phải bỏ chạy. Năm sau, Mạc Thiên Tứ giết chết Chiêu Thúy sai người sang giảng hòa(7).
Tóm lại, đây là cuộc chiến tranh lớn nhất giữa hai quốc gia Đàng Trong và Xiêm. Phần thắng thuộc về người Xiêm.
Sau chiến tranh, quan hệ giữa Xiêm và vương quốc Đàng Trong diễn ra bình thường trở lại. Xiêm và chính quyền Đàng Trong thường trao đổi quốc thư, trao đổi vật phẩm. Theo các tư liệu lịch sử thì chính quyền Đàng Trong vẫn được sự nể sợ của chính quyền Xiêm, thể hiện vai trò “đàn anh”(8).
Theo lí giải của Trần Trọng Kim thì “Thuở bấy giờ chúa Nguyễn còn khai sáng ở đất Phú Yên, Khánh Hòa, nhưng sau chúa Nguyễn lấn hết đất của Chiêm Thành, lại lấn sang đất của Chenla làm của mình. Nhưng vì thế chúa Nguyễn mạnh hơn cho nên phải để chúa Nguyễn quay sang bảo hộ Chenla”(9).
Quan hệ hòa hiếu được thiết lập trở lại
Năm 1755, chúa Nguyễn ra “long bài” miễn thuế cho tàu thuyền đi từ trung Hoa sang Xiêm và ngược lại. Long bài được chúa Nguyễn ban ra theo yêu cầu của vua Xiêm. Nguyên nhân vua Xiêm đề nghị vì Hà Tiên trở thành cảng trung chuyển cho những chuyến tàu buôn vượt đại dương. “Mùa hạ, tháng 4, nước Xiêm sai bầy tôi là Lãng Phi Văn Khôn và Khu Sai Lũ Reo (hai tên người) đem thư đến nói rằng nước ấy thuờng sai người đi thuyền sang Hạ Môn, Ninh Ba và Quảng Đông mua sắm hóa vật, có khi vì bão phải ghé vào cửa biển nước ta, hữu ty đánh thuế đến nỗi lấy mất cả hàng hóa. Vậy xin chiếu tính số bạc trả lại, và xin cấp cho 10 tấm long bài kiểm điểm nhân khẩu làm bằng, khiến khi thuyền công của hai nước ghé vào cửa biển nào đều được miễn thuế. Chúa bảo các quan rằng: “Việc đánh thuế thuyền buôn buổi quốc sơ đã đình ngạch, quan sở tại chẳng qua chiếu lệ mà thu, có lẽ nào lấy cả hóa vật. Người Xiêm nói thế chỉ là muốn miễn đánh thuế mà thôi, đâu dám đòi ta phải trả lại bạc. Duy việc xin long bài thì cấp cho họ cũng không hại gì, nhưng cho một tấm cũng đủ rồi, chứ lấy nhiều làm gì”. Bèn sai gửi cho một tấm long bài và viết thư trả lòi”(10). Đây là một trong những nhân tố đem đến sự trù phú cho Hà Tiên và cải thiện quan hệ hai vương quốc.
Sau khi Trịnh Anh Quốc bị lật đổ, vua Rama I lên thay. Quan hệ giữa chính quyền Đàng Trong và Xiêm chuyển sang một giai đoạn mới. Đó là lúc chính quyền chúa Nguyễn bị lung lay vì cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và cuộc tấn công của quân chúa Trịnh từ Đàng Ngoài. Đây là giai đoạn mà quan hệ hai bên diễn ra trong những mối quan hệ nhập nhằng, liên quan đến sự lưu vong của chúa Nguyễn Ánh và sự phục hồi vương triều của vua Gia Long. Nhưng đó lại là một chủ đề khác.
Ngoại giao vương quốc Đàng Trong với Xiêm diễn ra rất phức tạp, có lúc là bạn, lúc là thù. Nhưng trong ngoại giao giữa hai nước, vương quốc Đàng Trong thường chiếm ưu thế của nước mạnh về kinh tế lẫn quân sự.
CHÚ THÍCH:
1. Lương Ninh, Lịch sử thế giới Trung Đại, Nxb Đại học và phổ thông chuyên nghiệp, 1984, tr.144.
2. Sang Leng K, Cambodian history, researcher in association KFD, 2006, tr.6, “The Khmer have never learned from out past mistake”.
3. Michael Vickery, Cambodia and Its Neighbors in the 15th Century, Nationnal University of Singapore, 2004, tr.52. (Cambodian development was interrupted by another invasion from Ayutthaya in 1593-1594 under the new dynasty of Sukhothai origin which had gained the throne after helping the Burmese in their invasion in 1569. Peculiarly, this does not seem to have been given notice by the Chinese).
4. Đại Nam thực lục (tập 1), Nxb Khoa học Xã hội, 2007, tr.72.
5. Đại Nam thực lục (tập 1), sđd, tr.176.
6. Đại Nam thực lục (tập 1), sđd. tr.176, 177.
7. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa Thông tin, 2001, tr.430.
8. Phan Khoan, Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb Văn học, 2001, tr.440.
9. Trần Trọng Kim, sđd, tr.428 và 429.
10. Đại Nam thực lục (tập 1), sđd, tr.165.

Lê Bá Vang - Tạp chí XƯA&NAY, số 443, tháng 1/2014 - minhlien.wordpress.com