Tôi nhớ truyện ngắn
Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, nhưng không nhớ nổi là được học bài văn
đó hồi lớp mấy thời phổ thông trước năm 1970. Cũng đã 45-46 năm rồi còn gì.
Tôi còn nhớ khi đọc đến
đoạn đứa bé nhiều lần không chịu gọi ba nó bằng ba, đã thấy sự bướng bỉnh của
nó là ghê gớm rồi. Đến khi mọi người tiễn ba nó lên đường, nó bỗng kêu thét lên
“ba…a… a… ba”,
rồi nó quặp chặt lấy ba nó, không cho ba nó đi.
“Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng
khóc:
- Ba! Không cho ba đi
nữa! Ba ở nhà với con!
Ba nó bế nó lên - nó
hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má
của ba nó nữa.”
Đến đoạn này, nhà văn
đã làm tôi, một đứa con trai mới lớn, rơm rơm nước mắt. Tôi nhớ mang máng, hình
như lúc đó có nhiều tiếng sụt sịt của bọn con gái lớp tôi.
Tiếng sụt sịt còn tiếp
cho đến đoạn này:
“- Không! - Con bé
hét lên, hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được
ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run
run.”
Rồi tiếp nữa:
“Con bé lại ôm chầm
ba nó một lần nữa và mếu máo:
- Ba về! Ba mua cho
con một cây lược nghe ba! - Nó nói trong tiếng nấc, vừa nói vừa từ từ tuột xuống.”
Rồi những đoạn tác giả
tả về cái tình của người cha, thật cảm động:
“Từ con đường mòn chạy
lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi.
Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà.”
“Trên sóng lưng lược
có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng
Thu, con của ba”. Cây lược ngà ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như
gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh. Những đêm nhớ con, anh ít nhớ đến nỗi hận
đánh con, nhớ con, anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi cài lên tóc cho cây lược
thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con.”
“Tôi cúi xuống gần
anh và khẽ nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi.”
Cốt chuyện gây hấp dẫn
thêm nữa. Cô giao liên gan dạ và thông minh lại chính là cô bé bướng bỉnh năm
nào.
“- Dạ phải - Hình như
cháu muốn khóc, mắt cháu đỏ hoe nhưng cố nén và nói:
- Nếu cháu không lầm
thì chắc bác sợ cháu buồn nên bác nói giấu cháu. Cháu biết ba cháu đã chết rồi.-
Cháu chớp mắt, hai giọt lệ ứa ra, vỡ tràn qua đôi mắt - Cháu chịu đựng được,
bác đừng ngại, cháu nghe tin ba cháu chết đã hai năm rồi, sau đó thì cháu xin
má cháu đi giao liên...
Cháu còn muốn nói gì
nữa, nhưng giọng bị tắt nghẹn, đầu cúi nhìn xuống, mái tóc khẽ run run. Còn
tôi, tôi lỡ nói dối, nên chẳng biết nói thế nào nữa, đành im lặng.”
Câu kết của chuyện tiếp
tục làm người đọc bồi hồi về tình cha con thuở chiến tranh:
“Lúc chia tay, tôi
không nghe cháu gọi tôi là ba. Nhưng những lúc nằm một mình, nhớ lại thì tôi
nghe tiếng gọi “ba” của cháu, và tiếng “ba” như vang lên từ trong tâm tôi.”
Tôi theo gia đình tập
kết ra Bắc từ thuở nhỏ. Được gia đình giáo dục và xã hội nhắc nhở, nên tình cảm
hướng về Nam luôn luôn được bồi đắp. Hồi đó, những chuyện, những phim về miền
Nam, tôi không bao giờ bỏ qua.
Với các tác phẩm của
Nguyễn Quang Sáng là một ví dụ.
Tra cứu trên Internet,
tôi xin trích một vài đoạn như sau:
“Nhà văn Nguyễn Quang
Sáng sinh ngày 12/1/1932, quê An Giang. Ông còn có bút danh khác là Nguyễn
Sáng.”
“Trong sự nghiệp cầm bút, nhà văn Nguyễn Quang
Sáng cho ra đời bốn tiểu thuyết, hơn mười tập truyện ngắn, hàng chục kịch bản
phim. Năm 2000, ông được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.”
“Ông nổi tiếng với những
truyện ngắn và tiểu thuyết như Người quê hương, Bông cẩm thạch, Mùa gió chướng...
và đặc biệt là tác phẩm Chiếc lược ngà. Ngoài ra, ông còn viết kịch bản phim với
các bộ phim như Cánh đồng hoang (1978), Mùa nước nổi (1986)...”.
Nhà văn Nguyễn Quang
Sáng. Ảnh: Anh Vân.
“Số lượng tác phẩm như trên chưa phải đồ sộ, song cái "chất văn"
nổi bật tiêu biểu của một phong cách, phong cách Nguyễn Quang Sáng, thì đã được
thừa nhận.”
“Đọc một truyện ngắn gần đây của Nguyễn Quang Sáng- Vểnh râu, nhà văn Tô Hoài nhận xét: "Lần này đọc của Sáng, tôi thấy đã thuần lắm của cốt cách văn phong một trung tâm- miền Nam là một trung tâm, mà trong văn không có cái nhàn nhạt chữ nghĩa dùng cho miền nào cũng được". Thành công nhất định ở tiểu thuyết, có năng khiếu viết kịch bản phim, thế mạnh thực sự ở truyện ngắn, Nguyễn Quang Sáng là một người kể chuyện bẩm sinh. Giọng kể hồn hậu, mộc mạc, tự nhiên, lôi cuốn như mảnh đất Nam bộ quê hương ròng ròng sự kiện, chất chứa nhiều bí ẩn. Không chỉ qua trang viết, giọng kể của nhà văn còn hấp lực cả khi được trực tiếp trò chuyện cùng ông.”
“Đọc một truyện ngắn gần đây của Nguyễn Quang Sáng- Vểnh râu, nhà văn Tô Hoài nhận xét: "Lần này đọc của Sáng, tôi thấy đã thuần lắm của cốt cách văn phong một trung tâm- miền Nam là một trung tâm, mà trong văn không có cái nhàn nhạt chữ nghĩa dùng cho miền nào cũng được". Thành công nhất định ở tiểu thuyết, có năng khiếu viết kịch bản phim, thế mạnh thực sự ở truyện ngắn, Nguyễn Quang Sáng là một người kể chuyện bẩm sinh. Giọng kể hồn hậu, mộc mạc, tự nhiên, lôi cuốn như mảnh đất Nam bộ quê hương ròng ròng sự kiện, chất chứa nhiều bí ẩn. Không chỉ qua trang viết, giọng kể của nhà văn còn hấp lực cả khi được trực tiếp trò chuyện cùng ông.”
“Phan Đắc Lập trong Lời
ngỏ giới thiệu Nguyễn Quang Sáng tuyển tập đã đưa nhận xét của Tô Hoài đối với
truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng vào. Tô Hoài nhận xét: “các tác phẩm của anh rất
Nam Bộ. Đúng, dù ở xa hay ở gần, cái hồn Nam Bộ cứ ẩn tàng trong tâm thức của
anh (…) bao nhiêu khuôn mặt người quê hương phảng phất trong anh (…). Làng Mỹ
Luông của anh tuy không sầm uất về kinh tế nhưng lại “trù phú” về những tính
cách và những tấm lòng…”
Xem
phim Cánh đồng hoang, tôi rất khâm phục kịch bản của Nguyễn Quang Sáng và tài đạo
diễn của Hồng Sến. “Chi tiết đứa bé bị bỏ vào bịch ni lông nhấn xuống nước để
tránh máy bay địch bắn là một chi tiết rất "đắt" ”, như lời của nhà văn
khi trả lời phỏng vấn. Bộ phim rất xứng đáng đoạt Huy chương vàng Liên hoan
phim toàn quốc năm 1980 và Bông sen vàng Liên hoan phim quốc tế Moscow 1981.
Tối
qua 13/2, báo chí đưa tin nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã từ trần hồi 17 giờ cùng
ngày. Tôi cũng đã vội gởi lời chia buồn tới đạo diễn Nguyễn Quang Dũng – con trai
nhà văn, và gia đình qua trang FB của anh.
Bằng
bài viết ngắn này, xin được thay cho nén nhang cầu chúc hương hồn nhà văn sớm
siêu thoát, an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.
Ba
Cang
BKK,
rạng sáng 14/2/2014.