13/2/14

10 sai lầm tai hại của người Việt trong vụ Flappy Bird

BizLIVE - Trang công nghệ Châu Á TechInAsia chỉ ra những lỗi của truyền thông Việt Nam trong khi những tờ báo lớn của thế giới như Forbes và The Verge đã có các bài phân tích sâu sắc về hiện tượng Flappy Bird. 

Theo TechInAsia, rất nhiều người Việt Nam đã hiểu sai về thành công của Hà Đông với Flappy Bird. 
TechInAsia cho rằng các status và bình luận trên Facebook, mạng xã hội lớn nhất tại Việt Nam đã chứng minh điều này.
Một số người cho rằng việc Hà Đông “thuổng” ý tưởng từ Nintendo, có người lại nói anh sẽ phải đóng thuế thu nhập, hay cũng có ý kiến nói anh chỉ may mắn và không xứng đáng với thành công bất ngờ của Flappy Bird. Thậm chí có người còn cho rằng trò chơi này "hoàn toàn…dở hơi".
Dưới đây là 10 hiểu nhầm tai hại mà người Việt đã tạo ra đối với Flappy Bird, theo quan điểm của TechInAsia.
1. "Copy" là chuyện bình thường
Có nhiều bài báo cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt cáo buộc Hà Đông “đạo” game Piou Piou và Nintendo để cho ra Flappy Bird. 
Nhưng kể cả thực tế như thế thì đã sao? Facebook có phải là mạng xã hội đầu tiên không? Gangnam Style có phải là bài hát đầu tiên có vũ đạo vui nhộn không? iPhone có phải là chiếc smartphone đầu tiên không?
Và nếu cáo buộc anh “thuổng” ý tưởng từ Super Mario của Nintendo thì còn nực cười hơn nữa. Có phải chiếc ống cống xanh là thứ lôi kéo người chơi đến với Flappy Bird không? Câu trả lời chắc chắn là: Không. 
Điều duy nhất người ta nhắc đến trong các bình luận trên App Store là độ khó của trò chơi, chẳng ai đề cập tới cái ống cống đó cả. 
Nintendo thậm chí đã phải phủ nhận các phàn nàn về sự giống nhau này. 
2. Copy Flappy Bird không phải là việc dễ
Hiện tại có ít nhất 10 games “nhái” Flappy Bird trên các kho trò chơi của iOS và Android, chúng đang dần trèo lên các thứ bậc cao trên bảng xếp hạng. Nhưng nếu thử chơi chúng, bạn sẽ nhận ra ngay sự khác biệt về chất lượng.
Đầu tiên, thiết kế hình ảnh của chúng không đẹp bằng Flappy Bird, cho dù điều này nghe thật mỉa mai vì Flappy Bird là một game có hơi hướng cổ điển.
Bên cạnh đó, cột bình luận là một minh chứng cụ thể. Sau hàng trăm nghìn bình luận với các ý kiến và quan điểm khác nhau, Flappy Bird vẫn giữ xếp hạng ở mức 4 sao. Đây là điều không dễ. Trong khi các bản sao của nó thậm chí không đạt được mốc 3 sao khi lượng đánh giá của người chơi chạm 4 con số. 
Cuối cùng và không kém phần quan trọng, tính vật lý trong những trò chơi này không chân thực và có độ khó không bằng Flappy Bird. 
Thí dụ như Fly Birdie, trò chơi đang đứng đầu bảng xếp hạng App Store Việt Nam lại là bản sao tồi nhất với âm thanh tệ hại và chú chim xấu xí, cũng như cấp độ khó rất thấp. 
Còn Ironpants, một trong những bản “nhái” ra đời đầu tiên thì có chất lượng sánh ngang hàng với Flappy Bird.
3. Hà Đông có kỷ luật và đam mê 
Nhìn thoáng qua thì Flappy Bird có vẻ như một trò chơi đơn giản nhưng vui nhộn mà lập trình viên nào cũng có thể tạo ra trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng thực tế vấn đề không phải vậy. 
Việc Hà Đông quyết định chú chim sẽ phải chịu nhiều tác động của trọng lực hơn những game tương tự mới là yếu tố quyết định.
Với các trò chơi như Temple Run, các nhà thiết kế muốn người chơi hoàn thiện các kỹ năng nhảy và chạy để vượt lên mốc điểm cao của chính mình. 
Flappy Bird cũng vậy, và Hà Đông có đủ quyết đoán để cho biết: “Tôi muốn nâng độ khó của trò chơi lên rất cao”.
Điểm khác biệt giữa Temple Run và Flappy Bird là trong game đầu, người chơi sẽ cố gắng thu thập các vật dụng trên đường đi, hoặc bỏ tiền ra "mua đồ" để chạy được xa hơn, thì Flappy Bird lại không thế. Nó đơn giản hơn nhiều: Đó chỉ là câu chuyện thắng hoặc thua. 
Hóa ra đây lại là một trong những khía cạnh quan trọng nhất mang lại thành công cho trò chơi.
Vì vậy đừng gán cho thành công của Flappy Bird là nhờ may mắn. Đừng đánh giá thấp sự đơn giản. Bởi đối với bất cứ điều gì, đơn giản là mức độ cao nhất của sự tinh tế.
4. Ít mà lại là nhiều
Hãy cùng nhìn sâu hơn vào thành công của sự đơn giản. 
Ed Fries, nhà đồng sáng tạo của Xbox, đã có một bài diễn thuyết thú vị về vấn đề này.
Ông chỉ ra các game chơi trên console rất giống nhau. Ví dụ điển hình là sự nhân bản của loạt game bắn súng góc nhìn thứ nhất.
So điều này với rất nhiều đầu game phong phú của Atari và Nintendo, từ Pong đến Tetris, cho thấy những tựa game cũ mặc dù có ít chi tiết hơn nhưng lại ẩn chứa sự đa dạng và nét đẹp. 
Vì tuân theo một quy chuẩn hạn chế ấy, nhà thiết kế buộc phải tìm tòi, nghiên cứu các lựa chọn và cơ hội khác của trò chơi, điều này dẫn đến tính sáng tạo trong game. 
Đây cũng là điều Flappy Bird đã áp dụng, vì vậy đừng đánh giá thấp nó.
5. Flappy Bird là một sản phẩm nội dung, không phải là sản phẩm công nghệ
Mặc dù Flappy Bird giản đơn và tiết chế, cần phải nhìn vào vị trí của nó trên trường quốc tế.
Mang Flappy Bird ra so sánh với Facebook, Apple và các sản phẩm công nghệ của các ông lớn là rất buồn cười, nhưng nhiều đầu báo Việt Nam đã làm như vậy. 
Về cơ bản, Flappy Bird là một sản phẩm nội dung. Sẽ hợp lý hơn nếu so sánh nó với các sản phẩm như Gangnam Style của Psy hay các game khác như Angry Birds hay Clash of Clans.
Đúng là yếu tố may mắn đóng một vai trò quan trọng. Hà Đông đã chia sẻ trên Twitter rằng anh không ngờ Flappy Bird lại thành công đến vậy. 
Nhưng trước đó anh cũng phải đưa ra ý tưởng, lên kế hoạch và thực thi.
Điều này cũng giống với Rovio, hãng đã thất bại hơn 50 lần trước khi Angry Birds ra đời và khuấy đảo thế giới game. 
Hiện giờ Rovio nắm trong tay một loạt các lợi thế mà Angry Birds đã mang lại. Hãng có thể xây dựng một loạt sản phẩm ăn theo hình ảnh của Angry Birds với thú nhồi bông, phim hoạt hình và các phần chơi game tiếp theo.
Điều này có nghĩa rằng với một sản phẩm nội dung, khi bạn đạt được thành công và kiếm lời từ nó, bạn sẽ phải phấn đấu để cho ra lò các sản phẩm tiếp theo để giữ độ nóng, nếu không sản phẩm cũ sẽ dần tự đào thải.
Flappy Bird là một hiện tượng, nhưng liệu .GEARS có khả năng sản xuất được nhiều game vươn lên tầm quốc tế nữa không? 
Điều này thật khó để trả lời ngay. Kể cả Psy – chủ nhân của bài hát có lượt xem khổng lồ trên YouTube cũng chưa lặp lại được thành công của Gangnam Style.
Điều này không có nghĩa "Điệu nhảy ngựa" hoàn toàn có được chỉ nhờ vào sự may mắn, Psy đã bỏ ra nhiều công sức để có được thành công đó.
6. Các nhà đầu tư không mấy khi bỏ tiền vào game
Vì đặc thù phụ thuộc vào lượng người dùng của ngành công nghiệp trò chơi, game rất ít khi nhận được các khoản đầu tư từ bên ngoài. 
Tác giả bài báo trên TechInAsia cho biết ông nhận thấy các nhà đầu tư tại Việt Nam thường lo ngại khi rót vốn vào các công ty sản xuất trò chơi, nhất là những nhà viết game độc lập.
Đơn giản vì không có gì bảo đảm rằng trò chơi khi ra lò sẽ nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền. 
Vì vậy họ chạy theo xu hướng ổn định hơn là đầu tư vào thương mại điện tử, vận tải và các công ty sản xuất, những hình mẫu kinh doanh vốn chứng minh được hiệu quả lâu bền và đã tồn tại trong nhiều năm qua.
Họ hứng thú với một nền tảng có khả năng thu hút khách hàng và cung cấp dịch vụ hơn là một trò chơi nổi lên trong một thời gian ngắn và sau đó biến mất.
7. Flappy Bird nổi tiếng không phải vì nó đến từ Việt Nam
Trong khi tin rằng người Việt Nam có lý do để tự hào vì Flappy Bird, ông cho rằng nguyên nhân dẫn đến thành công của game không phải vì nó đến từ Việt Nam. 
Nói cách khác, nhiều người cho rằng Flappy Bird là dấu hiệu của việc Việt Nam có nhiều nhà viết game tài năng, nhưng tác giả của bài báo cho rằng khả năng này là chưa chắc chắn trong dài hạn.
Nền công nghiệp game Phần Lan nổi như cồn sau đột phá của Rovio và Supercell, thành công này chỉ đến sau khi hai công ty liên tiếp cho ra những đầu game chất lượng. 
Còn Hà Đông hoạt động độc lập, anh là nhà sáng lập đồng quản lý duy nhất của .GEARS. 
Hầu như cộng đồng game không biết đến anh trước khi Flappy mang lại cú thành công chớp nhoáng cho Hà Đông.
8. .GEARS mở đầu cho một dòng game tạo cảm hứng cho thế hệ lập trình viên mới
Rõ ràng, không thể lơ là thành công của Flappy Bird và làng game thế giới vẫn đang phân tích nó một cách kỹ càng. 
Thành công của trò chơi đã chỉ ra nhiều điểm mới của nền công nghiệp game mà cho tới giờ, nói chung các nhà phát triển game lớn còn chưa để mắt tới. 
Đó chính là sự đơn giản, độ khó cao, hơi hướng cổ điển, ít màn chơi và đặc biệt có tốc độ lây lan cực nhanh. 
Chắc chắn chúng ta sẽ còn thấy nhiều trò chơi có những yếu tố trên ra mắt trong tương lai. Và rất có thể, đây sẽ là một làn sóng mới, theo tác giả của bài viết.
9. Hội chứng “ném đá” là rất trẻ con và đáng chê cười
Các bình luận trên Facebook chia ra làm hai phe trong vấn đề. Một bên là những người tự hào vì Flappy Bird đến từ Việt Nam và chia vui với thành công của trò chơi, thậm chí so sánh Hà Đông với Psy hay Justin Bieber.
Phe đối nghịch gồm một nhóm người mỉa mai Flappy Bird và cho rằng tác giả của nó không xứng đáng với thành công ấy.
Những gì phe thứ hai vẫn làm được cư dân mạng gọi chung bằng từ “ném đá", hành động tranh luận hay chỉ trích về một vấn đề mà không đưa ra được luận điểm thuyết phục. 
Tác giả bài báo trên TechInAsia cho rằng đây là một trào lưu rất trẻ con, không mang tính xây dựng. 
“Ném đá” thì rất dễ, vì chẳng cần nghĩ được gì cũng có thể ném, tác giả bài viết nhấn mạnh. 
10. Truyền thông Việt Nam chưa đánh giá hết vai trò của Twitter
Trong cả sự việc, Twitter là kênh liên lạc chủ yếu của Hà Đông với thế giới. Anh không giao tiếp qua blog, Facebook hay ngay cả trang web .GEARS.
Điều này nghe có vẻ châm biếm, vì Việt Nam là nước có tốc độ dùng Facebook tă (ng trưởng nhanh nhất trên toàn thế giới, từ 12 triệu người dùng trong tháng 3/2013 lên hơn 20 triệu người dùng trong tháng 1/2014. 
Tuy nhiên, lượng người dùng Twitter thì chưa hề tăng nhiều.
Trong khi tỷ lệ thâm nhập của Facebook tại Việt Nam là 60% thì con số này ít hơn, chỉ khoảng 20% đối với Twitter. 
Vậy mà nhân vật nổi tiếng nhất Việt Nam bây giờ lại dùng Twitter, và điều này chưa được truyền thông trong nước nhắc đến. 
Liệu sự kiện này có làm tăng lượng người dùng Twitter tại Việt Nam?

LỀ PHƯƠNG (Theo TechInAsia) - bizlive.vn