10/2/14

Từ Flappy Bird đến Flabby Bird


Vào đầu năm mới 2014, một thanh niên Việt Nam tên là Nguyễn Hà Đông, hiện đang sống ở Hà Nội, bỗng nổi đình đám ở tầm toàn cầu, mà sự nổi tiếng không phải chạy theo xe bus hay khoác ba lô.

Nhớ tháng 8-2013, giới trẻ Việt Nam sôi sục vì chàng Vũ Xuân Tiến, được mệnh danh là Running Man, đã chạy 5 km ở Hà Nội, đuổi theo chiếc xe bus chở đội Arsenal, khi đó đang làm khách mời của bóng đá Việt Nam.
Vì chạy theo xe bus mà Tiến được CLB Arsenal mời sang Anh và đến sân Emirates, làm khách mời danh dự, giấc mơ của bất kỳ bạn trẻ nào mê bóng đá.
Một thời gian sau, thế giới mạng lại sôi nổi vì cô Huyền Chíp “Khoác ba lô lên là đi”, chê bai có, khen có, thở dài có, giá mà mình làm được như Huyền.
Màn hình Flappy Bird
Vào đầu năm mới 2014, một thanh niên Việt Nam tên là Nguyễn Hà Đông, hiện đang sống ở Hà Nội, bỗng nổi đình đám ở tầm toàn cầu, mà sự nổi tiếng không phải chạy theo xe bus hay khoác ba lô.
Anh Đông lập trình cho một con chim có tên là Flappy Bird “bay” trên các thiết bị di động iOS và Android, “bắt” hàng triệu bạn trẻ phải đuổi theo chim của anh.
Flappy Bird sử dụng phong cách đồ họa đơn giản, với các gam màu sáng, như những trò chơi từ thập niên 90. Người chơi điều khiển một chú chim bay qua kẽ hở giữa các ống cống màu xanh, và mỗi lần vượt qua như vậy sẽ được tính là một điểm. Trò chơi sẽ chỉ kết thúc khi người chơi phạm lỗi trong việc điều khiển, khiến chú ‘flappy bird’ của mình bị va vào chướng ngại vật.
Theo Tuổi trẻ và nhiều tờ báo nổi tiếng trên thế giới như  Forbes, Huffington Post, Atlantic, Cnet, Time, USA Today, Reuters, PC Magazine, Flappy Bird được Hà Đông phát hành trên Apple App Store từ tháng 5-2013.
Sau một thời gian, trò chơi này đã tạo được một cơn sốt, chiếm hàng đầu danh sách game miễn phí. Hiện nay, mỗi ngày có tới từ 2 đến triệu lượt tải trò chơi này về trên hai loại thiết bị di động iOS và Android.
Trò chơi tuy miễn phí, nhưng quảng cáo trên đó lại không miễn phí. Theo tờ The Vierge phỏng vấn tác giả của trò chơi, chính Hà Đông thừa nhận, mỗi ngày Flappy Bird mang lại cho anh tới 50.000USD do tiền quảng cáo, đủ nói lên câu chuyện thế giới ảo nhưng tiền thật.
Do thành công quá sức tưởng tượng, tiền nhiều, mỗi người “soi” theo góc cạnh khác nhau, từ bản quyền đến trò láu cá, thậm chí nghi ngờ khả năng của tác giả. Có người đoán mò trò chơi đưa ra những like giả, copy ý tưởng trong Supper Mario của Nintendo. Người nổi tiếng nên bị thị phi là chuyện thường tình.
Nghe tin đồn tiền về như nước, một lãnh đạo của Bộ Tài Chính cho biết cơ quan này đã yêu cầu “Tổng cục thuế phải bắt tay ngay vào rà soát để đảm bảo không thất thu thuế cũng như sự công bằng với những người đang nộp thuế khác”.
Do sức ép tâm lý hay không hiểu một lý do nào khác mà ngày 9-2, Nguyễn Hà Đông tuyên bố sẽ chính thức khai tử trò chơi này. Anh viết trên Twitter vào lúc 2:09 giờ sáng ngày 9/2, giờ Việt Nam “trong 22 tiếng tới, tôi sẽ gỡ trò ‘Flappy Bird’ xuống. Tôi không thể chịu đựng nổi nữa.”
Đông cho biết, quyết định này được đưa ra không phải do các vấn đề liên quan đến pháp lý.
Theo USA Today ấn hành lúc 6 giờ sáng Hà Nôi, hiện trò chơi này không còn trên Google Play và Apple’s App Store.
Đối với giới công nghệ thông tin Việt Nam, nhất là giới trẻ, đây là tin buồn và sốc. Tác giả Flappy Bird “chê” lương 50 ngàn đô la/ngày, tương đương với 18 triệu đô la năm. Nếu là chiêu quảng cáo thì cũng là quái chiêu trong giới marketing.
Thế giới hiện có khoảng 900 triệu thiết bị Android và 600 iOS. Nếu trò chơi được hàng tỷ người đưa về thiết bị của mình thì không hiểu doanh thu của Flappy Bird sẽ là bao nhiêu.
Tác giả của Flappy Bird Nguyễn Hà Đông
Nếu Hà Đông ở Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào ở phương Tây, anh sẽ thành triệu phú đô la trong một tháng, giấc mơ kỳ diệu của bất kỳ ai sống trên hành tinh này.
Bạn đọc còn nhớ Gangnam Style của người Hàn Quốc. Từ một bài hát và điệu nhảy mang tính chế giễu những kẻ “Gangnam Style” (phong cách Giang Nam), một lối sống ở khu Gangnam ở Seoul của những người giầu có, sang trọng và quí phái nhưng rất lãng phí. Nhưng bài hát và vũ điệu lại rất quê mùa, mang ý chế giễu trưởng giả học làm sang.
Từ lúc ra đời vào tháng 7-2012, Gangnam Style đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Video Gangnam Style đã có hàng tỷ hít, dẫn đầu trong mọi clip của YouTube.
Tương tự như trò chơi Flappy Bird, Gangnam Style cũng bộn thu bằng những quảng cáo, dù bài hát và vũ điệu lại miễn phí. Đó là cách kiếm tiền trên thế giới ảo, vấn đề bạn phải tạo nên sự khác biệt và sáng tạo không ngờ.
Thế hệ trẻ Việt ta rất có khả năng về toán, tư duy logic, giỏi IT do cần cù, thích làm việc trong im lặng. Nếu biết động viên, khích lệ và có môi trường cho sáng tạo, những Flappy Bird thu tiền tỷ hoàn toàn trong tầm tay.
Nếu là Bộ trưởng Bộ 4T, tôi sẽ đến tận nhà, hỏi han xem Hà Đông có cần sự giúp đỡ về mặt nhà nước. Nếu là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi sẽ miễn thuế cho Hà Đông 1 năm liền để em yên tâm sáng tạo. Em là nguồn cảm hứng cho thế giới trẻ đang bị mất phương hướng nghiêm trọng hiện nay.
Dịp chạy theo xe bus của Arsenal như Running Man không còn, hay “Xách ba lô lên là đi” cũng không đến với nhiều người. Tuy thế, cơ hội trên thế giới ảo là vô tận cho các bạn phát triển tài năng và kiếm tiền như Nguyễn Hà Đông.
Dù hôm nay tác giả có tuyên bố khai tử trò chơi, nhưng tôi có linh cảm, ngày nào đó Flappy Bird tiếp tục bay nhảy để giới trẻ toàn cầu phải đuổi theo chim của người Việt.
Dân IT như Nguyễn Hà Đông không thể ngồi yên ngắm thế giới ảo, vì dòng tweets của anh “Tôi không bán Flappy Bird, tôi vẫn lập trình game”.
Hà Đông quá hiểu, khai tử Flappy Bird – chim nhảy nhót – nó sẽ thành Flabby Bird – con chim nhũn, mất hết ý chí, một tính cách không thể có của dân lập trình chính hiệu.
 Hiệu Minh. 9-2-2014

(hieuminh.org)