(Ba Cang)- Viết về tính “xấu xí” của người Việt chúng ta thời nay, nhiều người đã có các bài viết, đã comment trên báo chí, trên các trang mạng xã hội. Thậm chí có sách về Người Việt xấu xí của Vương Trí Nhàn.
Sở dĩ tôi đề cập đến đề tài này, vì cách đây không lâu dư luận ồn ã về các biển, các tờ dán cảnh báo có chữ Việt ở Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc về tội lấy nhiều đồ ăn ở các cửa hàng ăn tự chọn, về tội ăn cắp hàng trong siêu thị, v.v…
Nay, mới 1-2 ngày đây thôi, lại đến chuyện cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan làm khó người Việt tại cửa khẩu Poipet/Aranyaprathet, biên giới Cam pu chia – Thái Lan.
Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ xin nói về chuyện nhân viên cửa khẩu của Thái Lan yêu cầu phải có 700 đô Mỹ hay 20 ngàn bạt mới cho qua. Mấy tờ đô đó lại còn bị xòe trước webcam nữa chứ. Tôi mà đi du lịch tự túc nếu bị cảnh đó cũng tức, chứ chưa nói tới các vị đi theo tour sẽ bức xúc đến đâu.
Nhưng đây là chính sách của Thái, có nguyên do của nó.
“Trả lời Tuổi Trẻ, bà Chutathip Chareonlar, Giám đốc Văn phòng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tại TP.HCM, thừa nhận thông tin này là đúng sự thật. Cửa khẩu Poipet đề cập ở đây được phía Thái Lan gọi là Aranyaprathet, phòng nhập cảnh Thái Lan đã ban hành quy định về việc khách du lịch nước ngoài khi nhập cảnh Thái Lan phải mang theo số tiền mặt tối thiểu là 700 usd hoặc 20.000 baht, và phải trình ra cho hải quan khi làm thủ tục nhập cảnh nếu được yêu cầu. Quy định này mới được áp dụng cho tất cả du khách nước ngoài khi nhập cảnh Thái Lan theo kiểu visa du lịch chứ không chỉ với du khách VN, do ngày càng nhiều người nhập cảnh Thái Lan dưới hình thức visa du lịch để làm việc sai quy định.
Bà Chutathip Chareonlar cũng cho biết do số lượng người cầm hộ chiếu VN nhập cảnh vào Thái Lan dưới dạng visa du lịch nhưng thật sự là lao động trái phép (không có giấy phép lao động) ngày càng nhiều, gây khó khăn cho việc quản lý của quốc gia nên phòng nhập cảnh buộc phải nghiêm chỉnh trong việc cấp phép nhập cảnh theo quy định (đặc biệt đối với nhóm du lịch tự túc) chứ không có bất kỳ sự phân biệt đối xử hay miệt thị người VN ở đây. TAT chỉ là cơ quan xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, không phải là cơ quan ban hành luật định trên.
Bà Chareonlar cũng thông tin việc yêu cầu du khách phải cầm số tiền 700 USD hoặc 20.000 baht để hải quan chụp lại số xêri được in trên tiền, phòng trường hợp cho người khác mượn lại số tiền đó. Và việc này hoàn toàn trong quyền hạn của hải quan khi làm thủ tục nhập cảnh và du khách nước ngoài (bất kể quốc gia nào) khi được yêu cầu phải tuân theo.”
Dư luận có 2 luồng ý kiến. Loại thứ nhất là phê phán cách làm của phía Thái Lan, là vơ đũa cả nắm, là “gây mất đoàn kết giữa 2 quốc gia”, là “xem thường và xúc phạm du khách người Việt”. Thậm chí có người nói “đó là sự sỉ nhục quốc thể, không thể chấp nhận”, có người còn “hô hào tẩy chay du lịch Thái Lan”.
Nhân đây tôi kể chuyện bạn tôi bị ách lại và phải bỏ vé trong một chuyến bay sang Bangkok của hãng Qatar đầu tháng 3/2014. Anh bạn mới sang Thái sinh sống với người nhà, có giấy tờ hợp pháp hẳn hoi. Nhưng do chưa có visa 1 năm nên anh phải đi qua lại Thái bằng hình thức du lịch. Lần đó anh tự nhiên nghĩ, có thể chỉ mua vé chiều đi, còn chiều về sẽ mua sau. Khi làm check in anh đã bị hãng này không cho đi, đòi hỏi phải có 500 đô nếu không có visa 1 năm. Anh thuyết phục, đưa giấy tờ ra cũng không được chấp nhận. Tiền đô không có, tiền bạt có ít coi như cũng không, chỉ có tiền Việt trong ví và trong thẻ, làm sao xử lý kịp. Vậy là anh lủi thủi quay về Hà Nội, mất toi cái vé hơn 2 triệu bạc, lỡ chuyến bay là lỡ cả công việc. Anh bực lắm, lầu bầu mấy nhân sự người Việt làm việc quá cứng nhắc và thề không đi tàu bay của hãng này nữa.
Loại ý kiến thứ hai, nhắc nhở mọi người bình tĩnh, “không có lửa làm sao có khói”. Tôi đồng tình với bài viết của Minh Thư trên VietnamNet, trong đó có các lý giải và nhận định tương đối thuyết phục:
“Không chỉ một vài con sâu gây ra chuyện này đâu mà là một bầy sâu xấu xa đã làm hình ảnh nước Việt ra nông nỗi ấy.”
“Các công dân những quốc gia Afghanistan, Algeria, Bangladesh, Iran, Iraq, Hàn Quốc, Pakistan, Sri Lanka, Sudan, Saudi Arabia” và VN... có thể bị thẩm vấn.
“Trở lại chuyện người Việt sang Thái. Tôi từng nghe nhiều người có con em làm việc bên Thái Lan tiết lộ, chỉ cần bỏ 5 triệu là có người dẫn sang làm việc ở bên đó, rẻ hơn đi Hàn Quốc, Malaysia rất nhiều mà lại dễ dàng. Tất nhiên là đi theo đường tiểu ngạch, làm việc chui. Không ngoại trừ nhiều người đi bằng đường du lịch rồi trốn ở lại.”
Đáng chú ý có phát biểu của ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN (VITA) kiêm Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành VN (VISTA), ”khi trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, khẳng định đây là một quy định quá thô thiển. “Chúng tôi sẽ có văn bản gửi Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tại VN yêu cầu giải thích vì sao lại có quy định kỳ cục này” - ông Bình nói.”
“Theo ông Bình, quy định này xét ở khía cạnh nào cũng rất vô lý bởi không phải du khách nào ra nước ngoài cũng mang theo nhiều tiền mặt, thay vào đó họ mang thẻ thanh toán quốc tế vừa an toàn vừa tiện lợi, chưa kể có những du khách đi theo tour nên không nhất thiết mang theo nhiều tiền mặt. “Buộc các du khách phải mang theo một khoản tiền mặt khi vào Thái Lan là hoàn toàn sai, vì nếu du khách đã mua tour (đã trả tiền trọn gói cho việc ăn, ở, đi lại, bảo hiểm...) thì mang theo bao nhiêu tiền là quyền của họ, sao lại có quyền hỏi” - ông Bình nói.”
Cón tôi, người viết bài này, năm ngoái đã đi từ Bangkok một vài chuyến đến các cửa khẩu khác của biên giới Thái Lan – Cam pu chia, cửa khẩu Ban Laem (Chantaburi), cửa khẩu Ban Pakard (tỉnh Trat). Tôi đã chứng kiến cảnh người Việt làm chui bên Thái, đến thời hạn một tháng là rủ nhau đến với dịch vụ đóng dấu xuất nhập cảnh. Có nhiều hôm người Việt đi đông như trẩy hội. Qua đó, chứng tỏ chính quyền Thái và cả chính quyền Cam pu chia tại các cửa khẩu này, đâu có làm khó dễ cho người Việt.
Bản đồ các tuyến du lịch đường bộ qua các cửa khẩu Thái Lan – Cam pu chia. Ảnh: Internet
Tôi xin trích tiếp một số đoạn trong bài viết của Minh Thư. Có nhiều người “tìm được việc làm tử tế hay muốn làm việc tử tế, nhưng họ vẫn phải sống chui lủi, né cảnh sát, nhà chức trách. Còn nhiều "thành phần" sang đây lừa đảo, trộm cắp, bán dâm...”
“Hành khách đi đường hàng không cũng không đến nỗi bị hành kiểu đó đâu. Chỉ một vài trường hợp họ nghi vấn thì mới hỏi kỹ hơn thôi.”
“Tóm lại là, tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Người Thái vốn nổi tiếng là hiền hòa hiếu khách cũng có những động thái như thế này thì ta phải xem lại mình trước đã.”
“Tôi cho rằng việc Hải quan (đúng ra là cơ quan xuất nhập cảnh – Ba Cang) Thái bắt trình 700 đô hay 20.000 bạt mà ngăn chặn được những trường hợp vào Thái rồi làm xấu hình ảnh người Việt trên đất Thái thì cũng đáng lắm. Tôi ủng hộ.”
Tôi tâm đắc với câu chốt của Minh Thư: “Có nghiêm khắc với bản thân mình thì hình ảnh của người Việt trong con mắt bạn bè quốc tế mới khá lên được, đi ra nước ngoài mới có tâm thế đàng hoàng không bị săm soi, xét nét. Đừng để phải tủi nhục khi xưng là người Việt trên đất khách.”
Thực tế có nhiều con sâu đã làm rầu nồi canh. Nhưng người Việt tốt, người Việt “đẹp” ở Thái nhiều lắm. Bà con Việt kiều Thái được nhà nước và dân Thái tôn trọng. Du học sinh Việt tại Thái được đánh giá là ngoan, học khá, học giỏi. Những người Việt sang lao động chui, số đông là chịu khó và tuân thủ pháp luật Thái.
Nhiều ý kiến đề xuất, các cơ quan chức năng có liên quan của 2 quốc gia cần thống nhất việc tạo thuận lợi cho du khách Việt Nam.
Tôi xin kể thêm câu chuyện mới xảy ra tuần trước, người trong cuộc chính là tôi. Trên chuyến bay Bangkok-Hanoi ngày 02/5/2014 của hãng Vietnamairlines, máy bay đã hạ cánh, trong lúc đi ra tôi phát hiện trên hàng ghế trước tôi có một chiếc ví màu đen. Tôi nhớ mấy khách bay ngồi hàng ghế đó là người Nhật, 3 bạn trẻ gồm 2 nam 1 nữ, cười nói vui vẻ suốt chặng bay. Vào khu vực làm thủ tục nhập cảnh không thấy họ đâu, tôi loanh quanh khu vực làm thủ tục transit mới thấy họ. Sở dĩ tìm được đúng người vì chi tiết ngồi hàng ghế đó có một anh khi đứng lên có đội mũ phớt. Anh rơi ví mừng quá, bắt tay tôi cảm ơn rối rít. Từ khi nhặt được cho đến lúc đó tôi cũng chẳng cần biết trong ví anh ta có những gì. Ở Hà Nội, tôi đã 2 lần bị mất tài sản do rơi từ túi quần lúc ngồi trên taxi. Một lần mất ví có giấy tờ cá nhân và nhiều tiền để chuẩn bị đi thăm người nhà ốm nặng. Sau đó một thời gian, có người đem trả cho tôi giấy tờ, còn tiền thì không. Một lần khác mất máy ảnh, vừa chụp với một đoàn đối tác nước ngoài. Lần này thì mất hoàn toàn, tuy hãng taxi ghi nhận có chuyến xe đó. Tôi lập tức nhớ lại cảnh mình khổ sở khi bị mất đồ như thế nào, và tôi hình dung anh bạn trẻ người Nhật chắc cũng sẽ như vậy. Tôi đã làm một việc tốt hết sức thầm lặng. Mà đây là một việc tốt với mong mỏi, ít nhất, mười mấy người Nhật trong chuyến bay đó, chứng kiến chuyện này, sẽ nghĩ tốt về người Việt chúng ta. Tôi đã không định kể cho ai cả, nhưng chuyện người Việt bị mang tiếng, bị phân biệt đối xử như kể ở trên, đã thôi thúc tôi hôm nay nói ra, dù là tự khen mình. Bởi vì người Việt ta, xã hội ta vẫn có rất nhiều người tốt, người không “xấu xí”. Đơn giản vậy thôi.
Ba Cang