15/11/14

Nga ra giá, Ukraine kêu cứu, EU tiến thoái lưỡng nan


(Datviet)- Để cải thiện quan hệ, phương Tây phải gỡ bỏ trừng phạt với Nga, còn Ukraine, họ đang nhờ cả thế giới cứu mình.
Nước Nga mặc cả
Ngày 12/11/2014, cả Ukraine và phương Tây xôn xao về việc Lugansk tuyên bố chuẩn bị trưng cầu dân ý để sáp nhập vào nước Nga. Dù lãnh đạo Lugansk đưa ra tuyên bố sau đó rằng đó chỉ là "tin vịt", nhưng phải một ngày sau, lời đính chính mới được phát đi.
Quãng thời gian một ngày đó, dù vô tình hay hữu ý cũng giúp cho ly khai và Moscow gửi đi một thông điệp: Họ hoàn toàn có thể biến tin vịt ấy thành sự thật, như những gì mà Nga đã làm với Crimea.
Moscow đã có thể nhắn nhủ với phương Tây: hãy nhìn vào Crimea và có những bài học cho mình. Và bản thân Mỹ hay EU đã có thêm một khái niệm mới trong lịch sử quan hệ quốc tế của mình với cụm từ "kinh nghiệm Crimea".
Tin vịt ấy làm tình hình Ukraine xấu đi, nhưng lại làm cho giá trị của ly khai và nước Nga được tăng lên trên bàn đàm phán. Và tất nhiên, Nga cũng không quên ra giá cho mình. Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang xấu đi trầm trọng, nó khiến những người bi quan tin rằng Chiến tranh lạnh của thế kỷ 21 đã bắt đầu.
Xe tăng của quân ly khai di chuyển trên một tuyến đường sát ranh giới do quân đội Ukraine kiểm soát
Tuy nhiên, phương Tây, đặc biệt là EU không hề muốn cuộc chiến này diễn ra. Thế giới đang đa cực và dù mâu thuẫn về chính trị, các quốc gia tư bản này vẫn có những hợp tác kinh tế và sinh ra nhiều lợi nhuận. Những biện pháp trừng phạt kinh tế EU áp dụng vào Nga, và trả đũa Nga áp dụng với nông sản EU đã đủ để hai bên thấy rằng kinh tế đang chịu thiệt thòi vì toan tính chính trị.
Cuộc khủng hoảng Ukraine là yếu tố trực tiếp dẫn đến việc đẩy mâu thuẫn giữa hai bên lên cao trào. Và hiện tại, Nga đang có phần chiếm thế thượng phong. Có thể Moscow không có ý định sáp nhập miền Đông Ukraine, nhưng đó là lời cảnh báo có sức nặng.
Và để chấm dứt toàn bộ câu chuyện này, Moscow tự tin ra giá. Bên lề hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Myanmar hôm 13/11, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố: "Xóa bỏ các biện pháp trừng phạt để đưa quan hệ Nga - phương Tây hướng tới một trật tự hợp tác thông thường, quay trở lại các cuộc đàm phán hữu hiệu."
Điều này đồng nghĩa với việc, muốn Nga hay ly khai ngồi vào bàn đàm phán, phương Tây phải tỏ ra tích cực. Moscow muốn nhìn thấy một sự xuống nước từ Mỹ và EU. Bằng không, cục diện cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra đúng lộ trình: nội chiến, ly khai mở rộng lãnh thổ, lợi ích phương Tây thu hẹp. Và quan trọng, EU sẽ phải đổ tiền để cứu lấy Ukraine và nuôi cuộc nội chiến đẫm máu và tốn kém ấy.
Chiến sự vẫn diễn ra ác liệt tại Donestk

Như phụ họa cho lời ra giá của Nga, chính quyền Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng bắt đầu xúc tiến việc thành lập nội các chính phủ. Người đứng đầu Donetsk qua bầu cử, ông Alexander Zakharchenko đã triệu tập cuộc họp của những người đứng đầu và công bố danh sách ứng viên cho 16 vị trí bộ trưởng.
Nó cho thấy quyết tâm rời khỏi sự quản lý của chính quyền Ukraine thân phương Tây và tìm kiếm những quyền lợi cho cộng đồng của mình.
Ukraine kêu cứu
Ngược lại với sự ra giá trịnh thượng của Nga, Ukraine lại phát đi thông điệp hoàn toàn trái ngược. Họ gửi đi những lời kêu cứu thống thiết.
Ngày 12/11/2014, khi tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đang mở ra cuộc họp lấy vấn đề Ukraine làm trọng tâm thì ở Kiev, Thủ tướng Yatsenyuk đã phát đi thông điệp kêu gọi thế giới hãy chung tay giúp Ukraine giành lại hòa bình.
Ông Yatsenyuk tố cáo Nga và ly khai là người đã phá hoại Thỏa thuận Minsk, khi đáng ra thỏa thuận này phải được nghiêm túc thực hiện với những thái độ tích cực từ hai bên nói trên.
"Tất cả những gì cần làm để tình hình xuống thang Kiev đều đã làm tất cả. Điều này chắc chắn Hội đồng bảo an LHQ và OSCE đều đã biết. Ai cũng biết có những "vạch đỏ", mọi hành động vượt quá sẽ phải nhận những biện pháp trừng phạt thích đáng." - Thủ tướng Yatsenyuk gửi lời cảnh báo.
Đồng thời, ông cũng kêu gọi trực tiếp đến Liên hợp quốc: "Đất nước Ukraine mong muốn hòa bình trở lại. Để làm được điều này, cộng đồng thế giới cần có những hoạt động quyết liệt hơn nữa."
Tuy nhiên, Ukraine đã thực sự nghiêm túc nghĩ đến những vấn đề hòa giải, hòa hợp sắc tộc trên đất nước này? Khi sau cuộc bầu cử, bản thân Trợ lý Tổng thư ký LHQ, ông Jens Anders Toyberg-Frandzen yêu cầu Kiev cần phải nhanh chóng có những cuộc đối thoại với phe ly khai và Quốc hội mới bầu của nước này cần có những cam kết cải cách chính trị, luật pháp, kinh tế một cách toàn diện.
Thủ tướng Yatsenyuk kêu gọi cộng đồng thế giới hãy cứu lấy hòa bình Ukraine

Tuy nhiên, những gì Quốc hội Ukraine thông qua là cắt quy chế đặc biệt cho những khu vực đang bị ly khai chiếm giữ. Hành động này đã như một lời khẳng định sẽ không có thêm đàm phán. Bản thân Thủ tướng Yatsenyuk cũng khẳng định, sẽ không để một bóng khủng bố nào tồn tại trên đất nước họ. Chỉ có điều, "khủng bố" ở đây là những người ly khai mang sắc tộc Nga. Và họ đang chịu một cuộc thanh lọc sắc tộc được phát động từ chính những người nắm quyền ở Kiev.
Nếu Kiev yêu cầu Nga và ly khai có những hành động tích cực để tôn trọng Thỏa thuận Minsk, thì họ cũng phải có những hành động đối đáp tương tự. Lời kêu cứu này của Kiev dường như được truyền tải trực tiếp đến Mỹ và EU mà thôi.
Hãy cứu lấy Ukraine, sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này. Để làm được điều đó, phải chống khủng bố, và cuộc chiến ấy, Kiev cần sự đầu tư kỹ lưỡng hơn từ phương Tây.
Hai từ "trừng phạt" mà Thủ tướng Yatsenyuk nói đến khiến người ta liên tưởng đến một từ khóa rất nhạy cảm trong mối quan hệ phương Tây - Nga: trừng phạt kinh tế. Gia tăng trừng phạt Nga, bơm tiền giúp Ukraine trả nợ và nuôi chiến phí, là những thông điệp mà Kiev thực sự muốn gửi tới quốc tế.
Và bây giờ, Mỹ dường như đã yên ổn rút chân mình ra khỏi bãi lầy Ukraine. Người phải chịu trách nhiệm cao nhất lúc này là EU. Châu Âu đang phải đứng giữa hai sự lựa chọn, hoặc đáp lời ra giá của Nga, hoặc hưởng ứng lời kêu cứu của Ukraine.
Còn để cân bằng được hai sự lựa chọn đó, quả thực đang ngoài khả năng của EU. Câu trả lời của châu Âu sẽ được quyết định vào tuần tới, khi họ có một cuộc họp đặc biệt dành cho vấn đề Ukraine.
Đỗ Minh Tú - baodatviet.vn