27/5/15

Bình thơ CÔ LÁNG GIỀNG

(Ba Cang)- Không phải là nhà phê bình thơ, nhưng cái máu thích thơ (chưa tới mức yêu thơ, he he) cứ thúc giục tôi phải viết vài câu gì đó về CÔ LÁNG GIỀNG của Còi Dí – nick name FB
của một tác giả thơ không chuyên, dân dã, người xứ Thanh nơi có những câu hò “Dô tả, dô tà” và “ế dô khoan là dô khoan huầy khoan hò khoan”(1) ngây ngất.

CÔ LÁNG GIỀNG
(Cô láng giềng về nhà chồng cách dậu mồng tơi -  Cam VuNgoc)
Lấy chồng cách dậu mồng tơi
Em sang sông để lại tôi thẫn thờ
Bỏ mặc tôi với câu thơ
Với nhung nhớ với đợi chờ bao đêm
Trăng rơi tôi ngó qua rèm
Vỡ vụn em với môi mềm hôm nao
Tóc dài ngơ ngẩn búi cao
Trắng ngần mơ ước tôi nao nao lòng
Gió lùa se lạnh môi hồng
Em về bên ấy chạnh lòng bên tôi
Vuông tròn đưa đẩy chia phôi
Xót lòng sao để trăng rơi bên thềm
Sương khuya có ướt tóc em?
Giọt thương giọt nhớ ướt mèm... cả tôi
CD

Tôi kết bạn FB với Còi Dí chưa lâu, nhưng cũng đã 3 năm rồi, đã trộ được năng lực thơ của bạn. Tôi cùng Còi Dí, cũng như với một số bạn FBer khác đã từng “phọt thơ”(2) để còm với nhau, rất nhanh và rất vui. Đó là những đoạn thơ dạng “Bút Tre” hoặc na ná, chỉ để còm cho vui, vô thưởng vô phạt. Với tôi, gần như thơ chỉ dừng ở mức độ đó. Nhưng bạn Còi Dí thỉnh thoảng lại cho ra lò trên FB một số bài thơ tình (tình nam nữ, tình gia đình, tình quê hương đất nước…) cũng được lắm. Còi Dí cứ đều đều như vậy và trở thành người hay thơ, biết làm thơ. Thơ Còi Dí có nét duyên, chân tình như tính cách của bạn, nên hấp dẫn nhiều bạn FB.
Cho đến bài này - CÔ LÁNG GIỀNG, tôi thực sự bất ngờ và xúc động. Bạn mình – như em gái mình, xuất thần viết được bài hay như vậy. Bạn cũng như bao người phụ nữ khác, bận việc kiếm sống, việc gia đình (nhiều lúc còn phải nịnh chồng, cứ xem ảnh trên FB thì biết, he he), mà vẫn dành được những khoảng thời gian quý cho thơ.
Tôi đã đọc đi đọc lại vài lần bài thơ này. Tôi cũng đọc hết cả các comments nữa, toàn là lời khen và khâm phục, bởi vì bài thơ thật rung động lòng người.
Ảnh minh họa: Internet.
Từ ý thơ trong bài thơ VIỄN XỨ? của FBer Cam Vu Ngoc, chỉ nói về khung cảnh sinh hoạt gia đình, Còi Dí đã sáng tạo bối cảnh khác hẳn và thật thi vị. Bài thơ chỉ có hai nhân vật, “em” - nàng hàng xóm, người yêu cũ của nhân vật “tôi”. Họ đã từng yêu nhau, điều đó là chắc chắn rồi, vì đã “với môi mềm hôm nao”, he he. Nàng bất chợt, có lẽ vậy, “sang sông”, dù nhà chồng chỉ “cách dậu mồng tơi”. Cụm từ “cách dậu mồng tơi” có thể là nguyên nhân chính gây cảm hứng cho Còi Dí sáng tác CÔ LÁNG GIỀNG. Nó cũng là cụm từ duy nhất Còi Dí lấy ở bài thơ kể trên của FBer Cam Vu Ngoc. Ở đây cần giải thích thêm, cụm từ “sang sông” Còi Dí dùng thật đắt, thật bạo tay. Nhà ngay bên, mà lại sang sông (với nghĩa đen), có bạn còm sỹ đã hỏi với ý như vậy. Người yêu đi lấy chồng, có khác gì đã “sang sông” (nghĩa bóng), thật sự xa cách rồi, “để lại tôi thẫn thờ”. Thêm nữa, nàng “Bỏ mặc tôi với câu thơ, Với nhung nhớ với đợi chờ bao đêm”. Mạn phép được gợi ý, kể ra nếu sửa “Với nhung nhớ với đợi chờ bao đêm” thành “Nỗi nhung, nỗi nhớ đợi chờ bao đêm” chẳng hạn, câu thơ sẽ mềm hơn và dễ đọc hơn.
Tiếp nữa, ơn “trăng rơi” nên chàng “tôi” mới “ngó” được “qua rèm”. Chính vì “ngó” được, làm tim chàng đau nên gây cảm giác hình bóng em và nụ hôn “hôm nao” của em “vỡ vụn”. Cái đau đã làm cho chàng ngơ ngẩn nhìn tóc nàng búi cao, chứ không phải nàng “ngẩn ngơ’, rồi “nao nao lòng” chỉ vì cái mơ ước “trắng ngần” không thực hiện được.
Cái đau chưa hết. Đang hè, nắng tháng 5 ở tỉnh Thanh mấy ngày vừa rồi cũng cỡ 35-38oC, mà Còi Dí tạo ra “gió lùa se lạnh” không phải cho “môi hồng” của nàng “em” đâu, mà là cho chàng “tôi”, làm chàng rùng mình ớn lạnh bởi nỗi cô đơn “chạnh lòng bên tôi”. “Kinh chưa”!(3) He he.
Rồi nữa, số phận đã “”đưa đẩy chia phôi”, chàng tiếp tục đau, “xót lòng” và trách cứ số phận “sao để trăng rơi bên thềm”. “Trăng rơi” là tan tành, là nát vụn…
Cái đau nó hành tiếp chàng, làm chàng vẫn còn ngẩn ngơ cho tới lúc “sương khuya”, chàng vẫn còn đang nhớ nàng, thương nàng, lo cho nàng “sương khuya có ướt tóc em”, để rồi chàng bị dầm sương hay khóc cũng vậy thôi, tới mức “giọt thương giọt nhớ ướt mèm… cả tôi”.
Ghi chú:
(1)   Lời bài hát Hò sông Mã.
(2)   “Phọt thơ” – một động từ rất mạnh của bạn FBer Lê Hồng Hạnh, gái Kon Tum, gốc Bình Định, nổi danh “mồm mép tép nhảy” và cũng hay thơ lắm. He he.
(3)   Tác giả Còi Dí, phải chăng thời thanh nữ có “kinh nghiệm trường tình” nên mới họa được những câu thơ ướt át và đa sầu đa cảm như vậy? Nếu không phải vậy, làm sao viết nổi Bỏ mặc tôi với câu thơ, Với nhung nhớ với đợi chờ bao đêm”? (Liều mạng hỏi thế, dễ bị la mắng lắm đây. Xin anh xã Còi Dí, chớ có GATO, vì ý này hơi bị… đoán mò. He he).

Ba Cang

27/5/2015