(Ba Cang)- KỲ 2
PHẦN 2 - CỐT TRUYỆN LY KỲ VÀ HẤP DẪN
PHẦN 2 - CỐT TRUYỆN LY KỲ VÀ HẤP DẪN
Viết về truyền thuyết ở ta và thế giới thì nhiều lắm. Riêng cùng tác giả Tô Hoài, ngoài Đảo Hoang, đã có Chiếc nỏ thần, Nhà Chử (truyện), Ông Gióng, Thạch Sanh, Sự tích Thăng Long (kịch bản phim)…
Như nhà văn Tô Hoài viết ở phần Lời dẫn, nội dung của Đảo Hoang được xây dựng trên cơ sở tham khảo Truyện dưa hấu trong Lĩnh Nam Chích quái do Trần Thế Pháp sưu tập (chỉ có 446 từ) và ấn phẩm của một số tác giả khác cùng đề tài[1]. Cốt truyện của nó bám theo truyền thuyết, nhưng được phát triển thành tiểu thuyết bởi sự sáng tạo của tác giả.
Trước hết xin xem phần tóm tắt câu chuyện hấp dẫn về truyền thuyết quả dưa đỏ và Mai An Tiêm.
1. Mai An Tiêm chỉ huy khẩn hoang và trị thủy vùng Bãi Lở
Thủ lĩnh vùng Bãi Lở[2] là quan lạc tướng Mai An Tiêm[3]. An Tiêm là một nô bộc gốc nước ngoài, được vua Hùng mua từ lúc 7-8 tuổi. Do thông minh, có nghị lực, xốc vác, nhanh nhẹn, làm được việc, nên chàng trai trẻ được vua Hùng yêu mến, ban cho chức tước, rồi ban cho tì thiếp làm vợ. Vợ ông có tên là Nàng Hoa, con trai đầu là Mon và thứ nữ là Gái.
Ba cái tên này là do Tô Hoài đặt. Tại sao có tên là Nàng Hoa, chắc nàng thùy mị và duyên dáng như một bông hoa nào đó? Với tên người con thứ hai là Gái có vẻ đẹp và dung hạnh của con nhà lành dễ hiểu bao nhiêu, thì với tên con trai đầu là Mon khó đoán bấy nhiêu, thể hiện cái chủ tâm gây tò mò cho người đọc của nhà văn? Hoặc giả cái tên Mon sẽ luôn gợi nhớ cho An Tiêm gốc tích của mình?
“Năm ấy, nước sông Cái[4] đỏ ngầu, lên to. Con sông đương xói nghiêng về một phía, lở ầm ầm, cứ đến mùa nước lại khủng khiếp đổi dòng. Vốn là con sông dữ, nó như con trăn vùng lên, cuốn vào lòng những làng xóm, những đồi nương, những cánh rừng, cả trâu, cả người. Và dòng nước chướng cứ mỗi năm một hung hăng quẫy về hướng kinh đô”.[5]
“Mưu sĩ tâu:
- Bỗng dưng loài trâu nước bồn lên, húc lở bờ cõi là điềm gở. Phải yểm cho nó chết đi mới được!”[6]
Nhà vua lựa chọn quan đi “đánh trâu nước phá đất”. An Tiêm xin đi và được vua tin tưởng chỉ định. An Tiêm huy động dân làng lấy đá khu vực núi Tản Viên, núi Tam Đảo ném xuống những khúc sông lở nhiều. Công cuộc này trải qua ba năm, sông dữ đã bị đổi tính, đổi nết.
“Tiếng tốt theo dòng loang đi. Con sông Cái dài rộng mênh mang chảy ngang qua đất nước, đâu đâu cũng nức lời đồn quan lạc tướng An Tiêm tài giỏi trị được trâu nước, trâu thần, lập nên cõi Bãi Lở. Đất lành chim đậu, người các nơi kéo đến lập nghiệp mỗi ngày một đông và mỗi năm Bãi Lở một khang trang, tốt tươi hơn”.[7]
Năm trang miêu tả, đủ độ lớn cho cuộc chiến chống “trâu nước” của người dân Bãi Lở cùng thủ lĩnh Mai An Tiêm.
Với nội dung này cùng với nội dung về giai đoạn gia đình An Tiêm sống trên đảo hoang, tiểu thuyết Đảo Hoang khác hẳn với các truyện khác tuy cùng đề tài về Mai An Tiêm nhưng chỉ đơn thuần xoay quanh sự tích quả dưa hấu.
Có lẽ dụng ý của Tô Hoài khi đặt tên sách là Đảo Hoang là ở chỗ, để vượt qua được cuộc sống cô độc, khắc khổ, hiểm nguy trên đảo hoang, An Tiêm đã có cái gốc là cuộc sống bươn chải thuở nhỏ, có bản lĩnh, tài năng phi thường từ thời trị thuỷ thành công và cuộc sống lao động đầy thành quả ở vùng Bãi Lở khi trước. Có thể nói, đó chính là một trong các điều kiện cần và đủ để An Tiêm trở thành nhân vật huyền thoại.
Cái triết lý sâu xa và logic trong bố cục truyện này thể hiện tài năng của cây bút tiểu thuyết sắc sảo Tô Hoài.
2. Hội nấu cơm thi
Khung cảnh lễ hội được giới thiệu ngay từ trang đầu của truyện. Lễ hội diễn ra tại kinh đô ở vùng Phong Châu nước Văn Lang ta thời các Vua Hùng. Dân từ 15 bộ[8], ở gần như Ninh Hải, Dương Tuyền, ở xa như Hoài Hoan, Lục Hải, lũ lượt kéo về kinh đô trẩy hội. Năm nay có thêm vùng đất mới Bãi Lở được tham dự lần đầu.
Nội dung phần hội là ba cuộc thi: thi nấu cơm, thi đấu vật và thi cỗ nén.
Các làng, rồi các bộ tổ chức thi đấu với nhau theo hình thức vòng loại, hai đội giỏi nhất được về kinh thành thi trận chung kết. Riêng vòng loại đấu vật được thực hiện tại kinh đô.
Hiệu lệnh thi đấu theo tiếng trống, cồng, chiêng.
Đối với hội thi nấu cơm, “đội thắng năm trước ăn một điều lợi, được ra bãi sửa soạn trước”[9]. Cơm đây là cơm bình thường nhưng phải khéo nấu, thi mà. Cơm nấu bằng niêu đất. Bếp là ba ông đầu rau bằng đất. Toán nam, toán nữ thi nấu riêng.
Quan giám khảo chấm và phân định đội thắng đội thua tại chỗ. Bỏ qua không tả vòng loại của hội thi, Tô Hoài tập trung cho hai đối thủ thi trận chung kết là toán cõi Ất, địa phương đã chiến thắng nhiều năm trong 15 bộ và toán Bãi Lở mới tham dự lần đầu. Kịch tính là chỗ đó.
2.1. Nam nấu cơm thi trước, gồm 2 đợt.
Đợt đầu, toán thi gồm một chính, một phụ. Sau khi lấy nước ở giếng, quay về, vừa đi nhanh như chạy vừa vo gạo. Lệ thổi cơm thi có hai điều nghiêm ngặt: ”thổi khéo không được đảo, không ghế, không vần, phải giữ đượm lửa để lúc nước sôi tra gạo thế nào thì cả niêu cơm đến lúc chín đều vẫn nguyên thế” và ”không được che gió”[10]. Bố con An Tiêm cùng tham gia và đã thắng trận này. Có một chi tiết rất hay, trước trận đấu thấy bé Mon loắt choắt, mới mười tuổi, phụ cho người lớn, người xem tứ xứ có vẻ cười nhạo: “Hết người hay sao mà phải cho trẻ thò lò mũi ra thế kia! Cánh Bãi Lở phen này đến trôi ra sông Cái về Bãi Lở mất thôi"[11].
Đợt sau, chỉ một người tham gia và lại là An Tiêm. Người thi ngồi trong thuyền thúng, nhoài tay nấu cơm trên gò cỏ. ”Lửa vừa vạc, coi như cơm cũng vừa chín. Anh chàng Bãi Lở nhún chân nhảy nhẹ lên bờ, mời các quan ra chứng kiến. Lúc ấy, người thổi cơm toán cõi Ất mới đương quềnh quàng quấn bùi nhùi đốt niêu cơm. Chợt cơn gió chúi đến, đẩy thuyền ra. Người thổi cơm cong lưng luýnh quýnh nghiêng vào. Chẳng may, với xa quá, cả người rơi tõm xuống nước, mất giải”.[12]
Như vậy bên nam Bãi Lở thắng nam cõi Ất 2-0.
2.2. Thi nấu cơm của toán nữ, cũng làm hai đợt.
Đợt đầu, thi cá nhân trước, một chính, một phụ. Lần này, thấy bé Gái phụ cho mẹ - Nàng Hoa bên Bãi Lở, người xem không dám cười nhạo nữa. Điều đặc biệt và khó của cuộc thi này là ở chỗ: “Mỗi người phải địu trên lưng một đứa trẻ lạ chưa đầy tuổi tôi mà không quen hơi. Bên cạnh để một chiếc rổ sảo, trong có hơn chục con ếch to. Đàn ếch nhốn nháo nhảy nhô nhốp tròng trành cái rổ. Chỉ nhỡ cái rổ trành quá, nghiêng đi, ếch sẽ chồm ra hết. Mà lệ cấm người phụ không được làm hộ. Ai thổi cơm thì người ấy phải vừa chăm bếp, vừa dỗ đứa trẻ trên lưng, vừa giữ cho cái rổ sảo đựng ếch không có mẹt đậy khỏi nghiêng”.[13]
Không biết trên thế giới có cuộc thi nấu cơm nào khó như vậy không?
Kết quả thi thế nào?
“Quan chủ khảo đến bếp Nàng Hoa. Nhấc cái rổ, lũ ếch giở chứng, bỗng nhiên ngoan ngoãn kia vẫn ngồi chồm chỗm, trô trố nhô lên đủ mười bốn cái đầu đen trũi, bóng nhẫy. Bé con địu trên lưng thì đương giụi mắt muốn ngủ. Nàng Hoa hơi cúi, chân đứng chéo nhún gối tựa đưa võng ru em bé. Tưởng được võng đưa, em bé thiu thiu vào giấc ngủ. Cơm ai chín mà trẻ không khóc, ếch không nhảy ra mất con nào thì quan chủ khảo cho nổi trống lên. Tiếng trống chấm giải trước nhất tưng bừng vang đi từ bếp Bãi Lở”.[14]
Còn đối thủ của Nàng Hoa: ”Cháu gái quan lạc tướng bộ Hoài Hoan ở bếp đằng kia nghiêng tai nghe. Tiếng trống mới nổi đằng bếp ấy, ả đã quỵ xuống, ngất đi. Đổ cả niêu cơm. Đứa bé bị vập đầu, khóc ré trong địu trên lưng. Thế là đàn ếch nhảy tứ tung”.[15]
Đợt hai, cuộc thi nấu cơm với mỗi bên 10 cô gái.
”Mười cô gái ấy vừa đi vừa vo gạo, đánh bùi nhùi, bắc đầu rau, nhóm bếp thổi cơm trên cái phên tre. Lúc bước hụt, cái phên đảo đi, giựt lên ngang mặt. Lúc ấy phải khéo uốn người sao cho khỏi đổ. Rồi lại rảo chân lên kịp đều hàng”.[16]
Mười cô gái Bãi Lở về nhất ở cuộc thi này. Rốt cuộc, bên nữ Bãi Lở không thua kém phái nam đồng hương, cũng thắng nữ cõi Ất 2-0.
Cái dí dỏm và thâm thúy khi tác giả tả cảnh kết thúc cuộc nấu cơm thi: ”Cả vùng Phong Châu sôi nổi mừng Bãi Lở. Lúc ấy, ả cháu gái quan lạc tướng bộ Hoài Hoan vừa hồi tỉnh, mặt hãy còn xanh lét, lại lăn ra, ngất đi lần nữa”.[17]
Như vậy ta thấy rằng, các anh hùng của truyện (cả gia đình 4 người của Mai An Tiêm) đều tham gia thi và đều thắng cuộc như đã kể ở trên.
Ở nước ta có nhiều hội thi nấu cơm: hội Thị Cấm (Từ Liêm, Hà Nội), hội Từ Trọng (Hoàng Hóa, Thanh Hóa), hội Hành Thiện (Nam Định), hội Làng Chuông (Hà Tây cũ)[18], hội của các làng, xã tỉnh Vĩnh Phúc[19]. Hội thi trong truyện Đảo Hoang có lẽ được Tô Hoài tham khảo từ hội thi nấu cơm của làng Chuông (Hà Tây cũ), nhưng có độ khó vào loại nhất, mặc dù tác giả không cho thêm công đoạn làm gạo (xay thóc, giã và sàng gạo).
3. Thi đấu vật.
Môn đấu vật bắt buộc phải có ”đấu rờn, đấu bỏ”, tức thi vòng loại như bây giờ.[20]
Có một quy định hay, do về hội lần đầu nên hai mươi đô của lò Bãi Lở phải đi khắp các sới, chạm trán với đủ các lò.
”Đô tài giỏi các lò, chỉ mới đụng đến đô Bãi Lở, cùng lắm cũng chỉ chịu được hai lần tỳ cổ tỳ vai và một miếng quét đã phải lăn ra, không ai đứng được trước mặt họ”.[21]
Riêng An Tiêm đã đấu tám trận. Đô nhí Mon được đứng cạnh bố trên đài, dáng vẻ con nhà nòi.
Ở vòng chung kết, lò Bãi Lở thắng năm trận liền. Trận cuối cùng (chung kết), còn ai khác ngoài An Tiêm, vẫn là đại diện cho lò Bãi Lở đấu với đương kim vô địch lò cõi Bính.
Một trận đấu quá đặc biệt. Hãy xem tác giả tả cảnh đấu sẽ rõ.
“Thế mà chớp nhoáng quá. Có người còn đương ngơ ngác, chưa kịp trông, hoặc tưởng mình trông nhầm hay sao ấy. Lạ không, rõ ràng hai đô vừa vào sới, vươn cái lưng to bè như cánh phản, đương vờn lượn mình, cùng móc tay rồi múa lên đình. Bài múa lên đình trang trọng, ngón tay vui mừng xoắn vào nhau như hái hoa. Vừa xong, đôi bên lùi lại quờ rộng thành vai ra bái nhau, thế mà chỉ một chớp mắt vừa chớm vào vật, còn đương lừa tay vít vai, chưa tỳ, chưa chèn, bỗng vụt một cái, đô lò cõi Bính đã ngã quay”[22].
An Tiêm lại mang danh rạng rỡ về cho Bãi Lở.
4. Thi cỗ nén - phần thi chốt hạ.
Cỗ nén là gì vậy? Chữ nén gây tò mò. Theo tác giả Đảo Hoang, cỗ nén là cỗ có cơm nén, bao gồm các món sau:
1. Cơm nén bọc lá chuối là cơm nắm như cách gọi mộc mạc lâu nay.
2. Bánh dày trắng mỡ
3. Bánh chưng buộc từng cặp.
4. Chè kho mật mía rắc vừng
5. Giò hoa, giò lụa, giò mỡ.
6. Chả ướp quế không rán, đắp quanh ống bương rồi nướng.
7. Rượu nếp cẩm nút lá chuối.
8. Mâm ngũ quả với chủ lực là cam đường ven sông Cái.
9. Nước chè tươi.
Vua và gia đình, cùng các quan đến nếm cỗ Bãi Lỡ trước, rồi khen và ở lỳ đến chiều, không ghé bếp các vùng khác có các món sơn hào hải vị nữa. Điều đó đã khẳng định, người dân Bãi Lở với thực đơn cỗ nén bình dị, dân dã như vậy lại chiến thắng ở trận chốt hạ, giã hội.
Nhưng tại sao Tô Hoài lại để phần thi này cuối cùng? Có thể do cỗ nén có nhiều món ăn để lâu được và mang về được. Đó là dụng ý của ban tổ chức cuộc thi (tức tác giả), sau cuộc thi là quan khách, các đội thi, thậm chí có thể cả người xem hội cũng có quà mang về. Do đó, những món quà này thật nhiều ý nghĩa.
Các làng văn hóa thi cắm trại tại lễ hội Mai An Tiêm, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tháng 4 năm 2013. Nguồn ảnh minh họa: vanhoadoisong.vn.
Xin mời đón đọc
Cảm nhận đọc Đảo Hoang của Tô Hoài - Phần 2: Cốt truyện ly kỳ và hấp dẫn - Kỳ 3: Vừa được khen thì bị đày ra đảo. Ba nơi cư ngụ đầu tiên. Cơn bão rồng cuốn kinh sợ. Bắt đầu cuộc sống tự lập của cậu bé Mon mới hơn 10 tuổi với hai chú gấu.
Ba Cang
Xem thêm
[1] Lĩnh Nam Chích quái của Vũ Quỳnh - Kiều Phú, NXB Văn hóa, Hà Nội 1960. Bản dịch của Đinh Gia Khánh - Nguyễn Ngọc San.
Tiểu thuyết Quả dưa đỏ của Đỗ Nam Tử - Nguyễn Trọng Thuật – Nghiêm Hàm ấn quán, Hà Nội 1927.
Sự tích quả dưa hấu – Nguyễn Đổng Chi.
v.v…
[2] Có thể vùng này thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày nay? Chờ xem thêm tại Phần 3: Đảo Hoang của cây viết tài năng Tô Hoài - Kỳ 7: Kinh nghiệm sống, các trải nghiệm. Tính thời sự vẫn còn nóng hổi. Tiếng vang của Đảo Hoang, trang 36.
[3] Có nhiều nguồn dữ liệu ghi Vua Hùng đặt tên cho là Mai Yển, hiệu là An Tiêm.
[4] Có thể đây là sông Mã. Chờ xem thêm phần 3 - Đảo Hoang của cây viết tài năng Tô Hoài, kỳ 7: Kinh nghiệm sống, các trải nghiệm. Tính thời sự vẫn còn nóng hổi. Tiếng vang của Đảo Hoang, trang 36.
[5] Đảo Hoang, trang 8.
[6] Đảo Hoang, trang 8-9.
[7] Đảo Hoang, trang 12.
[8] Bộ là đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh như bây giờ. Xem thêm danh sách 15 bộ tại https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_Lang.
[9] Đảo Hoang, Trang 16
[10] Đảo Hoang, trang 19.
[11] Đảo Hoang, trang 18.
[12] Đảo Hoang, trang 21.
[13] Đảo Hoang, trang 22.
[14] Đảo Hoang, trang 22-23.
[15] Đảo Hoang, trang 23.
[16] Đảo Hoang, trang 24.
[17] Đảo Hoang, trang 25.
[18] Theo vietnamtourism.com.
[19] Theo sovhttdl.vinhphuc.gov.vn.
[20] Đảo Hoang, trang 26.
[21] Đảo Hoang, trang 26.
[22] Đảo Hoang, trang 28