4/8/15

Đồng Văn - cao nguyên hoa đá

ĐỒNG VĂN – CAO NGUYÊN HOA ĐÁ
(Ba Cang)- Trước chuyến đi Hà Giang, cứ nghe nói và suy đoán không căn cứ xác đáng, là ngại ngùng, là chần chừ.
Nay đi rồi mới biết…

Đồng Văn hoa đá cao nguyên
Hà Giang vùng núi sắc duyên mượt mà
Bạt ngàn ngô dáng nõn nà
Đường kia leo núi như là bức tranh.
(Ba Cang, 22/7/2015)
Khu vực các tỉnh miền núi tây bắc và đông bắc nước ta, tôi đi chưa được nhiều, nên sự hiểu biết về hai vùng này còn bị hạn chế lắm.
Đây là lần đầu lên Hà Giang, tôi được tiếp xúc với nhiều bà con người dân tộc H’mông, trong đó có gia đình người em.
Tôi đã nghỉ ở nhà riêng có, khách sạn có, ở Đồng Văn có, ở thành phố tỉnh lỵ Hà Giang có. Đã được thưởng thức các món ăn đậm đà bản sắc địa phương tại nhà cũng như tại quán. Tôi ưa lãng du, nên có máu lãng tử. Tôi xin được nói ngay, cảm nhận của tôi với chuyến đi Hà Giang vừa rồi là tuyệt vời và sâu lắng.
Lúc mới đến TP Hà Giang, vợ chồng cháu út con cô em đã có dự định bố trí tôi ở khách sạn gần nhà, lấy lý do là nhà cửa chật trội, tiện nghi sinh hoạt kém, bác là dân thành phố, lại ở Thái Lan về thăm. Hai vợ chồng cháu là công chức nhà nước được ít năm, làm việc ở hai cơ quan đều không có bổng lộc, nên thu nhập rất hạn chế. Mặt khác, đêm đó tôi lại có nhu cầu dùng Internet nhiều, trong khi nhà cháu không có wi-fi. Đó là sự chân thật hiếm có.
Bữa cơm tối, vợ chồng cháu thết tôi và chị dâu (mới xuống chơi hôm trước) món Cơm rang tại một phố có nhiều biển hiệu Cơm rang, phố Ngô Quyền, tại quán Tuyết Chiến. Tuy vậy, gọi thêm các món thịt gà, thịt lợn đều có cả. Món cay cay là rượu ngô, cháu đem từ nhà đi, một chai nhựa cỡ 2 lít, ra ý thử sức uống của bác. Còn bác đã được thưởng thức ở Hà Nội do mẹ cháu đem xuống cúng ông và biếu cả đại gia đình. Bác rất vui, nhưng cũng chỉ uống đuợc dăm ly thiệt tình cùng cháu, chứ tửu lượng hiện nay đã giảm trông thấy (“mà đau đớn lòng”, he he).
Sáng hôm sau tôi phải lên Đồng Văn chuyến sớm nhất. Lúc trả phòng vợ chồng nhân viên quản lý cùng con nhỏ đang say sưa ngủ, bị gọi dậy, anh chồng mắt nhắm mắt mở thu tiền phòng, nhận chìa khóa, mở cửa cho khách ra rồi đóng lại ngay, mà không cần kiểm tra phòng.
Ông khách đứng bơ vơ ngoài đường chờ phải hơn 20’ xe khách, cháu tôi đặt chỗ từ hôm trước, mới tới. Tay lái xe, người miền xuôi lên Hà Giang “công tác”, tuổi chưa đến 40, mập cỡ trên 90kg, hai cánh tay chạm trổ kín đặc, tóc hớt cao hiểu model của các bạn trẻ hiện nay. Tuy có vẻ bậm trợn vậy thôi, nhưng anh ta hiền lành, dọc đường, ở một điểm dừng chân, bẽn lẽn khi bị các bác tài khác trêu chọc. Cũng như mọi xe khách ở vùng này, kể cả xe chạy từ Tuyên Quang lên, đều đón khách tại nhà hoặc địa điểm nào đó mà khách yêu cầu.
Xe chạy được hơn chục cây số, có hai khách nữ hình như người dân tộc H’Mông lên xe. Một cô trẻ hơn, cỡ 35-37 ngồi cạnh tôi. Tôi bắt chuyện, biết tên là Mị, đã một nách 4 con, cách hai năm một, đứa lớn nhất 12, đứa út 6 tuổi. Cô nói tiếng Kinh quá kém, khó nghe, nên không nói chuyện được nhiều. Tôi đoán nhà cô vào loại nghèo, khát nước mà không dám mua chai nước, phải uống nhờ nước của phụ xe. Rồi hai người phụ nữ này xuống xe trước tôi.
Tôi xuống xe khi chưa tới thị trấn Đồng Văn. Tôi cất đồ xong, đứa cháu ngoại cô em chở tôi đến quán bà nó bán hàng. Đó là khu vực phía ngoài khu Nhà Vương, tức dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức, sau này là Vương Chí Sình.
Quán của cô chuyên bán đồ ăn dân dã là Mèn mén, Đậu chúa và Bánh ngô hấp.
Vừa đến, cô cháu gái đã mời ông thưởng thức trước bánh ngô hấp. Bánh lấy ra sớm, nên để ăn cho nóng cháu đặt trên vỉ nướng bằng than củi, giống như bán cho mọi người. Món này chấm đường kính trắng, khá ngon. Bữa cơm trưa có ngay 2 món còn lại vừa kể. Người H’Mông ăn hai món này như cơm với canh. Cô em cẩn thận, nấu thêm cơm bằng nồi cơm điện, vì sợ tôi ăn không quen. Vậy mà tôi chỉ “đả” hai món đó đến căng bụng mới thôi.
Đầu giờ chiều, cô con gái đầu và anh con trai thứ đưa bác vào tham quan Nhà Vương. Bình thường vé vào cửa là 10K, nhưng tôi có người nhà đưa vào, chỉ gật đầu chào với mấy người quản lý là OK, họ cũng cười lại rất tươi với mấy bác cháu tôi. Viết về Nhà Vương thì dài lắm và tôi thì cũng chụp ảnh khu di tích này khá nhiều. Tôi chỉ để ý nhất khu các phòng dành cho 4 bà vợ của ông chủ họ Vương. Phòng bà cả, bà hai ở dãy bên trái. Còn của bà ba, bà tư ở dãy bên phải. Tôi phát hiện ra rằng chỉ phòng bà cả, bà tư được bố trí nội thất tối thiểu là tương đối đầy đủ (với thực tế lúc tôi đang tham quan). Sự cân bằng trong mối quan hệ với các bà quả là rất tế nhị. Bà cũ nhất, bà mới nhất được đối xử ngang nhau. Đó là tôi suy luận như vậy. He he.
Cuối chiều hẹn anh con trai thứ chở bác lên thị trấn Đồng Văn thăm nhà anh trai trưởng. Vậy mà chờ hoài không thấy. Té ra, anh chàng đi công chuyện được tiếp rượu đến mức say xỉn, gặp trời mưa to không về được. Vậy là ông bác lỡ một dịp hàn huyên và nhậu lai rai với các cháu trai ở thị trấn Đồng Văn huyền thoại.
Bữa cơm tối, hai mẹ con cô cháu gái cả nấu thật ngon. Có thêm 3 cháu nội của cô em tham dự, là những nhân vật tạm trú thường xuyên cả ngày lẫn đêm trong dịp nghỉ hè. Trên tường nhà cháu có treo hai câu ca dao in trên giấy, tôi đọc thấy xúc động và thích thú.
Cánh cò cõng nắng cõng mưa
Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương.
Sáng hôm sau, anh chàng cháu đã tỉnh táo bình thường, tạ lỗi bằng cách chở bác đi thật sớm, làm ông bác phải vội vàng đánh răng rửa mặt.
Hai bác cháu bắt đầu rong ruổi trên con ngựa sắt nhắm thẳng đèo Mã Pí Lèng mà tiến. Mặt trời chưa ló, sương mù bay dăng dăng. Hai bên đường cứ chỗ nào tra được hạt ngô là chỗ đó có từng vạt, từng vạt ngô to nhỏ, rộng hẹp khác nhau. Ngô đang có trái, non già đủ cả.
Phía trước là các dãy núi cao chậm rãi trôi qua. Chiếc xe máy leo dốc không đến nỗi vất vả. Tôi ngồi sau, lúc trò chuyện với cháu, lúc tranh thủ chớp vài kiểu ảnh. Anh chàng này kể chuyện cảnh đẹp Mã Pí Lèng nói riêng, Đồng Văn nói chung thì ít, mà kể các chuyện làm ăn, ở ta, ở bên kia biên giới thì nhiều với giọng rất am hiểu, trải đời và dáng vẻ dân anh chị. Tôi nghe, thỉnh thoảng đế vài câu cho thêm phần rôm rả. Như gặp được người đồng cảm, anh chàng lại hào hứng kể thêm.
Đến đỉnh Mã Pí Lèng, khi cửa hàng quốc doanh dịch vụ du lịch mởi mở cửa và đang thực hiện công đoạn mỗi buổi sáng sớm là chuẩn bị bán hàng. Mấy sạp bán rong ở bên ngoài cũng vậy. Anh cháu dẫn tôi đi vào cửa hàng để đi xuống cầu thang rồi leo lên cầu thang trôn ốc đến khoang tròn đứng ngắm cảnh. Đứng ở đây nhìn thẳng xuống phía dưới hơi choáng ngợp vì độ cao. Nhưng nhìn ra phía trước và xung quanh thì phong cảnh thật tuyệt vời. Nó hùng vĩ và thi vị làm sao. Con sông Nho Quế nhìn nhỏ xíu uốn lượn lờ dưới vực sâu, trên nó là các quả núi đá cao vời vợi.
Lúc này sương mù dày đặc, tạo thêm những đám mây bồng bềnh thiệt đẹp. Quả không hổ danh là một "Tượng đài Địa chất" với tên gọi là Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Trên đường về chúng tôi mới đi qua thị trấn Đồng Văn. Một thị trấn nhỏ, lạ mắt, nhiều cái độc đáo. Có hai cô gái đứng lắc vòng trước 2 cửa hiệu tạp hóa của gia đình. Cái vòng với những quả bi gỗ to tổ bố, mà các cô lắc được, thiệt tài. Quầy ATM của Agribank, trả tiền với mấy loại mệnh giá vừa to vừa nhỏ, 500K có, 100K có, 50K có và 10K có cả, chắc là phù hợp với khả năng chi tiêu của người địa phương, tôi đoán vậy. Hai bác cháu ghé quán cháo gà theo ý của cháu. Quán có các món nhậu khác, nhưng không có bia, phải đi lấy tại đại lý gần đó theo nhu cầu của cháu tôi – cơn thèm bia bất chợt sau cú say tối hôm qua.
Ăn xong, hai bác cháu ghé nhà anh trai trưởng. Nhà mặt phố nhỏ, 3 tầng xinh xắn. Công chức thường thường bậc trung mà xây được ngôi nhà như vậy là quá tốt.
Tạm biệt thị trấn Đồng Văn. Tôi giục cháu về cho kịp dự phiên chợ Sà Phìn sáng nay. Chợ phiên đông đúc người và hàng hóa. Các bà, các cô, các cháu gái tươi roi rói trong bộ đồ mới. Tôi đi quanh chợ khoảng 3-4 vòng, vừa mua thêm đồ ăn cho bữa trưa – tôi muốn vậy mà, vừa ngắm cảnh chợ luôn. Tôi rất tiếc không kịp chụp cảnh một bà lưng đeo gùi hàng, vai vác một chú ỉn nho nhỏ đang kêu eng éc thiệt vui tai. Rất muốn ngồi uống rượu bằng bát với các ông các anh đi chợ mà không dám vì sợ say, về không ăn được cơm cùng với cả nhà. Tôi cũng ghé qua khu vực bán lợn, bán vịt, bán bò và cả bán ngựa nữa. Thật độc đáo và sinh động. Mấy chú lợn, nàng lợn cứ dậm chân quanh vũng bùn nho nhỏ, mặc mọi người ngắm nghía và đưa giá. Đám bò vàng cứ nhẩn nha nhai cỏ dưới nắng vàng ven con đường nhỏ lên núi cạnh chợ. Cháu tôi định cưỡi thử một con ngựa có đóng yên hẳn hoi, nhưng rồi không dám. Ở một sạp thịt lợn, có chai rượu ngô, chủ sạp là đàn ông sẵn sàng mời một ly với khách cũng là đàn ông. Cả khách chủ đều vô tư uống và đưa đẩy chuyện trò dăm câu.
Ăn cơm trưa xong, tôi bắt xe khách đã hẹn trước xuôi về thành phố Hà Giang. Tôi nói vui với cả nhà lúc chia tay, còn mấy món chưa được thưởng thức như thắng dền, rêu nướng, thịt trâu gác bếp, cháo ẩu tấu, khẩu nhục…, một số nơi chưa đến như Chợ tình Khâu Vai, Cột cờ Lũng Cú… sẽ là lý do lần sau tôi quay trở lại với Hà Giang, với Đồng Văn mến yêu.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ HÀ GIANG
 
Chợ Phố Cáo trên đường từ Hà Giang lên Đồng Văn.

Một cây cầu ở TP Hà Giang.

Bánh ngô hấp chấm đường.

Mèn mén và đậu chúa là 2 món địa phương chủ đạo.

Cổng ngoài vào Nhà Vương.

Cổng chính Nhà Vương.

Phòng làm việc Nhà Vương.

Gian bếp Nhà Vương.

Một dãy núi đá Đồng Văn.

Dòng sông Nho Quế ở cao nguyên Đồng Văn, nhìn từ đỉnh Mã Pí Lèng, sáng sớm mù sương.

Chợ Sà Phìn khi chưa họp phiên.

Sạp vải, quần áo chợ phiên Sà Phìn.

Sạp quần áo chợ phiên Sà Phìn

Cơm xôi chợ phiên Sà Phìn.

Một quán nước chợ phiên Sà Phìn.

Ngựa bán tại chợ phiên Sà Phìn.

Bò bán tại chợ phiên Sà Phìn.

Lợn bán tại chợ phiên Sà Phìn.

Một sạp thịt lợn tại chợ phiên Sà Phìn. Chủ hàng sẵn sàng mời rượu người mua.

Bài và ảnh: Ba Cang
04/8/2015