25/8/13

БОРИС И ТАНЯ – 5 (Chuyện tình của chàng Narot và nàng Sochi)

Đáng lý ra, bài này theo đề cương là chỉ được viết sau khoảng 4-5 bài nữa của 4 kỳ thiên truyện БОРИС И ТАНЯ đã đăng trên BA CANG blog (3cang.blogspot.com).
Nhưng mới hôm qua, các bạn cũ hồi ở Leningrad gặp lại, tứ xứ hội tụ nên chuyện trò rất xôm, thậm chí inh ỏi. Về tuổi tác là cùng trang lứa, đều đã về hưu hoặc mới nghỉ
hưu, hầu hết đã lên ông lên bà. Vậy mà vẫn cứ mày tao, chòng ghẹo nhau với những chuyện cũ cách đây đã trên dưới 40 năm.
Du học sinh Việt Nam tại Liên Xô 1970-1975. Ảnh minh họa: th3d.blogspot.com

Với Boris nhóm bạn này cùng thời nhưng khác trường. Có người là bạn thân, hoặc hơi thân, hoặc chỉ biết nhau. Người bạn mà Boris muốn kể như là nhân vật chính của câu chuyện kỳ này.
Chàng Narot
Chàng có tên rất mộc mạc và dễ gần như bản chất của bạn đó vậy, gọi theo tiếng Nga na ná như народ (đọc là “Na rốt”, viết là Narot cũng được). Narot chính là một trong 2 người bạn đã sang giúp nhóm Việt Nam trường của Boris học đàn ghi ta (như đã có giới thiệu ở Kỳ 2 của Thiên truyện БОРИС И ТАНЯ). Cái vui là kẻ biết ít dạy đứa chưa biết gì như Boris chẳng hạn. Vậy rồi cả bọn cũng dám vác đàn ra “biểu diễn” như ai ở hành lang trong “ốp” (ký túc xá).
Narot có điều kiện sử dụng thường xuyên tiếng Nga hơn nhiều bạn khác là do đã quay trở lại xứ sở Bạch Dương để kinh doanh một thời gian tương đối dài, khoảng hơn 10 năm.
Sự nghiệp kiếm vợ
Một lần trong thời gian đó, không biết vì sao, Narot không nhớ nữa, tình cờ gặp một bạn gái người Việt đang lao động “hợp tác”. Bạn gái này có tên gợi nhớ một thành phố biển Việt Nam đẹp và nổi tiếng như Сочи (Sô chi) của miền nam nước Nga. Tạm gọi nàng là Sô Chi (viết là Sochi cho gọn).

Thành phố nghỉ mát Sô chi. Ảnh: Internet

Không biết Narot cưa cẩm thế nào mà Sochi đã như muốn “đổ”. Narot nhận được lá thư rủ rê của Sochi, hẹn gặp ở thành phố quê hương nàng vì nàng sắp hết hạn hợp đồng lao động rồi. Narot sau một hồi suy nghĩ mông lung, đã quyết định bỏ lại sự nghiệp kinh doanh, trở về VN để… tìm nàng. Một quyết định được nhiều người đánh giá là “hết sức kỳ cục”. Cái cực cho Narot là trong thư nàng không cho địa chỉ cụ thể. Chàng chỉ nhớ mang máng tên đường nơi có nhà của nàng, nàng ở cùng cha mẹ, có 3 chữ, hoặc tên này, hoặc tên kia. Hình như đó là sự thử thách “đáng ghét” của nàng. Vậy mà chàng cũng tìm ra được. Đó là cú ghi điểm ấn tượng đầu tiên của chàng với nàng và cả gia đình nàng.
Cha nàng là người “tâm trạng”. Thuở trước, ông có tham gia quân lực VNCH, lon thấp, cỡ trung úy thôi. Sau 30/4/1975, ông ở lại, không di tản. Rồi ông phải đi cải tạo. Có lẽ vậy, ông rất dị ứng với “người bắc kỳ”, “tiếng bắc”. Trời xui đất khiến thế nào mà cô con gái cưng 22 tuổi, dám trình diện một anh bắc kỳ chính hiệu, “già đanh”, mặt mũi “nửa ngổ ngáo, nửa ngây ngô”, hơn con gái mình những 14-15 tuổi lận. Khỏi nói là… thôi rồi, ông không thèm tiếp, đến liếc xéo cũng không. Vậy mà anh chàng Narot trổ tài thế nào, sau đó “ông già” chịu ngồi nói chuyện. Thậm chí anh chàng còn cả gan tranh luận, tại sao lại ác cảm với người bắc kỳ, v.v… và v.v… Rồi nữa, để cho chắc ăn, chàng Narot còn “tán”, mời được ông cậu lúc đó đang giữ lon thiếu tướng QĐNDVN, từ Sài Gòn ra gặp bằng được ông già nàng để nói chuyện cho… ra môn, ra khoai. Nể quá, gia đình “người ta” cấp cao quá, không môn đăng hậu đối với mình, lại ra tận nơi ghé thăm, nói chuyện. Cuối cùng, ông đành buông xuôi. Vậy là thành công “sự nghiệp kiếm vợ”.
Nghe bạn kể mà Boris mắt tròn mắt dẹt vì khâm phục. Một kỳ tích, Narot giống như Sơn Tinh trong truyền thuyết ngày xửa ngày xưa. Cả bọn cùng nghe vỗ tay tán thưởng rào rào. Còn nàng Sochi liếc chồng, mặt cứ “vênh” lên vì khoái.
Không lên "thiên" đâu!
Chàng Narot kể tiếp về một người bạn thân của cả hai vợ chồng. Chuyện là cách đây 5 năm, Narot mắc bệnh nặng tưởng lên “thiên” rồi. Narot nằm ở bệnh viện 7 tháng, ngày nào người bạn đó cũng ghé thăm. Narot tâm sự hỏi thẳng bạn, “Sao mày tốt với tao quá vậy?”. Anh bạn cười bả lả, “Tốt gì đâu, mày lên “thiên” là tao “được gánh” trách nhiệm chăm sóc vợ trẻ con xinh của mày thay mày”. Narot giật mình, nói ngay với vợ, “Sochi ơi, anh chẳng lên “thiên" đâu, hàng ngày chỉ ngắm mấy cái nén nhang trên bàn thờ thì chán lắm”. Vậy là bệnh chạy lui, mất tăm.
Nghe và nhìn cái mặt anh chàng Narot kể chuyện dí dỏm, Boris liên tưởng nhớ tới danh hài Nga Jury Nikulin. Hình như, cũng hơi… giông giống. Sau cú bệnh này, có cái hay, chàng Narot còn “giúp” nàng Sochi có thêm đứa con nữa. Boris hỏi Sochi, “Toàn bộ câu chuyện đúng vậy không?”. Nàng hãnh diện, miệng đưa đẩy, mắt hấp háy, “Chính xác 100% luôn”. Tuyệt cho cả hai chưa!
Danh hài Юрий Никулин (18/12/1921– 21/8/1997). Ảnh: Internet.
Tình yêu với nước Nga
Chuyện thứ ba, còn khâm phục gấp bội. Chàng Narot lọ mọ, tự làm 4 đĩa video clip về ca nhạc Nga với 4 chủ đề khác nhau. Đại khái, đĩa thứ nhất về các bài ca liên quan lịch sử nước Nga giai đoạn Thế chiến I đến hết Thế chiến II. Đĩa thứ hai, các giai điệu Tổ quốc Nga. Đĩa thứ ba, các bài tình ca Nga thời du học. Đĩa cuối, các bài tình ca hiện đại, khoảng thời gian sau 1991 đến nay (hậu Xô Viết).
Hình minh họa bài hát Lenka. Ảnh: Internet.

Narot cho biết, mất công nhất là việc sưu tầm theo mong muốn. Ví dụ, bài hát ra đời thời kỳ nào phải có video clip màu hoặc đen trắng của thời kỳ đó, nếu có chữ Nga chạy nữa thì càng tốt. Có những bài, trình diễn hay nhưng hình không đẹp hoặc kém nét. Vậy là phải tìm đi tìm lại nhiều lần. Có những bài có kích cỡ gốc không đồng nhất nên để ghép được với nhau, lại phải xử lý kỹ thuật rất mệt.
Trong quá trình biên tập, chàng Narot có gửi bản nháp tới một số bạn bè để tham khảo ý kiến. Chàng tiếp thu và có chỉnh sửa. Nay đang giai đoạn hoàn thiện.
Ai nấy đều trầm trồ: “Kỳ công quá!”. Chàng Narot bẽn lẽn, “Kỳ công vậy mà mọi người chịu nghe cho đến hết là sướng rồi”. Narot sẽ gửi tặng bạn bè bộ đĩa sau khi hoàn chỉnh.
Bài Cachiusa tiếng Việt. Ảnh minh họa: Internet.

Lúc đó, An Bường sẽ rất hân hạnh giới thiệu với bạn đọc công trình đáng khâm phục này.
Chàng Narot với bộ đĩa ca nhạc, quả là một tình yêu có thứ hạng cao với nước Nga.

 (Còn nữa)

An Bường
25/8/2013

Xem thêm: